backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

7 tác hại của nước tăng lực với trẻ vị thành niên, bố mẹ đã biết?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    7 tác hại của nước tăng lực với trẻ vị thành niên, bố mẹ đã biết?

    Ngoài nước ngọt thì các bạn trẻ ngày nay, nhất là trẻ trong độ tuổi vị thành niên khá ưa dùng nước tăng lực. Theo thống kê, có đến 1/3 thanh thiếu niên từ 12–17 tuổi tiêu thụ thức uống này một cách thường xuyên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khỏe thì có rất nhiều tác hại của nước tăng lực trên đối tượng này. 

    Dựa trên nghiên cứu được đăng tải trên chuyên san Nutrition Education and Behavior, người ta nhận thấy giới trẻ ngày nay khá dễ bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo nước tăng lực trên các phương tiện truyền thông. Từ đó, các em sẽ có thái độ dễ chấp nhận loại thức uống này hơn.

    Theo đó, các bậc phụ huynh ngày nay cần nhận thức rõ tác hại của nước tăng lực để đưa ra lời khuyên, cũng như những biện pháp nhằm hạn chế việc tiêu thụ món đồ uống “hại nhiều hơn lợi” này.

    Có gì trong chai nước tăng lực mà khiến giới trẻ mê mẩn đến vậy?

    vì sao trẻ vị thành niên thích đồ uống tăng lực

    Câu trả lời nằm ở hương vị thơm ngon, giá thành rẻ, kiểu dáng thời thượng, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi tốt và quan trọng hơn nữa là những sản phẩm này rất dễ tìm mua ở khắp mọi nơi. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến các “teen” nhà mình sẵn sàng móc hầu bao cho món đồ uống này mỗi ngày.

    Trong hầu hết các cuộc khảo sát, đa số trẻ vị thành niên thường trả lời họ có xu hướng lựa chọn nước tăng lực mỗi khi cảm thấy uể oải, lờ đờ hay cần bổ sung năng lượng cho các hoạt động sắp diễn ra.

    Bí quyết “tăng lực” nằm ở chỗ thành phần trong mỗi sản phẩm thường chứa khá nhiều đường (khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành glucose rồi tạo năng lượng) giúp cơ bắp hoạt động hiệu quả. Kế tiếp phải kể đến những chất như inositol, taurine, adenosine, đặc biệt là caffeine – tác nhân kích thích thần kinh trung ương làm cho người dùng cảm thấy hưng phấn, sảng khoái tinh thần.

    Dựa trên những thành phần cơ bản vừa nêu, bạn hoàn toàn có thể nhận thấy thức uống này không hề cung cấp các dưỡng chất thiết yếu. Nếu xét trên khía cạnh tác dụng bù nước cũng không thể liệt nó vào nhóm sản phẩm phù hợp. Hơn nữa, caffeine trong loại nước này cũng có thể khiến một số trẻ bị mất ngủ hoặc loạn nhịp tim nếu chẳng may cơ thể không dung nạp tốt.

    Các dạng nước tăng lực thường thấy trên thị trường

    Sơ qua vài thông tin trên, bạn có thể nhận thấy phần nào tác hại của nước tăng lực với sức khỏe. Có khá nhiều loại thức uống bổ sung năng lượng trên thị trường, nhưng phổ biến nhất là hai dạng:

  • Loại đóng chai hoặc lon tương tự như với nước ngọt
  • Chai dung tích nhỏ hay còn gọi là “energy shots”
  • Dạng thứ hai thường không phổ biến ở nước ta và có hàm lượng caffeine cao hơn hẳn so với loại thông thường. Việc nạp quá nhiều caffeine lâu ngày có thể dẫn đến vấn đề cao huyết áp ở thanh niếu niên, thậm chí còn làm suy yếu sức đề kháng của trẻ.

    7 tác hại của nước tăng lực với trẻ vị thành niên bạn cần biết

    Như đã đề cập sơ lược trước đó, tác hại của nước tăng lực phần lớn đến từ caffeine và các phụ phẩm khác, cụ thể là:

    1. Tăng nhịp tim

    Về lý thuyết, caffeine có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh, làm gia tăng lưu lượng máu về tim và kích thích trung tâm hô hấp.

    Thông qua một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 và đăng tải trên tạp chí Canadian Journal of Cardiology, người ta nhận thấy việc lạm dụng nước tăng lực ở trẻ thành niên làm gia tăng nguy cơ mắc các biến chứng ở tim mạch, đặc biệt với những trẻ vốn đã có sẵn bệnh tim.

    2. Gia tăng nguy cơ béo phì

    tác hại của nước tăng lực là béo phì

    Sự kết hợp giữa đường và caffeine khiến nước tăng lực trở nên nguy hại hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, caffeine có khả năng gây nghiện, một khi đã trở thành “tín đồ” của thức uống này, trẻ sẽ dễ gặp phải tình trạng béo phì.

    Căn bệnh này tạo khá nhiều cơ hội cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn xuất hiện như bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ.

    3. Gây tăng động ở trẻ

    Sở dĩ thức uống này trông bắt mắt là nhờ sử dụng chất tạo màu tổng hợp. Tuy nhiên những thành phần này lại có liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ. Đây cũng là một trong số những tác hại của nước tăng lực được khá nhiều phụ huynh quan tâm. Bởi trẻ gặp tình trạng này đều không thể ngồi yên, gây ảnh hưởng đến việc học tập.

    4. Gây đau đầu và thay đổi tâm trạng

    trẻ vị thành niên bị đau đầu

    Tác hại của nước tăng lực này đến từ guarana, một thành phần phổ biến được ưa dùng khác. Chất này có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, đôi khi có thể giảm sự thèm ăn ở trẻ. Tuy nhiên, một vài ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại có thể liệt kê ra như: mất ngủ, đau đầu và thay đổi tâm trạng.

    5. Làm mất nước

    Quay trở lại với caffeine, ngoài làm tăng nhịp tim, chất này còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Điều này đồng nghĩa với việc sự có mặt của nó trong cơ thể sẽ kích thích thận tăng tạo nước tiểu nhiều hơn.

    Nếu chẳng may trẻ nạp quá nhiều chất này cùng lúc thì tình trạng mất nước có thể xảy ra. Tác hại của nước tăng lực thường xuất hiện khi trẻ mới lần đầu dùng sản phẩm này và không biết cách bù nước.

    6. Rối loạn giấc ngủ

    rối loạn giấc ngủ ở trẻ vị thành niên

    Trẻ vị thành niên nếu tiêu thụ nước tăng lực thường xuyên sẽ có nguy cơ đối mặt với chứng rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này cũng khiến trẻ thiếu tập trung, cũng như suy giảm khả năng tiếp nhận thông tin ở trường học.

    Theo các chuyên gia, những thanh thiếu niên bị rối loạn giấc ngủ có thể hình thành những thói quen không tốt trong tương lai, chẳng hạn như hút thuốc lá hoặc dùng rượu, bia.

    7. Làm hỏng men răng

    Hầu hết trong các sản phẩm nước tăng lực đều có axit citric, một tác nhân khiến men răng bị ăn mòn. Nghiên cứu so sánh giữa thức uống tăng lực với nước uống thể thao cho thấy loại đầu tiên có khả năng hòa tan men răng hơn gấp 2 lần. Nhìn chung, để đảm bảo sức khỏe răng miệng, bạn cần tránh xa các loại nước uống có đường.

    Nếu bất kỳ đồ uống năng lượng nào chứa caffeine hơn 500mg thì độc tính của caffeine có thể xảy ra.

    Nước tăng lực cho trẻ vị thành niên, dùng bao nhiêu thì ổn?

    tác hại của nước tăng lực do caffein

    Thực tế, không có bất kỳ khuyến cáo cụ thể nào về vấn đề dùng nước tăng lực bao nhiêu là an toàn. Nhiều trẻ vị thành niên lại nghĩ rằng nếu uống càng nhiều thì cơ thể sẽ càng tỉnh táo và hiệu suất học tập, làm việc theo đó cũng được cải thiện. Thế nhưng, trẻ hoàn toàn không hiểu rằng việc này rất có hại cho sức khỏe.

    Các chuyên gia cho biết, lượng caffeine mà chúng ta có thể tiêu thụ phụ thuộc phần nhiều vào yếu tố tuổi tác. Với trẻ thành niên, đối tượng này cần tránh dùng quá 100mg caffeine mỗi ngày. Việc xác định lượng chất này cũng khá dễ dàng, bởi con số caffeine được thể hiện rõ thông qua nhãn thực phẩm trên mỗi chai hoặc lon nước tăng lực.

    Nếu thỉnh thoảng dùng thì thức uống này không hoàn toàn gây hại. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con không nên biến việc này thành thói quen hằng ngày.

    Mỗi chai/lon tăng lực thường có từ 60–90mg caffeine, con số này tương đương với 1 cốc cà phê espresso cỡ vừa. Theo đó, mức caffeine khuyến nghị ở lứa tuổi thanh thiếu niên là không quá 100mg mỗi ngày. Nếu dùng quá 400mg mỗi ngày được gọi là quá liều và trẻ có thể gặp một số triệu chứng như mất ngủ, lo âu…

    Không thể phủ nhận, nước tăng lực là cứu cánh hữu hiệu cho những tình huống cần sự tỉnh táo, tập trung tức thì. Thế nhưng, những tác hại mà loại thức uống này mang lại cho cơ thể, nhất là với trẻ vị thành niên, cũng không nên xem nhẹ. Thay vì cho tiền con dùng những loại đồ uống không có lợi này, các bậc phụ huynh có thể tập cho con thói quen sống khỏe bằng cách dùng trà thảo mộc hoặc nước ép trái cây thay thế.

    Minh Phú/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo