backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú? Trường hợp nào nên và không nên?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    Mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú? Trường hợp nào nên và không nên?

    Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ là hoạt động luôn được khuyến khích nhằm đảm bảo bé yêu phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Tuy nhiên, thực tế là không phải tất cả bà mẹ đều có thể cho con bú như mong muốn. Chẳng hạn như trong trường hợp bị viêm gan B, nhiều chị em không tránh khỏi lo lắng rằng mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú hay không?

    Để hiểu rõ vấn đề này, bạn có thể tìm hiểu nhanh qua bài viết sau của Hello Bacsi. Những thông tin được tổng hợp sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng về việc nuôi con bằng sữa mẹ khi đang mắc viêm gan B.

    Viêm gan B là bệnh gì? Các triệu chứng của viêm gan B

    Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Trong đó, tình trạng viêm gan B mãn tính kéo dài trên 6 tháng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm suy gan, xơ gan, ung thư gan và có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của viêm gan B thường bao gồm:

    • Đau bụng
    • Nước tiểu đậm màu
    • Sốt
    • Đau khớp
    • Ăn mất ngon
    • Buồn nôn và ói mửa
    • Suy nhược, mệt mỏi
    • Da và lòng trắng của mắt bị vàng. 

    Các triệu chứng của viêm gan B có thể xuất hiện sau vài tuần đến vài tháng kể từ khi một người nhiễm virus gây bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng, đặc biệt là trẻ em.

    Viêm gan B lây truyền qua những con đường nào? Mẹ bị viêm gan B có truyền sang con?

    mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú

    Trước khi tìm hiểu mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú, bạn cũng nên hiểu đầy đủ về các con đường lây truyền của bệnh viêm gan B. Có 3 con đường lây truyền chính, bao gồm:

    • Lây truyền qua đường máu: Dùng chung kim tiêm, xăm hình, xỏ khuyên, nhận truyền máu… từ nguồn có chứa virus viêm gan B.
    • Lây truyền qua đường tình dục: Bạn có thể nhiễm virus viêm gan B qua tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bệnh khi quan hệ tình dục với họ.
    • Lây nhiễm từ mẹ sang con: Mẹ bầu bị nhiễm viêm gan B thường không ảnh hưởng đến thai kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ truyền bệnh cho trẻ trong khi sinh vẫn có thể xảy ra. Bởi vì virus có trong dịch tiết, máu người mẹ có thể đi vào cơ thể trẻ qua các vết trầy xước khi sinh.

    Đối với con đường lây truyền thứ 3, bạn cần biết rằng trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh viêm gan B có 70 – 90% nguy cơ phát triển bệnh viêm gan B mãn tính nếu không được dự phòng miễn dịch sau phơi nhiễm. Do đó, cách tốt nhất là mẹ cần được xét nghiệm viêm gan B khi mang thai càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ theo dõi lượng virus HBV trong máu của mẹ (nếu có) và có thể đề nghị dùng thuốc nếu nghiêm trọng.

    Việc dùng thuốc nhằm mục đích giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B sang em bé khi sinh. Song song đó, trẻ sơ sinh cũng sẽ được tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) và liều vaccine viêm gan B đầu tiên sau sinh để được bảo vệ tốt nhất trước nguy cơ nhiễm bệnh.

    Mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú?

    Như đã đề cập, viêm gan B là căn bệnh dễ lây nhiễm, đặc biệt là đối với trẻ được sinh ra từ mẹ bị viêm gan B. Vì vậy, nhiều mẹ không tránh khỏi lo lắng liệu mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú hay không? Thực chất, mẹ có thể yên tâm về việc cho con bú bình thường. Mặc dù virus viêm gan B đã được phát hiện có trong sữa mẹ của người nhiễm bệnh nhưng các nghiên cứu cho thấy việc cho con bú không làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền viêm gan B cho trẻ sơ sinh.

    mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú

    Hơn nữa, chỉ cần trẻ được tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) sau sinh và tiêm đủ 3 liều vaccine viêm gan B thì vẫn có thể được bảo vệ một cách tốt nhất để không nhiễm bệnh. Cụ thể, trẻ cần được tiêm chủng ngừa viêm gan B theo lịch trình như sau:

    • Tiêm mũi đầu tiên trong vòng 12 giờ đầu tiên sau sinh.
    • Tiêm mũi thứ hai khi trẻ được 1 – 2 tháng tuổi.
    • Tiêm mũi thứ ba khi trẻ được 6 tháng tuổi.

    Tuy lịch tiêm vaccine viêm gan B được thực hiện như trên, nhưng mẹ không cần trì hoãn việc cho con bú đến khi trẻ được chủng ngừa đầy đủ. Bởi vì nguy cơ truyền nhiễm virus viêm gan B qua sữa mẹ thường không đáng kể. Trong khi đó, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ thường cao hơn nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn.

    Mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú trong trường hợp núm vú bị nứt, chảy máu?

    Đối với vấn đề “mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú trong trường hợp núm vú bị nứt, chảy máu?” thì các dữ liệu hiện có vẫn chưa đủ để kết luận nên hay không nên. Tuy nhiên, vì virus viêm gan B (HBV) có thể lây lan qua đường máu nên mẹ vẫn cần thận trọng. Nếu núm vú hoặc quầng vú bị nứt nẻ, chảy máu, cách tốt nhất là bạn nên tạm thời ngừng cho con bú mẹ trực tiếp. Điều này nhằm tránh nguy cơ trẻ nhiễm bệnh do tiếp xúc với máu của mẹ bị viêm gan B.

    Đồng thời, để duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ, bạn có thể vắt sữa mẹ ra và bảo quản trong tủ lạnh bằng túi trữ sữa để con dùng dần cho đến khi núm vú lành hẳn. Một số giải pháp khác là mẹ có thể cho con dùng sữa công thức nếu cần thiết hoặc dùng nguồn sữa mẹ được hiến tặng.

    Nhìn chung, bạn không cần quá lo lắng về vấn đề mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú? Hầu hết các mẹ vẫn có thể lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ trong trường hợp này. Điều quan trọng là em bé cần được theo dõi và tiêm phòng đầy đủ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm viêm gan B hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo