backup og meta

Bà bầu bị ho nên uống gì? Bật mí 10 thức uống trị ho dứt điểm, an toàn

Bà bầu bị ho nên uống gì? Bật mí 10 thức uống trị ho dứt điểm, an toàn

Khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu giảm sút. Không những thế, sự thay đổi hormone trong thai kỳ khiến cơ thể thai phụ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, gây ho khi mang thai. Vậy, bà bầu bị ho nên uống gì để vừa an toàn cho thai nhi lại vừa mau khỏi?

Mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được bà bầu bị ho nên uống gì vừa an toàn, vừa hết ho dứt điểm.

Khi bị ho, không ít mẹ bầu cảm thấy e ngại việc uống thuốc vì lo sợ các tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Thực chất, ngoài việc dùng thuốc theo toa để điều trị ho, phụ nữ mang thai có thể tham khảo 10 thức uống sau đây để nhanh chóng “tiễn biệt” những cơn ho khan, ho có đờm gây khó chịu.

1. Bà bầu bị ho nên uống gì? Tắc mật ong

Nếu bạn đang thắc mắc bà bầu bị ho nên uống gì để trị ho dứt điểm, đừng bỏ qua tắc chưng mật ong. Trái tắc chứa nhiều vitamin C và tinh dầu, giúp tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu, nhanh chóng làm giảm các triệu chứng cảm cúm kèm theo nếu có. Mật ong có tính kháng khuẩn cao, hỗ trợ tiêu diệt các vi khuẩn gây ho đồng thời làm dịu kích thích ngứa rát họng. Không những thế, đặc tính tiêu viêm của mật ong cũng giúp giảm viêm nhiễm đường hô hấp, giúp thai phụ cảm thấy dễ chịu hơn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

Cách làm tắc mật ong cho bà bầu ho nhiều:

  • Bước 1: Rửa sạch tắc rồi cắt đôi, để nguyên vỏ và hạt
  • Bước 2: Cho tắc vào chén, thêm mật ong rồi trộn đều cho mật ong thấm quanh trái tắc
  • Bước 3: Cho chén tắc mật ong vào nồi, đem hấp cách thủy khoảng 15 phút rồi tắt bếp, để nguội. 

Cách dùng tắc mật ong trị ho cho bà bầu:

  • Thành phẩm của tắc chưng mật ong là dung dịch nước có mùi thơm, vị chua ngọt dễ uống, rất hợp khẩu vị của các mẹ bầu. Mẹ bầu nên uống nước tắc chưng mật ong, đồng thời ăn/ngậm luôn cả phần xác quả tắc.
  • Khi ăn, thai phụ nên nhai từ từ và ngậm trong miệng, sau đó nuốt từng ngụm nhỏ sao cho hương vị quả tắc lan đều trong cổ họng.
  • Kiên trì dùng tắc mật ong 2-3 lần/ngày trong 3-4 ngày để cơn ho mau dứt.

2. Bà bầu bị ho nên uống gì? Sữa nghệ

bà bầu bị ho nên uống gì: sữa nghệ

Bà bầu ho nhiều nên uống gì? Sữa nghệ là gợi ý mà mẹ bầu bị ho không nên bỏ qua! Đây là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời. Hơn nữa, thức uống này còn bổ sung dưỡng chất, giúp tăng cường miễn dịch, từ đó góp phần làm giảm các triệu chứng ho khi mang thai. Ngoài ra, hoạt chất cucurmin có trong nghệ còn có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, chống lại các bệnh lý nhiễm trùng, có lợi cho quá trình điều trị các vấn đề gây ho khi mang thai.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • ½ muỗng bột nghệ
  • 200ml sữa

Cách làm sữa nghệ cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Cho sữa vào nồi, bắc lên bếp đun với lửa nhỏ
  • Bước 2: Khi sữa bắt đầu sôi lăn tăn, cho bột nghệ vào nồi
  • Bước 3: Dùng muỗng khuấy đều để bột nghệ tan vào sữa rồi tắt bếp. 

Lưu ý

Khi đun sữa, mẹ bầu chỉ nên đun lửa liu riu, tránh để sữa sôi mạnh, nếu không, các dưỡng chất có trong sữa sẽ bị giảm. Trong trường hợp mẹ bầu có dấu hiệu tăng đường huyết thai kỳ hoặc các mẹ có bệnh lý đái tháo đường thì chỉ nên dùng sữa tươi không đường để nấu sữa nghệ nhé.

Cách dùng sữa nghệ trị ho cho bà bầu:

  • Mẹ bầu bị ho nên uống sữa nghệ khi sữa còn ấm.
  • Kiên trì uống mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, uống trong khoảng 3 ngày để triệu chứng ho và đau họng được đẩy lùi.

Mẹo

Nếu thai phụ bị dị ứng với sữa, có thể thay sữa bằng một ly nước nóng, sau đó cho bột nghệ và một ít muối vào ly, khuấy tan rồi uống 1 ly/ngày trong khoảng 3 ngày liên tiếp.

3. Bà bầu ho có đờm nên uống gì? Nước củ cải trắng

bà bầu bị ho nên uống gì: nước củ cải trắng

Từ xa xưa, củ cải trắng đã được dùng để điều trị ho và các vấn đề về đường hô hấp khác. Theo Đông y, loại rau ăn củ này có tính mát, giúp long đờm, giảm ho, chữa khàn giọng, mất tiếng do ho quá nhiều. 

Bên cạnh đó, củ cải trắng còn là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Đây là chất chống oxy hóa mạnh, có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của mẹ bầu, hỗ trợ chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ho. Hơn nữa, đặc tính kháng viêm của củ cải trắng cũng giúp giảm viêm đường hô hấp, từ đó giảm bớt các triệu chứng ho. 

Bà bầu bị ho nên uống gì? Để sử dụng củ cải trắng trị ho, mẹ bầu có thể ép lấy nước uống, kết hợp cùng mật ong và gừng. Sự kết hợp này làm thành một bài thuốc đơn giản mà lại rất hiệu quả. Bản thân gừng là một vị thuốc vị cay thơm, tính ấm, tác dụng phát tán phong hàn, chỉ ho, cầm nôn. Mật ong vị ngọt, cân bằng lại vị cay của gừng, vị chua cay nồng của của cải giúp các mẹ bầu dễ uống hơn. Thêm vào đó, mật ong còn giúp tăng thêm dinh dưỡng, nhanh chóng làm dịu cơn ho, tăng cường sức đề kháng…

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 củ cải trắng cỡ vừa
  • 2 muỗng mật ong
  • 1 nhánh gừng nhỏ.

Cách làm nước củ cải trắng cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Rửa sạch củ cải trắng, gọt vỏ và rửa lại cho thật sạch rồi cắt thành từng khúc nhỏ
  • Bước 2: Cho củ cải trắng vào máy ép lấy nước cốt
  • Bước 3: Gừng gọt bỏ vỏ và rửa thật sạch rồi băm nhỏ
  • Bước 4: Cho nước ép củ cải trắng vào nồi, thêm gừng băm, rồi đun sôi
  • Bước 5: Khi nước sôi, thêm mật ong vào nồi, khuấy đều cho mật ong tan ra
  • Bước 6: Khi nước sôi trở lại thì tắt bếp, lọc bỏ xác gừng, để nguội bớt, lấy phần nước cho vào chai thủy tinh, để ngăn mát tủ lạnh và dùng dần. 

Cách dùng nước củ cải trắng trị ho cho bà bầu:

  • Mỗi lần uống, mẹ bầu pha 5 – 10 ml nước củ cải trắng đã nấu với một ít nước ấm.
  • Uống 2 lần/ngày trong 3 ngày liên tục để cải thiện tình trạng ho có đờm khi mang thai.

4. Bà bầu ho nhiều nên uống trà vỏ cam

bà bầu bị ho nên uống gì: trà vỏ cam

Trà vỏ cam cũng là một gợi ý phù hợp cho băn khoăn “Bà bầu bị ho nên uống gì nếu không muốn dùng thuốc”. Nguyên nhân là vì:

  • Trà vỏ cam rất giàu vitamin C: Giống như cam, vỏ cam cũng là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho bà bầu và có thể giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng gây ho.
  • Trong vỏ cam có đặc tính chống viêm tương tự như indomethacin – chất thường được dùng để hạ sốt, giảm đau và chống viêm theo cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin. Ngoài ra, một số hợp chất có trong vỏ cam có thể ngăn chặn sự giải phóng của histamine – hoạt chất gây nên tình trạng dị ứng.
  • Trà vỏ cam chứa flavonoid: Vỏ cam có chứa flavonoid, giúp giảm viêm đường hô hấp, từ đó giảm đáng kể triệu chứng ho.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 quả cam chín ngọt
  • 1 muỗng mật ong
  • 1 muỗng nước cốt chanh.

Cách làm trà vỏ cam cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Gọt lấy vỏ cam và rửa thật sạch với muối
  • Bước 2: Nướng vỏ cam trên lửa nhỏ trong khoảng 10 phút, vừa nướng vừa lật vỏ liên tục để vỏ cam không bị cháy. Bạn cũng có thể dùng nồi chiên không dầu để nướng vỏ cam. 
  • Bước 3: Cắt nhỏ vỏ cam, cho vào lọ thủy tinh để bảo quản
  • Bước 4: Cho 1 muỗng vỏ cam vào ấm trà
  • Bước 5: Thêm nước sôi vào ấm và hãm trà trong khoảng 7 phút là dùng được

Cách dùng trà vỏ cam trị ho cho bà bầu:

  • Để món trà vỏ cam dễ uống và có hương vị thơm ngon, mẹ bầu có thể thêm mật ong hoặc chút xíu nước cốt chanh.
  • Bạn có thể nhấm nháp hay ngậm luôn vỏ cam để tăng hiệu quả chữa bệnh.
Mẹ bầu nên lựa chọn mua cam ở cửa hàng thật uy tín đảm bảo không dư lượng thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật trên bề mặt vỏ cam.

5. Bà bầu bị ho nên uống gì? Nước chanh ấm

bà bầu bị ho nên uống gì: nước chanh ấm

Bà bầu bị ho nên uống gì vừa đơn giản, dễ thực hiện, vừa nhanh khỏi bệnh? Việc dùng nước chanh ấm là một phương pháp điều trị ho và viêm họng phổ biến tại nhà cho mẹ bầu nói riêng và cho người bị ho nói chung. 

Nước chanh ấm có một số lợi ích tiềm năng giúp khắc phục cơn ho khan và ho có đờm hiệu quả:

  • Làm dịu cổ họng: Tình trạng cổ họng bị khô và ngứa có thể gây ho khi mang thai. Việc thường xuyên uống nước chanh ấm có thể giúp làm dịu cổ họng bị khô ngứa.
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch: Chanh chứa nhiều vitamin C, vừa giúp chống oxy hóa, vừa hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch cho mẹ bầu.
  • Cung cấp nước cho cơ thể: Việc giữ đủ nước cho cơ thể là điều rất quan trọng khi thai phụ bị ho. Nước chanh ấm có thể giúp bổ sung thêm nước, làm giảm tình trạng buồn nôn ốm nghén thường gặp ở tam cá nguyệt thứ nhất.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 quả chanh tươi
  • 1 muỗng mật ong
  • ½ ly nước ấm.

Cách làm nước chanh ấm cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Rửa sạch quả chanh, lau khô rồi dùng dao sắc cắt thành 3-4 miếng nhỏ cho dễ vắt
  • Bước 2: Vắt nước cốt chanh vào ly nước ấm, loại bỏ hạt
  • Bước 3: Thêm mật ong vào ly, khuấy đều cho mật ong tan.

Cách dùng nước chanh ấm trị ho cho bà bầu:

  • Mẹ bầu nên uống nước chanh mật ong khi còn ấm.
  • Uống 1-2 ly nước chanh ấm mỗi ngày để triệu chứng ho mau thuyên giảm.
  • Nếu bị đau bao tử hay bệnh dạ dày, thai phụ nên  uống nước chanh sau khi ăn no hoặc tham khảo những loại thức uống khác chữa ho cho bà bầu.

6. Bà bầu bị ho nên uống gì? Lê hấp đường phèn

Lê hấp đường phèn là một bài thuốc trị ho hiệu quả được dân gian lưu truyền từ xa xưa. Nếu bị ho khi mang thai, mẹ bầu có thể chưng lê với đường phèn để dùng. 

Theo y dược học cổ truyền, quả lê có tính mát, vị hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, thanh tâm giáng hỏa, dưỡng huyết, sinh tân dịch, nhuận trường, tiêu độc. Quả lê là thức ăn quý đứng đầu trăm quả (bách quả chi tông) về tư âm nhuận táo, thanh nhiệt tiêu đờm, chữa chủ yếu gần hết các bệnh ở bộ máy hô hấp. Do đó, quả lê từ lâu đã được sử dụng để điều trị các bệnh lý hô hấp, ho có đờm.

Các nghiên cứu của Y học hiện đại cho thấy trong quả lê có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Quả lê không chỉ giúp tăng sức đề kháng cho thai phụ, mà còn hỗ trợ giữ ẩm cho vùng hầu họng, giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn, giảm bớt những cơn ho do cổ họng bị kích ứng. 

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 quả lê tươi cỡ vừa
  • Khoảng 1 thìa cà phê đường phèn. 

Cách làm lê hấp đường phèn cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Rửa sạch quả lê rồi gọt vỏ, cắt thành những miếng nhỏ hình quân cờ
  • Bước 2: Cho lê vào chén, thêm đường phèn
  • Bước 3: Đun cách thủy chén lê đến khi lê chín mềm, đường phèn tan hết. 

Cách dùng lê chưng đường phèn trị ho cho bà bầu:

  • Mẹ bầu nên uống lê chưng đường phèn đều đặn 3 lần/ngày, mỗi lần uống một ít.
  • Uống đều đặn trong 3-4 ngày sẽ thấy cơn ho giảm đáng kể.

Lưu ý khi dùng quả lê làm thuốc chữa ho cho mẹ bầu

  • Mặc dù quả lê và củ cải đều làm thuốc trị ho nhưng lại không nên dùng chung trong 1 lần uống.
  • Quả lê có tính mát nên trường hợp ho do lạnh, hoặc đang đi ngoài sống phân thì không nên dùng.

7. Bà bầu bị ho nên uống gì? Trà gừng

bà bầu bị ho nên uống gì: trà gừng

Nếu bạn vẫn còn chưa biết bà bầu bị ho nên uống gì vừa đơn giản, vừa mau khỏi bệnh và nguyên liệu thường có sẵn trong gian bếp thì đừng quên trà gừng.

Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, tác dụng phát tán phong hàn, giúp làm ấm cơ thể khi bị ho do cảm lạnh. Theo Tây y, gừng chứa một chất chống oxy hóa mạnh gọi là gingerol, có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, tiêu viêm rất tốt. 

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 nhánh gừng tươi khoảng bằng 2 đốt ngón tay
  • 150ml nước sôi

Cách làm trà gừng cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Rửa sạch gừng rồi gọt vỏ, cắt lát, đập giập
  • Bước 2: Cho gừng vào ấm trà, thêm nước sôi vào ấm rồi hãm trà trong khoảng 10 phút là được.

Cách dùng trà gừng trị ho cho bà bầu:

  • Mẹ bầu có thể thêm một ít mật ong vào ly mỗi khi uống trà gừng.
  • Nên uống khi trà gừng còn ấm.
  • Uống 2-3 tách nhỏ mỗi ngày để cơn ho thuyên giảm.
  • Trường hợp mẹ bầu có bệnh lý về dạ dày thì cũng hạn chế uống trà gừng.

8. Bà bầu bị ho nên uống gì? Nước rau diếp cá

Có thể bạn chưa từng nghe qua công dụng trị ho của rau diếp cá, nhưng đây là một loại thảo dược được sử dụng từ rất lâu trước đây trong dân gian với công dụng tiêu đờm, giảm ho hiệu quả.

Rau diếp cá là một cây thuốc Nam thường xuyên được sử dụng, không chỉ hỗ trợ điều trị táo bón, bệnh trĩ, viêm da, đau dạ dày… mà còn giúp khắc phục tình trạng ho có đờm nhờ đặc tính kháng viêm, tiêu đờm, thanh nhiệt, giải độc. Hơn nữa, rau diếp cá còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể mẹ bầu chống lại các tác nhân gây ho.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 nắm lá diếp cá
  • 1 chén nước vo gạo của lần vo thứ 2.

Cách làm nước rau diếp cá cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Rửa sạch lá diếp cá, vẩy ráo rồi cho vào máy xay nhuyễn
  • Bước 2: Cho phần lá diếp cá đã xay vào nồi, thêm nước vo gạo, rồi bật bếp đun sôi
  • Bước 3: Khi nước sôi thì tắt bếp, lọc lấy phần nước, bỏ bã. 

Cách dùng nước rau diếp cá trị ho cho bà bầu:

  • Chia hỗn hợp nước diếp cá và nước gạo thành 2 phần, uống hết trong ngày.
  • Mẹ bầu nên uống khi nước lá diếp cá còn ấm.
  • Uống liên tục trong khoảng 1 tuần để loại bỏ tình trạng ho có đờm khi mang thai.

9. Nước ấm

bà bầu bị ho nên uống gì: nước ấm

Câu trả lời đơn giản nhất cho vấn đề bà bầu bị ho nên uống gì là nước ấm. Uống nước ấm là một cách chữa ho tiện lợi nhất, dễ dàng mà hiệu quả, nhưng thường bị nhiều thai phụ bỏ qua. Nước ấm giúp làm dịu cổ họng bị kích ứng, sưng viêm, cũng như làm ấm, ẩm vùng hầu họng đang bị khô gây ho.

Không những thế, khi bị ho trong thai kỳ, việc giữ cho cơ thể đủ nước là cực kỳ quan trọng. Nước ấm giúp bổ sung chất lỏng bị mất do ho và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Hơn nữa, nước ấm cũng làm lỏng chất nhầy và đờm trong đường hô hấp, khắc phục triệu chứng ho có đờm cho mẹ bầu.

Nhìn chung, uống nước ấm là một phương pháp chữa ho đơn giản, an toàn và tự nhiên mà bà bầu nên áp dụng.

10. Bà bầu bị ho nên uống gì? Lá hẹ chưng đường phèn

Trong y học dân gian, lá hẹ có vị cay và ngọt, tính ấm, không độc, là loại thảo dược nổi tiếng với công dụng trị ho có đờm.  Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các hoạt chất kháng sinh tự nhiên có trong nước ép hẹ tươi giúp diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó giúp giảm viêm, giảm ho hiệu quả. Không những thế, lá hẹ còn có công dụng tiêu đờm, không độc hại, từ đó có thể khắc phục tình trạng ho có đờm cho phụ nữ mang thai.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 nắm lá hẹ
  • 1-2 thìa cà phê đường phèn.

Cách làm lá hẹ chưng đường phèn cho bà bầu bị ho:

  • Bước 1: Rửa sạch lá hẹ, vẩy ráo rồi thái nhỏ, cho vào chén
  • Bước 2: Thêm đường phèn vào chén, rồi cho vào nồi, hấp cách thủy
  • Bước 3: Hấp trong khoảng 10 phút cho đường tan, lá hẹ chín mềm thì tắt bếp. 

Cách dùng lá hẹ hấp đường phèn trị ho cho bà bầu:

  • Mẹ bầu nên uống nước lá hẹ hấp đường phèn khi còn ấm.
  • Mỗi lần mẹ bầu uống 2-3 muỗng nước lá hẹ.
  • Không chỉ uống nước lá hẹ mà thai phụ hãy ăn luôn phần lá hẹ đã hấp chín.
  • Dùng lá hẹ hấp đường phèn 3 lần/ngày để trị ho có đờm khi mang thai. 

Trên đây là 10 thức uống chữa ho cho phụ nữ mang thai. Trong thực tế, ho là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Trường hợp mẹ bầu chỉ ho nhẹ và không có biểu hiện nào khác như sốt, khó thở… thì sử dụng các phương pháp điều trị ho bằng thảo dược như trên sẽ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai ngoài triệu chứng ho còn có các biểu hiện khác như sốt, khó thở… thì cần đi khám ngay, đặc biệt là ở thời kỳ tam cá nguyệt thứ nhất. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết được bà bầu bị ho nên uống gì. Lưu ý rằng, trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Which over-the-counter cold medications are safe during pregnancy? https://utswmed.org/medblog/otc-cold-medication-safe-pregnancy/ Ngày truy cập: 04/05/2023

[Differential diagnostics of the causes responsible for a cough in the pregnant women] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27500580/ Ngày truy cập: 04/05/2023

Cold and flu during pregnancy and breastfeeding https://www.pregnancybirthbaby.org.au/cold-and-flu-during-pregnancy Ngày truy cập: 04/05/2023

Flu During Pregnancy: Symptoms, Risks & Prevention https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23104-flu-while-pregnant Ngày truy cập: 04/05/2023

Pregnancy and the flu: MedlinePlus Medical Encyclopedia https://medlineplus.gov/ency/article/007443.htm Ngày truy cập: 04/05/2023

13 bài thuốc dân gian trị trị ho có đờm. https://tytxaxuanthoithuong.medinet.gov.vn/dong-y/13-bai-thuoc-dan-gian-tri-tri-ho-co-dom-c13058-56233.aspx Ngày truy cập: 04/05/2023

Cough and Cold During Pregnancy: Treatment and Prevention https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/cough-cold-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 04/05/2023

Home Remedies for Cough During Pregnancy https://parenting.firstcry.com/articles/10-effective-home-remedies-for-cough-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 04/05/2023

Coughing During Pregnancy: Home Remedies, Impact On Baby & More https://bebodywise.com/blog/coughing-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 04/05/2023

Phiên bản hiện tại

11/05/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Kẹo ngậm ho cho bà bầu: Nên hay không nên sử dụng?

Bà bầu bị ho nên kiêng ăn gì? Biết để sớm khỏi bệnh mẹ nhé!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 11/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo