backup og meta

9 vấn đề sức khỏe người cao tuổi rất thường xảy ra

9 vấn đề sức khỏe người cao tuổi rất thường xảy ra

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trung bình những người sau 65 tuổi có thể sống thêm 19,3 năm nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng khỏe mạnh và vui vẻ tận hưởng tuổi già. Những vấn đề sức khỏe người cao tuổi sau đây gây ra những hệ lụy không tốt lên chất lượng sống và tuổi thọ nhưng thường không nhận được sự quan tâm đúng mức.

Tỷ lệ người cao tuổi chiếm khoảng 12% dân số thế giới và dự đoán sẽ tăng lên hơn 22% vào năm 2050. Do đó,hiểu rõ về những vấn đề thường gặp nhất trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để có những biện pháp phòng ngừa cho bản thân hoặc người thân yêu.

Sau đây là 9 vấn đề sức khỏe mà người cao tuổi thường gặp phải, cần được quan tâm thường xuyên và hỗ trợ, điều trị kịp thời.

1. Những vấn đề sức khỏe mạn tính

chăm sóc sức khỏe cho người già


Theo Hội lão khoa quốc gia của Hoa Kỳ (National Council on Aging), khoảng 92% người cao tuổi mắc phải ít nhất một bệnh mạn tính và 77% người cao tuổi mắc ít nhất hai bệnh. Bệnh tim, đột quỵ, ung thư và đái tháo đường là những bệnh mạn tính mất nhiều chi phí điều trị. Đó cũng là nguyên nhân gây ra 2/3 số ca tử vong mỗi năm.

Để nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bạn không nên bỏ qua các bệnh mạn tính này. Trung tâm phòng ngừa bệnh mạn tính và nâng cao sức khỏe quốc gia (NCCDPHP) khuyến cáo người cao tuổi nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng như thói quen tập thể dục để giúp quản lý hay phòng ngừa các bệnh mạn tính.

Béo phì cũng là một vấn đề đáng lưu tâm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đây là yếu tố nguy cơ góp phần hình thành nên nhiều căn bệnh mạn tính liên quan. Vì vậy, thay đổi lối sống vừa giúp giảm cân lành mạnh vừa đề phòng những tình trạng mạn tính tiến triển.

>> Tham khảo thêm: Cách xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người già

2. Vấn đề sức khỏe người cao tuổi: Giảm khả năng nhận thức

Giảm dần khả năng nhận thức là vấn đề thường bị bỏ qua khi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Khả năng nhận thức ở một người khỏe mạnh thể hiện qua khả năng suy nghĩ, học hỏi và ghi nhớ. Thế nhưng, người cao tuổi thường phải đối mặt với chứng mất trí nhớ. Khoảng 47,5 triệu người mắc phải chứng mất trí nhớ và con số này dự tính sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050.

Theo Viện lão hóa Quốc gia, nhiều tình trạng sức khỏe và bệnh mạn tính khác làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, chẳng hạn như lạm dụng chất kích thích, đái tháo đường, tăng huyết áp, trầm cảm, HIV và hút thuốc. Mặc dù chưa có cách để chữa trị chứng mất trí nhớ nhưng bác sĩ vẫn có thể xây dựng một kế hoạch điều trị và kê đơn thuốc giúp kiểm soát tình trạng này. Lối sống lành mạnh sẽ giúp giữ một tinh thần minh mẫn dù tuổi tác đã cao.

>> Tìm hiểu ngay: Lão hóa ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ như thế nào?

3. Sức khỏe tâm thần

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 15% người trên 60 tuổi bị rối loạn tâm thần. Một trong những rối loạn về tâm thần xảy ra phổ biến ở người cao tuổi mà chúng ta thường không nghĩ đến là trầm cảm (hơn 7% người cao tuổi gặp phải tình trạng này). Thật không may, loại rối loạn tâm thần này thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ở Hoa Kỳ, hơn 18% số ca tự tử là người cao tuổi.

trầm cảm ở người cao tuổi
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến ở người cao tuổi

Trầm cảm, một trong những vấn đề người cao tuổi gặp phải có thể là hậu quả từ những bệnh mạn tính khác. Do đó việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đòi hòi đồng thời quản lý tốt các bệnh khác. Thay đổi lối sống lành mạnh hơn như cải thiện điều kiện sống và nhận được hỗ trợ tinh thần từ gia đình, xã hội, bạn bè hay các hội nhóm là rất quan trọng trong mang lại hiệu quả điều trị.

4. Vấn đề sức khỏe của người già: Chấn thương

Bạn có biết?

  • Mỗi 15 giây có một người cao tuổi được đưa vào phòng cấp cứu vì bị té ngã
  • Mỗi 29 phút lại có một người cao tuổi tử vong do ngã

Từ đó có thể thấy, té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây nên thương tích ở người cao tuổi. Đây cũng là một trong những vấn đề mà việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không được phép bỏ qua. Quá trình lão hóa tự nhiên khiến loãng xương và cơ bắp dần mất đi sức mạnh cũng như sự linh hoạt. Điều này khiến cho người cao tuổi đễ bị mất thăng bằng và té ngã hơn, gây ra bầm tím tại chỗ hay gãy xương.


Loãng xương và viêm xương khớp là hai bệnh góp phần vào sự suy yếu dần của xương. Có thể hạn chế nguy cơ té ngã cho người cao tuổi bằng việc cẩn thận khi đi lại, tăng cường các hoạt động thể chất và thay đổi các đồ vật trong nhà để không gian rộng rãi hơn.

5. Vấn đề sức khỏe người cao tuổi: Bệnh đường hô hấp

Các bệnh mạn tính ở đường hô hấp dưới, như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), là nguyên nhân gây tử vong thứ ba ở những người trên 65 tuổi. Trong số người cao tuổi, khoảng 10% nam giới và 13% nữ giới đang sống chung với bệnh hen suyễn; 10% nam giới và 11% nữ giới phải sống chung với viêm phế quãn mạn tính hoặc khí phế thũng.

  • Những nguy cơ khiến cho bệnh hô hấp ở người già gia tăng gồm có:
  • Khí hậu chia thành hai mùa nóng ẩm và khô lạnh
  • Thiếu không gian sống xanh và trong lành ở một số khu vực đô thị
  • Thường xuyên tiếp xúc khói, bụi ở nơi làm việc, sinh sống
  • Thói quen hút thuốc lá, thuốc lào

Hệ hô hấp không khỏe mạnh, những đợt bệnh không được chữa trị dứt điểm là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh hô hấp mạn tính. Những bệnh này về lâu dài sẽ gây ra tổn thương cho phổi của người cao tuổi. Nhưng nếu được theo dõi và điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi hoặc được kiểm soát giúp tránh những khó chịu và tác hại lên sức khỏe người cao tuổi.

>> Tìm hiểu thêm: 7 cách trị ho cho người lớn tuổi tại nhà an toàn, hiệu quả cao

6. Giảm chức năng các giác quan

máy trợ tính cho người cao tuổi

Khi cơ thể già đi, các giác quan (thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác) trở nên kém nhạy bén và khiến người cao tuổi khó khăn hơn trong việc để tâm đến các chi tiết. Đây là một trong những vấn đề người cao tuổi gặp phải mà bạn không nên lơ là.


Giảm chức năng các gian quan có thể ảnh hưởng lối sống, trong cách người cao tuổi giao tiếp, tham gia các hoạt động cùng người xung quanh mình. Từ đó vấn đề này khiến người già dần cô lập khỏi gia đình và xã hội.


Âm thanh, hình ảnh, mùi, vị và các sờ chạm cần rõ ràng hơn để người cao tuổi ghi nhận. Tuổi tác ảnh hưởng đến mọi giác quan, nhưng thường rõ ràng nhất là khả năng nghe và nhìn. Theo CDC, khoảng 1 trong 6 người cao tuổi bị suy giảm thị lực và 1 trong 4 người thì bị giảm thính lực. May mắn thay, các vấn đề này có thể khắc phục dễ dàng nhờ vào các thiết bị hỗ trợ như mắt kính hoặc máy trợ thính.

Người lớn tuổi cần bắt đầu quan tâm đến sức khỏe toàn diện từ sớm để sự lão hóa các cơ quan đến chậm. Đồng thời, cần thường xuyên chú ý kiểm tra và thăm khám thị lực và thính lực để có những biện pháp chăm sóc, hỗ trợ cần thiết.

7. Lạm dụng chất kích thích

Lạm dụng chất kích thích, điển hình là rượu hay chất gây nghiện, thường xảy ra khá phổ biến ở người cao tuổi. Tình trạng này là một mối lo ngại to lớn đối với sức khỏe của người cao tuổi vì chúng có thể gây ra tương tác với các thuốc theo toa. Hơn thế nữa, chất kích thích còn tác động đến sức khỏe tổng thể, làm tăng nguy cơ xảy ra té ngã hay ngộ độc.


Lưu ý khi chăm sóc cho người già


Một số bí quyết sau đây có thể hỗ trợ người già cắt giảm rượu bia:

  • Đặt ra giới hạn cứng. Bạn có thể giới hạn lượng đồ uống có cồn mà ông bà có thể uống mỗi lần. Tốt nhất là không nên để cụ ông uống nhiều hơn 2 ly/ ngày; và 1 ly/ngày với cụ bà.
  • Chỉ định một ngày không rượu bia. Nếu người già có thói quen uống rượu mỗi ngày, đây có thể là một cách tốt để giảm mức sử dụng rượu của ông bà.
  • Hạn chế lưu trữ rượu bia ở nhà. Lưu trữ quá nhiều rượu bia có sẵn sẽ có thể dẫn đến thói quen sử dụng đồ uống có cồn quá mức của người già.
  • Hãy thử các lựa chọn thay thế không chứa cồn. Nếu người cao tuổi yêu thích hương vị của bia hoặc rượu vang, hãy thử các sản phẩm không cồn.

8. Sức khỏe răng miệng

Mặc dù không được chú ý thường xuyên nhưng sức khỏe răng miệng là một trong những vấn đề quan trọng với người cao tuổi. Có khoảng 25% người trên 65 tuổi bị mất răng tự nhiên. Những vấn đề răng miệng khác có thể gặp bao gồm khô miệng, bệnh về nướu và ung thư miệng.

Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng (đặc biệt là canxi và vitamin D) và vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh răng miệng. Khi răng miệng gặp các vấn đề, cản trở quá trình ăn uống sẽ lại càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng và ảnh hưởng sức khỏe nói chung.


Hãy giữ gìn sức khỏe răng miệng người cao tuổi

Những tình trạng này có khả năng được quản lý hay ngăn ngừa bằng dinh dưỡng hợp lý, giữ vệ sinh răng miệng tốt và đến phòng khám nha khoa kiểm tra định kỳ.

9. Sức khỏe người cao tuổi và vấn đề suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là một trong những vấn đề thường bị bỏ qua nhất khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi (trên 65 tuổi) không được chẩn đoán sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như: suy giảm hệ miễn dịch và khiến hệ cơ xương mất đi khả năng đứng vững. Nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng rất đa dạng, từ những thay đổi do tuổi tác đến chứng mất trí nhớ gây quên ăn, thu nhập hạn chế, nghiện rượu và thậm chí trầm cảm,…

Chỉ cần những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn hàng ngày như tăng lượng trái cây và rau quả, đảm bảo đủ protein, giảm lượng chất béo bão hòa và hạn chế muối cũng đã cải thiện được chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi.


Lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho người già


Một số bí quyết bạn có thể thử để người già ăn uống lành mạnh hơn:

  • Giữ giờ ăn và duy trì một lịch trình ăn uống đều đặn;
  • Đảm bảo ông bà không bỏ bữa;
  • Dùng bữa cùng người già;
  • Hạn chế sử dụng quá nhiều gia vị.

Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đòi hỏi một sự quan tâm, để ý toàn diện lên những thay đổi nhỏ nhất về thể chất và tinh thần. Vì người cao tuổi vốn thường chấp nhận những suy giảm sức khỏe của bản thân mình như một điều tất nhiên của tuổi tác, và tâm lý ngại làm phiền con cháu. Hy vọng những thông tin trên đây hỗ trợ bạn chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người thân của mình.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Alcohol and Older Adults – HelpGuide.org
https://www.helpguide.org/articles/addictions/alcohol-and-older-adults.htm
Ngày truy cập: 17/2/2023
How Older Adults Can Stay on Track to Eat Healthy – Cleveland Clinic
https://health.clevelandclinic.org/how-to-age-better-by-eating-more-healthfully/ 
Ngày truy cập: 17/2/2023
10 Common Elderly Health Issues.
https://vitalrecord.tamhsc.edu/10-common-elderly-health-issues/
Ngày truy cập: 17/2/2023
The Top 10 Most Common Chronic Conditions in Older Adults
https://www.ncoa.org/article/the-top-10-most-common-chronic-conditions-in-older-adults
Ngày truy cập: 17/2/2023
Trầm cảm – Bệnh phổ biến của Người cao tuổi
https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/tram-cam-benh-pho-bien-cua-nguoi-cao-tuoi?inheritRedirect=false
Ngày truy cập: 17/2/2023
Aging Changes in the Senses
https://medlineplus.gov/ency/article/004013.htm
Ngày truy cập: 17/2/2023
Substance Use in Older Adults – DrugFacts
https://www.drugabuse.gov/publications/substance-use-in-older-adults-drugfacts
Ngày truy cập: 17/2/2023
Facts About Older Adult Oral Health
https://www.cdc.gov/oralhealth/basics/adult-oral-health/adult_older.htm
Ngày truy cập: 17/2/2023

Phiên bản hiện tại

17/02/2023

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

TOP 6 tác dụng của đông trùng hạ thảo với sức khỏe người già

Top 5 sữa bổ sung canxi cho người 30 tuổi được ưa chuộng


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân

Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


Ngày cập nhật: 17/02/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo