6. Các vấn đề răng miệng gây khó chịu khi mang thai

Sự thay đổi hormone khi mang thai cũng góp phần khiến mẹ bầu dễ gặp các vấn đề răng miệng hơn. Mặc dù chưa được lý giải rõ ràng nhưng một số chuyên gia cho rằng điều này là do cơ thể mẹ bầu đang giảm khả năng phản ứng với vi khuẩn gây mảng bám, nướu răng cũng nhạy cảm hơn do tăng lưu lượng máu đến mô nướu.
Trong đó, tình trạng đau răng hoặc chảy máu nướu răng là những vấn đề rất phổ biến trong thai kỳ và các chị em bầu bí không nên chủ quan. Bởi vì nướu bị chảy máu không được điều trị có thể dẫn đến viêm nha chu (viêm nướu) và tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân. Bên cạnh đó, nướu chảy máu cũng rất dễ dẫn đến những vấn đề như tụt nướu răng, ê buốt nhạy cảm, dễ sâu răng… khiến bạn cảm thấy khó chịu khi mang thai.
Giải pháp cải thiện, điều trị các vấn đề răng miệng khi mang thai
- Bạn nên đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt, chải răng đầy đủ 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa cẩn thận để tránh chảy máu nướu răng vốn nhạy cảm khi mang thai
- Đến nha sĩ 3 tháng một lần trong thai kỳ để được kiểm tra, vệ sinh và chăm sóc răng miệng tốt nhất
- Ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin đầy đủ cũng rất quan trọng để đảm bảo dinh dưỡng, duy trì sức khỏe tổng thể lẫn sức khỏe răng miệng.
7. Đau đầu gây khó chịu khi mang thai

Tình trạng đau nhức đầu khi mang thai có thể là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, thiếu ngủ, mất nước, vấn đề huyết áp… Trong một số trường hợp, việc bị đau đầu trong thai kỳ có thể là do mẹ bị tiền sản giật, một tình trạng thường phát triển trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.
Nếu bị tiền sản giật, mẹ bầu cũng có thể nhận thấy các triệu chứng khác như thay đổi thị lực (mắt mờ, nhạy cảm với ánh sáng…), đau bụng trên dưới xương sườn bên phải, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, sưng mặt, sưng tay chân… Nếu mẹ bầu bị đau đầu nghiêm trọng kèm theo các triệu chứng kể trên thì nên sớm thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra và điều trị tốt nhất.
Cách giảm đau đầu khi mang thai
Đau đầu là một trong những vấn đề gây khó chịu khi mang thai. Bạn có thể giảm bớt triệu chứng này bằng cách:
- Massage khu vực lưng, vai, gáy, cổ và đầu một cách nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau hiệu quả
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh đều có thể giảm đau đầu
- Mẹ bầu bị đau đầu cần nghỉ ngơi nhiều nhưng cũng nên dành thời gian tập thể dục để giảm đau, giải tỏa căng thẳng
- Đảm bảo ăn uống đủ chất và uống nhiều nước
- Nếu mẹ đau đầu và nhạy cảm với ánh sáng thì nên mang kính râm khi ra ngoài và giữ phòng ở không quá sáng
- Dùng thuốc giảm đau theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Trên thực tế, mẹ bầu sẽ gặp rất nhiều vấn đề khó chịu khi mang thai ngoài các vấn đề phổ biến kể trên. Một số vấn đề thường gặp khác bao gồm đau ngực, khó thở, nghẹt mũi, sưng phù tay chân, nổi mụn, ngứa da, đau bụng dưới, đau lưng, đau háng… Thông thường, mẹ không cần cảm thấy quá lo lắng về những tình trạng này. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào thì cách tốt nhất là bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!