backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Những thực phẩm nên ăn và nên tránh cho mẹ bầu mang thai tháng đầu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên · Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 15/07/2021

    Những thực phẩm nên ăn và nên tránh cho mẹ bầu mang thai tháng đầu

    Chế độ ăn uống của mẹ bầu khi mang thai tháng đầu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ và sự tăng trưởng, phát triển của thai nhi.

    Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị rằng để có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn nên uống bổ sung các vitamin dành cho phụ nữ mang thai 3 tháng trước khi thụ thai. Trong bài viết này, bác sĩ Tạ Trung Kiên sẽ giải đáp thắc mắc mới mang thai nên ăn gì và không nên ăn gì hay mang thai tháng đầu không nên ăn gì… để tốt mẹ khỏe bé. 

    Mẹ bầu mới mang thai tháng đầu nên ăn gì? 9 gợi ý dành cho mẹ

    Việc mang trong mình một thiên thần nhỏ khiến bạn có ý thức hơn trong chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động. Ngoài ra, bạn nên tránh tiêu thụ đồ ăn vặt không lành mạnh, thuốc lá, rượu và thuốc. Trong bảng thực đơn dành cho mẹ bầu khi mang thai tháng đầu tiên cần có nhiều trái cây, rau quả. Dưới đây là những gợi ý cho bạn:

    1. Sữa và các sản phẩm từ sữa

    Sữa và các sản phẩm từ sữa luôn là nguồn cung giàu canxi, vitamin D, protein, chất béo lành mạnh và axit folic. Trong 3 tuần đầu tiên của thai kỳ, ngoài việc bổ sung thêm sữa, mẹ bầu nên dùng thêm sữa chua và phô mai vào trong chế độ ăn nhé.

    2. Thực phẩm giàu folate

    Axit folic rất cần thiết cho sự phát triển ống thần kinh của thai nhi. Do đó, ngoài việc dùng viên uống bổ sung axit folic, mẹ bầu nên đưa những thực phẩm giàu folate vào chế độ ăn uống của mình.

    Rau lá xanh đậm, măng tây, trái cây họ cam quýt, đậu, đậu Hà Lan, quế, quả bơ… là những thực phẩm giàu folate.

    3. Ngũ cốc nguyên hạt

    Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung các khoáng chất lành mạnh như carbohydrate, chất xơ, vitamin B tổng hợp, sắt, magiê và selen. Chúng rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

    Lúa mạch, gạo nâu, bánh mì làm từ lúa mì nguyên chất, mì ống, kê và bột yến mạch… là những ngũ cốc mà mẹ bầu mang thai tháng đầu nên ăn.

    4. Mang thai tháng đầu nên ăn gì? Đừng bỏ qua trứng

    Trứng là nguồn cung cấp protein, vitamin A, B, D, E cùng các khoáng chất tốt như phốt pho, selen, canxi và kẽm. Mẹ bầu ăn trứng và thịt gia cầm trong tháng đầu tiên mang thai giúp đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi diễn ra khỏe mạnh.

    5. Trái cây

    mang thai tháng đầu mè bầu nên ăn gì

    Các loại trái cây như dưa, bơ, lựu, chuối, cam, dâu tây và táo chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cần thiết cho sự tăng trưởng của bé.

    6. Mang thai tháng đầu nên ăn gì? Hãy thêm rau vào bữa ăn  

    Mẹ bầu nên ưu tiên các loại rau nhiều màu sắc. Chúng sẽ cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho em bé đang dần lớn lên từng ngày trong bụng.

    7. Các loại hạt và trái cây khô

    Các loại hạt và trái cây khô là nguồn cung tuyệt vời các chất béo lành mạnh, vitamin, protein, khoáng chất, flavonoid và chất xơ. Việc thường xuyên ăn chúng không chỉ đem lại rất nhiều lợi ích cho thai nhi mà còn tốt cho cả mẹ bầu nữa.

    8. Cá

    Cá là ví dụ tốt nhất về nguồn cung chất béo thấp và chất lượng cao. Cá là nguồn cung cấp axit béo omega-3, vitamin B, D và E, cũng như các khoáng chất thiết yếu như kali, canxi, kẽm, iốt, magiê và phốt pho..

    9. Thịt

    Thịt là nguồn cung dồi dào các vitamin, protein, kẽm và sắt. Việc ăn thịt điều độ với lượng vừa phải trong khi mang thai rất tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là bạn nên ăn thịt nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi vừa nấu, không ăn thịt sống hay nấu chín tái.

    Mang thai tháng đầu không nên ăn gì? 10 lưu ý không thể bỏ qua

    Khi mang thai tháng đầu, mẹ bầu nên tránh một số loại thực phẩm sau vì chúng có thể gây hại cho thai nhi và sức khỏe mẹ bầu:

    1. Phô mai mềm

    Mang thai tháng đầu không nên ăn phô mai mềm

    Phô mai mềm được làm từ sữa chưa tiệt trùng nên có thể chứa các vi khuẩn gây hại. Mẹ bầu ăn phô mai mềm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, bạn cần tránh tiêu thụ chúng.

    2. Thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn

    Hàm lượng chất bảo quản, đường và natri cao trong thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như nước trái cây, các món nướng, bánh kẹo… không hề tốt cho bạn và em bé. Ngoài ra, một số thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn cũng có thể chứa vi khuẩn, nấm mốc… có thể gây ngộ độc thực phẩm.

    Mẹ bầu cần xây dựng thói quen tự nấu ăn tại nhà với các sản phẩm tươi sống có nguồn gốc tự nhiên hoặc hữu cơ.

    3. Mang thai tháng đầu không nên ăn gì? Hãy tránh ăn hải sản

    Cá ngừ, cá thu, cá trích, hàu… là những thực phẩm chứa hàm lượng thủy ngân cao. Thủy ngân không chỉ gây ra những ảnh hưởng khôn lường đối với sức khỏe mẹ bầu mà còn gây ra sự tác động xấu đến quá trình phát triển não của thai nhi. Do đó, mẹ bầu nên tránh ăn hải sản trong thời kỳ đầu mang thai.

    4. Đu đủ xanh

    Đu đủ xanh có rất nhiều nhựa (latex) có tác dụng gây co bóp tử cung nên có thể dẫn đến sẩy thai. Do đó, mẹ bầu mang thai tháng đầu cần tránh ăn đu đủ xanh còn sống.

    Tuy nhiên, đu đủ xanh nấu chín lại có nhiều chất dinh dưỡng nên bạn có thể ăn một lượng nhỏ nếu bác sĩ không khuyến cáo bạn tránh ăn.

    5. Mang thai tháng đầu không nên ăn rau gì? Hãy tránh xa rau ngót

    Ngoài ra, khi mang thai tháng đầu, mẹ bầu cần tránh ăn rau ngót. Vì loại rau này có chứa chất gây kích thích trơn tử cung, khiến tử cung co thắt. Loại rau này thường được các bác sĩ khuyến nghị ăn sau sinh, để giúp tử cung co bóp, tống sản dịch trong tử cung nhanh hơn, do đó nên hạn chế ăn loại rau này lúc đang mang thai.

    6. Dứa

    Loại quả này chứa một chất gọi là bromelain có tác dụng làm mềm cổ tử cung. Trong thời gian đầu của thai kỳ, mẹ bầu ăn dứa có thể dẫn đến sẩy thai..

    7. Mang thai tháng đầu không nên ăn gì? Hãy bỏ qua thịt sống hoặc tái

    Thịt sống hoặc thịt nấu chưa chín kỹ có thể bị nhiễm vi khuẩn, salmonella, listeria… có nguy cơ gây ra các bệnh nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Tốt nhất, bạn nên tránh ăn thịt tái hoặc chưa nấu chín để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.

    8. Đồ ăn vặt

    Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bà bầu ăn quá nhiều đồ ăn vặt khi mang thai có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng. Ngoài ra, mẹ bầu ăn quá nhiều loại thực phẩm này trong thai kỳ góp phần gây ra tình trạng béo phì ở trẻ sơ sinh.

    9. Caffeine

    Nếu có thói quen uống cà phê thì khi mang thai, bạn nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ. Caffeine gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người dùng và việc mẹ bầu uống quá nhiều có thể dẫn đến khó chịu, cáu kỉnh, lo lắng. Điều này làm tăng nguy cơ sẩy thai.

    10. Mang thai tháng đầu không nên ăn gì? Hãy tránh xa đồ uống có cồn

    Việc mẹ bầu uống rượu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho thai nhi đang phát triển và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Do đó, trong thời gian mang thai, mẹ bầu tuyệt đối không nên uống rượu và tiêu thụ các thức uống có cồn khác.

    11. Đồ ngọt

    Một phụ nữ mang thai cần thêm khoảng 300 calo mỗi ngày để đảm bảo cho thai nhi phát triển. Do đó, để bổ sung lượng calo này cho cơ thể, mẹ bầu nên ăn trái cây, các loại hạt tốt cho bà bầu, tránh tiêu thụ nhiều đồ ngọt. Nguyên do là mẹ bầu ăn quá nhiều thực phẩm ngọt có thể dẫn đến tăng cân và đái tháo đường khi mang thai.

    Một số lưu ý về chế độ ăn uống trong tháng đầu tiên của thai kỳ

    Mang thai tháng đầu nên ăn gì

    Dưới đây là một số điều liên quan đến việc ăn uống mà mẹ bầu cần lưu ý khi mang thai tháng đầu:

    • Nếu bạn không uống vitamin trước khi dự định có thai, đặc biệt là axit folic, hãy hỏi bác sĩ sản phụ khoa về việc bổ sung và liều lượng nên dùng.
    • Trao đổi với bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để biết lượng thực phẩm bạn nên ăn là bao nhiêu, những loại thực phẩm nào mà bạn nên ưu tiên cũng như hạn chế. Việc ăn quá nhiều hay quá ít đều gây tác động xấu đến sức khỏe của cả mẹ lẫn bé.
    • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh và an toàn.
    • Mẹ bầu nên ưu tiên trái cây và rau quả trong thực đơn. Bạn nên ăn trái cây, các loại hạt tốt cho bà bầu thay cho các món ăn vặt không lành mạnh.
    • Uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước/1 ngày, đặc biệt đối với mẹ bầu bị nghén nhiều, ói nhiều, thì lại phải uống bù nước nhiều hơn để giữ cơ thể khỏe mạnh..
    • Xây dựng chế độ vận động thể chất hợp lý và thực hiện đều đặn.

    Trong thời gian mang thai tháng đầu, cơ thể của mẹ bầu sẽ có một loạt các thay đổi, chẳng hạn như thay đổi nội tiết tố, thay đổi trạng thái tinh thần, mệt mỏi, nôn hay buồn nôn vào buổi sáng. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể giảm bớt tình trạng này bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh, ăn điều độ, giữ tinh thần thoải mái, tập thể dục vừa phải và đúng cách. Điều này không chỉ giúp bạn có một sức khỏe dẻo dai khi mang thai mà còn giúp bé yêu tăng trưởng và phát triển tốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Tạ Trung Kiên

    Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 15/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo