backup og meta

Cây xạ đen

Cây xạ đen

Trong dân gian, lá cây xạ đen được biết đến rộng rãi với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Vì vậy mà nhiều người tìm mua dược liệu này và sử dụng. Vậy nhưng, thực tế thì xạ đen có tác dụng gì, uống nước xạ đen hằng ngày có tốt không, các bài thuốc chữa bệnh từ cây xạ đen gồm những gì? Cùng tìm hiểu nhé!

Tên thường gọi: Cây xạ đen

Tên gọi khác: Dây gối, thanh giang đằng, quả nâu, cây ung thư (dân tộc Mường)

Tên khoa học: Celastrus hindsii Benth et Hook

Họ: Dây gối (Celastraceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây xạ đen

Xạ đen là một loại cây dây leo thân gỗ, mọc thành bụi, chiều dài trung bình khoảng 3-10m. Cành cây non không có lông, màu xám nhạt. Khi trưởng thành, cây dần chuyển sang màu nâu, xanh thẫm và có rất nhiều lông. Lá xạ đen có đầu nhọn, phiến lá hình bầu dục, mọc so le, dài 7-12cm, rộng 3-5cm, mép có răng thấp. Cuống lá khá ngắn, khoảng 5-7mm.

Chùm hoa mọc ở ngọn hay nách lá, dài khoảng 5-10cm, cuống hoa 2-4mm. Hoa có 5 cánh, màu trắng. Quả hình trứng, dài 1cm. Quả màu xanh, khi chín có màu vàng và tách ra thành 3 mảnh. Hạt có áo hạt màu đỏ hồng.

Mùa hoa vào khoảng tháng 3-5 và mùa quả tháng 8-12.

Các cây dễ nhầm lẫn với xạ đen

Có nhiều loại cây họ xạ khác nhau như xạ vàng, xạ đen, xạ trắng, xạ lai… Trong đó, 2 loại thường được người dân dùng làm thuốc là xạ đen và xạ vàng. Để nhận biết cây xạ đen, bạn có thể quan sát các điểm sau:

– Cây tươi:

  • Xạ đen: lá dày và có sắc tím, màu xanh đậm, thân cây sẫm màu.
  • Xạ vàng: lá mỏng, không có sắc tím, màu xanh và không có răng cưa.

– Sau khi phơi khô:

  • Xạ đen khô: lá mùi thơm nhẹ, vụn nát, không bị giòn. Thân cây đen và có mùi thơm.
  • Xạ vàng khô: lá dễ vụn nát, phơi khô thường giòn. Thân cây có màu trắng nhạt, không mùi.

Ngoài ra, cây xạ đen (Celastrus hindsii) còn thường bị nhầm lẫn với cây cùm rụm (Ehretia dentata Courch.) và cây dót – xạ đen Hòa Bình (Ehretia asperula Zoll. & Mor.). Khi được nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy:

  • Thành phần hóa học giữa cây xạ đen (Celastrus hindsii) và xạ đen Hòa Bình (Ehretia asperula) khác nhau rất rõ ràng.
  • Thành phần hóa học trong cây xạ đen Hòa Bình (Ehretia asperula) chưa thể hiện rõ tác dụng ức chế nào đối với các dòng tế bào ung thư ganphổi.

Như vậy, chỉ duy nhất loài xạ đen châu Âu với tên khoa học Celastrus hindsii được nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam với tác dụng ức chế tế bào ung thư.

Cây xạ đen châu Âu được nghiên cứu

Bộ phận dùng của cây xạ đen

Lá và cả cành, thân cây đều có thể sử dụng trong các bài thuốc. Bạn có thể dùng tươi hay khô.

Khi thu hái, lá cây trưởng thành có thể lấy bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đối với thân và cành, người ta thường đợi đến khi cây già mới thu hoạch để có dược tính cao.

Sau khi thu hoạch, các phần của cây xạ đen được rửa sạch rồi để ráo nước. Có thể cắt thành từng đoạn ngắn, phơi hoặc sấy khô. Sơ chế xong cho vào túi nilon để nơi thoáng mát, khô ráo để sử dụng dần.

Thành phần hóa học trong cây xạ đen

Các thành phần được nghiên cứu và tìm thấy trong loài cây này gồm:

  • Các polyphenol: rutin, kaempferol 3-rutinoside, axit rosmarinic, axit lithospermic và axit lithospermic B.
  • Các sesquiterpene và triterpene: estar agarofuran sesquiterpene, 1b, 2b, 6a, 15b-tetracetoxy-8b, 9a-dibenzoyloxy-b-dihydro agarofuran (celahin D), axit glucosyringic, emarginatine E, loranthol, lupenone, friedelinol, celasdin-A, celasdin-C, celasdin-B, cytotoxic.maytenfolone-A…
  • Các nhóm hợp chất khác như flavonoid, quinon, tanin, axit amin…

Tác dụng, công dụng

Tác dụng, công dụng của cây xạ đen là gì? Cây xạ đen chữa bệnh gì?

Các tác dụng dược lý của cây xạ đen được nghiên cứu và ghi nhận gồm:

Tác dụng chống khối u

  • Các hợp chất flavonoid, polyphenol, quinone có tác dụng chống hình thành khối u, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, làm cho tế bào ung thư hóa lỏng dễ tiêu hủy và hạn chế sự di căn ung thư.
  • Tác dụng chống ung thư được chứng minh trong đề tài “Nghiên cứu tác dụng chống ung thư của cây xạ đen” tại Học viện Quân y từ năm 1987-1999.

Tác dụng chống oxy hóa

Các hoạt chất trong cây đều có khả năng chống gốc tự do và làm giảm tác hại của gốc tự do với tế bào.

Chống nhiễm khuẩn: hợp chất saponin triterpenoid 

Theo Đông y, cây xạ đen có vị đắng, hơi chát, tính hàn và có công dụng giải độc, trị viêm gan, các bệnh ung bướu, tiêu viêm, mụn nhọt, vàng da, hoạt huyết, giảm đau, tăng sức đề kháng cho cơ thể, an thần,…

Dược liệu này được dùng trong nhiều bài thuốc với công dụng:

  • Điều trị xơ gan, viêm gan
  • Chữa ung thư
  • Hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ
  • Giúp ổn định huyết áp
  • Giải tỏa căng thẳng
  • Điều trị mất ngủ
  • Chữa mụn nhọt, ngứa, loét da
  • Điều trị các bệnh về cột sống, xương khớp

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây xạ đen là bao nhiêu?

Liều dùng cây xạ đen

Liều lượng cần dùng sẽ thay đổi tùy theo từng bài thuốc hay dạng dược liệu sử dụng, như chỉ dùng lá xạ đen hay thêm thân, cành, dùng tươi hay khô. Theo khuyến cáo, bạn chỉ nên dùng tối đa 70g xạ đen/ ngày.

Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để dùng đúng liều lượng cần thiết.

Một số bài thuốc có cây xạ đen

Xạ đen được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  1. Thông kinh, lợi tiểu, thanh nhiệt:

Xạ đen 15g, kim ngân hoa 12g, phơi khô, sao vàng rồi hãm uống trong ngày như nước chè.

  1. Giảm căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch:

Xạ đen 15g, giảo cổ lam 15g, nấm linh chi 15g. Sắc chung tất cả để lấy nước uống hàng ngày.

  1. Hỗ trợ điều trị bệnh gan:

Xạ đen (lá và thân) 50g, cà gai leo 30g, mật nhân 10g. Tất cả đem nấu với khoảng 2 lít nước, sôi tầm 15 phút thì tắt bếp, lọc lấy nước dùng uống hàng ngày.

  1. Bài thuốc giúp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe:

Xạ đen (lá và thân) 70g đem đun với khoảng 1,5 lít nước. Sau khi sôi thì đun lửa nhỏ khoảng 20 phút. Để nguội, uống thay nước lọc hàng ngày.

  1. Điều trị mụn nhọt, cầm máu vết thương:

Lấy 3-5 lá xạ đen tươi đem giã nát, đắp lên vùng bị thương rồi băng lại. Trước khi đắp thuốc nên vệ sinh sạch sẽ vùng da tổn thương để tránh nhiễm trùng.

