backup og meta

Nhận biết sớm các triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu để điều trị

Nhận biết sớm các triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu để điều trị

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có thể điều trị và phòng ngừa được. Hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, chậm trễ trong chẩn đoán khiến việc điều trị phức tạp và tốn kém. Việc nhận biết sớm triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát và giảm thiểu hậu quả do bệnh gây ra.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu các dấu hiệu sớm của bệnh, cũng như nhóm đối tượng nguy cơ cao cần sàng lọc chẩn đoán bệnh lao phổi qua bài viết sau.

Tầm quan trọng của việc nhận biết sớm triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Theo ước tính, khoảng 1/4 dân số toàn cầu đã bị nhiễm vi khuẩn lao. Trong đó, chỉ có khoảng 5-10% số người nhiễm vi khuẩn sẽ xuất hiện triệu chứng và phát triển thành bệnh lao. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó bệnh lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80-85%).

Rất nhiều bệnh nhân mắc lao không được chẩn đoán trong một thời gian dài. Khi đến cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân ho dai dẳng, thiếu máu trầm trọng, không thể đi làm hay đi học. Việc chẩn đoán muộn làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác, tình trạng sức khỏe người bệnh diễn biến xấu hoặc khiến việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh có thể gây tử vong. Việc chẩn đoánđiều trị sớm là điều tối quan trọng để kiểm soát bệnh lao và giảm thiểu hậu quả của nó.

Để tăng cường nhận thức về bệnh lao, ngày 24/03 hàng năm được chọn là Ngày thế giới phòng chống lao.

Có thể bạn chưa biết

Các triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu

Những dấu hiệu lao phổi có thể phát triển từ từ trong nhiều tháng nên rất dễ bị bỏ qua và lây sang người khác mà không hề hay biết. Đa số bệnh lao thường ảnh hưởng đến phổi với các triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu bao gồm:

  • Ho kéo dài trên 2 tuần
  • Ho có đờm hoặc ho ra máu
  • Đau ngực, đôi khi khó thở
  • Mệt mỏi, ốm yếu
  • Kém ăn
  • Sụt kí, thường người bệnh ít khi chú ý đến triệu chứng này
  • Ớn lạnh, thường xuất hiện vào buổi chiều
  • Sốt nhẹ, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân trên 2 tuần
  • Đổ mồ hôi đêm.

Các triệu chứng của bệnh lao hoạt động ở phổi thường bắt đầu dần dần và trầm trọng hơn sau vài tuần.

Những người khỏe mạnh có thể mắc bệnh lao tiềm ẩn, có nghĩa là có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng chúng không hoạt động, không gây triệu chứng và không lây lan. Điều này là do hệ thống miễn dịch đủ khỏe mạnh để tiêu diệt và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Bệnh có thể không phát tác trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Cho đến một thời điểm nhất định, vì một lý do nào đó mà hệ miễn dịch trở nên suy yếu, vi khuẩn lao sẽ nhân lên và tấn công các mô cơ quan. Lúc này, nó trở thành bệnh lao hoạt động và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu. 

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ phát triển bệnh lao hoạt động sớm hơn, có thể trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi nhiễm trùng. Nhìn chung, khoảng 5-10% số người nhiễm bệnh lao tiềm ẩn không được điều trị sẽ phát triển bệnh lao vào một thời điểm nào đó trong đời. 

Triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu

Các triệu chứng lao ngoài phổi

Từ phổi, vi khuẩn lao di chuyển qua hệ thống máu hoặc bạch huyết đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nếu bệnh lao đã lan sang một bộ phận khác của cơ thể như các hạch bạch huyết, da, xương, ruột, thận hoặc não, thì cơ quan đó sẽ bị tổn thương và xuất hiện triệu chứng đặc hiệu của cơ quan đó. Khi đó, người bệnh có thể có các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau nhức cơ thể
  • Khớp hoặc mắt cá chân bị sưng
  • Đau bụng hoặc vùng chậu
  • Táo bón
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc đục
  • Đau đầu
  • Lú lẫn
  • Cứng cổ
  • Phát ban ở chân, mặt hoặc bộ phận khác của cơ thể.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu

  • Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em, người cao tuổi. Tiếp xúc càng lâu, thường xuyên hoặc càng gần thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Người bị suy giảm miễn dịch như: bệnh tự miễn, nhiễm HIV, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (corticosteroid, người ghép tạng,…), hoá chất điều trị ung thư, hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch khác.
  • Người mắc các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, suy thận mạn,…
  • Trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng và trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine BCG.
  • Người đã từng mắc bệnh lao trước đó và không được điều trị đúng cách.
  • Người sống trong môi trường khép kín, thông gió kém như: quản giáo, tù nhân, người bệnh tâm thần,…
  • Người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào.
  • Nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi.

Bệnh lao lây lan bằng cách nào?

Bệnh lao lây lan từ người này sang người khác khi người nhiễm bệnh lao ở phổi/cổ họng ho, hắt hơi hoặc nói chuyện làm lây lan vi khuẩn qua không khí và người khác hít phải. Thông thường, bạn phải tiếp xúc lâu dài mới bị nhiễm bệnh lao, vì vậy, bạn thường bị lây bệnh từ một thành viên trong gia đình hoặc đồng nghiệp chứ không phải từ một người chỉ mới gặp vài lần. Tuy nhiên, ở những đối tượng mắc bệnh lao phổi không kiểm soát tốt dẫn đến nồng độ vi khuẩn trong cơ thể tăng cao, chỉ cần tiếp xúc 1 lần cũng có thể mắc bệnh lao.
Những người bị bệnh lao hoạt động ở các bộ phận khác trên cơ thể không có khả năng lây nhiễm. Bệnh lao tiềm ẩn cũng không lây nhiễm.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh lao thế nào?

Một người cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán lao nếu: 

  • Có các triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu nêu trên 
  • Có triệu chứng lao ngoài phổi
  • Tiếp xúc gần với người bệnh lao, hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh lao
  • Đi khám vì bệnh lý khác nhưng có các dấu hiệu bất thường gợi ý lao (các hình ảnh bất thường nghi lao thông qua phim chụp X-quang ngực: đông đặc nhu mô phổi, hang, tràn dịch màng phổi, nốt ở phổi, xẹp phổi).

Có 2 loại xét nghiệm được sử dụng để phát hiện vi khuẩn lao trong cơ thể: xét nghiệm bệnh lao qua da (TST) và xét nghiệm bệnh lao trong máu. Xét nghiệm lao qua da/máu dương tính chỉ cho biết một người đã bị nhiễm vi khuẩn lao. Nó không cho biết người đó bị nhiễm lao tiềm ẩn hay đã tiến triển thành bệnh lao hoạt động.

Các xét nghiệm khác, chẳng hạn như chụp X-quang ngực và lấy mẫu đờm cũng có thể cần thiết để xác định xem người đó có mắc bệnh lao hay không.

Chẩn đoán lao phổi

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan nhanh nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu để xác định và can thiệp sớm là điều cực kỳ quan trọng để giảm gánh nặng bệnh tật và hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What You Need to Know About Tuberculosis. https://www.cdc.gov/tb/publications/factsheets/general/tb.htm. Ngày truy cập 23/04/2024

Early detection of Tuberculosis. https://iris.who.int/bitstream/handle/10665/70824/WHO_HTM_STB_PSI_2011.21_eng.pdf?sequence=1. Ngày truy cập 23/04/2024

Tuberculosis. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/tuberculosis. Ngày truy cập 23/04/2024

Tuberculosis (TB). https://www.nhs.uk/conditions/tuberculosis-tb/. Ngày truy cập 23/04/2024

Learn About Tuberculosis. https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/tuberculosis/learn-about-tuberculosis. Ngày truy cập 23/04/2024

Important to recognise tuberculosis (TB) symptoms early. https://www.nidirect.gov.uk/news/important-recognise-tuberculosis-tb-symptoms-early.. Ngày truy cập 23/04/2024

Tuberculosis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tuberculosis/symptoms-causes/syc-20351250. Ngày truy cập 23/04/2024

Phiên bản hiện tại

15/05/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Những lưu ý khi điều trị lao phổi tại nhà

Triệu chứng của lao phổi kháng thuốc - Nhận biết để chủ động điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 15/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo