backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nguyên nhân thiếu nước ối là gì? Hướng xử lý khi mẹ thiếu ối

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 17/11/2022

    Nguyên nhân thiếu nước ối là gì? Hướng xử lý khi mẹ thiếu ối

    Nước ối là môi trường giúp thai nhi phát triển và được bảo vệ cho đến khi chào đời. Vì vậy, việc phát hiện sớm những bất thường về nước ối trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Trong đó, thiếu nước ối là một trong những vấn đề có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên, hầu hết các mẹ bầu không biết nhiều hoặc không có khái niệm về tình trạng này.

    Vậy nước ối là gì? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng thiểu ối? và mẹ bầu cần làm gì với tình trạng này? Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giúp bạn được giải đáp những vấn đề này nhé!

    Nước ối là gì? Vai trò của nước ối bạn cần biết

    Nước ối là chất dịch chứa đầy trong túi ối xung quanh bào thai đang phát triển trong tử cung của người mẹ và có những vai trò rất quan trọng như:

    • Bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm
  • Ngăn không cho dây rốn bị chèn ép, vì nếu dây rốn bị nghẹt sẽ làm giảm cung cấp oxy cho thai nhi
  • Giúp duy trì nhiệt độ ổn định của thai nhi trong tử cung
  • Chống lại nhiễm trùng
  • Cho phép thai nhi vận động được dễ dàng để cơ và xương phát triển đúng cách.
  • Trong 14 tuần đầu của thai kỳ, nước ối được tạo ra từ hệ tuần hoàn của mẹ bầu trong màng ối. Vào đầu tam cá nguyệt thứ 2, bé bắt đầu nuốt nước ối và bài tiết nó như nước tiểu, sau đó nuốt lại, tái lập đầy đủ lượng nước ối mỗi vài giờ. Điều này có nghĩa hầu hết phần nước ối là nước tiểu của thai nhi. Vì vậy, thai nhi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ đúng thể tích dịch ối trong túi ối. Đôi khi, sự cân bằng này bị phá vỡ dẫn đến quá nhiều hoặc quá ít nước ối.

    tình trạng thiếu nước ối

    Trong tình trạng bình thường, lượng nước ối trong tử cung tăng lên cho đến đầu tam cá nguyệt thứ 3 và tăng nhiều nhất vào tuần thứ 34 đến tuần 36. Lúc này túi ối có thể chứa khoảng 800 ml nước và thể tích nước ối sẽ giảm dần cho đến khi sinh. Tình trạng có quá nhiều dịch ối ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ gọi là đa ối và xảy ra chỉ ở 1% mẹ bầu. Nếu lượng nước ối quá ít sẽ bị xem là thiểu ối.

    Để tìm hiểu kỹ hơn về chỉ số nước ối hay lượng nước ối của thai phụ, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện xét nghiệm hoặc siêu âm theo thủ thuật sau: lấy rốn làm mốc, chia bụng làm 4 phần với 2 đường dọc ngang. Ở mỗi phần, bác sĩ chọn ra túi ối sâu nhất để đo chiều dài. Chỉ số nước ối được ký hiệu là AFI. Trong tam cá nguyệt thứ 3, chỉ số này bình thường khi dao động từ 5−25 cm. Nếu chỉ số dưới 5 cm thì được coi là thiếu nước ối.

    Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước ối

    Các bác sĩ không phải lúc nào cũng biết điều gì gây ra tình trạng ít nước ối. Tình trạng này phổ biến nhất vào cuối tam cá nguyệt thứ 3, đặc biệt nếu bạn quá ngày dự sinh. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

    Nguyên nhân thiếu nước ối – Màng ối bị rò rỉ

    Một vết rách nhỏ trong màng ối có thể làm cho nước ối thoát ra ngoài. Điều này có thể xảy ra bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ, nhưng phổ biến hơn khi bạn càng gần tới ngày sinh con. Mẹ bầu có thể nhận thấy sự rò rỉ nước ối nếu đồ lót bị ướt hoặc bác sĩ phát hiện ra trong quá trình thăm khám âm đạo. Vì vậy, bạn hãy nói cho bác sĩ biết nếu nghi ngờ màng ối bị rò rỉ.

    Khi màng ối bị rách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cả bạn và thai nhi, vì nó tạo ra điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào túi ối. Thỉnh thoảng, vết rách trong túi sẽ tự lành, tình trạng rò rỉ sẽ biến mất và mức nước ối sẽ trở lại bình thường. Trường hợp này thường gặp nếu sự rò rỉ xảy ra sau khi làm thủ thuật chọc ối. Còn màng ối rách nhiều hơn dẫn đến vỡ nước ối. Lúc này, bạn phải nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời xử lý.

    Các vấn đề về nhau thai

    Vấn đề với nhau thai thường là nhau bong non, có nghĩa là một phần hay toàn bộ nhau thai tách ra thành tử cung. Nếu nhau thai không cung cấp đủ máu và chất dinh dưỡng cho thai nhi thì thai nhi sẽ ngừng sản xuất nước tiểu làm cho lượng dịch ối thấp.

    Nguyên nhân thiếu ối – Mang song thai hoặc đa thai

    thiếu nước ối khi mang song thai

    Bạn sẽ có nguy cơ thiếu ối nếu mang song thai hoặc đa thai. Tình trạng này có thể xảy ra trong trường hợp hội chứng truyền máu song thai. Hội chứng này khiến một bào thai có quá ít nước ối, trong khi bào thai kia có quá nhiều.

    Một số vấn đề y khoa khác

    Một số bệnh như cao huyết áp mạn tính, tiền sản giật, tiểu đường và lupus cũng có thể dẫn đến lượng nước ối thấp.

    Nguyên nhân nước ối ít liên quan đến bất thường ở thai nhi

    Nếu bạn thấy có ít nước ối trong tam cá nguyệt đầu hoặc tam cá nguyệt thứ 2, điều này là dấu hiệu cho thấy có thể thai nhi có dị tật bẩm sinh. Trong trường hợp thận của bé không phát triển đúng cách hoặc đường dẫn tiểu bị tắc, thai nhi sẽ không sản xuất đủ nước tiểu để duy trì thể tích nước ối.

    Mẹ bầu nên làm gì khi bị chẩn đoán là thiểu ối?

    Nếu bị chẩn đoán là thiếu nước ối, bác sĩ sẽ theo dõi sát thai nhi để chắc chắn rằng con vẫn tiếp tục phát triển bình thường hoặc nếu bạn đang gần đến ngày dự sinh, có thể bạn sẽ được khởi phát chuyển dạ. Trong một số trường hợp, ví dụ như mẹ bầu bị tiền sản giật nghiêm trọng hoặc thai nhi không phát triển bình thường trong tử cung thì cần phải sinh con sớm.

    Mực nước ối thấp làm tăng khả năng gây biến chứng trong thời gian chuyển dạ, bởi vì thể tích nước ối thấp sẽ làm cho các cử động của bé hoặc các cơn co thắt của bạn gây đè ép lên dây rốn. Trong thời gian chuyển dạ, bác sĩ đặt một ống thông mềm qua cổ tử cung để có thể bơm một lượng dịch (thường là nước muối sinh lý) vào túi nước ối để giảm nguy cơ chèn ép dây rốn. Nếu thai nhi không thể vượt qua một cách an toàn, bác sĩ sẽ đề nghị bạn sinh mổ.

    Nước ối góp phần rất quan trọng đối với mẹ bầu trong những tháng thai kỳ. Mong rằng với những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp mẹ bầu có những tháng thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 17/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo