backup og meta

Mang thai giả: Bệnh lý hay bản thân đang "tự lừa mình"?

Mang thai giả: Bệnh lý hay bản thân đang "tự lừa mình"?

Mang thai giả là hiện tượng mà cơ thể có những dấu hiệu rất giống với những người đang có em bé thật. Để tránh được nỗi thất vọng không đáng có khi nghĩ rằng bản thân đã thật sự mang thai này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay những đặc điểm của mang thai giả qua bài viết dưới đây. 

Được làm mẹ là thiên chức vô cùng cao quý và thiêng liêng của người phụ nữ. Do vậy mà đôi lúc họ tin rằng mình đã có thai dựa trên một số dấu hiệu như chậm và tắt kinh, buồn nôn, ngực căng tức và tiết sữa … Thế nhưng, những biểu hiện đấy lại không chứng minh được họ đang mang thai thực sự mà có thể là kết quả của những bệnh lý khác. 

Qua đó mới thấy, mang thai giả là đề tài nhận được sự quan tâm đông đảo của “một nửa thế giới’. Theo các chuyên gia, hiện tượng này có liên hệ mật thiết đến vấn đề tâm lý ở phụ nữ. Liệu rằng nhận định này có thực sự đúng hay không? Làm thế nào để bạn có thể nhận biết và xử lý tình huống này đúng cách? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Mang thai giả là gì?

giải mã hiện tượng mang thai giả

Mang thai giả (Pseudocyesis) là thuật ngữ dùng để mô tả trường hợp phụ nữ có cảm xúc và triệu chứng cơ năng như người mang thai tháng đầu tiên, nhưng thực chất là không phải. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD10), tình trạng này được xếp vào nhóm các rối loạn tâm thần. Theo đó, mang thai giả có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng giống hết với các dấu hiệu mang thai thường gặp.

Tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng mang thai giả

Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể giải thích rõ nguyên nhân chính gây nên hiện tượng kỳ lạ này, bởi nó có mối liên quan phức tạp giữa vỏ não, vùng dưới đồi, nội tiết tố và cả yếu tố tâm lý. Thế nhưng, các nhà khoa học đã đưa ra những giả thuyết như sau: 

1. Tâm lý lo sợ hoặc mong muốn mang thai

Các nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cho rằng, nỗi sợ hoặc khao khát mang thai tột cùng có khả năng chính là nhân tố tạo nên ảo tưởng rằng mình có các dấu hiệu mang thai nhưng thực chất đó chỉ là các triệu chứng mang thai giả. Yếu tố tâm lý – thần kinh này kích thích hệ nội tiết ở phụ nữ và gây ra các biểu hiện rất giống việc mang thai.

2. Áp lực làm vợ

Một giả thuyết khác có liên quan đến áp lực làm tròn bổn phận của người phụ nữ sau khi trải qua một biến cố thai sản như sẩy thai, vô sinh hay sức ép từ gia đình sau khi đã kết hôn. Mong muốn làm tròn trách nhiệm này khiến người phụ nữ diễn giải sai, hiểu lầm những thay đổi trong cơ thể là dấu hiệu mang thai.

3. Vấn đề về hệ thần kinh

Giả thuyết cuối cùng nhấn mạnh đến sự thay đổi của các chất hóa học trong hệ thần kinh có liên quan đến rối loạn trầm cảm ở người bệnh. Sự thay đổi của các chất hóa học này được xem là yếu tố gây ra các triệu chứng mang thai giả.

Theo đó, sự lo âu, căng thẳng quá mức sẽ kích thích vùng hạ đồi – tuyến yên – thượng thận bài biết ra các hormone liên quan đến việc mang thai, sinh nở như estrogen và prolactin. Sự thay đổi hormone cũng kéo theo những vấn đề như táo bón, chướng bụng, tăng trọng và nhu động ruột rất giống với cử động của thai nhi. 

Một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra các triệu chứng của thai kỳ giả, bao gồm thai ngoài tử cung, béo phì, u nang buồn trứng, bệnh gan, thận hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc tràn dịch ổ bụng khiến cho bụng to lên. Nếu tiến hành xét nghiệm HCG (hormone tạo thành từ chính nhau thai) giai đoạn đầu, kết quả sẽ âm tính kể cả bạn có thực hiện phương pháp siêu âm để kiểm tra lại. 

Dấu hiệu mang thai giả dễ nhận biết nhất

dấu hiệu mang thai giả

Việc nhận biết hiện tượng này khá khó khăn nếu bạn không thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm về thai kỳ. Bởi các dấu hiệu mang thai giả rất giống các biểu hiện mang thai thông thường.

Bụng phình to

Dấu hiệu mang thai giả phổ biến nhất là bụng phình to. Bụng có thể to dần lên trông như thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, đây thực sự không phải là dấu hiệu mang thai thật sự và bụng của những người này sẽ nhỏ lại như bình thường sau khi gây mê. Trên thực tế, tình trạng bụng phình to này có thể là do:

  • Đầy hơi
  • Tăng cân, tăng mỡ bụng
  • Sự tích tụ các chất thải (phân, nước tiểu)

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường chính là dấu hiệu mang thai giả phổ biến thứ hai. Theo thống kê, có khoảng 1/2 – 3/4 phụ nữ bị chậm kinh, mất kinh được chẩn đoán mang thai giả nói rằng họ có cảm giác đau bụng dữ dội giống như thai máy trong chu kỳ kinh nguyệt mặc dù sự thật không có thai.

