Khi nào trẻ sơ sinh rụng rốn? Dấu hiệu rụng rốn ở trẻ sơ sinh như thế nào là bất thường? Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh như thế nào mới đảm bảo? Đây là những thắc mắc rất được quan tâm, nhất là đối với những người lần đầu làm cha mẹ.
Sau khi bé chào đời, dây rốn sẽ không còn cần thiết nên bác sĩ sẽ kẹp, cắt dây rốn trong vài phút đầu sau sinh và để lại phần gốc dài khoảng 2 – 3 cm. Vậy, rốn trẻ sơ sinh bao lâu thì rụng hay hiện tượng rụng rốn ở trẻ sơ sinh xảy ra khi nào? Làm sao để mẹ chăm sóc rốn cho bé trước và sau khi rụng đúng cách? Hãy cùng tìm hiểu tất cả vấn đề xoay quanh rốn của trẻ sơ sinh qua bài viết dưới đây của Hello Bacsi nhé!
Tổng quan về rốn trẻ sơ sinh, bao lâu thì trẻ rụng rốn?
Trong suốt 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, dây rốn không chỉ là điểm gắn kết giữa mẹ và bé mà còn là nguồn sống của thai nhi. Với chiều dài khoảng 50cm, dây rốn có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng và oxy, đồng thời giúp đào thải những chất thải từ bào thai qua nhau thai vào máu mẹ.
Sau khi chào đời, dây rốn được kẹp lại và cắt bỏ, chừa lại một đoạn ngắn dính vào lỗ rốn (cuống rốn). Lúc này, phần lớn những người lần đầu làm mẹ đều băn khoăn không biết trẻ sơ sinh bao lâu rụng rốn? Câu trả lời là trẻ sơ sinh rụng rốn sau khoảng 5 – 15 ngày, trung bình xảy ra từ 8 – 10 ngày sau khi bé ra đời.
Vậy trẻ sơ sinh bao lâu thì rụng rốn? Thời điểm trẻ sơ sinh rụng rốn có thể sớm hơn hoặc trễ hơn thời gian trung bình trên, nhất là ở con đầu lòng hoặc trẻ sinh non thường rụng rốn khá muộn. Do đó, nếu quá thời gian trên mà cuống rốn của con vẫn chưa rụng, bạn không nên lo lắng mà tự ý tác động, thay vào đó nên kiên nhẫn và chờ cuống rốn rụng tự nhiên.
Phần cuống dây rốn ở trẻ sơ sinh sẽ khô, teo lại từ từ rồi rụng đi, để lại lỗ rốn bình thường như người lớn. Ngay sau khi rốn bé rụng, mẹ có thể thấy một ít dịch chảy ra xung quanh, có thể không màu, hơi dính tay hoặc có màu hơi nâu, đôi khi dây sang quần áo hoặc tã của con. Một số trường hợp, dịch chảy ra hơi có mùi nhẹ. Điều này là bình thường của quá trình lành thương ở rốn sau khi rụng.
Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh mà bố mẹ nên biết
Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh sẽ bao gồm cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh trước và sau khi rụng, đồng thời quan sát những đặc điểm xuất hiện ở rốn nếu có để can thiệp điều trị kịp thời. Trong thời gian này, có rất nhiều thắc mắc sẽ xuất hiện như “nên chăm sóc rốn bằng dung dịch gì?”, “có nên vệ sinh rốn trẻ sơ sinh bằng povidine không?”, “vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh bằng cồn 70 độ được không?”, “có cần băng rốn cho trẻ sơ sinh không?”.
1. Cách chăm sóc rốn cho bé sơ sinh khi rốn chưa rụng
Khi đã biết rốn em bé bao lâu thì rụng hay trẻ sơ sinh mấy ngày rụng rốn, mẹ cần tìm hiểu cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh khi chưa rụng.
Những ngày đầu mới sinh, rốn trẻ sơ sinh có màu vàng, sáng bóng. Sau vài ngày, cuống rốn khô và dần chuyển sang màu nâu, đen xám hoặc màu xanh và rụng dần. Trước khi rốn rụng tự nhiên, nghĩa là hiện tượng rụng rốn ở trẻ sơ sinh xảy ra, bạn sẽ cần chăm sóc rốn của trẻ theo một số lưu ý sau:
- Giữ cuống rốn của bé khô, thoáng, sạch sẽ bằng cách cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, gấp tã xuống dưới rốn để rốn được hở, tiếp xúc với không khí thường xuyên nhất. Điều này sẽ giúp cuống rốn nhanh khô, tránh bị ẩm ướt khiến vi khuẩn có điều kiện xâm nhập và phát triển. Do đó, nếu mẹ có ý định băng rốn trẻ sơ sinh thì nên dừng lại, hãy để vùng rốn của trẻ khô thoáng.
- Không vệ sinh cuống rốn cho bé bằng xà phòng hoặc cồn 70 độ. Cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn cần chú ý tránh để nước hoặc xà phòng bắn vào cuống rốn vì dễ gây ẩm ướt, viêm nhiễm. Nếu rốn của bé có dịch nhầy hoặc rỉ máu thì nên vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh bằng gì? Tốt nhất, bạn hãy dùng tăm bông hoặc khăn vải lau nhẹ nhàng cho bé.
- Tuyệt đối không tự ý tác động vào cuống rốn dù bạn thấy cuống đã sắp rụng đi nữa. Việc tự ý bứt cuống rốn để xảy ra hiện tượng rụng rốn ở trẻ sơ sinh trước thời gian cần thiết có thể gây chảy máu hoặc thậm chí nhiễm trùng.
2. Cách chăm sóc rốn cho bé sau khi rụng
“Trẻ rụng rốn bao lâu thì khô?”, “rốn bé rụng nhưng chưa khô phải làm sao?” là những câu hỏi tiếp theo sau khi tình trạng rụng rốn ở trẻ sơ sinh xảy ra. Thông thường, cuống rốn rụng rồi sẽ mất khoảng 7 – 10 ngày để rốn bé lành hẳn. Trước khi rốn lành, bạn cần giữ rốn của bé sạch sẽ, khô ráo:
- Rốn bé rụng nhưng chưa khô phải làm sao? Hãy giữ vệ sinh rốn bằng cách dùng khăn mềm thấm với nước lau nhẹ chất bẩn hoặc phần dịch chảy ra, tránh dùng xà phòng, cồn hoặc bất cứ dung dịch sát khuẩn nào khác.
- Để rốn tiếp xúc thường xuyên với không khí giúp rốn nhanh lành. Mẹ nên cho bé mặc đồ mát mẻ, thông thoáng, tã phải nằm dưới rốn để tránh bị nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu. Không dùng băng để băng rốn của bé lại.
- Tránh để rốn tiếp xúc quá lâu với nước khi tắm. Khi tắm xong cần lau nhẹ nhàng cho thật khô.
- Rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng ra sao? Khi trẻ sơ sinh rụng rốn hay tình trạng rụng rốn ở trẻ sơ sinh xảy ra, thường sẽ có một ít máu chảy ra. Điều này là hoàn toàn bình thường. Ở một số trẻ, bạn có thể thấy mô sẹo màu hồng hoặc một chút dịch màu vàng trong.
Một lưu ý chung cho mẹ khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh vào bất kỳ lúc nào là hãy rửa tay sạch sẽ và lau khô trước khi chạm vào rốn của trẻ.
Rốn trẻ sơ sinh và các vấn đề thường gặp
1. Rốn trẻ sơ sinh lâu rụng
Một số trẻ sơ sinh lâu rụng rốn, có thể sau tận 3 tuần từ khi chào đời. Trong thời gian này, cha mẹ cần kiên nhẫn chờ đợi, giữ vệ sinh cuống rốn cho trẻ, chăm sóc rốn của bé như được hướng dẫn và không được tự ý tác động kéo, ngắt cuống dù nhìn thấy có vẻ như cuống rốn sắp rụng. Trước khi rụng, cuống rốn sẽ tự khô, co lại và đổi màu sang nâu sẫm dần thành đen rồi tự rụng ra khỏi người trẻ.
Nếu rốn trẻ sơ sinh lâu rụng hơn 3 tuần, tức là sau 21 ngày mà cuống rốn vẫn còn dính trên người trẻ thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
2. Rốn trẻ sơ sinh bị ướt
Rốn trẻ sơ sinh có thể hơi tiết dịch ướt, đôi khi có màu nâu đỏ do dính ít máu đông sót lại ở mặt cắt của cuống rốn. Điều này hoàn toàn bình thường nếu trẻ vẫn bú sữa và không có dấu hiệu sốt, khó chịu. Tuy nhiên, rốn trẻ không nên xuất hiện mủ xanh hoặc vàng, không có mùi hôi thối khó chịu và xung quanh gốc rốn cũng không bị sưng đỏ. Nếu có những dấu hiệu bất thường trên thì cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Trẻ sơ sinh rụng rốn nhưng chưa khô cũng là tình trạng thường gặp. Cuống rốn sau khi tự rụng có thể để lại lỗ rốn với ít máu chảy ra hoặc có dịch vàng trong. Bạn nên vệ sinh rốn trẻ sơ sinh bằng cách dùng khăn mềm lau khô nhẹ nhàng và để rốn trẻ khô khoáng, không băng kín.
Nếu trẻ sơ sinh rụng rốn nhưng chưa khô và có mùi hôi khó chịu thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bị nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.
3. Rốn trẻ có mùi hôi, có mủ
Khi cuống rốn chưa rụng, rốn của bé có thể hơi có mùi khó chịu nhưng sẽ mất dần khi cuống rốn khô lại và rụng đi. Cách xử lý khi rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi là lau sạch vùng rốn trẻ bằng khăn mềm, để rốn khô thoáng, không che tã hoặc băng kín phần rốn vì có thể gây ẩm ướt, tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn.
Nếu rốn của trẻ có mủ vàng hoặc xanh, kèm mùi hôi khó chịu thì có thể là dấu hiệu nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, trẻ có thể đau đớn, khóc, khó chịu khi bạn chạm vào vùng rốn của trẻ. Lúc này, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được khám và có cách xử lý rốn trẻ sơ sinh có mủ, mùi hôi khó chịu phù hợp.
4. Rốn chảy máu
Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu trong quá trình rụng hoặc sau khi rụng rốn 1 tuần là hiện tượng rất thường gặp. Trong quá trình cuống rốn tự rụng, phần rốn có thể bị bong tróc vảy và rỉ ít máu, sau đó sẽ tự lành lại. Một số trường hợp, trẻ sơ sinh sau khi rụng rốn có thể chảy một ít dịch có màu vàng hoặc xanh lá như mủ nhưng không bị sưng viêm hay có mùi hôi thối. Do đó, nếu bạn thấy rốn của trẻ sơ sinh sau khi rụng bị chảy máu mà không có biểu hiện nào khác thì đừng quá lo lắng, hãy lấy khăn sạch hay gạc thấm khô và chờ cho rốn tự lành vết thương.
Trẻ sơ sinh đã rụng rốn vẫn rỉ máu có sao không thì câu trả lời là thường sẽ không có vấn đề gì nhưng vẫn nên theo dõi, vệ sinh rốn sạch sẽ. Cách xử lý rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu cũng tương tự như cách chăm sóc rốn sau khi rụng. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng rốn thì phải nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.
5. Rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt
Đôi khi, tại vị trí cuống rốn của trẻ rụng sẽ xuất hiện một mô nhỏ gọi là u hạt rốn. Chồi rốn ở trẻ sơ sinh này là mô sẹo hình thành trong quá trình vùng rốn của bé lành da sau khi cuống rốn rụng.
Tình trạng rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt là khá thường gặp. Chồi hạt ở rốn nhìn giống vết sưng đỏ và có thể có dịch vàng hoặc trong, thường không gây nguy hiểm. Thế nhưng, nếu chồi hạt bị nhiễm trùng sẽ dẫn đến một số triệu chứng như kích ứng da quanh rốn hay sốt. Vậy nên, khi phát hiện tình trạng này, ba mẹ cần báo ngay cho bác sĩ biết để có phương pháp xử lý chồi rốn ở trẻ sơ sinh từ sớm.
Rốn trẻ sơ sinh và những thắc mắc thường gặp
1. Rốn trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Khi trẻ chào đời, dây rốn không còn cần thiết với trẻ sơ sinh nữa nên sẽ được kẹp lại và cắt bỏ đi đoạn dây rốn nối với nhau thai. Phần cuống rốn còn lại sẽ tự khô, teo dần và rụng đi mà không gây tổn thương cho trẻ sơ sinh. Bình thường, cuống rốn còn để lại sẽ dài khoảng 2 – 3cm dính với lỗ rốn, ban đầu có màu vàng rồi từ từ chuyển sang nâu sẫm cho đến màu đen khi rụng đi.
Sau khi cuống rốn rụng, lỗ rốn của bé sẽ có hình dạng như vết sẹo lõm hình khuyên, nằm ở giữa bụng dưới. Rốn trẻ sơ sinh bình thường sau khi lành sẽ khô ráo, có các nếp da gấp nằm bên trong, không sưng đỏ, không chảy dịch có mùi hôi khó chịu.
2. Rốn trẻ sơ sinh bị lồi có sao không?
Hầu hết trường hợp rốn trẻ sơ sinh bị lồi sẽ không gây ra vấn đề nguy hiểm nào đến sức khỏe. Tình trạng rốn lồi cũng không gây đau hay gây ra những biến chứng khác nên không cần có can thiệp điều trị nào. Sự lo lắng duy nhất liên quan đến việc rốn của bé sơ sinh bị lồi là có ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, nhất là ở những bé gái khi con lớn lên.
Rốn lồi ở trẻ sơ sinh do thoát vị rốn thường tự hết sau khi trẻ 1 tuổi, nhiều trường hợp trẻ 4, 5 tuổi thì rốn mới bớt lồi khi lỗ hổng ở thành bụng đã đóng kín. Trường hợp hiếm gặp là rốn lồi cảnh báo cho bệnh thoát vị nghẹt, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và cần được phẫu thuật nhanh chóng. Những trường hợp này, cha mẹ không nên tự ý dùng các mẹo chữa rốn lồi ở trẻ sơ sinh.
3. Trẻ sơ sinh lâu rụng rốn phải làm sao? Có nên dùng thuốc làm khô rốn trẻ sơ sinh không?
Một số trẻ sơ sinh có thể lâu rụng rốn hơn, nhưng thường tối đa là 3 tuần sau khi ra đời. Nếu con bạn vẫn chưa rụng rốn sau 3 tuần thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và có cách giải quyết phù hợp. Trước khi rụng, cuống rốn cần được giữ khô và sẽ tự teo lại dần rồi rụng đi.
Nếu rốn trẻ sơ sinh bị ướt, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm khô rốn cho trẻ. Khi dùng thuốc, cha mẹ cần chú ý làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh luôn khô ráo, thông thoáng.
4. Trẻ sơ sinh vặn mình chảy máu rốn có nguy hiểm không?
Trẻ sơ sinh vặn mình chảy máu rốn có thể do lúc này rốn chưa lành hẳn sau khi cuống rốn rụng, gây rỉ máu hoặc dịch màu nâu đỏ. Lúc này, mẹ nên chú ý vệ sinh rốn trẻ sơ sinh đề phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng. Nếu tình trạng chảy máu ở rốn kéo dài hoặc chảy dịch như mủ có máu kèm mùi hôi khó chịu thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa.
5. Trẻ sơ sinh vặn mình lồi rốn có sao không?
Một số trường hợp trẻ sơ sinh sau khi rụng rốn thì ngay tại vị trí lỗ rốn lại xuất hiện một khối phồng bên ngoài thành bụng. Khi trẻ khóc, vặn mình thì rốn sẽ lồi và phình to còn khi trẻ nằm yên thì sẽ nhỏ lại. Tình trạng này được gọi là thoát vị rốn, thường gặp ở 10 – 20% trẻ sơ sinh.
Khi gặp phải tình trạng này, mẹ đừng quá lo bởi đa phần khối lồi này sẽ không gây đau, không bị vỡ và sẽ tự cải thiện sau khi trẻ được 4 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật như khối thoát vị to hơn 2,5 cm hoặc không tự động đẩy vào sau 4 tuổi. Nếu nhận thấy có hiện tượng này ở rốn trẻ sơ sinh thì mẹ nên trao đổi với bác sĩ để theo dõi và được tư vấn cách chữa trị phù hợp.
6. Dấu hiệu nhận biết tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh
Rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng thường ít xảy ra tình trạng nhiễm trùng rốn. Theo thống kê, khoảng 200 trường hợp rụng rốn ở trẻ sơ sinh thì chỉ có 1 trẻ bị nhiễm trùng rốn và các vùng xung quanh. Dù vậy, bạn vẫn nên chú ý theo dõi và để ý các dấu hiệu nhiễm trùng rốn sau, nhất là ở trẻ sinh non, sinh nhẹ cân hoặc trẻ rụng rốn sớm (đứt cuống rốn sớm):
- Rốn bị sưng đỏ, chảy máu nhiều và dai dẳng (sau 10 phút đè ép vẫn còn chảy máu hoặc chảy máu hơn 3 lần/ ngày).
- Xuất hiện 1 mảnh mô màu đỏ trên chân rốn sau khi rụng rốn, có thể chảy dịch vàng. Đây có thể là dấu hiệu u chồi hạt rốn, bạn cần đưa trẻ đi khám để có cách điều trị phù hợp.
- Rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm, có một ít mủ trên bề mặt. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác như ống niệu rốn, u hạt rốn…
- Trẻ có các triệu chứng như sốt, bỏ bú, quấy khóc khi chạm vào rốn, ngủ nhiều, cuống rốn hoặc vùng xung quanh rốn sưng phồng, chảy mủ và có mùi hôi.
7. Có bao nhiêu loại rốn?
Hình dạng của rốn có rất nhiều loại, bao gồm:
- Dạng lồi
- Dạng rỗng sâu
- Dạng dọc hẹp
- Dạng ngang hẹp
- Dạng tròn
- Dạng oval
Một số tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến hình dạng rốn, khiến rốn lồi ra như thoát vị rốn, chồi hạt rốn. Nếu muốn thay đổi hình dạng lỗ rốn, bạn có thể nhờ đến bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để can thiệp tạo hình lại.
8. Sau khi rốn trẻ sơ sinh rụng nên cất ở đâu? Có nên cất rốn của trẻ hay không?
Sau khi rốn rụng, nhiều cha mẹ có suy nghĩ có nên cất rốn trẻ sơ sinh đi hay không và nên cất ở đâu? Xoay quanh vấn đề này, cha mẹ có thể tham khảo 2 quan niệm sau:
- Theo quan niệm dân gian, việc lưu giữ cuống rốn trẻ sơ sinh có tác dụng như bùa bình an giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh, xinh đẹp. Người xưa cho rằng nên treo cuống rốn lên bóng đèn bàn hoặc trước gương với hy vọng đứa trẻ sau này phát triển thông minh, lanh lợi hoặc cất cuống rốn trong lọ đậy kín để ở tủ đầu giường hoặc chôn cuống rốn trong vườn. Tất cả đều là niềm tin được lưu truyền trong dân gian và không có bằng chứng khoa học nào xác nhận.
- Theo quan điểm từ y học hiện đại, cha mẹ có thể lưu trữ tế bào gốc từ cuống rốn để làm kho dự trữ cho con khi cần thiết. Tế bào gốc này được xem như “bảo hiểm sinh học” cho cơ thể để điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau vì có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Tuy nhiên, cha mẹ không thể tự lưu trữ tế bào gốc từ cuống rốn mà việc này cần phải thực hiện bởi các chuyên viên y tế. Trẻ sơ sinh sẽ được lấy máu từ cuống rốn và xử lý để tách lấy tế bào gốc rồi lưu trữ theo quy trình chuyên biệt. Việc “cất cuống rốn” này không phải theo nghĩa đen mà là hành động trích xuất tế bào gốc từ cuống rốn của trẻ sơ sinh để lưu giữ.
9. Có nên lưu tế bào gốc cuống rốn không, để làm gì?
Việc lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn được thực hiện với mục đích ứng dụng điều trị cho các bệnh lý khó điều trị như bệnh về máu ác tính, bệnh di truyền, bệnh tự miễn… ở trẻ trong tương lai. Điều đặc biệt là tế bào gốc từ máu cuống rốn rất hiếm khi mang bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào và nguy cơ bị đào thải bởi cơ thể chỉ bằng 1/2 so với tế bào gốc trưởng thành. Quy trình thu thập tế bào gốc từ máu cuống rốn cũng đơn giản hơn rất nhiều. Quyết định lưu trữ máu cuống rốn giúp mang lại các lợi ích như:
- Dùng cho các thành viên trong gia đình nếu cần.
- Hiến tặng cho những người cần cấy ghép tế bào gốc.
Tuy nhiên, chi phí để lưu trữ máu cuống rốn khá cao nên bạn cần cân nhắc về khả năng tài chính để đảm bảo duy trì được phương pháp này. Hãy trao đổi kỹ càng với các chuyên gia về tế bào gốc để hiểu rõ về những ưu – nhược điểm khi lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn trẻ sơ sinh bạn nhé!
Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, các bố mẹ đã hiểu hơn về rốn trẻ sơ sinh, từ đó biết cách chăm sóc rốn cho con đúng cách.
[embed-health-tool-vaccination-tool]