Suy hô hấp là tình trạng xảy ra khi hệ hô hấp không thực hiện được một hoặc cả hai chức năng trao đổi khí: hấp thụ oxy (O2) và loại bỏ carbon dioxide (CO2). Tình trạng này có thể diễn biến nhanh chóng (cấp tính) với các triệu chứng khó thở, thở hước, thở nhanh, thở dồn dập,… khiến bạn phải lập tức đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Hoặc bệnh cũng có thể tiến triển chậm, kéo dài (mạn tính) với cảm giác mệt mỏi, giảm hoạt động thể chất,… Các triệu chứng này sẽ tăng dần càng ngày càng nặng hơn. Nhận biết được những dấu hiệu suy hô hấp là cách tốt nhất để can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề.
Suy hô hấp được phân thành 2 loại dựa trên nồng độ các khí trong máu, bao gồm: giảm nồng độ khí O2 và tăng nồng độ khí CO2. Nếu lượng O2 thấp, mô và cơ quan sẽ không có đủ oxy để hoạt động bình thường. Ngược lại, nếu phổi không thể thải trừ và khí CO2 bị tích tụ trong các phế nang ở phổi, nó có thể làm hỏng các mô và cơ quan, đồng thời ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình cung cấp oxy cho cơ thể. Một người có thể mắc 1 hoặc đồng thời cả 2 tình trạng này.
Dấu hiệu suy hô hấp cấp tính
Suy hô hấp cấp tính là một tình trạng cấp cứu, xảy ra đột ngột và cần cấp cứu y tế ngay tức thì. Các triệu chứng của suy hô hấp cấp tính khác nhau giữa 2 loại: thiếu O2 và tăng CO2.
Dấu hiệu suy hô hấp cấp có lượng oxy thấp (thiếu O2)
Ban đầu, người bệnh có thể nhận thấy:
- Hụt hơi, khó thở và cảm thấy không có đủ không khí để thở
- Môi, đầu ngón tay hoặc ngón chân chuyển sang màu xanh tím
- Khó thực hiện các hoạt động thường ngày, chẳng hạn như mặc quần áo, tắm, leo cầu thang,… do cảm thấy mệt mỏi
- Buồn ngủ.
Dấu hiệu suy hô hấp cấp có lượng carbon dioxide cao (tăng CO2)
Các triệu chứng suy hô hấp cấp ban đầu gồm:
- Thở nhanh hoặc thở cực kì chậm
- Mờ mắt
- Đau đầu
- Lú lẫn.
Tuy nhiên, việc phân loại suy hô hấp do thiếu hụt O2 hoặc do tình trạng dư thừa khí CO2 dựa trên lâm sàng hầu như không khả thi do các triệu chứng thường chồng lấp lẫn nhau, khó phân biệt. Để phân biệt chính xác, cần kiểm tra khí máu động mạch của bệnh nhân.
Một số người có thể có các triệu chứng thiếu O2 và tăng CO2 cùng một lúc. Nếu não và tim không nhận đủ oxy hoặc nếu nồng độ carbon dioxide rất cao, người bệnh sẽ cảm thấy cực kỳ buồn ngủ, có thể sẽ rơi vào tình trạng lơ mơ, nhịp tim không đều hoặc thậm chí là mất ý thức (bất tỉnh).
Dấu hiệu suy hô hấp mạn tính
Các triệu chứng suy hô hấp mạn tính ban đầu có thể không rõ ràng. Chúng thường xảy ra chậm trong một khoảng thời gian dài, thông thường từ vài ngày tới vài tháng. Bệnh nhân sẽ thích nghi dần với việc thiếu O2 hoặc dư CO2 và có một số thay đổi nhỏ chẳng hạn như đi bộ chậm hơn và tránh thực hiện các hoạt động thể chất.
Khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu suy hô hấp có thể bao gồm:
- Khó thở hoặc hụt hơi: Lúc đầu, tình trạng này thường xảy ra khi hoạt động mạnh, gắng sức. Theo thời gian khi bệnh tiến triển, nó có thể xảy ra cả khi nghỉ ngơi và ảnh hưởng đến giấc ngủ, các sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân cũng bị hạn chế.
- Mệt mỏi: do thiếu oxy đến các cơ quan trong cơ thể.
- Da, môi hoặc móng tay có màu hơi xanh: Dấu hiệu này có thể được nhận thấy khi nghỉ ngơi và có thể trở nên rõ hơn khi gắng sức.
- Thở nhanh, tim đập nhanh: do sự mất cân bằng giữa các khí hô hấp.
- Lo lắng, bồn chồn, lú lẫn, giảm ý thức: do sự mất cân bằng giữa các khí hô hấp, nồng độ oxy quá thấp hoặc nồng độ carbon dioxide tăng quá cao.
- Đau đầu thường xuyên.
- Tầm nhìn mờ.
Ngoài ra, tình trạng này còn có thể có những triệu chứng khác tùy vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ, nếu nguyên nhân do tim thì người bệnh có thể thấy đau ngực, nếu nguyên nhân do thần kinh có thể biểu hiện yếu chân tay, nếu do hen suyễn thì có thể có triệu chứng thở khò khè, các trường hợp viêm phổi có thể gây sốt, ho, khạc đờm,…
Bác sĩ chẩn đoán dấu hiệu suy hô hấp thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh của cá nhân hoặc gia đình bạn và các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là bất kỳ tình trạng bệnh lý nào có thể ảnh hưởng đến phổi và hô hấp. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các dấu hiệu suy hô hấp đang gặp phải, mức độ và tần suất mà chúng xảy ra.
Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện khám thực thể thông qua việc:
- Kiểm tra màu sắc môi, móng tay hoặc móng chân
- Kiểm tra nhịp tim
- Nghe phổi
- Đo độ bão hòa oxy trong máu SpO2
- Đo huyết áp
- Đo nhiệt độ cơ thể.
Các kỹ thuật cận lâm sàng dùng chẩn đoán xác định nguyên nhân gồm:
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Lấy mẫu máu từ động mạch để đo nồng độ oxy, carbon dioxide, pH và bicarbonate trong máu. Những xét nghiệm này giúp xác định xem bạn có bị suy hô hấp hay không và thuộc loại nào.
- Xét nghiệm máu có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây ra dấu hiệu suy hô hấp và kiểm tra xem các cơ quan khác có bị ảnh hưởng không.
- Nuôi cấy vi khuẩn nếu nghi ngờ nhiễm trùng.
- Nội soi phế quản có thể cho thấy tắc nghẽn, khối u hoặc các nguyên nhân khác gây suy hô hấp.
- Chẩn đoán hình ảnh (X-quang, CT, MRI) cho thấy hình ảnh chi tiết của phổi và tình trạng viêm hoặc tổn thương nếu có.
- Các xét nghiệm về tim như điện tâm đồ và siêu âm tim để loại trừ nguyên nhân do tim.
- Sinh thiết phổi cho thấy những thay đổi trong tế bào của mô phổi hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm chức năng phổi để đo lường mức độ hoạt động của phổi tốt như thế nào.
Cách ngăn ngừa biến chứng nếu bị suy hô hấp mạn tính
Suy hô hấp có thể gây tổn thương phổi và các cơ quan khác bao gồm não và thận, vì vậy, điều quan trọng là phải được điều trị nhanh chóng.
Người bệnh suy hô hấp mạn tính có thể cần được chăm sóc liên tục để ngăn ngừa tổn thương phổi và các cơ quan khác. Họ cũng có thể phải mang theo bình oxy di động và ống thông để hỗ trợ thở.
Các biện pháp mà bạn có thể làm để ngăn ngừa biến chứng xảy ra là:
- Bỏ hút thuốc.
- Tránh các chất gây kích thích phổi, chẳng hạn như ô nhiễm không khí, khói hóa chất, bụi và khói thuốc lá.
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu.
- Tiêm vắc xin ví dụ như vắc xin ngừa phế cầu khuẩn và tiêm phòng cúm hàng năm.
Suy hô hấp có thể diễn biến nhanh hoặc phát triển một cách từ từ. Với mỗi tình trạng, các dấu hiệu suy hô hấp có thể biểu hiện tương đối khác nhau. Người bệnh và người chăm sóc cần nắm được các dấu hiệu này để có cách xử trí phù hợp trong từng trường hợp cụ thể!
[embed-health-tool-bmi]