backup og meta

Xét nghiệm thai kỳ là gì? Các xét nghiệm thai kỳ quan trọng khi mang thai

Xét nghiệm thai kỳ là gì? Các xét nghiệm thai kỳ quan trọng khi mang thai

Xét nghiệm thai kỳ là một việc quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe của mẹ và thai nhi giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về các xét nghiệm trong thai kỳ, cũng như chỉ ra khoảng thời gian thích hợp để thực hiện.

Xét nghiệm thai kỳ là gì?

Xét nghiệm thai kỳ là những xét nghiệm cần được thực hiện để bác sĩ có thể đưa ra đánh giá về sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triểu của thai nhi. Đây là phần việc quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi.

Tại sao khi mang thai cần làm xét nghiệm?

Thực hiện xét nghiệm thai kỳ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Ngoài ra, dựa trên các kết quả xét nghiệm bác sĩ cũng sẽ khoanh vùng cũng như tiên lượng được những rủi ro hoặc triệu chứng có thể xảy ra với mẹ và bé. Đó là lý vì sao xét nghiệm thai kỳ lại quan trọng.

Các xét nghiệm quan trọng khi mang thai

1. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp phát hiện các bệnh lý có khả năng di truyền cao như thiếu máu hồng cầu hình liềm hay một rối loạn về máu (thalassaemia), các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, giang maiXét nghiệm máu trong thai kỳ luôn được khuyến khích thực hiện càng sớm càng tốt, để phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời nếu phát hiện ra bệnh.

2. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu được bác sĩ yêu cầu thực hiện để bác sĩ đánh giá liệu sản phụ có bị nhiễm trùng thận, bàng quan hoặc có bị tiểu đường thai kỳ hay có nguy cơ tiền sản giật không. Trong đó, cần lưu ý rằng:

  • Nếu lượng đường trong nước tiểu cao thì có thể là dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ, thường phát hiện từ tuần thứ 20. Tuy nhiên, sẽ cần chẩn đoán loại trừ, trừ trường hợp lượng đường trong máu tăng cao và lẫn vào nước tiểu, xảy ra khi bạn vừa mới ăn no và có ăn nhiều đồ ăn ngọt.
  • Nồng độ protein trong nước tiểu cao có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc vấn đề về thận. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý rằng, kết quả nồng độ protein trong nước tiểu cao khi mang thai còn có liên quan đến nguy cơ tiền sản giật, một biến chứng nguy hiểm khi mang thai.
Theo Hiệp hội mang thai Hoa Kỳ – APA, xét nghiệm nước tiểu được khuyến khích thực hiện ngay từ lần khám thai đầu tiên, và cũng phải thực hiện tiếp tục ở những lần khám tiếp theo.
Xét nghiệm máu và nước tiểu cho mẹ bầu
Xét nghiệm máu và nước tiểu cho mẹ bầu

3. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được bác sĩ yêu cầu thực hiện để bác sĩ đánh giá mức độ đường trong máu của sản phụ. Việc phát hiện tiểu đường thai kỳ sớm giúp bác sĩ hiểu được tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, từ đó đưa ra những hướng dẫn phù hợp cho sản trong chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được thực hiện từ tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ.  

4. Xét nghiệm NIPT

Xét nghiệm NIPT là tên viết tắt của xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (noninvasive prenatal testing). Đây là một xét nghiệm sàng lọc được thực hiện để kiểm tra xem thai nhi có nguy cơ mắc các chứng rối loạn nhiễm sắc thể hay không.

  • Sàng lọc lệch bội các nhiễm sắc thể khác, sàng lọc một số bệnh di truyền.
  • Nguy cơ mắc phải hội chứng Down (trisomy 21), hội chứng Edwards (trisomy 18), hội chứng Patau (trisomy 13)
  • Rối loạn ảnh hưởng đến nhiễm sắc thể giới tính (X và Y). Do đó, xét nghiệm cũng có thể xác định giới tính của thai nhi.
  • Các tình trạng nhiễm sắc thể giới tính phổ biến nhất là hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter, hội chứng Triple X và hội chứng XYY.
Xét nghiệm NIPT được khuyến khích thực hiện sớm, trong khoảng 10 tuần đầu của thai kỳ, vì thực hiện sớm hơn thì DNA của thai nhi chưa có đủ trong máu của sản phụ để đánh giá.
Xét nghiệm thai kỳ - Xét nghiệm NIPT
Xét nghiệm NIPT giúp sàng lọc một số rối loạn nhiễm sắc thể của thai nhi

5. Xét nghiệm Double test

Xét nghiệm Double test (hay double market test) là một xét nghiệm máu để sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể trong tam cá nguyệt đầu tiên.

Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy máu của người mẹ trong thời kỳ mang thai, sau đó định lượng của β-hCG (Beta Human Chorionic Gonadotropin) và PAPP-A (protein huyết tương A) có trong máu. Hai chỉ số này do nhau thai tiết ra và thay đổi trong quá trình mang thai của phụ nữ. Nếu nồng độ β-hCG và PAPP-A cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường, điều này cho thấy có những bất thường về nhiễm sắc thể.

Xét nghiệm Double test thường được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, cụ thể là thường trong khoảng thời gian mang thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày.

6. Xét nghiệm Triple test

Triple test là xét nghiệm kết hợp ba – đây là xét nghiệm sàng lọc, được thực hiện bằng cách xét nghiệm máu của mẹ bầu và đánh giá ba thông số cụ thể sau:

  • AFP (alpha-fetoprotein): đây là một loại protein được tạo ra từ bào thai.
  • hCG (human chorionic gonadotropin): là một loại hormone được tạo ra từ nhau thai.
  • Estriol: đây là một loại estrogen được tạo ra từ cả bào thai và nhau thai

Từ kết quả triple test, kết hợp với các thông tin tiểu sử của sản phụ như độ tuổi, cân nặng, chủng tộc, thời gian mang thai… chuyên gia y tế sẽ có thể đánh giá khả năng mắc các rối loạn tiềm ẩn cho thai nhi.

Xét nghiệm sàng lọc bộ ba được khuyến khích thực hiện trong khoảng tuần 15-20 của thai kỳ, đặc biệt là tuần 16-18 được đánh giá là thời gian tốt nhất để có kết quả chính xác nhất.

Tất cả các phụ nữ mang thai đều được khuyên làm xét nghiệm này, nhưng đặc biệt khuyến nghị cho các trường hợp sau:

  • Phụ nữ trên 35 tuổi.
  • Bị tiểu đường và sử dụng insulin.
  • Bị nhiễm vi rút trong quá trình mang thai.
  • Gia đình có tiền sử mắc các dị tật bẩm sinh.
  • Đã tiếp xúc với môi trường có mức độ phóng xạ cao.
  • Đã dùng các loại thuốc có khả năng gây hại cho quá trình mang thai.

7. Xét nghiệm các bệnh lý lây truyền từ mẹ sang con

Xét nghiệm và tầm soát các bệnh truyền nhiễm từ cha hoặc mẹ sang con là vô cùng quan trọng, giúp can thiệp điều trị kịp thời hoặc làm giảm khả năng lây truyền. Các xét nghiệm có thể giúp phát hiện các bệnh lý lây truyền từ cha hoặc mẹ sang con là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chọc ối; trong đó xét nghiệm máu là phổ biến nhất, giúp phát hiện HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và rebulla.

Các con đường lây bệnh từ mẹ sang con là qua đường nhau thai, trong khi sinh hoặc trong khi cho con bú.

Xét nghiệm sàng lọc bệnh truyền nhiễm nên được thực hiện trước khi mang thai hoặc vào tam cá nguyệt thứ nhất, vì một số bệnh truyền nhiễm có thể can thiệp điều trị và kiểm soát tốt hơn nếu phát hiện sớm.
Xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền từ mẹ sang con
Xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền từ mẹ sang con nên được thực hiện từ sớm, càng sớm càng tốt

Câu hỏi thường gặp

Xét nghiệm thai kỳ giá bao nhiêu và ở đâu uy tín?

Tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm, thời gian mang thai, địa chỉ thăm khám mà giá xét nghiệm thai kỳ sẽ có mức chi phí chênh lệch hoặc mức giá dao động tùy từng thời điểm. Dưới đây là bảng giá các xét nghiệm tại 3 bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (tham khảo):

Loại xét nghiệm Bệnh viện Từ Dũ Bệnh viện Hùng Vương Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Xét nghiệm máu 25.000 – 742.000`đ 21.000 – 516.000đ 52.000 – 251.000đ
Xét nghiệm nước tiểu 30.000 – 40.000đ 27.400 – 120.000đ 27.800 – 164.000đ
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ 28.000 – 162.000đ 15.200 – 192.000đ  
Xét nghiệm NIPT 4.600.000đ 6.600.000 – 7.920.000đ 3.900.000 – 9.900.000đ
Double test 450.000đ 420.000 – 564.000đ 574.000đ
Triple test 450.000đ 450.000 – 540.000đ  
Siêu âm độ mờ gáy 165.000 – 300.000đ 240.000đ 250.000 – 300.000đ
Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm HIV: 135.000đ

Giang mai: 307.000đ

Rubella: 500.000đ

HIV: 101.000 – 300.000đ HIV: 55.000 – 186.000đ
Rubella: 123.000 – 748.000đ

3 tháng đầu thai kỳ cần xét nghiệm gì?

Trong 3 tháng đầu thai kỳ (tam nguyệt cá đầu tiên), mẹ bầu nên thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Siêu âm độ mờ da gáy của thai nhi: phần kiểm tra hình ảnh này nhằm xem vùng sau cổ của con có tích dịch hay bị dày lên không
  • Siêu âm xác định xương mũi thai nhi: vì một số bất thường về nhiễm sắc thể sẽ được dự đoán nếu không thể xác định được xương mũi của thai nhi (nên thực hiện ở tuần thai thứ 10-11)
  • Xét nghiệm máu cho sản phụ: nhằm đánh giá hai thông số là protein trong máu và hCG. Một trong hai hoặc cả hai thông số này nếu có mức độ bất thường sẽ dẫn đến một số nguy cơ về bất thường trong bộ nhiễm sắc thể của thai nhi.
Xét nghiệm máu của sản phụ và siêu âm độ mờ da gáy thường được khuyến khích thực hiện đồng thời để sàng lọc nguy cơ dị tật bẩm sinh của bé.

Kết luận

Xét nghiệm thai kỳ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé trong quá trình mang thai. Thực hiện xét nghiệm giúp bác sĩ theo dõi được tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, đồng thời cũng giúp phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn. 

Việc thực hiện các xét nghiệm thai kỳ đúng thời điểm và theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát và phòng ngừa các biến chứng trong suốt thai kỳ, đảm bảo một hành trình mang thai an toàn và khỏe mạnh.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Glucose screening tests during pregnancy

https://medlineplus.gov/ency/article/007562.htm Ngày truy cập 27/3/2024

Gestational Diabetes

https://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/gestational-diabetes/ Ngày truy cập 27/3/2024

Gestational diabetes

https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/ Ngày truy cập 27/3/2024

Bảng giá khám thai tại bệnh viện Từ Dũ

https://tudu.com.vn/vn/huong-dan-dich-vu/bang-gia/bang-gia-kham-thai-tai-benh-vien-tu-du/  Ngày truy cập 27/3/2024

BẢNG GIÁ DỊCH VỤ ĐIỀU TRỊ TỔNG HỢP

https://bthh.org.vn/uploads/BANG%20GIA%20BENH%20VIEN.pdf  Ngày truy cập 27/3/2024

BẢNG GIÁ DỊCH VỤ KHÁM SẢN/PHỤ KHOA CƠ BẢN – Bênh viện Phụ sản Hà Nội

https://benhvienphusanhanoi.vn/gia-mot-so-dich-vu-co-ban/bang-gia-dich-vu-kham-sanphu-khoa-co-ban-42098.html  Ngày truy cập 27/3/2024

Phiên bản hiện tại

27/12/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Giải đáp thắc mắc: Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn không? Nhịn ăn bao lâu?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo