backup og meta

Thai 31 tuần phát triển như thế nào, mẹ bầu có thể gặp vấn đề sức khỏe gì?

Thai 31 tuần phát triển như thế nào, mẹ bầu có thể gặp vấn đề sức khỏe gì?

Thai 31 tuần nặng bao nhiêu? Thai 31 tuần là mấy tháng? Đây là những băn khoăn phổ biến của rất nhiều mẹ bầu. Nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy dành vài phút xem ngay những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về sự phát triển của thai 31 tuần.

Bước sang tuần thứ 31 của thai kỳ, quá trình mang thai của mẹ bầu đã dần bước vào những tháng cuối cùng. Đây là lúc các mẹ bầu sẽ trải qua nhiều triệu chứng thai kỳ khó chịu hơn do bé ngày một lớn hơn, tử cung cũng ngày một to ra và gây sức ép lên nhiều cơ quan khác. Lúc này, bên trong bụng mẹ, bé cũng đang phát triển rất nhanh để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài.

Sự phát triển của thai nhi 31 tuần tuổi

Thai 31 tuần nặng bao nhiêu? Chỉ số thai nhi 31 tuần

Ở thời điểm 31 tuần, bé có chiều dài tương đương một quả bí ngòi và dài khoảng 41.1 cm tính từ đầu đến gót chân. Cân nặng thai nhi 31 tuần nằm trong khoảng 1.470 – 1.964 kg.

Ngoài vấn đề thai nhi 31 tuần nặng bao nhiêu, nhiều mẹ cũng quan tâm đến chỉ số thai 31 tuần. Dưới đây là một số chỉ số cơ bản mà mẹ có thể tham khảo:

  • Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): 72 – 87mm, trung bình khoảng 78 – 81mm
  • Chiều dài xương đùi (FL): 55 – 68mm, trung bình khoảng 59 – 61mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 245 – 310mm, trung bình khoảng 278 – 282mm
  • Chu vi vòng đầu (HC): 276 – 317mm, trung bình 293 – 300mm.

Thai 31 tuần là mấy tháng? Thai nhi 31 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Thai 31 tuần có nghĩa là bạn đang mang thai ở vào nửa cuối của tháng thứ 7, như vậy, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là bé sẽ chào đời.

Bên trong bụng mẹ, thai 31 tuần cũng đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Mỗi ngày, bé sẽ thải khoảng hơn 250 ml nước tiểu vào dịch ối. Bé cũng nuốt nước ối nhưng nước ối sẽ được thay hoàn toàn nhiều lần một ngày.

Nếu quan sát hình ảnh thai nhi 31 tuần thông qua siêu âm, mẹ sẽ nhận thấy tóc bé mọc nhiều hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát rõ khuôn mặt và các biểu cảm của bé.

Thai 31 tuần cũng là lúc lớp lông nhung bao phủ cơ thể bé rụng dần đi, các nếp nhăn cũng mờ hơn. Không những vậy, bộ não của bé vẫn đang phát triển với tốc độ rất nhanh để sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài.

Thai 31 tuần cũng đạp nhiều hơn, thường khua tay chân hơn như một cách giao tiếp để cho bạn biết bé vẫn đang khỏe mạnh và lớn lên mỗi ngày.

Thai 31 tuần đã quay đầu chưa? Để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, thai nhi cũng sẽ bắt đầu dịch chuyển về ngôi thai thuận. Đa phần, bé sẽ quay đầu ở tuần 32 đến 36, nhưng cũng có bé quay đầu sớm. Do đó, thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể cho mẹ bầu biết rằng xem bé đã quay đầu hay chưa. Việc thai nhi chưa quay đầu vào ngôi thai thuận ở 31 tuần tuổi thai không phải là điều mà mẹ bầu cần lo lắng.

Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 31

thai nhi 31 tuần tuổi

Mang thai 31 tuần, cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Nhiều phụ nữ khi mang thai đến tuần 31 cảm thấy cơ tử cung thỉnh thoảng siết chặt hoặc cảm thấy mang thai 31 tuần gò cứng bụng. Đó có thể là cơn gò co thắt Braxton Hicks thường xảy ra trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ. Chúng xảy ra không thường xuyên, thường kéo dài khoảng 30 giây và không đau.

Mặt khác, tình trạng thai gò nhiều tuần 31 hay thai 31 tuần hay gò cứng bụng thường xuyên cũng có thể là một trong những dấu hiệu sinh non. Đi khám ngay nếu mẹ có nhiều hơn bốn cơn co thắt trong một giờ hoặc bất kỳ dấu hiệu sau:

  • Dịch âm đạo tiết ra nhiều hoặc thay đổi bất thường, trở nên lỏng, giống chất nhờn hoặc có máu (ngay cả khi nó chỉ có màu hồng nhạt)
  • Đau bụng hoặc chuột rút như đau bụng kinh, cảm giác gia tăng áp lực ở vùng xương chậu hay có cảm giác mót rặn
  • Đau lưng dưới, đặc biệt là nếu mẹ không có những dấu hiệu này trước đó.

Vào giai đoạn thai nhi 31 tuần tuổi, các tuyến sữa trong ngực của mẹ bắt đầu hoạt động để tạo sữa non. Sữa non là sữa ban đầu cung cấp cho bé lượng calo và chất dinh dưỡng trong vài ngày đầu tiên sau sinh trước khi “sữa mẹ về”.

Một số mẹ vào tuần thai thứ 31 có sữa non rất loãng và trong giống như nước, trong khi sữa non của một số mẹ khác lại đặc và có màu vàng. Nếu mẹ nhận thấy ngực bị rò rỉ sữa non, mẹ có thể mua miếng đệm ngực dùng một lần hoặc loại có thể giặt rửa để bảo vệ quần áo của mẹ không bị ướt. Và đừng quên vệ sinh sạch đầu vú, tuyệt đối không lấy tay day núm vú hay nặn sữa ra nhé, động tác này của mẹ có thể kích thích gây cơn co tử cung, dẫn tới nguy cơ sinh non.

Những điều mẹ cần lưu ý là gì?

Để đáp ứng nhu cầu cho cả mẹ và bé, cơ thể sẽ phải tạo nhiều máu hơn bình thường và tim sẽ bơm máu nhanh hơn. Thế nên, những thay đổi này trong hệ thống tuần hoàn để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu cho mẹ. Khi tĩnh mạch trở nên lớn hơn do lưu lượng máu tăng lên, chúng có thể nhô ra và mẹ có thể nhận thấy mạch máu hơi xanh hoặc màu đỏ bên dưới bề mặt da của mẹ, đặc biệt trên chân và mắt cá chân.

Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 31 tuần

thai 31 tuần

Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

Vào ba tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt là khi thai nhi 31 tuần tuổi, mẹ có thể gặp phải tình trạng són tiểu khi mang thai vì tử cung to chèn ép vào bàng quang. Nhiều mẹ bầu sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc đi tiểu khiến nước tiểu bị rò rỉ khi ho, hắt hơi, cười hay khi nhấc vật nặng.

Để chắc chắn rằng mẹ bị rò rỉ nước tiểu mà không phải là nước ối, hãy ngửi thử mùi của nó. Nếu chất lỏng không có mùi khai đặc trưng giống như nước tiểu mà có mùi ngọt, hãy đi khám ngay! Bởi đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị rò rỉ dịch ối. Trong trường hợp mẹ bầu không chắc chắn về các dấu hiệu của mình, hãy đi kiểm tra ngay nếu thấy nước từ bên dưới ra, bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo và làm một số nghiệm pháp để loại trừ tình trạng rỉ ối nhé.

Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?

Đây có thể là lần kiểm tra hàng tháng cuối cùng của mẹ. Bắt đầu tháng tiếp theo, mẹ sẽ gặp bác sĩ thường xuyên hơn, cách mỗi hai tuần trong tháng 8 của thai kỳ và mỗi tuần một lần cho đến khi em bé được sinh ra.

Trong lần tái khám khi thai nhi 31 tuần, bác sĩ sẽ kiểm tra lại huyết áp và trọng lượng của mẹ và hỏi mẹ về bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng mẹ có thể gặp phải.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu mẹ mô tả các cử động và lịch trình hoạt động của bé: khi nào bé hoạt động và khi nào bé yên lặng. Cũng như các lần khám trước sinh khác, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của em bé bằng phương pháp siêu âm kết hợp với đo bề cao tử cung.

Sức khỏe của mẹ bầu khi mang thai tuần 31

mang thai 31 tuần bị khó thở

1. Mang thai 31 tuần bị hụt hơi

Khi mang thai 31 tuần, nhiều mẹ bầu cảm nhận rõ tử cung của mình chèn ép tất cả các cơ quan nội tạng, đẩy dạ dày lên cao, chèn ép cơ hoành và phổi. Điều này khiến bạn thường xuyên cảm thấy khó thở, hụt hơi nhưng lại tạo điều kiện cho thai nhi nhận được đủ lượng oxy cần thiết.

Cần lưu ý là tình trạng khó thở khi mang thai nhất là ở 3 tháng cuối cũng có thể trở nên trầm trọng hơn ở những mẹ bầu có sẵn các bệnh lý như hen suyễn, thiếu máu hoặc huyết áp cao. Lưu ý là các mẹ bầu hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay nếu cảm thấy khó thở đột ngột hoặc dữ dội, các triệu chứng hen suyễn nặng hơn, nhịp tim nhanh hoặc không đều, có cảm giác muốn ngất xỉu, đau ngực hoặc đau khi bạn thở.

Lưu ý là để giảm bớt tình trạng khó thở hụt hơi, các mẹ bầu hãy cố gắng đứng thẳng nhất có thể, chia các bữa ăn thành các bữa nhỏ và nằm ngủ nghiêng về bên trái nhằm giúp phổi có nhiều không gian để hô hấp.

2. Đau lưng khi mang thai

Việc bùng bầu không ngừng gia tăng kích thước nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của thai nhi có thể tác động lên lưng của mẹ bầu khiến lưng bị uốn cong và gây đau.

Nếu từ trước đến nay, bạn chưa tập thể dục thì đây là thời điểm mà bạn nên vận động thể chất bằng các bài tập yoga cho bà bầu, tập các động tác kéo giãn cơ để giúp thư giãn vùng lưng giảm bớt cơn đau. Việc vận động thể chất khi mang thai còn đem đến tác dụng thư giãn tâm trí, giúp giảm bớt cảm giác mệt mỏi, căng thẳng. 

3. Đau đầu khi mang thai

Nếu tình trạng lo lắng và căng thẳng khiến bạn đau đầu hay cảm giác đầu óc rối bời, hãy dành ra vài phút ngồi trong căn phòng tối, yên tĩnh. Nếu bạn đang ở nơi làm việc, hãy nhắm mắt lại và gác chân lên trong 15 phút.

Nếu cơn đau đầu thường xuyên làm phiền khiến bạn khó chịu, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ về việc dùng acetaminophen để giảm đau.

4. Các vấn đề về giấc ngủ

Đây là một vấn đề phổ biến khác trong tam cá nguyệt thứ ba mà nhiều mẹ bầu gặp phải. Việc gặp các vấn đề với giấc ngủ của mẹ bầu có liên quan đến một loạt các tình trạng như chuột rút ở chân, ợ nóng, đi tiểu thường xuyên và lo lắng khi mang thai (do tác động của hormone thai kỳ).

Lưu ý là nếu tình trạng lo lắng, căng thẳng khiến bạn trằn trọc khó ngủ, hãy nói chuyện với bạn bè hoặc người thân, nhất là chồng để giải tỏa.

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được cung cấp trong bài, các mẹ bầu đã có câu trả lời cho thắc mắc thai 31 tuần là mấy tháng, thai 31 tuần phát triển như thế nào, mẹ bầu có thể gặp những vấn đề gì? Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Week-by-week guide to pregnancy https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/3rd-trimester/week-31/ Ngày truy cập 08/12/2023

Pregnancy at week 31 https://www.pregnancybirthbaby.org.au/pregnancy-at-week-31 Ngày truy cập 08/12/2023

Pregnancy calendar week 31 http://kidshealth.org/parent/pregnancy_center/pregnancy_calendar/week31.html Ngày truy cập 8/10/2021

31 weeks pregnant – all you need to know https://www.tommys.org/pregnancy-information/im-pregnant/pregnancy-week-by-week/31-weeks-pregnant-whats-happening Ngày truy cập 8/10/2021

31 weeks pregnant https://raisingchildren.net.au/pregnancy/week-by-week/third-trimester/31-weeks Ngày truy cập 8/10/2021

The World Health Organization Fetal Growth Charts: A Multinational Longitudinal Study of

Ultrasound Biometric Measurements and Estimated Fetal Weight

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5261648/pdf/pmed.1002220.pdf Truy cập ngày 27/11/2022

Phiên bản hiện tại

14/12/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

14 điều bạn nên làm khi chuẩn bị sinh con đầu lòng

Giai đoạn trong bụng mẹ: Thai nhi có cảm nhận được cảm xúc của mẹ?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 14/12/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo