Nhóm ức chế men DPP-4 còn được gọi là gliptin, bao gồm các hoạt chất như sitagliptin, vildagliptin, saxagliptin… Đây được xem là nhóm thuốc mới trong điều trị đái tháo đường type 2. Cơ chế tác dụng của thuốc làm tăng tiết insulin và giảm hình thành glucagon tại gan (12).
- Ưu điểm: Ít gây tác dụng phụ, dung nạp tốt không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc, có thể dùng cho người bệnh thận mãn tính, người cao tuổi (13).
- Nhược điểm: Không cho hiệu quả cao như nhóm đồng vận thụ thể GLP-1, đắt hơn so với metformin, có thể gây dị ứng, ngứa, nổi mẩn đỏ … (13).
2. Thuốc gây tăng tiết insulin

Về bản chất, các thuốc này kích thích tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn từ đó giúp điều hòa đường huyết. Hiện nay, có hai nhóm thuốc kích thích tiết insulin là: Sulfonyureas (Glimepiride, Glibenclamide, Gliclazide, Glipizide) và Glinides (Repaglinide, Nateglinide) (14).
♦ Sulfonyureas
Nhóm thuốc tiểu đường này có vai trò kích thích tuyến tụy bài tiết insulin. Hormone này sẽ ngăn sự giải phóng glucose từ gan, đồng thời tăng tổng hợp glycogen (dạng dự trữ chính của glucose trong cơ thể) (15).
- Ưu điểm: Giá thành rẻ, hầu hết thuốc trong nhóm đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khi sử dụng có thể giảm nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ và các bệnh tim mạch (15)
- Nhược điểm: Dùng liên tục người bệnh có khả năng bị hạ đường huyết và tăng cân nhẹ (15).
♦ Glinides
Tuy có tác dụng gần giống với nhóm sulfonyureas, nhưng nhóm thuốc tiểu đường này có đặc trưng là hiệu quả nhanh sau khi dùng và cho thời gian tác dụng ngắn hơn. Do vậy, các bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nên dùng thuốc ngay trước bữa ăn (16).
- Ưu điểm: Có thể dùng được cho bệnh nhân suy thận (17).
- Nhược điểm: Đắt tiền và dễ gây hạ đường huyết nếu không dùng kèm bữa ăn (17).
3. Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột
Điển hình trong nhóm thuốc tiểu đường này là thuốc ức chế men alpha – glucosidase (Acarbose) và thuốc ức chế men tiêu mỡ lipase (orlistat).
♦ Thuốc ức chế men alpha – glucosidase
Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc tiểu đường này làm ức chế sự phân giải carbohydrate thành glucose ở ruột non, từ đó khiến glucose không thể đi vào máu, làm giảm thiểu tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn. Điểm đặc biệt của thuốc ức chế men alpha-glucosidase là không liên quan đến insulin (18).
- Ưu điểm: Không có nguy cơ gây hạ đường huyết khi dùng (18).
- Nhược điểm: Đầy hơi, chướng bụng, táo bón do quá trình tiêu hóa chậm lại, hơn nữa giá thành cao (18).
♦ Thuốc ức chế men tiêu mỡ lipase
Lipase là enzyme đảm nhiệm việc phá vỡ cấu trúc và giúp chất béo hấp thụ qua ruột dễ dàng. Chất béo chưa được tiêu hóa sẽ đào thải ra khỏi cơ thể. Nhóm thuốc này thường dùng để hỗ trợ giảm cân trong điều trị đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Nhược điểm của nhóm này là làm hạn chế hấp thụ các vitamin tan trong dầu hoặc gây tình trạng tiêu chảy (19).
4. Insulin
Một số trường hợp người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần điều trị bằng insulin như chế độ ăn uống, luyện tập và dùng các loại thuốc tiểu đường dạng uống không đạt được mức đường huyết mục tiêu (20).
Có nhiều loại insulin khác nhau nhưng nhìn chung, dạng dùng đường tiêm thường có ưu, nhược điểm như sau (21):
- Ưu điểm: Cho tác dụng nhanh
- Nhược điểm: Có thể gây hạ đường huyết quá mức nếu sử dụng nhiều loại insulin để điều trị. Giá thành cao, cần biết kỹ thuật tiêm nếu muốn tự thực hiện.
Hướng dẫn cách dùng thuốc tiểu đường an toàn

Về nguyên tắc, thuốc điều trị đái tháo đường có tác dụng ổn định mức glucose huyết cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu tự ý gia tăng liều dùng kèm theo sử dụng thuốc trong một thời gian dài sẽ dễ dẫn đến những nguy hại khôn lường (3).
Tốt hơn hết, bạn nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc vào một khung giờ cố định để tránh quên, đồng thời kết hợp với điều chỉnh lối sống, thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh. Nếu có điều kiện, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm sữa hoặc các loại thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh (4).
Sau một thời gian dùng thuốc, nếu chỉ số đường huyết không thuyên giảm thì nên tái khám ngay. Tránh tuyệt đối việc vội vã tăng liều để mau chóng có kết quả bạn nhé! Ngoài ra, khi phát hiện bản thân gặp phải một số triệu chứng lạ, bạn cũng nên liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để có hướng giải quyết phù hợp (4).
Làm thế nào để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất?
Ngoài việc dùng thuốc, muốn kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần phải chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng, đồng thời kết hợp với việc tập luyện có kế hoạch (22).
Cụ thể, một chế độ ăn cân bằng, hợp lý có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị bệnh. Bởi lẽ, bất kỳ loại thực phẩm nào bạn tiêu thụ cũng đều có khả năng thay đổi chỉ số glucose máu. Để hạn chế tác động này, bạn nên chú ý hơn đến việc tính toán lượng carbohydrate hấp thụ, đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn để tránh nguy cơ hạ đường huyết đột ngột (22).
Với các bữa phụ, bạn có thể chọn sử dụng sữa dành cho người tiểu đường. Nhờ vào tiến bộ khoa học, một số ít loại trên thị trường ngày nay không những cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu mà còn giúp người bệnh kiểm soát được nồng độ insulin bài tiết. Thậm chí, có loại còn bổ sung thêm thành phần myo inositol, đây là một trong 9 dạng đồng phân của inositol có vai trò làm tăng độ nhạy cảm với insulin. Điều này rất cần thiết cho người bệnh đái tháo đường type 2 (23).
Một cách khác để cơ thể sử dụng insulin hiệu quả là tích cực vận động, kiểm soát cân nặng và giữ cho bản thân khỏi căng thẳng, áp lực. Với việc luyện tập, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn ra bài tập an toàn và phù hợp với bệnh trạng của mình. Việc áp dụng tốt những biện pháp trên đôi khi có thể giúp người bệnh giảm được tần suất phải dùng thuốc và giữ mức đường huyết ổn định lâu dài (22).
Trên đây là những thông tin cơ bản về các nhóm thuốc tiểu đường cùng ưu, nhược điểm của từng loại. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thể trang bị thêm cho mình kiến thức hữu ích về việc dùng thuốc để đảm bảo sức khỏe tốt (20).
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!