Gần đây, nồi nấu chậm dần trở thành một vật dụng nhà bếp được các mẹ ưa chuộng. Chiếc nồi nhỏ này giúp giữ trọn hàm lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ em nói riêng và cho cả gia đình nói chung. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm sao cho vừa thơm ngon, vừa dinh dưỡng, lại đơn giản, tiện lợi.
Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để được hướng dẫn sử dụng nồi nấu cháo chậm đúng chuẩn, đồng thời “bỏ túi” 3 cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm dễ dàng, giàu dưỡng chất, thơm ngon khó cưỡng.
Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng nồi nấu chậm đúng chuẩn
Nồi nấu chậm có công dụng đun, nấu, hầm chín thức trong một thời gian dài. Bằng cách này, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm được bảo toàn. Vì lòng nồi thường được làm từ gốm sứ ceramic, nên nồi nấu chậm rất an toàn cho sức khỏe người dùng.
Mặc dù có tên gọi là nồi nấu chậm, nhưng loại nồi này thường có 3 chế độ nấu: nấu nhanh, nấu chậm, giữ ấm, đáp ứng nhiều nhu cầu nấu. Trong đó, các mẹ thường dùng nồi nấu chậm để nấu cháo cho bé ăn dặm.
Sau đây, Hello Bacsi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách sử dụng nồi nấu cháo chậm đúng chuẩn:
1. Cách dùng nồi nấu cháo chậm đúng chuẩn, đơn giản nhất
Thực chất, cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm rất đơn giản. Bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Cho nguyên liệu cần nấu (thực phẩm, gia vị, nước…) vào ngăn sứ của nồi nấu chậm.
- Bước 2: Đặt ngăn sứ vào phần thân nồi, đậy nắp nồi.
- Bước 3: Điều chỉnh nút công tắc nồi về chế độ tắt (Off) trước khi cắm điện.
- Bước 4: Cắm nguồn điện.
- Bước 5: Bật nguồn nấu ở chế độ tùy chỉnh theo món bạn nấu, có thể chọn nấu cháo trong 3-4 giờ hoặc 6-8 giờ.
- Bước 6: Khi đã nấu chín, bạn điều chỉnh công tắc về chế độ “Off” và tắt bếp, rồi rút phích cắm điện, sau đó dùng găng tay chuyên dụng để nhấc ngăn sứ ra khỏi nồi.
Chỉ với 6 bước đơn giản, bạn đã biết được cách sử dụng nồi nấu cháo chậm đúng chuẩn. Việc lấy lòng sứ ra khỏi nồi khi nấu xong giúp hạn chế nguy cơ cháo bị đổ trong thân nồi nếu bạn sơ ý khi múc cháo, từ đó giúp quá trình vệ sinh nồi sau đó dễ dàng hơn.
Mẹo nhỏ khi học cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm:
- Nếu các nguyên liệu nấu cháo cần phải sơ chế trước khi nấu, bạn phải sơ chế trước bằng nồi hoặc chảo khác, sau đó mới cho nguyên liệu vào nồi nấu cháo chậm.
- Nồi nấu chậm cần được rửa sạch sau khi nấu. Bạn cũng nên tráng sơ lòng nồi trước khi nấu để đảm bảo nồi không dính bụi bẩn ảnh hướng sức khỏe của bé.
2. Cách hẹn giờ nồi nấu cháo chậm
Nếu muốn hẹn giờ nồi nấu cháo chậm, mẹ hãy làm theo hướng dẫn sau đây:
- Bước 1: Cho các nguyên liệu vào lòng sứ.
- Bước 2: Đặt ngăn sứ vào phần thân nồi, đậy nắp nồi.
- Bước 3: Điều chỉnh nút công tắc nồi về chế độ tắt (Off) trước khi cắm điện.
- Bước 4: Cắm điện, bật nguồn điện của nồi nấu chậm và chọn chế độ nấu món ăn phù hợp.
- Bước 5: Hẹn giờ cho nồi nấu chậm bằng cách điều chỉnh nút “Preset”: Ấn chọn nút “+” để tăng thời gian hẹn giờ, hoặc ấn nút “-” để giảm thời gian chờ nấu. Lúc này, màn hình điện tử trên nồi sẽ hiển thị thời gian tương ứng theo điều chỉnh của bạn.
3 cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm dễ thực hiện, đầy đủ dinh dưỡng
1. Cách nấu cháo thịt bò bằng nồi nấu chậm cho bé ăn dặm
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 30g gạo
- 80g thịt thăn bò
- 2 cây nấm đùi gà (khoảng 100g)
- 50g cà rốt
- 350ml nước Dashi
- 1 muỗng cà phê dầu ô liu
- 1/4 muỗng cà phê tỏi băm
Hướng dẫn cách nấu cháo thịt bò bằng nồi nấu chậm
Bước 1: Nấu cháo trắng bằng nồi nấu chậm:
- Cho gạo vào chén nhỏ, vo sạch rồi chắt bỏ nước.
- Đổ gạo và 350ml nước Dashi vào lòng sứ của nồi nấu chậm.
- Lau nước quanh lòng sứ nếu có.
- Cho lòng sứ vào nồi nấu chậm, đậy nắp và đảm bảo nút điều chỉnh ở chế độ “Off”.
- Cắm điện, bật nồi và chọn chế độ nấu cháo rồi để cho nồi tự nấu.
Bước 2: Sơ chế thịt bò:
- Rửa thịt bò với nước sạch, thấm khô.
- Thái thịt bò theo thớ ngang thành những lát thịt mỏng.
- Băm nhỏ thịt bò tùy theo khả năng ăn dặm của bé.
- Cho thịt bò bằm vào tô, thêm vào ½ muỗng cà phê dầu ô liu và 1/6 muỗng cà phê tỏi băm (nếu bé ăn được tỏi), trộn đều cho các gia vị thấm đều thịt bò.
- Ướp thịt bò trong khoảng 10 phút để ngấm gia vị.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Nấm đùi gà cạo sạch phần gốc, rửa sạch với nước muối loãng để loại bỏ tạp chất. Sau đó thái thành dạng hạt lựu vừa ăn với bé.
- Rửa sạch và gọt vỏ cà rốt rồi cắt hạt lựu.
Bước 4: Xào thịt bò:
- Bắc chảo lên bếp, cho vào chảo phần dầu ô liu và tỏi băm còn lại, phi thơm tỏi.
- Khi tỏi dậy mùi thơm và ngả màu vàng thì vớt tỏi ra, cho thịt bò vào chảo, xào thịt bò với lửa lớn.
- Đến khi thịt chín săn lại và chuyển thành màu nâu sẫm thì thêm nấm đùi gà, cà rốt vào, xào tiếp khoảng 5 phút đến khi nấm chín thì tắt bếp.
Bước 5: Nấu cháo thịt bò bằng nồi nấu chậm:
- Cho thịt bò, cà rốt và nấm đùi gà đã xào vào lòng sứ của nồi cháo trắng đang nấu, khuấy đều.
- Đậy nắp lại và nấu thêm khoảng 1 giờ, rồi mở nắp nồi xem cháo đã chín mềm chưa. Nếu chưa, bạn nấu thêm 30 phút nữa. Tổng thời gian nấu cháo bằng nồi nấu chậm khoảng 1,5-2,5 giờ.
- Khi cháo đã chín mềm, tắt nồi, rút điện, bưng lòng sứ ra khỏi thân nồi nấu chậm.
- Múc cháo ra chén và cho bé thưởng thức khi còn ấm.
2. Cách nấu cháo cá hồi cho bé bằng nồi nấu chậm Bear
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 60g gạo
- 60g phi lê cá hồi không da
- 40g bí đỏ
- 20g hạt đậu Hà Lan tươi
- 1 muỗng cà phê hành tím băm
- 1 muỗng cà phê dầu ô liu
- Một ít hành lá thái nhỏ
- Một ít nước cốt chanh
- Một ít muối
Hướng dẫn cách nấu cháo cá hồi bằng nồi nấu chậm cho bé ăn dặm
Bước 1: Sơ chế cá hồi:
- Để khử mùi tanh của cá, bạn rửa cá hồi với nước muối loãng và nước cốt chanh đã chuẩn bị trong khoảng 1 phút.
- Rửa lại cá với nước sạch, thấm khô.
- Cắt cá hồi theo dạng hạt lựu.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Gọt vỏ bí đỏ, rửa sạch bí đỏ với nước rồi cắt hạt lựu.
- Rửa sạch đậu Hà Lan, bóc bỏ vỏ rồi rửa lại lần nữa và để ráo.
Bước 3: Nấu cháo trắng và hấp nguyên liệu bằng nồi chấu chậm Bear:
- Vo sạch gạo rồi cho gạo và 600ml nước vào lòng sứ của nồi nấu chậm Bear.
- Thêm nước vào nồi nấu chậm đến khi mực nước vừa chạm vạch mức trong nồi.
- Cho lòng sứ vào nồi và đậy nắp lòng sứ lại.
- Đặt khay hấp inox (đi kèm với nồi nấu chậm Bear) lên trên nồi sứ, sau đó cho cá hồi, bí đỏ, đậu Hà Lan vào khay, rồi đậy nắp lại.
- Cắm điện và bật nồi, rồi chọn chế độ nấu cháo (Porridge) và để nồi nấu cháo trong 1,5 giờ.
Lưu ý khi học cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm Bear
- Đối với nồi nấu chậm Bear, nếu bạn không cho nước vào nồi, nồi sẽ không hoạt động được.
- Bạn nên cho nước đúng vạch mức trên nồi. Không nên cho ít nước hơn vì nếu đang nấu mà nước bị cạn, nồi sẽ phát ra tiếng kêu để báo.
Bước 4: Xào cá hồi và xay nhuyễn bí đỏ, đậu Hà Lan:
- Sau khi nồi nấu chậm nấu được 1 giờ, cá hồi, bí đỏ và đậu Hà Lan đã chín mềm. Lúc này, bạn lấy khay hấp ra khỏi nồi và tiếp tục để nồi nấu cháo trắng thêm 30 phút.
- Cho bí đỏ và đậu Hà Lan vào máy xay sinh tố, thêm 2 muỗng canh nước, xay nhuyễn.
- Dùng muỗng tán nhuyễn cá hồi.
- Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ô liu và hành tím băm vào chảo, phi thơm hành.
- Khi hành ngả màu vàng, vớt hành ra, cho cá hồi vào chảo, đảo đều cho cá dậy vị và tơi ra rồi tắt bếp.
Bước 5: Nấu cháo cá hồi cho bé thưởng thức:
- Sau khi nấu cháo được 1,5 giờ, cháo đã chín mềm. Tắt điện, rút phích ra rồi dùng găng tay chuyên dụng để bưng lòng sứ ra khỏi thân nồi.
- Múc cháo ra nồi nhỏ, thêm vào nồi phần cá hồi đã xào, hỗn hợp bí và đậu xay nhuyễn, 100ml nước lọc, khuấy đều.
- Bắc nồi nhỏ đó lên bếp, đậy nắp, bật lửa nhỏ và đun đến khi cháo sôi lại thì tắt bếp.
- Múc cháo ra chén, rắc thêm một ít hành lá cắt nhỏ lên trên chén cháo rồi cho bé thưởng thức.
Mẹo
3. Cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm qua đêm
Nếu bạn muốn nấu cháo bằng nồi nấu chậm qua đêm, hãy thực hiện theo cách đơn giản sau:
- Bước 1: Cho nguyên liệu vào lòng sứ của nồi nấu chậm.
- Bước 2: Đặt lòng sứ vào thân nồi, đậy nắp, đảm bảo nồi đang ở chế độ “Off”.
- Bước 3: Cắm điện, chọn chế độ nấu cháo.
- Bước 4: Lựa chọn thời gian nấu bằng cách tăng giảm nút thời gian nấu. Nếu muốn nấu cháo qua đêm, bạn có thể chọn chế độ nấu chậm trong 5-8 giờ.
- Bước 5: Khi đã chọn xong chế độ nấu và cài đặt thời gian, hãy để cho nồi “tự hoàn thành nhiệm vụ’, còn bản thân có thể yên tâm đi ngủ bạn nhé.
Đừng quá lo lắng nếu chẳng may ngủ quên quá giờ đã cài đặt, vì khi cháo được nấu chín mềm, nồi sẽ chuyển sang chế độ giữ ấm tiện lợi. Nếu để quá lâu, món cháo sẽ không bị khê mà chỉ mềm hơn.
Lưu ý khi sử dụng nồi nấu cháo chậm an toàn, hiệu quả
Như vậy là bạn đã biết được cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm đúng chuẩn. Ngoài ra, khi sử dụng nồi nấu cháo chậm, bạn cũng cần đảm bảo các tiêu chí an toàn và hiệu quả, bằng cách ghi nhớ những lưu ý sau:
- Lựa chọn loại nồi phù hợp: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại nồi nấu chậm khác nhau, với đa dạng chức năng, thể tích lòng nồi, từ nồi chỉnh nút cơ học đến nồi bấm nút cảm ứng… Bạn có thể chọn bất kỳ loại nồi nào phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu sử dụng của bản thân.
- Lựa chọn nồi chính hãng, uy tín, đảm bảo chất lượng: Mặc dù bạn có thể lựa chọn nồi theo nhu cầu, nhưng cần đảm bảo mua nồi nấu chậm chất lượng để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
- Đảm bảo an toàn khi sử dụng: Khi dùng nồi nấu chậm, bạn cần cho nước vào nồi đúng vạch quy định. Trong khi nồi đang nấu, bạn không nên chạm tay vào lòng sứ để tránh bị bỏng.
- Đảm bảo vệ sinh và bảo quản nồi: Sau khi nấu, bạn cần rửa sạch nồi, cả phần nồi bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, không được cho thân nồi nấu cháo chậm vào nước vì nếu không sẽ gây chập mạch điện, cháy nổ hoặc hư hỏng nồi.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết cách nấu cháo bằng nồi nấu chậm cũng như thông thạo cách sử dụng nồi nấu cháo chậm nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]