Nguyên nhân đưa đến vấn đề này là do ảnh hưởng tâm lý (căng thẳng, lo âu quá mức) khiến nội tiết tố trong cơ thể mất cân bằng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Trong trường hợp chậm kinh mà muốn biết chính xác bản thân mình có thụ thai hay không, lúc này bạn nên sử dụng que thử thai. Nếu kết quả không hiện 2 vạch thì điều này đồng nghĩa với việc bạn không mang thai, đó chỉ là biểu hiện của kỳ kinh không đều mà thôi. 

Các triệu chứng khác

Một số dấu hiệu mang thai giả sau thường rất khó phân biệt với tình trạng mang thai thông thường:

  • Ốm nghén, nôn ói (thực chất vấn đề này nằm ở hệ tiêu hóa)
  • Trễ kinh
  • Bầu ngực căng và đôi khi có chút sữa non (do rối loạn nội tiết tố ở mức nhẹ)
  • Màu đầu ti thay đổi
  • Chảy sữa
  • Tăng cân
  • Đau bụng
  • Tăng cảm giác thèm ăn
  • Tử cung mở rộng.

Các triệu chứng này có thể rõ ràng đến mức khiến các bác sĩ cũng cho rằng bạn đã mang thai nếu không thực hiện các kiểm tra chi tiết hơn.

Chẩn đoán hiện tượng mang thai giả

chẩn đoán việc mang thai

Để xác định xem một phụ nữ có đang mang thai giả hay không, bác sĩ thường sẽ đánh giá các triệu chứng gặp phải, đồng thời thực hiện khám vùng chậu và siêu âm bụng. Đây cũng là các xét nghiệm được sử dụng để phát hiện và theo dõi thai nhi khi mang thai thật sự. Đôi khi, bác sĩ cũng sẽ phát hiện một số thay đổi về thể chất vốn xảy ra trong khi mang thai, chẳng hạn như tử cung mở rộng hoặc mềm cổ tử cung.

Nếu mang thai giả, kết quả siêu âm sẽ cho thấy không có sự hình thành của thai nhi và nhịp tim thai. Theo Hiệp hội Thai kỳ Hoa Kỳ, siêu âm là xét nghiệm duy nhất có thể giúp bạn xác định chính xác 100% liệu bạn có đang mang thai không.

Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu cũng giúp bạn có được câu trả lời chính xác nếu bạn mang thai giả, chỉ trừ khi bạn mắc phải các bệnh ung thư hiếm gặp có khả năng tạo ra các hormone tương tự như hormone thai kỳ.

Điều trị hiện tượng mang thai giả

Trên thực tế, việc mang thai giả không được xem như một tình trạng bệnh lý thực thụ, vì thế không thể sử dụng phương án điều trị bằng thuốc. Thế nhưng, trong trường hợp người đó gặp phải vấn đề như rối loạn kinh nguyệt hoặc các bệnh lý khác thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để cải thiện sức khỏe. 

Hiệp hội Thai kỳ Hoa Kỳ cho rằng đây là một vấn đề tâm lý hơn là một vấn đề về thể chất. Bởi khi một người phụ nữ tin rằng cô đang mang thai, đặc biệt là nếu niềm tin này tồn tại trong một thời gian dài, có thể cô ấy sẽ rất thất vọng khi biết rằng mình chỉ đang mang thai giả. Do vậy, người thân và các bác sĩ cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn để giải thích về kết quả, hỗ trợ họ về mặt tâm lý hoặc sử dụng các liệu pháp tâm lý để giúp bệnh nhân mau chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo Healthline, mang thai giả là một hiện tượng hiếm gặp, tuy nhiên bạn vẫn nên hiểu rõ về tình trạng này để tránh nhầm lẫn về sức khỏe của mình. Chúc bạn có thể sớm có thể mang thai như ý muốn nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

False (Phantom) Pregnancy: Causes, Symptoms, and Treatments

https://www.healthline.com/health/pregnancy/phantom-pregnancy

Ngày truy cập 4.12.2018

Pseudocyesis: What’s A False Pregnancy Or Phantom Pregnancy?

http://americanpregnancy.org/getting-pregnant/pseudocyesis-false-pregnancy/

Ngày truy cập 4.12.2018

False Pregnancy (Pseudocyesis)

https://www.webmd.com/baby/false-pregnancy-pseudocyesis#1

Ngày truy cập 4.12.2018

 

Phiên bản hiện tại

15/06/2021

Tác giả: Mai Hồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phối Linh


Bài viết liên quan

Cách dùng que thử thai và đọc kết quả que thử thai theo hướng dẫn từ bác sĩ sản khoa

21 dấu hiệu mang thai sớm: Bạn có dấu hiệu nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 15/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo