backup og meta

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về siêu âm tim thai

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về siêu âm tim thai

Siêu âm tim thai là một kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh cho phép bác sĩ đánh giá được cấu trúc và chức năng tuần hoàn của em bé đang phát triển trong bụng mẹ. Đây là một phương pháp cần thiết để theo dõi tình hình và sức khỏe tim mạch của những thai nhi có nguy cơ cao. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn và tìm ra hướng điều trị phù hợp nếu phát hiện thấy bất thường.

Theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi là điều vô cùng quan trọng trong thai kỳ. Siêu âm thai thông thường có thể giúp bác sĩ sản khoa đánh giá tổng quan về tình trạng phát triển chung của một thai nhi. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nằm trong nhóm mang nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của thai nhi thì cần phải tiến hành siêu âm tim của thai nhi.

Vậy hình thức siêu âm trong thai kỳ này là gì? Phương pháp này mang đến những lợi ích và rủi ro gì đối với mẹ bầu và em bé? Kết quả xét nghiệm liệu có đủ giúp chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị trong tương lai hay không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các thông tin xoay quanh phương pháp xét nghiệm hình ảnh này qua bài viết dưới đây nhé!

Siêu âm tim thai là gì?

Hình thức siêu âm tim của thai nhi này là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về trái tim của thai nhi. Xét nghiệm hình ảnh này tương tự như siêu âm thông thường, không gây đau và cho phép bác sĩ quan sát cấu trúc cũng như theo dõi khả năng hoạt động của tim.

Nếu cần thiết, bác sĩ thường chỉ định phương pháp này trong tam cá nguyệt thứ hai, từ giữa tuần 18 đến tuần 24. Tần suất chẩn đoán chính xác bệnh tim bẩm sinh nặng ở bào thai là hơn 90%.

Tại sao bạn cần thực hiện siêu âm?

Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 8.000–10.000 trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh khi vừa chào đời. Tỷ lệ này chiếm 0,8% số trẻ được sinh ra một năm. Trong đó, 50% trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nặng nhưng chỉ một nửa là được làm phẫu thuật, số còn lại phải sống chung với bệnh và đối mặt với nguy cơ tử vong mỗi ngày.

Phương pháp siêu âm này giúp hỗ trợ bác sĩ trong việc đánh giá tình trạng tim mạch của bào thai, chẳng hạn như nhịp tim, chức năng tim thai. Các bác sĩ cũng khuyến cáo nên đưa phương pháp này vào chẩn đoán trước sinh để giúp phát hiện sớm những dị tật tim nặng, giúp kịp thời can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ.

Tuy nhiên, không phải tất cả mẹ bầu đều cần phải thực hiện hình thức siêu âm này. Thông thường, siêu âm thai cơ bản cũng đã giúp bác sĩ quan sát được sự phát triển của cả 4 buồng tim ở thai nhi. Những thai phụ nằm trong nhóm có nguy cơ cao sau đây sẽ cần tiến hành siêu âm tim thai bổ sung:

  • Gia đình có tiền sử bệnh tim mạch
  • Mẹ bầu gặp các vấn đề sức khỏe có nguy cơ ảnh hưởng đến tim thai, chẳng hạn như rubella, đái tháo đường týp 1, lupus hoặc phenylketo niệu
  • Sử dụng rượu, chất kích thích trong thai kỳ
  • Sử dụng hoặc tiếp xúc với một số loại thuốc có nguy cơ gây dị tật tim như thuốc động kinh, thuốc trị mụn theo toa
  • Thai nhi mắc phải rối loạn di truyền
  • Phát hiện thấy bất thường trong siêu âm thai thông thường
  • Không nhìn thấy rõ tim thai thông qua siêu âm sản khoa định kỳ…

Trường hợp thai nhi thuộc nhóm có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh tim bẩm sinh cũng sẽ được bác sĩ chỉ định siêu âm tim của thai nhi, chẳng hạn như:

  • Tim thai loạn nhịp
  • Nghi ngờ có hội chứng trao đổi song sinh hay đa thai
  • Độ mờ da gáy tăng lên trong tam cá nguyệt đầu tiên
  • Nhau thai bị phù không phải do di truyền
  • Bất thường ở ngoài tim
  • Bất thường liên quan đến nhiễm sắc thể: thoát vị rốn, phù gáy, teo hành tá tràng, thoát vị hoành…

Thời điểm thích hợp để siêu âm tim của thai nhi

Siêu âm tim thai

Trong quá trình phát triển của bào thai, tim bắt đầu hình thành và đập khoảng 22 ngày sau khi thụ thai, trước cả khi mẹ bầu nhận ra mình có thai. 

Sau đó, đến tuần thứ 6–7 thì nhịp tim bắt đầu xuất hiện và những kỹ thuật siêu âm hiện đại có thể nghe thấy được nhịp tim thai. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, tim chưa phân chia và phát triển thành các buồng tim và van tim rõ ràng. Từ tuần 20 trở đi, nhịp đập tim thai trở nên mạnh mẽ hơn, chỉ cần dùng tai áp vào bụng là có thể nghe thấy được. Nếu nhịp đập tim thai càng to và dễ nghe thì chứng tỏ thai nhi đang phát triển bình thường và khỏe mạnh.

Nếu có điều kiện, bạn có thể thực hiện hình thức siêu âm này vào khoảng tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ để phát hiện sớm các bất thường ở tim thai (nếu có). Theo như thông thường, siêu âm tim thai được thực hiện vào khoảng tuần 18 – 24.

Quá trình siêu âm tim thai

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi tiến hành siêu âm?

Nhìn chung, trước khi tiến hành hình thức siêu âm này, bạn không cần phải chuẩn bị gì quá đặc biệt. Mẹ bầu vẫn có thể ăn uống bình thường trước đó và không cần phải uống nước nhiều để làm đầy bàng quang như những siêu âm khác. Lưu ý một điều là không nên sử dụng kem hay bột thoa lên bụng vào ngày tiến hành siêu âm.

Siêu âm tim thai được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm này sẽ được thực hiện trong một phòng tối và bạn phải nằm trên giường bệnh. Quá trình siêu âm tim của thai nhi cũng tương tự như siêu âm sản khoa thông thường. Bác sĩ sẽ bôi một lớp gel lên bụng bạn để giúp truyền sóng âm từ đầu dò của thiết bị siêu âm tim thai đến trái tim của thai nhi rồi phản hồi ngược lại. Nhân viên y tế sẽ di chuyển đầu dò này xung quanh bụng để có được hình ảnh tim thai từ nhiều góc độ khác nhau.

Trong lúc tiến hành hình thức siêu âm này, bạn có thể cảm nhận thấy một chút lực đè lên bụng từ đầu dò nhưng quá trình này thực sự không gây ra đau đớn.

Có nhiều cách khác nhau giúp siêu âm tim thai sao cho hình ảnh thu được càng chi tiết càng tốt:

  • Siêu âm 2D (siêu âm hai chiều/hai bình diện): cho thấy các cấu trúc và chức năng của tim tại thời điểm siêu âm.
  • Siêu âm doppler: sử dụng để đo tốc độ của lưu lượng máu trong các buồng và van tim.

Quá trình siêu âm tim của thai nhi cũng có thể được tiến hành thông qua ngả âm đạo. Khi đó, bạn phải cởi đồ từ thắt lưng trở xuống và nằm trên bàn khám. Nhân viên y tế sẽ đưa một đầu dò nhỏ qua đường âm đạo vào bên trong cơ thể. Đầu dò này cũng sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim thai. Siêu âm tim thai thông qua âm đạo thường được tiến hành trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Bác sĩ có thể thấy được hình ảnh rõ ràng hơn về tim thai nhi qua phương pháp này.

Để có được hình ảnh đầy đủ về tim thai, quá trình siêu âm có thể mất từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ. Đôi khi, tư thế và vị trí của thai nhi sẽ gây khó khăn trong việc quan sát được hình ảnh tim thai. Lúc đó, nhân viên y tế sẽ mất nhiều thời gian hơn để có được kết quả.

Khi nào bạn có kết quả siêu âm tim thai?

kết quả siêu âm tim thai 1

Thông thường, kết quả siêu âm tim của thai nhi sẽ có trong cùng ngày mà bạn làm xét nghiệm hình ảnh này. Đôi khi, mẹ bầu cần tiến hành siêu âm lại lần nữa nếu kết quả chưa rõ ràng.

Nhịp đập tim thai của một thai nhi khỏe mạnh bình thường sẽ dao động từ 120 – 160 nhịp/phút. Trong những thời điểm bào thai chuyển động thì nhịp tim có khả năng tăng lên đến 180 nhịp/phút. Tuy nhiên, nếu nhịp tim tăng cao hơn con số này thì có thể là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng nghiêm trọng ở thai nhi.

Siêu âm tim thai có gây ra biến chứng nào cho mẹ và bé không?

Theo những ghi nhận từ trước đến nay, không có rủi ro nào xảy ra do siêu âm tim của thai nhi bởi vì phương pháp này chỉ sử dụng kỹ thuật sóng siêu âm và không có bức xạ nào. Do đó, đây là một xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn, an toàn cho cả mẹ và bé.

Kết quả siêu âm tim của thai nhi có ý nghĩa gì?

Trong các đợt thăm khám thai kỳ, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả siêu âm để theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi, nhất là hệ tim mạch.

Nếu bác sĩ phát hiện có khiếm khuyết bất thường về tim, nhịp tim hay các vấn đề liên quan khác thì mẹ bầu sẽ cần thực thêm thêm vài xét nghiệm nữa, chẳng hạn như chụp MRI thai nhi hoặc siêu âm ở cường độ cao.

Đôi lúc, bạn sẽ cần siêu âm tim của thai nhi nhiều lần hoặc làm thêm xét nghiệm bổ sung nếu bác sĩ cảm nhận thấy có điều gì đó khác thường trong sự phát triển của thai nhi.

Tuy nhiên, kết quả siêu âm tim của thai nhi không thể giúp phát hiện được tất cả vấn đề sức khỏe của em bé trong bụng. Một số tình trạng như có lỗ thông bầu dục ở tim sẽ rất khó nhận thấy, ngay cả với những thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất.

Bác sĩ chỉ có thể quan sát kỹ kết quả xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán phù hợp nhất. Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên kế hoạch điều trị cho trẻ sau khi sinh ra, chẳng hạn như phẫu thuật chỉnh hình để phục hồi chức năng cho tim mạch. Cũng nhờ phương pháp này, bạn sẽ nhận được các tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ, giúp bạn đưa ra các quyết định tốt và phù hợp nhất.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fetal Echocardiogram

https://kidshealth.org/en/parents/fetal-echocardiogram.html?WT.ac=ctg&fbclid=IwAR0mycKDrJHOdbTQbUGiA0eBLPz5CLsd6f-ioBCNIlltFXFyl_CDQ2FCj-s

Ngày truy cập: 24/10/2019

Fetal Echocardiogram

https://www.healthline.com/health/fetal-echocardiography?fbclid=IwAR17hmECC73p98fI0cLmEl4L_YNOszYexnIeG0P5WUv4FeTwepA2VYzd-8g

Ngày truy cập: 24/10/2019

What Is a Fetal Echocardiogram?

https://www.verywellfamily.com/what-is-a-fetal-echocardiogram-4175800

Ngày truy cập: 24/10/2019

 

Phiên bản hiện tại

03/03/2023

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: huyen tran


Bài viết liên quan

Siêu âm 4D là gì? Mách bạn các mốc siêu âm thai 4D quan trọng

Siêu âm thai tuần 22 cho mẹ bầu biết được những gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo