backup og meta

Châm cứu có tác dụng gì? Có nên châm cứu tại nhà?

Châm cứu có tác dụng gì? Có nên châm cứu tại nhà?

Châm cứu được biết đến là liệu pháp điều trị bệnh không dùng thuốc nổi tiếng nhất trong y học cổ truyền phương Đông, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với các tình trạng đau mạn tính…

Nghiên cứu đã cho thấy châm cứu có hiệu quả đối với nhiều tình trạng khác nhau. Tuy nhiên, liệu pháp điều trị này không phù hợp với tất cả mọi người. Vì vậy, trước khi tiến hành châm cứu, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn cụ thể.

Châm cứu là gì?

Châm cứu là phương pháp chữa bệnh đã có từ rất lâu đời của y học cổ truyền Trung Quốc. Khi nhắc đến châm cứu người ta sẽ nghĩ ngay đến việc sử dụng các bác sĩ y học cổ truyền dùng kim châm vào huyệt đạo. Thực ra không phải như vậy, châm cứu thực chất là 2 thủ thuật là châm và cứu ngải. Do trong quá trình thực hành 2 thủ thuật này thường đi kèm với nhau và quá trình ghi chép, truyền miệng làm cho danh từ châm cứu xuất hiện.

Trong thực hành, bác sĩ hoặc chuyên gia châm cứu sẽ dùng những chiếc kim bằng kim loại mỏng, rắn, xuyên qua da tại những vị trí đặc biệt trên khắp cơ thể gọi là huyệt đạo. Mục tiêu của châm cứu nhằm làm giảm các triệu chứng bệnh tật, chẳng hạn như đau nhức, khó chịu. 

Trong y văn cổ định nghĩa huyệt là nơi thần khí hoạt động ra vào, chúng được phân bố khắp phần ngoài cơ thể và có mối liên hệ mật thiết với các tạng phủ phía trong. Năm 1991, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển Báo cáo Danh pháp Châm cứu Tiêu chuẩn Quốc tế được đề xuất, trong đó xác định trên cơ thể người có 361 huyệt. Nhưng theo lý giải của y học cổ truyền Trung Quốc, cơ thể người có hơn 2.000 huyệt đạo được kết nối với nhau bằng các con đường đặc biệt, hay còn gọi là kinh mạch. Những con đường này tạo ra một dòng năng lượng xuyên suốt cơ thể gọi là khí huyết. Sự gián đoạn của dòng năng lượng này có thể gây ra bệnh tật. Châm cứu vào một số điểm nhất định sẽ giúp cải thiện dòng chảy của khí, nhờ đó có tác dụng phục hồi và cải thiện sức khỏe. 

Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của châm cứu đối với một số vấn đề sức khỏe nhất định. Tuy nhiên, châm cứu không dành cho tất cả mọi người. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ châm cứu trước khi quyết định áp dụng liệu pháp chữa bệnh này.

Hiện nay, có nhiều phương pháp châm được ứng dụng trên lâm sàng có thể kể đến như điện châm, hào châm, nhĩ châm, hoa mai châm, mãng châm…Tuy nhiên ở bài viết này, chúng tôi đề cập đến phương pháp điện châm – là phương pháp được ứng dụng nhiều nhất trong thực hành điều trị.

có nên châm cứu tại nhà không

Quy trình châm cứu diễn ra như thế nào?

Một buổi châm cứu thường kéo dài từ 20 phút cho tới 1 giờ, bao gồm cả khám trước khi tiến hành.

Một quy trình châm cứu diễn ra gồm nhiều bước bao gồm: 

  • Xác định và sát trùng da vùng huyệt
  •  Chọn kim có độ dày phù hợp với độ dày của cơ vùng châm
  • Châm kim vào huyệt. Đến bước này thì tùy theo bác sĩ đang dùng phương pháp hào châm hay điện châm, nếu là điện điện châm thì sẽ có gắn thêm dây điện cực từ máy điện châm nhằm tác dụng gia tăng sự kích thích.  
  • Rút kim và sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm.

Số huyệt đạo, vị trí huyệt đạo sẽ dựa vào tình trạng cụ thể mà bạn đang gặp phải. Kim có thể chỉ đâm nông vào dưới da hoặc sâu hơn tới cơ và giữ nguyên ở vị trí này từ vài phút đến nửa giờ rồi mới rút ra. Trong thời gian này, bác sĩ có thể xoay kim nhẹ nhàng, hoặc gia nhiệt, hoặc đưa xung điện nhẹ vào kim.

Sau mỗi buổi như vậy, có người sẽ thấy thư thái và tràn đầy năng lực, cũng có người thấy buồn ngủ. Điều này phụ thuộc vào phản ứng của từng người. 

Châm cứu có tốt không? Châm cứu có tác dụng gì?

Châm cứu là một phương pháp điều trị hiệu quả có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với các liệu pháp thông thường để giảm đau trong các trường hợp như:

  • Viêm khớp
  • Đau lưng, đau cổ vai gáy hoặc đau cơ
  • Đau đầu và đau nửa đầu
  • Đau khớp gối
  • Đau bụng kinh
  • Các chấn thương trong thể thao như chấn thương khuỷu tay, chấn thương đầu gối…
  • Đau sau phẫu thuật
  • Đau mặt và các tình trạng đau kéo dài do thần kinh khác như đau thần kinh tọa,…

Tác dụng của châm cứu không chỉ dừng lại ở đó. Phương pháp điều trị này còn có thể mang lại lợi ích cho một số tình trạng sức khỏe bao gồm:

  • Hỗ trợ điều trị giảm đau trong ung thư và tác dụng phụ do hóa trị điều trị ung thư 
  • Các vấn đề về rối loạn hệ miễn dịch
  • Hỗ trợ điều trị vô sinh
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Hội chứng dạ dày tá tràng
  • Giảm các triệu chứng khó chịu thời kỳ mãn kinh, bao gồm tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi, hay cáu gắt. 
  • Ốm nghén khi mang thai
  • Di chứng liệt nửa người do đột quỵ não.
  • Bệnh Parkinson
  • Các rối loạn tâm thần như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng thần kinh, mất ngủ…

dùng kim châm cứu có tác dụng gì

Có nên châm cứu tại nhà hay không? 

Khi một bác sĩ có trình độ chuyên môn thực hiện châm cứu, phương pháp điều trị này thường rất hiếm khi xảy ra biến chứng hoặc tác dụng phụ.

Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định các loại kim châm cứu phải được làm bằng thép không gỉ, chắc chắn, vô trùng, không bị nhiễm chất độc hại và phải được dán nhãn thích hợp. Vì vậy, châm cứu chỉ nên được thực hiện bởi những người có chuyên môn. Mỗi kim châm chỉ sử dụng một lần để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Châm cứu bởi những người không đủ trình độ chuyên môn không chẩn đoán và phân loại được đối tượng bệnh lý có chỉ định và chống chỉ định đối với phương pháp châm cứu có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như:

  • Dị ứng: Một số trường hợp có thể gặp tình trạng dị ứng thảo dược dùng trong châm cứu hoặc dị ứng với chính kim châm
  • Nhiễm trùng: Kim châm không được khử trùng cẩn thận sẽ gây ra nhiễm trùng tại chỗ kèm theo các nguy cơ lây nhiễm viêm gan, HIV hoặc bất kỳ bệnh lây qua đường máu nào từ người đã dùng kim trước đó
  • Tổn thương da: Kỹ thuật đâm kim kém hay vô tình đâm vào mạch máu có thể gây chảy máu, bầm tím và đau
  • Tác dụng ngược: Bao gồm tăng cảm giác đau, trầm cảm, co giật hoặc mất ngủ. Bởi vì việc châm cứu có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong hệ thống thần kinh.

Đó là lý do tại sao người bệnh cần tìm đến một bác sĩ châm cứu có trình độ chuyên môn, tay nghề tốt và được cấp phép để được điều trị an toàn, hiệu quả, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. Ngoài ra bạn cũng cần để ý rằng khi châm cứu tại nhà, do môi trường xung quanh sẽ không thể sạch được như môi trường phòng bệnh trong bệnh viện, nên bác sĩ châm cứu sẽ cần phải cẩn thận hơn trong các thao tác trong quy trình kỹ thuật châm cứu. 

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về châm cứu

Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc về châm cứu:

Những ai không nên châm cứu?

Dù châm cứu mang lại rất nhiều lợi ích trong chữa trị bệnh, nhưng không phải ai cũng có thể châm cứu. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh lý đang mắc phải,  các thuốc (bao gồm thực phẩm chức năng, thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn) mà bản thân đang sử dụng. 

Bên cạnh đó, bạn có thể không nên dùng phương pháp này nếu:

  1. Đang sử dụng máy tạo nhịp tim
  2. Bị bệnh máu khó đông
  3. Có vấn đề về da đang bội nhiễm
  4. Đang mang thai: phụ nữ mang thai không phải là đối tượng chống chỉ định tuyệt đối với châm cứu. Trường hợp này bác sĩ sẽ cần tránh các huyệt có tác dụng tăng co bóp tử cung hoặc huyệt có khả năng kích thích mạnh.
  5. Cấy ghép vú hoặc cơ quan khác.
  6. Người đang quá no, quá đói hoặc suy kiệt
  7. Người có vấn đề về tâm lý, không ổn định về tâm thần.

Lúc này, hãy trao đổi với bác sĩ trước để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Có nên châm cứu liên tục không?

Thời gian điều trị sẽ tùy theo tình trạng bệnh cũng như mức độ tiến triển trong điều trị, bác sĩ có thể kéo dài hoặc rút ngắn liệu trình châm cứu. Thông thường với bệnh lý mới mắc phải người bệnh sẽ được chỉ định châm cứu hàng ngày, đến khi bệnh lý hồi phục ổn định thì châm cứu sẽ được thực hiện với tần suất thấp hơn chẳng hạn như vài buổi một tuần và ngưng hẳn. 

Hiệu quả của châm cứu có thể nhận thấy ngay sau lần thực hiện đầu tiên đối với bệnh lý cấp tính như chứng đau cơ cấp và thường chưa mang lại hiệu quả ngay sau một hoặc hai buổi trị liệu đối với bệnh lý mãn tính. Do đó, bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ có chuyên môn về chuyên ngành châm cứu để tư vấn về tình trạng bệnh và đưa ra liệu trình phù hợp. Trong quá trình điều trị thì bác sĩ sẽ theo dõi kết quả và vẫn có thể điều chỉnh liệu trình điều trị cho bạn.

Châm cứu có đau không?

Châm cứu được thực hiện bằng cách sử dụng những cây kim mỏng để xuyên qua da vào các huyệt đạo trên cơ thể. Loại kim này mỏng hơn nhiều so với kim y tế, do đó châm cứu không gây cảm giác đau nhiều như khi tiêm vắc xin hoặc lấy máu. Cảm giác đau của người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tay nghề bác sĩ, tâm lý người bệnh, một số huyệt ở vị trí là các đầu mút dây thần kinh nên có nhạy cảm hơn so với các huyệt khác…

Hầu hết người bệnh chỉ có cảm giác ngứa hoặc nhói nhẹ tại vị trí châm khi kim đâm vào da. Sau đó, khi kim đã đi vào dưới da thì cảm giác nhói này không còn nữa. Trong châm cứu có một thuật ngữ là “ Đắc khí” để nói đến khi kim đã châm qua da, vào huyệt người bệnh sẽ có cảm giác căng, nặng, tức vùng kim châm mà hoàn toàn không phải là cảm giác đau. Bên cạnh đó da vùng huyệt sẽ ửng đỏ hơn, cảm giác tay của bác sĩ trên cây kim sẽ mút chặt hơn mình thường. Hiện tượng “ Đắc khí” xảy ra khi kim châm vào đúng vị trí huyệt trên đường kinh đang bị bệnh. 

Châm cứu vào thời gian nào trong ngày tốt nhất?

Trong y học cổ truyền, thời gian để thực hành châm cứu từ lâu đã được nghiên cứu và ứng dụng. Theo ghi chép của các vị danh y cổ, việc châm cứu theo giờ hay còn gọi là “ Thời châm”  mang lại hiệu quả tối đa của châm cứu trong điều trị bệnh. Tuy nhiên ở xã hội hiện đại rất khó để có thể áp dụng “ Thời châm” vào quá trình điều trị. 

Nhìn chung, thời gian châm cứu tốt nhất vào buổi sáng, từ 7 giờ đến 11 giờ sáng đó là lúc dương khí của trời đất vượng nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để sắp xếp lịch trình điều trị phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.

kim châm cứu 

Giá châm cứu tại Bệnh viện Y học Cổ truyền

Bệnh viện Y học Cổ truyền là một trong những bệnh viện đầu ngành về lĩnh vực châm cứu tại nước ta. Trước khi tiến hành châm cứu, người bệnh sẽ bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn cụ thể về phác đồ điều trị.

Thông thường, chi phí cho một lần châm cứu tại Bệnh viện Y học Cổ truyền thường nằm trong khoảng từ 55.000 đến 85.000 đồng. Bảo hiểm y tế có thanh toán kỹ thuật châm cứu điều trị bệnh cho người bệnh. Ngoài ra, nếu lựa chọn các phương pháp châm cứu kỹ thuật cao, hoặc không có bảo hiểm, người bệnh có thể phải trả mức giá cao hơn, lên tới vài trăm nghìn đồng cho một lần điều trị. Tùy vào từng tình trạng sức khỏe cũng như điều kiện của mỗi bệnh nhân mà có thể lựa chọn phương pháp châm cứu phù hợp.

Liệt dây thần kinh số 7 châm cứu bao lâu?

Liệt dây thần kinh số 7 do lạnh hay còn gọi là liệt Bell, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh điều khiển các cơ trên mặt, gây méo miệng, mắt nhắm không kín, có thể có hoặc không triệu chứng tê bì một bên mặt. Tình trạng này có thể cải thiện nhanh hơn, giảm nguy cơ biến chứng nhờ áp dụng liệu pháp châm cứu. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu khoa học hơn để chứng minh điều này.

Theo các chuyên gia y học cổ truyền, châm cứu mang lại hiệu quả rất tốt trong việc phục hồi chức năng vận động cho cơ mặt. Tùy từng tình trạng của mỗi người bệnh mà liệt dây thần kinh số 7 cần châm cứu bao lâu,thường là 3-4 tuần sau khi mắc bệnh. Bạn có thể hồi phục nhanh hoặc chậm hơn. Tuy nhiên, cần kiên trì tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Trên đây là những thông tin mà bạn đọc cần biết trước khi thực hiện châm cứu. Nếu có bất kỳ băn khoăn, lo lắng nào, bạn hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể. Trong quá trình châm cứu, cần kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Acupuncture https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/4767-acupuncture Ngày truy cập: 25/06/2023

Acupuncture https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/acupuncture Ngày truy cập: 25/06/2023

Acupuncture https://www.nhs.uk/conditions/acupuncture/ Ngày truy cập: 25/06/2023

Acupuncture https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/acupuncture Ngày truy cập: 25/06/2023

Acupuncture https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/acupuncture/about/pac-20392763 Ngày truy cập: 25/06/2023

Phiên bản hiện tại

14/08/2023

Tác giả: Minh Tâm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Câu trả lời cho việc thụ thai nhờ châm cứu

Châm cứu và ung thư gan liên quan với nhau ra sao?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Tâm · Ngày cập nhật: 14/08/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo