Bạn có thể quan tâm: 6 nguyên nhân đau thần kinh tọa là gì
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị đau thần kinh tọa là gì? Chúng bao gồm:
- Độ tuổi. Những thay đổi trong cột sống theo thời gian, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm và gai cột sống thường gặp ở người cao tuổi. Đó đều là các nguyên nhân chính gây ra đau dây thần kinh tọa.
- Béo phì. Những người có cân nặng vượt quá mức bình thường sẽ làm tăng áp lực đè lên cột sống. Điều đó có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa.
- Nghề nghiệp. Một số công việc khiến bạn phải xoay lưng nhiều, mang vác nặng trên vai hay lái xe đường dài cũng có thể là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng cho mối liên hệ này.
- Ngồi trong thời gian dài. Những người ngồi nhiều, ít vận động sẽ có nhiều khả năng bị đau thần kinh tọa hơn so với những người năng động.
- Bệnh đái tháo đường. Căn bệnh này liên quan đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ gây tổn thương thần kinh ngoại biên.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế để chẩn đoán đau thần kinh tọa là gì?
Để chẩn đoán đau dây thần kinh tọa, bác sĩ sẽ đánh giá sức cơ và các phản xạ. Họ thường yêu cầu bạn thực hiện các động tác như đi bằng gót chân, đi bằng mũi chân, đứng dậy từ từ khi đang ngồi xổm hay nhấc hai chân lên cùng lúc khi đang nằm ngửa. Cơn đau liên quan đến dây thần kinh tọa thường sẽ trở nên trầm trọng hơn khi bạn thực hiện các động tác này.

Xét nghiệm hình ảnh dùng trong chẩn đoán đau thần kinh tọa là gì?
Tình trạng thoát vị đĩa đệm hay gai cột sống thường được phát hiện qua các xét nghiệm hình ảnh nhưng ít biểu hiện triệu chứng ở người bệnh. Do đó, bác sĩ thường không yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm này trừ khi cơn đau ngày càng nghiêm trọng hoặc không cải thiện trong vài tuần.
- Chụp X-quang. Phương pháp này có thể cho thấy sự phát triển của các gai xương ở cột sống đang gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa của bạn.
- Chụp MRI. Kỹ thuật sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết của xương và các mô mềm, từ đó giúp bác sĩ xác định được tình trạng thoát vị đĩa đệm đang xảy ra ở đâu.
- Chụp CT. Bạn có thể được tiêm thuốc cản quang vào ống sống trước khi chụp để cho ra hình ảnh rõ ràng hơn.
- Điện cơ ký (EMG). Thử nghiệm này giúp bác sĩ xác định xem dây thần kinh của bạn có đang bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm hay hẹp ống sống không.
Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa là gì?
Thông thường, triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm sau khi bạn áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu cơn đau không cải thiện dù đã thực hiện các biện pháp này, bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa khác.
Biện pháp tự chăm sóc tại nhà cho đau thần kinh tọa là gì?
Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng đau thần kinh tọa sẽ giảm bớt sau khi thực hiện các biện pháp tại nhà. Bạn có thể:
- Chườm mát. Chườm một túi lạnh lên vùng bị đau sẽ giúp xoa dịu triệu chứng trong thời gian đầu. Bạn nên chườm trong tối đa 20 phút mỗi lần và thực hiện vài lần/ngày.
- Chườm nóng. Sau 2–3 ngày, bạn nên chườm ấm lên vùng bị ảnh hưởng. Nếu cơn đau vẫn tiếp tục kéo dài, hãy thử chườm xen kẽ giữa nóng và lạnh.
- Thực hiện bài tập đau thần kinh tọa. Các bài tập giúp giãn cơ thắt lưng có thể giúp bạn cảm thấy đỡ hơn và giảm bớt sự chèn ép ở dây thần kinh tọa. Tránh cử động đột ngột hay xoắn vặn người khi thực hiện các bài tập đau thần kinh tọa này, cố gắng kéo giãn người và giữ nguyên tư thế trong ít nhất 30 giây.
Thuốc điều trị đau thần kinh tọa là gì?
Một số thuốc thường được chỉ định trong điều trị đau thần kinh tọa là:
- Thuốc kháng viêm
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau gây nghiện, nhóm narcotic
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc chống động kinh
Vật lý trị liệu đau thần kinh tọa
Khi cơn đau cấp tính đã được cải thiện, bác sĩ thường khuyến khích bạn tham gia chương trình vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, ngăn ngừa tổn thương tái phát trong tương lai. Các bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa sẽ giúp bạn điều chỉnh tư thế cột sống, tăng cường sức mạnh các cơ bắp hỗ trợ lưng và cải thiện tính linh hoạt các cơ.

Thuốc tiêm trị đau thần kinh tọa là gì?
Một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm thuốc corticosteroid vào vị trí xung quanh nơi dây thần kinh tọa bị tổn thương. Phương pháp này giúp giảm đau bằng cách ức chế phản ứng viêm quanh dây thần kinh. Hiệu quả của thuốc sẽ hết trong vòng một vài tháng.
Tuy nhiên, bạn không được sử dụng corticosteroid đường tiêm quá nhiều vì có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Phẫu thuật
Đây là lựa chọn cho trường hợp dây thần kinh tọa bị chèn ép nhiều khiến các cơ yếu đi đáng kể, mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang hoặc cơn đau ngày càng nghiêm trọng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ sẽ loại bỏ nguyên nhân gây chèn ép thần kinh như bỏ gai xương hoặc một phần đĩa đệm bị thoát vị.
Các liệu pháp thay thế để điều trị triệu chứng đau thần kinh tọa là gì?
Một số liệu pháp thay thế có khả năng cải thiện triệu chứng đau thắt lưng gồm:
Phòng ngừa
Những cách để phòng ngừa đau thần kinh tọa là gì?
- Tình trạng này có thể tái phát nhiều lần và không phải lúc nào bạn cũng ngăn ngừa được chúng. Thế nhưng, một số biện pháp có thể giúp bảo vệ lưng và hạn chế cơn đau xảy ra là:
- Tập luyện thể dục đều đặn và lựa chọn các hoạt động phù hợp với bạn để tránh gây tổn thương dây thần kinh.
- Duy trì tư thế đúng khi đứng, ngồi hay nâng vật nặng.
- Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý
- Bỏ hút thuốc
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp đau thần kinh tọa là gì và những thông xin xoay quanh tình trạng này. Hãy thăm khám và điều trị sớm, tránh bệnh tiến triển sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống của bạn nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!