backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 08/12/2021

Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ

Để hỗ trợ chẩn đoán một số tình trạng sức khỏe hay bệnh lý, bạn có thể được yêu cầu lấy mẫu làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ. Việc này đòi hỏi bạn phải thu thập mẫu nước tiểu theo hướng dẫn trong 24 tiếng đồng hồ để gửi tới phòng xét nghiệm.

Để tìm hiểu rõ hơn về loại xét nghiệm nước tiểu này và những lưu ý cần biết khi thu thập mẫu, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ là gì?

Xét nghiệm nước tiểu 24h là phương pháp đo thể tích và phân tích tính chất nước tiểu của người bệnh được thu thập trong vòng 24 giờ, giúp chẩn đoán các bệnh thận hoặc đa niệu (xuất hiện trong trường hợp người bệnh bị đái tháo nhạt).

Người bệnh có thể trực tiếp lấy mẫu tại nhà nên cần thông hiểu quy trình lấy nước tiểu 24h và đảm bảo chất lượng kết quả xét nghiệm. Đây là thủ thuật rất đơn giản và không xâm lấn.

Có thể bạn muốn xem thêm: Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là gì?

Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để làm gì?

Xét nghiệm này được chỉ định trong trường hợp bác sĩ cần theo dõi lượng và tính chất của nước tiểu trong 24 giờ để đánh giá thận và tiết niệu. Qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể:

  • Xác định cơ thể người bệnh lọc được bao nhiêu nước tiểu hoặc bài tiết bao nhiêu chất cụ thể (protein, aldosterone, natri, kali hoặc nitơ urê) trong một ngày
  • Định lượng protein niệu, ure niệu, creatinin niệu, điện giải niệu,… trong 24 giờ
  • Tính bilan dịch vào và ra.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

xét nghiệm nước tiểu 24 giờ

Trước khi thực hiện

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chuẩn bị cho xét nghiệm nước tiểu 24h. Người bệnh có thể phải ngừng uống một số loại thuốc hay không ăn một số loại thực phẩm để tránh can thiệp vào kết quả xét nghiệm. Do đó, hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc (kê toa và không kê toa) hay vitamin bổ sung mà mình đang sử dụng.

Bên cạnh đó, nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, hãy báo cho bác sĩ để được kiểm tra. Ngoài ra, khối lượng cơ bắp của người bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như trường hợp bị bệnh nặng (có thể không tạo ra nhiều protein creatinin cơ bắp) hay có tập luyện thể hình (tăng khối lượng cơ bắp).

Các dụng cụ cần chuẩn bị cho xét nghiệm nước tiểu 24 giờ:

  • Acid clohydric (HCl) 1% thể tích 10ml (phòng khám hoặc bệnh viện sẽ cung cấp)
  • Bình chứa (hoặc bô sạch) có nắp đậy
  • Ống nghiệm hoặc chai nhựa nhỏ sạch dùng mang mẫu nước tiểu đã tích trữ đủ 24 giờ đến phòng khám xét nghiệm.

Người bệnh nên chọn ngày mình ở nhà để không phải di chuyển bình đựng nước tiểu trong 24 giờ. Nước tiểu thu được cần giữ ở nhiệt độ mát.

Trong khi thực hiện

Đối với người bệnh tiểu tự chủ

Nếu ngày mai đi khám thì quá trình lấy nước tiểu sẽ bắt đầu từ sáng hôm nay.

  • Lấy bình chứa rửa và tráng lại bằng nước sạch, để khô hoặc lau thật khô
  • Lấy toàn bộ lượng acid được cung cấp cho vào bình chứa, đảo nhẹ nhàng để acid phủ đều mặt bình chứa (khoảng 2/3 bề mặt bình kể từ đáy)
  • Buổi sáng khi vừa ngủ dậy (khoảng 6-7h sáng) không lấy lượng nước tiểu đầu tiên (bỏ lần đi tiểu đầu tiên)
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục và bắt đầu lấy mẫu từ lần đi tiểu thứ 2
  • Tích trữ nước tiểu vào bình đã chuẩn bị và thực hiện tương tự cho các lần sau
  • Đến 6-7h sáng ngày hôm sau (vào ngày đi khám) khi ngủ dậy, vệ sinh bộ phận sinh dục, lấy nước tiểu lần cuối vào bình đang trữ nước tiểu từ hôm qua
  • Đo thể tích nước tiểu trữ được và ghi lại
  • Khuấy đều nước tiểu trữ được và lấy một mẫu vào chai nhựa nhỏ sạch đã chuẩn bị tối thiểu 30ml, số nước tiểu còn lại có thể bỏ đi

Đối với người bệnh đặt sonde (ống thông) tiểu

Người bệnh và người nhà sẽ được giải thích về thủ thuật lấy mẫu làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để thao tác đúng, cụ thể là:

  • Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn
  • Đeo găng tay thường loại dùng 1 lần để đề phòng nước tiểu bị nhiễm bẩn
  • Sát trùng đầu túi đựng nước tiểu bằng gạc có dung dịch sát khuẩn để tránh làm nhiễm bẩn nước tiểu
  • Tháo nước tiểu từ túi đựng nước tiểu vào bình chứa, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày nếu túi nước tiểu quá đầy
  • Đo lượng nước tiểu chính xác và quan sát tính chất của nước tiểu
  • Khuấy đều nước tiểu trong bình, lấy một mẫu nước tiểu cho các xét nghiệm cần thiết

Đối với trẻ sơ sinh

Nếu cần thu thập nước tiểu của trẻ sơ sinh, người thân của trẻ sẽ được cung cấp túi đựng nước tiểu đặc biệt bằng giấy có lớp keo dính để giữ đúng vị trí. Quy trình lấy mẫu làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ gồm các bước sau:

  • Vệ sinh bộ phận sinh dục của trẻ
  • Đặt túi thu nước tiểu vào bộ phận sinh dục trẻ, người nhà có thể dùng thêm tã lót
  • Kiểm tra túi thường xuyên và trữ qua bình chứa nước tiểu
  • Thay thế túi đã sử dụng bằng túi sạch mới
  • Sau khi đủ 24 giờ thu thập mẫu thì gửi đến phòng khám hoặc bệnh viện theo yêu cầu từ bác sĩ.
  • Sau khi thực hiện

    Người bệnh ghi chú đầy đủ thông tin cá nhân lên bình chứa theo nhãn cung cấp, gửi mẫu nước tiểu 24 giờ đến phòng khám hoặc bệnh viện, chờ kết quả xét nghiệm nước tiểu 24h và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ nếu có.

    Thận trọng/ Lưu ý

    Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ có nguy hiểm không?

    Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ là một xét nghiệm an toàn, dễ dàng. Mỗi người có thể tự thu thập mẫu nước tiểu tại nhà và cần tuân theo chính xác các chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Nhìn chung, xét nghiệm này giống như khi đi tiểu bình thường, không có tác dụng phụ hoặc rủi ro.

    Lưu ý

    Trong quá trình thu thập, toàn bộ nước tiểu thải ra phải được tích trữ lại, bao gồm cả lúc đi đại tiện (đi ngoài). Lượng nước uống bình thường như mọi ngày. Người bệnh có thể tham khảo chi tiết lượng nước uống với bác sĩ điều trị cũng như hướng xử lý nếu quên lấy mẫu 1 hoặc vài lần trong 24 giờ. Ngoài ra, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm là:

    • Không thể thu thập tất cả lượng nước tiểu trong 24 giờ
    • Thu thập quá nhiều nước tiểu trong hơn 24 giờ
    • Làm đổ nước tiểu từ bình chứa gây thất thoát
    • Không giữ nước tiểu ở nhiệt độ mát
    • Không gửi mẫu nước tiểu kịp thời đến bác sĩ theo lịch hẹn

    Một số yếu tố khác cũng có thể can thiệp vào kết quả xét nghiệm nước tiểu 24h như căng thẳng cấp tính và tập thể dục cường độ cao. Nếu thuộc trường hợp trên, hãy thông báo cho bác sĩ. Trong một số tình huống khác, người bệnh có thể cần thực hiện nhiều lần quy trình lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu 24 giờ.

    Kết quả xét nghiệm

    Kết quả của xét nghiệm nước tiểu 24 giờ có ý nghĩa gì?

    tại sao phải xét nghiệm nước tiểu 24 giờ

    Lượng nước tiểu bình thường của một người là khoảng 800–2.000ml mỗi ngày nếu cơ thể nạp khoảng 2 lít chất lỏng mỗi ngày. Tuy nhiên, giá trị này sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng phòng thí nghiệm khác nhau. Bác sĩ sẽ giải thích ý nghĩa kết quả xét nghiệm nước tiểu 24h cho người bệnh.

    Nước tiểu bình thường vô trùng và không chứa vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nước tiểu là hỗn hợp của nước và hóa chất, protein hoặc chất điện giải như:

    • Natri
    • Kali
    • Urê
    • Creatinin
    • Các hợp chất hóa học khác

    Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung nếu mẫu nước tiểu chứa quá nhiều hoặc quá ít các chất này hoặc lượng nước tiểu bất thường (cao quá hoặc thấp quá).

    Lượng nước tiểu thấp bất thường có thể là dấu hiệu của:

    • Uống không đủ nước
    • Mất nước
    • Suy giảm chức năng thận

    Lượng nước tiểu cao bất thường có thể là do:

    Tùy theo tình trạng bệnh lý, mẫu nước tiểu 24 giờ của người bệnh sẽ được tiến hành xét nghiệm bổ sung để đánh giá các yếu tố khác. Những kết quả phổ biến nhất bao gồm tăng canxi niệu, tăng oxalat niệu, tăng uric niệu, sỏi niệuthiểu niệu (lượng nước tiểu trong 24 giờ thấp).

    Các yếu tố khác chẳng hạn như natri niệu cao và nồng độ magiê trong nước tiểu thấp cũng có thể đóng một vai trò nhất định. Nếu có dấu hiệu tăng canxi máu, người bệnh cần nhanh chóng theo dõi, thực hiện thêm xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh cường cận giáp nguyên phát và thứ phát.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về xét nghiệm nước tiểu 24 giờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 08/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo