backup og meta

Mất thính lực ở trẻ em: Phân loại và cách điều trị

Mất thính lực ở trẻ em: Phân loại và cách điều trị

Đa số các trường hợp mất thính lực ở trẻ em đều có thể phòng ngừa được. Những phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp các bé phục hồi suy giảm thính lực.

Mất thính lực có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng nếu xảy ra ở những năm tháng đầu đời của bé sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng sau này. Thính giác chính là nền tảng để phát triển tiếng nói, chỉ khi nghe bình thường, bé mới nói rõ ràng được. Do đó, nếu bé nghe kém khi còn nhỏ, bạn cần phải chú ý đến bé nhiều hơn, vì ngay cả việc mất thính giác tạm thời trong thời thơ ấu cũng khiến bé khó tiếp thu ngôn ngữ.

Đôi nét về tình trạng mất thính lực

Hầu hết các bé đều trải qua giai đoạn mất thính lực nhẹ do dịch tích tụ ở tai giữa khi bị dị ứng hay cảm lạnh. Tình trạng này chỉ mang tính tạm thời và sẽ trở lại bình thường khi bé hết cảm lạnh và dị ứng, khi đó vòi Eustachian (ống nối giữa tai và cổ họng) sẽ thải chất lỏng còn lại vào cổ họng. Khoảng 1/10 trẻ em bị nhiễm trùng chất lỏng này do gặp vấn đề với vòi Eustachian.

Những bé mắc phải thường không có khả năng nghe tốt như bình thường và đôi khi còn bị chậm nói. Một loại ít phổ biến hơn nhưng gây nguy hiểm cho sự phát triển ngôn ngữ là tình trạng mất thính giác vĩnh viễn, nhẹ thì chỉ mất thính giác ở 1 bên tai, còn nặng thì cả 2 bên.

Có 2 loại mất thính lực:

  • Nghe kém dẫn truyền: do gặp vấn đề với ống tai, màng nhĩ, tai giữa và các xương nhỏ trong lỗ tai (xương búa, xương đe và xương bàn đạp);
  • Nghe kém tiếp nhận: do gặp vấn đề bên trong lỗ tai (loại này còn được gọi là mất thính giác liên quan thần kinh).

Mất thính lực dẫn truyền

Nguyên nhân:

  • Sự biến dạng của tai ngoài, ống tai hoặc cấu trúc của tai;
  • Chất lỏng trong tai giữa do cảm lạnh;
  • Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa – nhiễm trùng tai giữa, trong đó có sự tích tụ dịch có thể gây cản trở chuyển động của màng nhĩ và các xương nhỏ);
  • Dị ứng;
  • Vòi Eustachian giảm hoặc rối loạn chức năng;
  • Thủng màng nhĩ;
  • U lành tính;
  • Tắc nghẽn ráy tai;
  • Nhiễm trùng ống tai;
  • Nước trong tai;
  • Các chấn thương (ví dụ như vết nứt sọ);
  • Chứng xơ cứng tai.

Phương pháp điều trị nghe kém dẫn truyền

Có 2 loại nghe kém dẫn truyền là khiếm khuyết thiếu ống tai bẩm sinh (ống tai mất chức năng khi sinh) và bị dị dạng (rối loạn chức năng các cấu trúc tai giữa). Tất cả các khiếm khuyết trên đều có thể chữa trị bằng phẫu thuật. Nếu bệnh nhân không thích hợp để phẫu thuật thì có thể thay thế bằng máy trợ thính dẫn truyền xương, dùng một thiết bị phẫu thuật ghép xương (ví dụ như hệ thống Baha hoặc Ponto) hoặc sử dụng máy trợ thính thông thường. Việc chọn cách điều trị nào tùy thuộc vào tình trạng của dây thần kinh thị giác.

Bác sĩ sẽ điều trị nhiễm trùng cấp tính bằng thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm. Nếu bị nhiễm trùng tai lâu ngày và khối u thì phải phẫu thuật. Việc điều trị dịch tai truyền nhiễm mạn tính cần dùng đến kháng sinh, còn không mạn tính thì phải tiến hành phẫu thuật hoặc dùng ống cân bằng áp lực.

Nếu tai bị tổn thương do chấn thương đầu, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật sửa chữa các cấu trúc tai bị tổn thương khi bệnh nhân đã ổn định sau các chấn thương cấp tính.

Một dạng di truyền của bệnh nghe kém dẫn truyền là chứng xơ cứng tai, trong đó xương bàn đạp (xương nhỏ thứ 3 ở tai giữa) bị cố định dẫn đến âm thanh không thể đến tai giữa. Xơ cứng tai thường biểu hiện cùng chứng suy giảm thính lực ở tuổi trưởng thành. Để điều trị chứng xơ cứng tai, bạn cần phẫu thuật cắt bỏ thay thế các xương bất động bằng một bộ phận giả hoặc sử dụng máy trợ thính.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, virus bệnh sởi gây cứng các xương ở những người có khả năng di truyền chứng xơ cứng tai. Vì vậy, bạn phải cho con tiêm phòng sởi để giảm nguy cơ. Xơ cứng tai thường dẫn đến mất thính lực do gặp các vấn đề với tai ngoài và tai giữa. Bên cạnh đó, nó cũng có thể gây ra nghe kém tiếp nhận (các tế bào cảm giác hoặc các sợi thần kinh của tai trong bị hư hỏng) cũng như nghe kém dẫn truyền nhưng với tần số ít hơn.

Nghe kém tiếp nhận

Nguyên nhân

  • Tiếp xúc với tiếng ồn lớn;
  • Chấn thương đầu;
  • Virus hoặc bệnh;
  • Bệnh tự miễn ở tai trong;
  • Di truyền;
  • Tuổi già;
  • Tai trong dị dạng;
  • Bệnh Meniere;
  • Xơ cứng tai – rối loạn di truyền dẫn đến tăng trưởng xương khu vực xung quanh xương một xương nhỏ ở tai giữa, ngăn không cho nó rung khi kích thích bằng âm thanh;
  • Khối u.

Phương pháp điều trị nghe kém tiếp nhận

  • Khi bị chấn thương âm thanh, bạn cần điều trị bằng corticosteroid để làm giảm sưng và viêm các tế bào ốc tai nhằm cải thiện và chữa lành các cấu trúc bị thương;
  • Với các trường hợp nghe kém tiếp nhận do các chấn thương đầu hoặc thay đổi đột ngột áp suất không khí trên máy bay gây vỡ, rò rỉ chất lỏng vào tai, làm độc tai trong thì phải điều trị bằng phẫu thuật;
  • Bác sĩ sẽ điều trị nghe kém tiếp nhận do virus bằng corticosteroid;
  • Nếu bị nghe kém tiếp nhận trong vài tháng và bác sĩ chẩn đoán là bệnh tự miễn trong tai, bạn cần điều trị bằng corticosteroid kéo dài và kết hợp với liệu pháp dùng thuốc. Bệnh tự miễn ở tai trong xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công các cấu trúc của tai;
  • Khi bị nghe kém tiếp nhận không rõ nguyên nhân hoặc liên quan đến bệnh Meniere thì bạn cần áp dụng chế độ ăn kiêng, dùng thuốc lợi tiểu và corticosteroid. Các triệu chứng của bệnh Meniere gồm giảm thính lực, ù tai và chóng mặt. Nếu sau điều trị, bạn vẫn còn chóng mặt thì cần can thiệp bằng nhiều biện pháp phẫu thuật;
  • Nếu bạn bị nghe kém tiếp nhận do các khối u thì cần làm phẫu thuật cắt bỏ hoặc xạ trị. Nếu khối u nhỏ và tình trạng giảm thính lực mức độ nhẹ thì 50% bạn sẽ phục hồi;
  • Nghe kém tiếp nhận không hồi phục là dạng suy giảm thính lực phổ biến nhất và cần phải điều trị bằng máy trợ thính. Nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cấy ốc tai.

Khi nào bạn cần đưa con đi bác sĩ?

Sau đây là những dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo bạn nên đưa con đi khám:

  • Bé không giật mình với tiếng ồn lớn và không hướng về phía có âm thanh giai đoạn từ 3–4 tháng tuổi;
  • Bé không chú ý đến bạn cho đến khi nhìn thấy bạn;
  • Bé chậm nói hoặc nói khó hiểu, chỉ biết nói các từ đơn lẻ như “ba”, “ma” giai đoạn 12–15 tháng tuổi;
  • Bé không phản ứng khi được gọi;
  • Bé chỉ nghe được một số âm thanh nhất định;
  • Bé nghe kém và khó giữ đầu cố định, ngồi chậm và khó đi lại vì ở một số trẻ bị giảm thính lực, một bên tai điều khiển sự cân bằng và chuyển động của đầu cũng bị ảnh hưởng.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về tình trạng suy giảm thính lực ở trẻ để có cách chăm sóc con tốt hơn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hearing loss https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/ear-nose-throat/Pages/Hearing-Loss.aspx Ngày truy cập 01/07/2017

Hearing loss: types and causes http://www.hearingloss.org/content/types-causes-and-treatment Ngày truy cập 01/07/2017

Phiên bản hiện tại

03/07/2020

Tác giả: Đăng Lâm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Cao Nguyen Bich Vi


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 03/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo