backup og meta

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và cách chăm sóc tốt nhất

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và cách chăm sóc tốt nhất

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là bệnh rất thường gặp. Dù không gây nguy hiểm nhưng tình trạng này có thể gây đau đớn cho cả mẹ và bé.  

Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh (tưa miệng) rất phổ biến. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, những vết loang trong miệng sẽ lây lan nhanh và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Nguyên nhân nào gây tưa miệng ở trẻ sơ sinh? Làm gì khi bé bị tưa miệng? Hãy cùng Hello Bacsi đi tìm câu trả lời trong những chia sẻ dưới đây.

Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Bệnh nấm miệng hay tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là một dạng nhiễm khuẩn nấm miệng, làm xuất hiện các mảng nhầy màu trắng hoặc vàng ở trong má, vòm họng, nướu, trên môi và lưỡi. Ban đầu chỉ là những chấm trắng sau đó phát triển nhanh và lan xuống họng, amidan hay thực quản. Bệnh tưa miệng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và bé ở độ tuổi tập đi.

Dấu hiệu của bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Bạn có thể nhận biết trẻ có bị tưa lưỡi hay không bằng cách nhìn vào miệng bé. Bạn có thể nghi ngờ trẻ bị tưa lưỡi nếu thấy các mảng trắng hoặc vết loét trên lưỡi, nưới, bên trong miệng, khóe miệng bị nứt.

Lưỡi của bé cũng có thể có màu trắng do cặn sữa và tình trạng này thường biến mất trong 1 giờ sau bú mẹ. Tuy nhiên, để chắc chắn có phải là cặn sữa hay không, bạn hãy kiểm tra bằng quấn một miếng gạc quanh ngón tay, nhẹ nhàng lau sạch xem mảng trắng có biến mất hay không. Nếu biến mất thì bạn không cần lo còn nếu lưỡi bé trở nên đỏ, đau thì bạn đưa bé đi khám.

Bạn có thể bị lây tưa miệng từ bé nếu núm vú có cảm giác đau, rát, da bị ngứa, bong tróc và có thể cảm thấy đau nhói trong hoặc sau khi cho con bú.

Mách mẹ cách trị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Trẻ bị tưa lưỡi có nguy hiểm không là thắc mắc rất thường gặp. Tưa lưỡi không phải là bệnh nguy hiểm nhưng có thể khiến bé quấy khóc, khó chịu, làm ảnh hưởng đến việc bú mẹ.

Nếu kết quả chẩn đoán là bệnh tưa miệng thì bác sĩ sẽ kê thuốc tưa lưỡi, thường là nystatin dạng nhỏ hoặc gel. Bạn có thể quấn một miếng băng gạc lên ngón tay, nhúng vào một ít dung dịch nystatin và lau nhẹ từ trong ra ngoài mặt trên của lưỡi. Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh sẽ khỏi sau khoảng 2 tuần. Khi đánh tưa lưỡi cho bé, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Không đưa ngón tay vào quá sâu vì có thể gây kích thích cổ họng, khiến bé bị nôn trớ
  • Thực hiện trước mỗi bữa ăn 30 phút để bé tránh bị nôn trớ
  • Không dùng mật ong đánh tưa lưỡi cho bé dưới 12 tháng tuổi
  • Không tự ý dùng thuốc trị tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh nếu không được bác sĩ chỉ định
  • Không cậy tưa lưỡi vì có thể gây chảy máu, nhiễm khuẩn.

Bác sĩ cũng có thể cho bé dùng thêm acetaminophen để giảm đau. Một số trẻ bị tưa lưỡi còn có khả năng bị nấm vùng mặc tã. Nếu bé thuộc trường hợp này thì bác sĩ sẽ kê thêm thuốc nystatin dùng cho vùng tã.

Nếu bạn đang cho con bị bệnh tưa miệng bú thì nên dùng thuốc nystatin hoặc clotrimazole ở chỗ núm vú bị nấm để mẹ và con không truyền bệnh qua lại cho nhau. Hãy đi khám nếu thấy bệnh vẫn chưa dứt hẳn.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc trị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh, bạn có thể thử một số biện pháp chăm sóc tại nhà để giúp bé nhanh hồi phục:

Baking soda: Cho nửa thìa vào cốc nước đun sôi để nguội, sau đó dùng gạc lau dung dịch vào bên trong miệng

– Tinh dầu tràm trà. Nhỏ 1 hoặc 2 giọt tinh dầu tràm trà vào nửa cốc nước đun sôi để nguội và dùng gạc lau thoa lên lưỡi cho bé.

– Dầu dừa nguyên chất. Một nghiên cứu cho thấy dầu dừa có thể dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm, đặc biệt là Candida rất hiệu quả.

Trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi: Nguyên nhân do đâu?

tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

“Thủ phạm’ chính gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là do nhiễm nấm Candida. Bình thường, nấm Candida có mặt ở nhiều bộ phận trên cơ thể mà không gây ra bất cứ rắc rối nào. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà loại nấm này phát triển quá nhanh sẽ dẫn đến tưa lưỡi.

– Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tuần sau sinh. Nguyên nhân có thể là hệ miễn dịch của bé còn non nớt nên nấm dễ tấn công.

– Trẻ có thể bị tưa lưỡi sau khi điều trị bằng kháng sinh. Bởi thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi sinh vật gây hại mà có loại bỏ luôn cả những vi sinh vật có lợi trong ruột, khiến hệ vi sinh bị mất cân bằng và làm nấm phát triển nhanh.

– Ngoài ra, nếu mẹ bị nhiễm nấm âm đạo khi gần đến ngày dự sinh hoặc chuyển dạ, bé cũng có nguy cơ cao bị tưa lưỡi do tiếp xúc với nấm Candida khi đi qua kênh sinh.

– Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh có thể lây sang cho mẹ khi bú, khiến mẹ bị nhiễm khuẩn, gây đau núm vú. Ngược lại, mẹ có thể lây bệnh sang cho con nếu cho con bú và uống thuốc kháng sinh.

Một số người nghĩ rằng bệnh tưa miệng là do bé bú bình hay ngậm núm vú giả trong một khoảng thời gian dài, núm vú bình bú bị bẩn, không hợp vệ sinh gây ra. Tuy nhiên, những bé chỉ bú mẹ và không dùng núm vú giả vẫn có thể bị tưa miệng nên rất khó để chỉ ra một tác nhân cụ thể.

Ngăn ngừa bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Bạn không nên cho con uống các loại thuốc kháng sinh, ngoại trừ trường hợp thực sự cần thiết thôi nhé! Bạn nên vệ sinh và khử trùng núm vú thường xuyên, đồng thời vệ sinh miệng cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Các bác sĩ khuyên rằng, mẹ nên để núm vú khô ráo trước khi cho con bú để tránh bị mắc bệnh.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thrush in babies  https://www.babycenter.com/0_thrush-in-babies_92.bc Ngày truy cập 20/06/2017

Thrush symptoms http://www.webmd.com/oral-health/tc/thrush-symptoms Ngày truy cập 20/06/2017

Treating Thrush in Babies https://www.healthline.com/health/baby/thrush-in-babies Ngày truy cập: 25/3/2021

What Is Thrush in Babies? https://www.whattoexpect.com/first-year/health-and-safety/thrush-in-babies/ Ngày truy cập: 25/3/2021

Thrush in newborns https://medlineplus.gov/ency/article/007615.htm Ngày truy cập: 25/3/2021

Phiên bản hiện tại

25/03/2021

Tác giả: Hoàng Ngọc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hoàng Ngọc · Ngày cập nhật: 25/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo