backup og meta

Kẹo ngậm ho cho bà bầu: Nên hay không nên sử dụng?

Kẹo ngậm ho cho bà bầu: Nên hay không nên sử dụng?

Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu không thể tùy tiện sử dụng thuốc, dù là thuốc trị ho. Do đó, kẹo ngậm ho dành cho bà bầu là sự lựa chọn được nhiều người nghĩ đến. Thế nhưng, dùng kẹo ngậm ho khi mang thai liệu có tốt?

Kẹo ngậm ho có thể giúp mẹ hỗ trợ điều trị một số triệu chứng như viêm họng, ho dai dẳng, nghẹt mũi, khô miệng, giảm cảm giác ớn lạnh… Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Đa phần, thành phần của kẹo ngậm khá an toàn, thế nhưng, dù vậy, khi mua, bạn không nên dựa vào hương vị mà hãy đọc kỹ thông tin trên bao bì để tránh mua phải các sản phẩm có chứa các thành phần điều trị các triệu chứng mà bạn không có.

Dùng kẹo ngậm ho khi mang thai có an toàn không?

Kẹo ngậm ho có chứa các thành phần hoạt tính giống như thuốc. Điều này khiến nhiều bà bầu bối rối không biết bà bầu ngậm kẹo ho được không. Nhìn chung, các bác sĩ đều cho rằng kẹo ngậm ho an toàn và không có khả năng gây hại cho mẹ hoặc thai nhi. Nếu chỉ sử dụng trong thời gian ngắn để điều trị các triệu chứng của một số bệnh thông thường như cảm lạnh và cảm cúm thì bạn không cần quá lo lắng.

Hiện trên thị trường, các loại kẹo ngậm ho phổ biến được sử dụng rộng rãi là kẹo ngậm ho Bảo Thanh, kẹo ngậm Eugica, viên ngậm Prospan, kẹo ngậm Strepsils… Rất nhiều bà bầu cũng thắc mắc viên ngậm Bảo Thanh có dùng được cho bà bầu không hay bà bầu có ngậm được Strepsils không. Nhìn chung, nếu dùng một lượng nhỏ thì những loại kẹo này được đánh giá là an toàn với bà bầu. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, nhất là khi mang thai 3 tháng đầu.

Kẹo ngậm đau họng thường chứa gì và liệu có tốt cho bà bầu?

chất pectin trong kẹo ngậm ho

1. Benzocaine

Benzocaine là loại thuốc có tác dụng làm tê liệt một khu vực nào đó. Chất này thường được sử dụng để gây tê tại chỗ và thường có mặt trong các loại thuốc giảm đau không kê đơn. Trong kẹo ngậm ho, benzocaine có tác dụng gây tê vùng cuống họng, giúp giảm đau. Benzocaine không đi vào máu, nên khá an toàn với phụ nữ mang thai.

2. Dầu bạch đàn

Tinh dầu bạch đàn (khuynh diệp) là một chất khử trùng tự nhiên, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, tiêu đờm. Dầu bạch đàn kết hợp với tinh dầu bạc hà là 2 thành phần thường được sử dụng trong kẹo ngậm ho để giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh và xoa dịu cơn đau họng.

Bạn có thể nghe người khác khuyên không nên sử dụng dầu bạch đàn trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo bởi kẹo ngậm ho chỉ chứa một lượng rất nhỏ dầu bạch đàn mà thôi.

3. Pectin – Có nhiều trong kẹo ngậm ho vị trái cây

Pectin có tác dụng giảm sưng và khá an toàn với bà bầu. Đây là thành phần tự nhiên thường được tìm thấy trong các loại trái cây. Vì vậy, thành phần này thường có trong các loại kẹo ngậm ho vị trái cây, không có chứa tinh dầu bạc hà.

4. Kẽm gluconate glycine

Kẹo ngậm ho có chứa thành phần này thường được bán rộng rãi trên thị trường. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng bổ sung một lượng lớn kẽm có thể làm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giúp giảm nhanh các triệu chứng của cảm lạnh.

Phụ nữ mang thai không nên dùng quá 40mg kẽm mỗi ngày, trong khi các viên kẹo ngậm ho thường chứa khoảng 13mg kẽm. Vì vậy, mỗi ngày bạn chỉ nên sử dụng khoảng 2 – 3 viên có chứa thành phần này.

5. Kẹo ngậm ho chứa tinh dầu bạc hà

kẹo ngậm ho chứa tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có thành phần là menthol. Khi bạn dùng kẹo ngậm ho có chứa menthol, bạn sẽ có cảm giác mát lạnh ở cổ họng. Ngoài ra, chất này cũng giúp loại bỏ cảm giác nghẹt mũi. Bác sĩ thường không khuyến khích phụ nữ mang thai dùng kẹo ngậm ho có chứa menthol bởi độ an toàn của nó vẫn chưa được kiểm chứng.

6. Dextromethorphan

Dextromethorphan là thuốc ức chế ho. Loại kẹo có chứa thành phần này sẽ rất hữu ích nếu bạn bị ho dai dẳng hoặc bị ngứa cổ họng. Tuy nhiên, loại thuốc này hiện đang gây tranh cãi về việc sử dụng cho phụ nữ mang thai, vì một nghiên cứu ở gà cho thấy chất này có thể gây dị tật bẩm sinh.

Thế nhưng, theo một nghiên cứu khác, loại thuốc này không gây tác dụng phụ lên thai kỳ của con người. Nếu bạn lo lắng về nguy cơ gây hại cho thai nhi, hãy tìm một loại kẹo ngậm ho không chứa chất này.

Lưu ý

Bên cạnh các chất trên, một số loại kẹo ngậm ho còn có chứa sirô ngô hoặc các chất làm ngọt khác. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng những loại kẹo này nếu bạn bị đái tháo đường típ 1, típ 2, đái tháo đường thai kỳ hoặc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ. Sirô ngô và các chất làm ngọt có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên, khiến việc kiểm soát bệnh đái tháo đường trở nên khó khăn.

Mách mẹ cách chữa đau họng không dùng thuốc cho bà bầu

dùng mật ong trị ho

Ngoài kẹo ngậm, bạn cũng có thể thử một số cách sau để điều trị đau họng:

  • Súc miệng với nước muối hoặc nước muối sinh lý: Súc miệng khoảng một phút với một cốc nước nóng có pha 1/2 thìa cà phê muối và nhổ ra. Cách này có tác dụng làm dịu cổ họng, tiêu đờm và tiêu diệt vi khuẩn.
  • Uống nhiều nước để giữ ẩm cho cơ thể: Mất nước không chỉ gây kích ứng dạ dày mà còn khiến cổ họng bị khô, gây ngứa.
  • Uống nước trà ấm pha với chanh: Bạn có thể thử dùng một tách trà không chứa caffeine pha với một chút chanh. Nếu bạn có ý định cho thêm mật ong, hãy chọn loại mật ong đã được tiệt trùng để hạn chế thai nhi tiếp xúc với vi khuẩn có hại.

Đau họng khi mang thai: Khi nào nên đi khám?

Đau họng có thể là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm nào đó cần được điều trị ngay lập tức. Nếu bạn có những triệu chứng sau, hãy đi khám ngay:

  • Sốt trên 38°C
  • Phát ban
  • Đau họng kéo dài hơn 3 – 4 ngày
  • Cổ họng xuất hiện các đốm đỏ hoặc trắng
  • Các triệu chứng của đau họng và cảm lạnh đã có chuyển biến tốt nhưng đột nhiên xấu đi.

Một số lưu ý trước khi dùng kẹo ngậm ho

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả kẹo ngậm ho, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa hỏi xem liệu thuốc đó có an toàn cho bạn hay không. Bác sĩ sẽ hỏi thêm về các triệu chứng của bạn trước khi cho ý kiến. Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi bác sĩ một số vấn đề sau:

  • Bạn có thể dùng kẹo ngậm ho trong bao lâu và liều lượng mỗi ngày như thế nào.
  • Cho bác sĩ biết nếu các triệu chứng của bạn đã kéo dài nhiều ngày, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn đã mắc phải một bệnh nào đó.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cough And Cold Combinations (Oral Route) https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/cough-and-cold-combinations-oral-route/before-using/drg-20061164 Ngày truy cập: 30/3/2021

Using Cough Drops While Pregnant: Is It Safe? https://www.healthline.com/health/pregnancy/cough-drops Ngày truy cập: 31/8/2018

VapoDrops Menthol (oral mucous membrane) https://www.drugs.com/mtm/vapodrops-menthol-oral-mucous-membrane.html Ngày truy cập: 30/3/2021

Control That Cough — What You Need To Know About Pregnancy And Cough Drops https://momlovesbest.com/cough-drops-during-pregnancy Ngày truy cập: 31/8/2018

Can I Use Cough Drops While Pregnant? http://www.newkidscenter.com/Cough-Drops-While-Pregnant.html Ngày truy cập: 31/8/2018

Phiên bản hiện tại

24/07/2024

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Chảy máu chân răng khi mang thai: Mẹ đã biết xử lý đúng cách, hiệu quả?

Nuôi bú song song: nên hay không nên?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 24/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo