Ngủ là một chức năng sinh học cần thiết giúp chúng ta lấy lại năng lượng sau một ngày dài hoạt động. Nhiều người cần đến thuốc ngủ để dễ đi vào giấc ngủ hoặc ngủ ngon giấc hơn. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc ngủ sẽ mang đến những rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy cụ thể tác hại của thuốc ngủ là gì?
Tác dụng của thuốc ngủ
Để dễ ngủ và ngủ ngon hơn, không ít người đã tìm đến thuốc ngủ. Hầu hết các loại thuốc ngủ được phân loại là “thuốc ngủ an thần.’ Một số thương hiệu thuốc ngủ phổ biến bao gồm Ambien, Lunesta và Rozerem.
Ngoài ra, một số loại thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm Benzodiazepine cũng được biết đến với công dụng tương tự. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc do chúng có khả năng gây nghiện. Vì thế, các loại thuốc Benzodiazepine thường không được khuyên dùng để điều trị lâu dài các vấn đề về giấc ngủ.
Tác hại của thuốc ngủ
Uống thuốc ngủ có tác hại gì? Dùng quá liều thuốc ngủ có thể dẫn đến một số tác hại tùy thuộc vào loại thuốc và liều lượng sử dụng. Trong quá khứ, một số người sẽ sử dụng thuốc ngủ để tự kết thúc cuộc đời mình bằng cách từ từ chìm vào giấc ngủ và sau đó không còn tỉnh dậy. Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu sản xuất các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ an toàn hơn và giảm đi tác hại quá liều gây tử vong ở người sử dụng. Mặc dù vậy, bạn không nên tự ý uống thuốc ngủ mà không có chỉ định của bác sĩ.
Uống thuốc ngủ nhiều bị gì? Các trường hợp lạm dụng thuốc ngủ trong thời gian dài nếu nhẹ thì thường không có triệu chứng gì rõ rệt, nhịp thở vẫn đều đặn và có đáp ứng cơ thể khi bị tác động. Tuy nhiên sau khi thức giấc thường hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Các trường hợp nặng thì có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm như:
- Hôn mê sâu
- Mạch nhanh, thở chậm và nông, có thể kèm khò khè khó chịu
- Nhịp tim không đều, lúc nhanh lúc chậm và thường xuyên bị ngắt quãng
- Đồng tử co, phản xạ ánh sáng chậm
- Huyết áp giảm hoặc không đo được
- Uống quá liều còn có thể gây co giật, hôn mê triền miên, da xanh tím, thậm chí là tiêu chảy và nôn ra máu
- Người lạm dụng thuốc ngủ lâu dần cũng khiến cho thuốc mất khả năng cải thiện giấc ngủ mà vẫn gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, suy giảm trí nhớ hay thậm chí là tâm thần.
Tác hại của thuốc ngủ: Tác dụng phụ nguy hiểm khác
Tác hại của thuốc ngủ có thể khiến cản trở việc thở bình thường và gây nguy hiểm ở những người mắc một số vấn đề về phổi mãn tính như hen suyễn, khí phế thũng hoặc các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc ngủ kê đơn như Ambien, Halcion, Lunesta, Rozerem và Sonata bao gồm:
- Nóng rát hoặc ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân hoặc chân
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Táo bón
- Bệnh tiêu chảy
- Chóng mặt, choáng váng
- Buồn ngủ ban ngày kéo dài
- Khô miệng hoặc cổ họng
- Đau đầu
- Ợ nóng
- Cơ thể suy nhược vào sáng ngày hôm sau
- Cơ thể chậm chạp, giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ
- Đau dạ dày
- Run rẩy không kiểm soát ở một phần cơ thể
>>> Bạn có thể quan tâm: Điểm mặt những nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ tuổi
Các triệu chứng khi dùng quá liều thuốc ngủ
Uống thuốc ngủ nhiều có tác hại gì? Một số dấu hiệu nhận biết nếu bạn dùng quá liều thuốc ngủ bao gồm:
- Ngủ mê quá mức
- Không kiểm soát được hành vi
- Đau bụng: Tuy đây là triệu chứng hiếm gặp, nhưng dùng quá liều thuốc ngủ có thể gây ra chứng chán ăn và táo bón.
- Nhịp thở không đều: Dùng quá liều thuốc ngủ có thể khiến bạn gặp biểu hiện thở chậm hoặc rối loạn chức năng thở. Trong trường hợp nếu người sử dụng thuốc ngủ thở hổn hển hoặc ngừng thở và mất ý thức, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo ngay lập tức và nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất.
Điều quan trọng là người sử dụng thuốc phải nhận thức được việc uống quá nhiều thuốc ngủ có tác hại gì cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc ngủ để có cách xử lý kịp thời. Điều này giúp người bệnh tránh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Những ai không nên uống thuốc ngủ?
Nếu người bệnh từ 65 tuổi trở lên, các chuyên gia khuyên nên tránh sử dụng tất cả các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ, bao gồm thuốc không kê đơn và các loại thuốc ngủ như eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata) và zolpidem (Ambien).
So với những người trẻ tuổi, người lớn tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khi dùng thuốc ngủ cao hơn. Nguyên nhân là vì thuốc ngủ thường sẽ tồn tại trong cơ thể người cao tuổi lâu hơn. Cơn buồn ngủ thậm chí có thể kéo dài cả ngày sau khi uống thuốc. Người lớn tuổi có thể gặp phải các tình trạng như lú lẫn và các vấn đề về trí nhớ, điều này có thể dẫn đến ngã, gãy xương hông và những chấn thương khác…
Thuốc ngủ nào dùng quá liều có thể gây chết người?
Tỷ lệ tử vong do sử dụng thuốc ngủ quá liều không còn cao như trước đây. Tuy nhiên vẫn có trường hợp có thể gây chết người nếu lạm dụng thuốc ngủ. Điển hình là thuốc ngủ Ambien thường được dùng với liều 10 mg. Ở mức 600 mg, người bệnh đang sử dụng quá liều và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy có báo cáo về khả năng gây tử vong ở liều cao hơn 2.000 mg, nhưng khả năng gây chết người vẫn có thể xảy ra ở liều lượng thấp hơn.
Sử dụng quá liều thuốc Lunesta có thể xảy ra khi được dùng gấp khoảng 90 lần so với liều lượng chỉ định, cụ thể là với 270 mg thuốc. Tình trạng quá liều gây tử vong thường chỉ xảy ra khi Lunesta kết hợp với thuốc trầm cảm như Benzodiazepine hoặc rượu.
Tương tự, sử dụng quá liều thuốc ngủ với khoảng 200 mg Sonata có thể khiến đe dọa tính mạng người bệnh. Đặc biệt là khi họ dùng thuốc này chung với rượu.
>>> Bạn có thể quan tâm: Mất ngủ ăn gì? Không chỉ thuốc, thực phẩm cũng chữa mất ngủ
Điều trị khi uống thuốc ngủ quá nhiều
Nếu một người không có triệu chứng co giật sau khi lạm dụng thuốc, bác sĩ có thể kê đơn thuốc flumazenil, giúp đảo ngược trạng thái an thần để đưa người bệnh trở lại trạng thái bình thường.
Trong trường hợp người bệnh uống thuốc ngủ với một lượng lớn, bác sĩ có thể lấy những viên thuốc này ra bằng máy bơm dạ dày (tuy phương pháp này thường ít được sử dụng).
Bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc ngủ. Vì thế, trước khi quyết định dùng thuốc ngủ, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị khám sức khỏe để giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây ra các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ gợi ý cách điều trị chứng khó ngủ mà không cần phải dùng thuốc.
>>> Bạn có thể đọc thêm: Cách chữa mất ngủ không dùng thuốc dành cho người mất ngủ kinh niên
[embed-health-tool-bmi]