  1. Dùng trong điều trị ung thư:

Cây xạ đen 40g, bạch hoa xà 30g, bán chi liên 20g. Tất cả đem sắc với 1,5 lít nước. Đun lửa nhỏ đến khi còn khoảng 600ml. Để nguội rồi chia ra uống trong ngày, nên uống sau khi ăn 15 phút.

Bạn cũng có thể dùng sản phẩm trà tam thất xạ đen hàng ngày để tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế sự hình thành và phát triển tế bào ung bướu.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng cây xạ đen, bạn nên lưu ý những gì?

Bên cạnh việc cây xạ đen có tác dụng gì, bạn cũng nên lưu ý đến tác dụng phụ của dược liệu này.

Dù đây là một dược liệu khá lành tính nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, như:

  • Chóng mặt, hoa mắt do hạ huyết áp khi dùng quá liều.
  • Đầy bụng, đi ngoài (thường xảy ra khi uống thuốc để qua đêm).
  • Ngủ gà, ngủ gật do tác dụng an thần, giúp ngủ ngon của vị thuốc này.

Lưu ý, người mắc bệnh thận không nên sử dụng vị thuốc này vì có thể làm suy giảm chức năng thận.

Tùy từng trường hợp, các vị thuốc trong bài thuốc có thể cần gia giảm cho phù hợp. Do đó, tốt nhất bạn không nên tự ý phối hợp các loại dược liệu. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của xạ đen

Không dùng dược liệu này cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi.

Trong trường hợp muốn sử dụng xạ đen để chữa trị khối u hay bệnh lý khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Tương tác có thể xảy ra với xạ đen

Một số thực phẩm có thể làm giảm tác dụng của dược liệu này nên bạn cần chú ý tránh dùng chung, bao gồm rau muống, đậu xanh, măng chua, cà pháo, đồ uống có cồn…

Khi dùng các bài thuốc có cây xạ đen để điều trị ung thư phổi hay các loại ung thư khác, bạn có thể dùng bên cạnh các loại thuốc Tây y khác. Tuy nhiên, để tránh tương tác và giúp thuốc phát huy hiệu quả tối đa, bạn nên uống cách nhau ít nhất 30 phút, đừng sử dụng cùng một lúc.

Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể không phù hợp khi sử dụng dược liệu này như người có bệnh ở thận. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vị thuốc Xạ đen. https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/vi-thuoc-xa-den. Ngày truy cập 12/9/2021.

Cây xạ đen. https://www.dongyvietnam.org/duoc-lieu/cay-xa-den. Ngày truy cập 12/9/2021.

Trà Tam thất – Xạ đen. http://tapchi.vienbongquocgia.vn/Portal/SP159-tra_tam_that__xa_den.html. Ngày truy cập 12/9/2021.

Anti-oxidative metabolite comparison between two phenotypes of Celastrus hindsii Benth.https://www.asianjab.com/wp-content/uploads/2020/10/AJAB-2020-04-223.pdf. Ngày truy cập 12/9/2021.

Triterpenes from Celastrus hindsii Benth. https://vjst.net/index.php/vjchem/article/view/4771/4499. Ngày truy cập 12/9/2021.

Celastrus hindsii Benth. http://www.efloras.org/florataxon.aspx?flora_id=3&taxon_id=200012784. Ngày truy cập 12/9/2021.

Cytotoxicity and Antioxidant Effects of Celastrus hindsii Benth. Leaf Extract. https://js.vnu.edu.vn/MPS/article/view/4203. Ngày truy cập 12/9/2021.

Optimization of Ultrasound-Assisted Extraction of Flavonoids from Celastrus hindsii Leaves Using Response Surface Methodology and Evaluation of Their Antioxidant and Antitumor Activities. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7155760/. Ngày truy cập 12/9/2021.

Phiên bản hiện tại

14/04/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Giảo cổ lam: Thảo dược trị ung thư và nhiều bệnh khác

Hoa đu đủ đực có tác dụng gì? 7 tác dụng ít người biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo