backup og meta
Chuyên mục

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Chu vi vòng bụng thai nhi: Chỉ số tương quan chặt chẽ với trọng lượng thai nhi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 10/03/2022

    Chu vi vòng bụng thai nhi: Chỉ số tương quan chặt chẽ với trọng lượng thai nhi

    Chu vi vòng bụng thai nhi là một phép đo sinh trắc siêu âm cơ bản để đánh giá kích thước thai nhi. Cùng với đường kính lưỡng đỉnh, chu vi vòng đầu và chiều dài xương đùi, chu vi vòng bụng thai nhi được tính toán để đưa ra ước tính cân nặng của em bé. Việc đo chu vi bụng thai nhi còn giúp dự đoán các vấn đề bất thường trong quá trình sinh nở. Vậy, thông số này là gì và như thế nào là bình thường? Thai nhi có vòng bụng quá to hoặc quá nhỏ có sao không?

    Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp những thắc mắc này.

    Chu vi vòng bụng thai nhi là gì?

    Chu vi vòng bụng thai nhi, ký hiệu là AC (Abdominal Circumference), là chiều dài của chu vi bên ngoài bụng thai nhi. Phép đo này đặc biệt hữu ích trong việc: 

    • Theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi liên quan đến kích thước và trọng lượng
    • Phát hiện các rối loạn tăng trưởng của thai nhi, chu vi vòng bụng cùng với cân nặng ước lượng (EFW) là 2 con số góp phần chẩn đoán, ví dụ:
    • Tình trạng thai tăng trưởng giới hạn trong tử cung (IUGR)
    • Tình trạng macrosomia: Thai quá lớn so với tuổi thai, hay gặp trong bệnh tiểu đường thai kỳ nhất là khi kiểm soát đường huyết kém.
  • Thông qua đó có ý niệm phần nào về phát triển và sức khỏe thai.
  • Chu vi vòng bụng thai nhi không chính xác bằng đường kính lưỡng đỉnh (BPD) và chiều dài xương đùi (FL) trong việc ước tính tuổi thai. Thay vào đó, AC thường được sử dụng như một thông số tăng trưởng để xác định tỷ lệ với đầu. Tỷ lệ giữa vòng đầu và chu vi bụng được sử dụng để quan sát sự phát triển thể chất của em bé. Một vài nghiên cứu cho thấy mối tương quan tỉ lệ này với tình trạng thai nhỏ so với tuổi lúc sinh. Thông thường, phần đầu sẽ lớn hơn cơ thể trong tam cá nguyệt thứ hai và khoảng thời gian đầu tam cá nguyệt thứ ba. Khi thai đủ tháng, tỷ lệ này thường sẽ đảo ngược lại.

    Ngoài ra, ở giai đoạn sau của thai kỳ, chỉ số AC tương quan chặt chẽ với trọng lượng của thai nhi. Mô tả đầu tiên về việc sử dụng chu vi vòng bụng thai nhi để dự đoán cân nặng của thai nhi là vào năm 1975.

    Trong các phép đo tuổi thai cơ bản, chỉ số AC là nhạy cảm nhất, và có mức độ thay đổi được báo cáo lớn nhất. Nguyên nhân là vì thông số này bị ảnh hưởng bởi tình trạng rối loạn tăng trưởng nhiều hơn các thông số cơ bản khác.

    Cách tính chu vi vòng bụng

    cách tính chu vi vòng bụng thai nhi

    Để tính chu vi vòng bụng thai nhi, bác sĩ sẽ siêu âm bụng của sản phụ. AC được đo theo mặt phẳng ngang tại gan của thai nhi, với điều kiện:

    • Các nhánh tĩnh mạch rốn đổ vào gan hợp với xoang tĩnh mạch cửa trái ở vị trí giữa bụng
    • Trong mặt phẳng này, tĩnh mạch rốn và tĩnh mạch cửa tạo thành hình chữ J
    • Dạ dày được nhìn thấy ở bên trái của bụng thai nhi 
    • Bụng hình tròn thay vì hình bầu dục, vì hình bầu dục tạo ra vết cắt xiên dẫn đến ước tính sai về kích thước. 

    Những cơ quan này cần được xác định khi mẹ mang thai được 18-20 tuần. Khi đo AC, một đường đứt nét hình elip ảo sẽ hiện trong màn hình siêu âm, dọc theo bề mặt da bên ngoài bụng em bé, không sâu vào trong da bụng để tránh lỗi đo AC quá nhỏ. Độ dài của đường elip là chu vi vòng bụng thai nhi. Lưu ý, AC không được đo khi vùng bụng đã được nong rộng hay hóp lại. Bụng của thai nhi có thể thay đổi hình dạng do:

    • Nhịp thở của em bé
    • Chèn ép bởi dụng cụ siêu âm
    • Mẹ mang đa thai nên thai nhi chen chúc trong tử cung 
    • Thế ngôi mông

    Lúc này, đo nhiều lần và lấy giá trị trung bình để đảm bảo độ chính xác.

    Ngoài ra, AC có thể được tính từ hai đường kính bụng trực giao (AD1, AD2), được đo trên cùng một hình ảnh, theo công thức:

    AC = (AD1+AD2) x 1.57

    Trong đó, AD1 là đường kính từ đường da sau cột sống của thai nhi đến đường da ngoài của thành bụng trước và AD2 ​​là đường kính ngang vuông góc với AD1.

    Bảng chu vi vòng bụng theo tuổi thai

    Bởi vì mỗi thai nhi có số đo bụng khác nhau và trong mỗi giai đoạn chiều rộng vòng bụng của em bé cũng khác nhau, nên không có một số đo AC cố định. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn quốc tế, chỉ số chu vi vòng bụng thai nhi trung bình theo tuổi thai như sau (các con số này chỉ mang tính chất tham khảo, số đo của từng thai nhi sẽ được bác sĩ so sánh dựa trên bảng bách phân vị theo quần thể tham chiếu hoặc chuẩn mực mong đợi để xác định có bất thường hay không):

    Bảng chỉ số chu vi vòng bụng thai nhi trung bình theo tuổi thai

    Bảng chỉ số chu vi vòng bụng thai nhi trung bình theo tuổi thai

    Chu vi vòng bụng thai nhi to có sao không?

    Chu vi vòng bụng thai nhi to có sao không?

    Chu vi vòng bụng thai nhi có liên quan mật thiết với cân nặng của em bé. Vì vậy, nếu AC lớn hơn nhiều so với mức trung bình  trong 3 tháng giữa và đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ, nghĩa là trọng lượng ước tính của thai nhi cũng sẽ nặng hơn nhiều so với các em bé cùng tuổi thai. Điều này đã được chứng minh là có liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu, bất kể mức độ nghiêm trọng của tình trạng không dung nạp glucose ở người mẹ. 

    Bên cạnh đó, khi siêu âm trước khi sinh, nếu chỉ số AC của thai nhi quá to, có nhiều khả năng sản phụ mang thai lớn với trọng lượng trẻ sinh ra hơn 4kg. Điều này không chỉ liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ mà còn cả chứng đa ối. Trọng lượng thai nhi quá lớn và thai quá to còn làm tăng nguy cơ sinh mổ của sản phụ. Mối tương quan chu vi vòng bụng (AC)- chu vi vòng đầu (HC) một lần nữa có ý nghĩa tiên lượng xảy ra biến cố kẹt vai khi sinh ngã âm đạo, là tai biến nặng nề trong sản khoa. 

    Vì vậy, phụ nữ nên được tư vấn về việc nguy cơ sinh mổ gia tăng, chứng đa ối, tình trạng thai nhi bị phì đại các cơ quan (hội chứng macrosomia) và bệnh tiểu đường thai kỳ khi phát hiện ra AC của thai nhi lớn.

    Chu vi vòng bụng thai nhi nhỏ có sao không?

    Khi siêu âm, nếu chu vi vòng bụng trong 3 tháng cuối của thai nhi nhỏ, cho dù thông số cân nặng ước tính (EFW) có nằm trên bách phân vị thứ 10 thì vẫn tăng nguy cơ cân nặng lúc sinh của thai nhỏ hơn trung bình. Và nếu cả 2 thông số này đều nằm trong khoảng thấp, nguy cơ sinh thai nhỏ so với tuổi thai sẽ rất cao. Nghĩa là, trẻ sơ sinh có AC thai nhi nhỏ thường có cân nặng trung bình khi sinh thấp hơn các bé có AC bình thường, dù là sinh đủ tháng hay sinh non. Trong trường hợp này, các bác sĩ cũng cần đánh giá khả năng tăng trưởng của thai nhi để xác định xem em bé có đang bị hạn chế tăng trưởng trong tử cung. Nếu chỉ có AC nhỏ, mà không có hạn chế tăng trưởng, thì nguy cơ trẻ sơ sinh mắc bệnh hoặc tử vong sẽ thấp hơn. 

    Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, AC của thai nhi nhỏ làm tăng nguy cơ sinh non của người mẹ. Điều này được hiểu là, khi siêu âm 3 tháng cuối, chu vi bụng nhỏ, kể cả cân nặng ước tính bình thường, có thể thúc đẩy sinh sớm hơn, làm tăng nguy cơ sinh non tự phát hoặc sinh non do khởi phát chuyển dạ, mổ lấy thai… trước 37 tuần tuổi thai.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được tầm quan trọng của chu vi vòng bụng thai nhi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 10/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo