backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Truy tìm nguyên nhân khiến phân có dịch nhầy khi mang thai

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 05/12/2019

    Truy tìm nguyên nhân khiến phân có dịch nhầy khi mang thai

    Khi mang thai, phân có dịch nhầy là điều khá bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đi kèm với đau bụng dưới hoặc có máu trong phân, bạn nên đi khám ngay.

    Mang thai là thời điểm mà cơ thể người phụ nữ có rất nhiều sự thay đổi rất dễ nhận thấy. Phần lớn mọi người đều chia sẻ với bạn về những điều tuyệt vời khi trở thành mẹ, thế nhưng, đi kèm với những niềm hạnh phúc luôn là những vấn đề đầy khó khăn mà bạn cần phải trải qua.

    Một trong số những điều làm bà bầu cảm thấy băn khoăn, lo lắng đó là thấy phân có dịch nhầy. Vậy tình trạng này là như thế nào và nó có nguy hiểm cho bé cưng trong bụng không? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để có thêm một số thông tin hữu ích nhé.

    Phân như thế nào thì mới được xem là bình thường?

    Nhìn chung, hình dạng và màu sắc của phân trong thai kỳ sẽ không khác gì với khi bạn chưa mang thai. Nếu bạn nhận thấy những thay đổi thì có thể là do sự biến động của nội tiết tố và những thay đổi về chế độ ăn trong thời gian mang thai.

    Màu sắc của phân thường chuyển từ màu vàng nhạt đến nâu sậm hoặc đen. Phân có màu xanh đậm khi mang thai cũng được coi là bình thường trừ khi nó đi kèm theo các triệu chứng khác.

    Phân có dịch nhầy có phải là điều bình thường khi mang thai?

    Phân có dịch nhầy là điều khá bình thường và thường thấy khi mang thai. Nguyên nhân của tình trạng này thường do những thay đổi mà bạn trải qua trong thai kỳ. Nếu phân của bạn chỉ có một chút chất nhầy, bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu chất nhầy đi kèm với máu hoặc bạn cảm thấy đau bụng dưới, hãy đi khám ngay nhé vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nào đó.

    Nguyên nhân khiến phân hay có dịch nhầy trong thời gian mang thai?

    Các vấn đề tiêu hóa là thủ phạm chính khiến mẹ bầu đi phân có dịch nhầy. Ngoài nguyên nhân này thì còn có một số lý do khác phải kể đến như:

    • Mất cân bằng hormone trong cơ thể.
    • Do các loại thuốc mà bạn uống trước khi mang thai gây ra. Nếu những loại thuốc này có chứa nhiều chất sắt hoặc canxi, chúng có thể khiến phân của bạn chứa dịch nhầy.
    • Do tử cung ngày càng mở rộng và tạo áp lực lên ruột, dẫn đến việc bài tiết chất nhầy trong cơ thể.
    • Nếu bị dị ứng thực phẩm, chẳng hạn như dị ứng các loại hạt hoặc sữa, bạn cũng có thể đi phân có dịch nhầy.
    • Hội chứng ruột kích thích (IBS) với các triệu chứng điển hình như tiêu chảy, táo bón cũng có thể khiến phân xuất hiện chất nhầy.
    • Viêm đại tràng: tình trạng này có thể gây chảy máu, tạo mủ và chất nhầy trong phân. Nó cũng thường gây ra tiêu chảy, đau bụng và chuột rút.
    • Ngộ độc thực phẩm: Nếu bạn có các triệu chứng giống như cúm và phân của bạn có máu hoặc chất nhầy, nhiều khả năng bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm.
    • Nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, chẳng hạn như kiết lỵ cũng có thể gây ra vấn đề này.

    phân có dịch nhầy

    Khi thấy phân có dịch nhầy, bạn cần phải làm gì?

    Khi bạn thấy phân có chất nhầy trong thời gian mang thai, hãy cố gắng xác định nguyên nhân tại sao lại như vậy. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, mất nước, bác sĩ có thể cho bạn dùng kháng sinh để điều trị. Ngoài ra, bạn cũng có thử một số biện pháp sau:

    • Thay đổi các loại thuốc bổ sung vitamin mà bạn đang uống.
    • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân trong thời gian mang thai.
    • Nếu bạn bị nhiễm trùng, hãy uống đúng liều lượng kháng sinh mà bác sĩ đã kê và không dừng lại giữa chừng.

    Bí quyết giúp ngăn ngừa tình trạng phân có dịch nhầy

    Dưới đây là một số cách giúp bà bầu ngăn ngừa tình trạng đi tiêu phân có dịch nhầy:

    1. Uống đủ nước

    Phân có dịch nhầy có thể là do bạn bị mất nước. Để tránh tình trạng này, hãy cố gắng uống đủ lượng nước được khuyến nghị mỗi ngày.

    2. Tập thể dục

    Tập thể dục thường xuyên trước và trong khi mang thai có thể giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể chống chọi lại với vi khuẩn và virus gây hại, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

    Tuy nhiên, trước khi bạn thử bất kỳ bài tập nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để chắc chắn rằng những bài tập này an toàn cho bạn và bé cưng trong bụng. Mỗi ngày, bạn nên tập khoảng 45 phút, nếu thấy mệt hãy nghỉ ngơi một thời gian ngắn rồi mới tập lại.

    3. Duy trì chế độ ăn cân bằng

    Táo bón là nguyên nhân phổ biến khiến phân bà bầu hay có dịch nhầy. Để phòng tránh điều này, bạn nên duy trì một chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng để đảm bảo bổ sung đầy đủ khoáng chất và vitamin mà cơ thể cần. Ngoài ra, bạn cũng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ cho cơ thể và phòng ngừa táo bón.

    4. Bình tĩnh

    Phân có dịch nhầy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng bạn không cần phải quá căng thẳng. Thực tế, căng thẳng còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Cụ thể, căng thẳng quá mức sẽ khiến bạn dễ gặp phải tình trạng đau bụng dưới, chảy máu và dẫn đến sinh non. Để giải tỏa cẳng thẳng, lo lắng, bạn có thể thử tập yoga, thái cực quyền hoặc thiền để bình tĩnh lại.

    Khi nào bạn cần đi khám?

    Bạn không cần phải quá lo lắng nếu chỉ thấy trong phân có một ít chất nhầy. Tuy nhiên, với những tình huống sau, bạn nên đến gặp bác sĩ để khám ngay nhé:

    • Thấy phân có máu và chất nhầy
    • Đau bụng dưới
    • Bạn bị bệnh trĩ.

    Mặc dù tình trạng phân có chất nhầy không phải là vấn đề lớn nhưng nếu bạn thấy lo lắng, tốt nhất bạn vẫn nên đi khám để bác sĩ đề cách xử lý đúng đắn. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tự ý dùng thuốc để điều trị bởi nếu không cẩn thận, việc này sẽ gây nguy hiểm cho cả bạn và bé đấy.

    Ngân Phạm/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 05/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo