Bọ xít hút máu người là loài côn trùng sống phổ biến ở miền Nam và miền Tây Hoa Kỳ, Mexico cũng như một số vùng ở Trung và Nam Mỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở một số nước châu Á , trong đó có Việt Nam, sự xuất hiện của loài bọ xít này đã gia tăng.
Vết cắn của bọ xít hút máu người có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nghiêm trọng. Thậm chí, đôi khi, người bị bọ xít hút máu cắn có thể bị đột tử. Cùng Hello Bacsi khám phá thêm về loài bọ này qua bài viết dưới đây để có biện pháp phòng ngừa cho cả gia đình nhé!
Bọ xít hút máu người là gì?
Bọ xít hút máu người có tên khoa học Triatoma rubrofasciata, là loài bọ thuộc họ Reduviidae, dài khoảng 25mm. Loài côn trùng này có màu nâu hoặc đen, đôi khi có một vòng sọc đỏ, cam hoặc vàng ở mép.
Bọ xít hút máu từ động vật có vú (như chó, mèo, kể cả người), bò sát và chim để sinh trưởng và phát triển. Chúng ẩn náu vào ban ngày và thường hoạt động vào ban đêm. Loài bọ này thường ẩn mình trong các kẽ hở của tường vách, các hốc tối chứa đồ trong nhà. Những vật liệu bằng gỗ, lá ở những nơi ít người qua lại là môi trường sống ưa thích của loài côn trùng này.
Vì bọ xít hút máu người có xu hướng cắn trên mặt người, nên còn được gọi với tên tiếng Anh là kissing bugs. Nếu bạn sống ở khu vực có bọ xít và thức dậy vào buổi sáng rồi chợt nhận ra vùng mặt có vết côn trùng cắn, rất có thể thủ phạm là loài bọ xít hút máu người này đấy!
Bọ xít hút máu người gây ra những vấn đề gì?
Bọ xít khi hút máu người thường không gây đau. Điều này là do trong quá trình cắn, chúng đã tiêm chất gây tê qua nước bọt vào vết cắn, tương tự như chất gây mê của rệp. Do đó, bạn hoàn toàn không biết rằng bản thân đang bị bọ xít hút máu cắn, nhất là khi đang ngủ.
Mặc dù chúng thích cắn quanh miệng và mắt, nhưng bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều có thể trở thành “mục tiêu tấn công” của loài côn trùng này, bao gồm đầu, cánh tay, bàn chân…
Khi bị bọ xít hút máu người cắn, bạn có thể nhận thấy từ 2-15 vết cắn ở cùng một khu vực. Vị trí bị cắn có thể sưng và tấy đỏ nhưng rất khó để phân biệt vết bọ xít hút máu cắn với vết cắn của những vết côn trùng khác. Bạn cũng có thể bị kích ứng da nhẹ hoặc nặng hơn là nhiễm trùng.
Mặc dù hầu hết các vết bọ xít hút máu cắn đều vô hại, nhưng đôi khi chúng có thể gây ra 2 vấn đề sau:
1. Phản ứng dị ứng
Nếu bạn thắc mắc “Bị bọ xít cắn có sao không?”, thì câu trả lời là bạn có thể bị dị ứng. Theo các chuyên gia, một số người có thể bị dị ứng với nước bọt của bọ xít hút máu, nhất là những người có làn da nhạy cảm. Vùng da gần vết cắn có thể đỏ, sưng và ngứa.
Mặc dù vết cắn của bọ hút máu người thường không gây ra phản ứng toàn thân, tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, người bị cắn có thể bị sốc phản vệ, dẫn đến khó thở và hạ huyết áp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
2. Bệnh Chagas
Phân của bọ xít hút máu người có thể chứa ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC, Hoa Kỳ), nguy cơ mắc bệnh Chagas do bọ xít hút máu là rất thấp, kể cả khi bạn bị bọ xít cắn. Điều này là do 2 nguyên nhân:
- Không phải con bọ xít hút máu nào cũng mang mầm bệnh.
- Bọ xít không truyền trực tiếp mầm bệnh vào cơ thể người và động vật qua vết cắn trong quá trình hút máu. Nhưng khi cắn, chúng sẽ thải ra phân và nước tiểu. Nếu những chất thải này có chứa ký sinh trùng, mầm bệnh sẽ xâm nhập vào vết đốt, vết xước, vết thương hở trên da, hoặc qua mắt, miệng… khi bạn gãi do ngứa hoặc vô tình dùng tay quẹt phân của bọ xít vào những vị trí này.
Tuy nhiên, nếu sau khi bị bọ xít hút máu cắn và bạn có các triệu chứng của bệnh Chagas như dưới đây, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ thể
- Đau đầu
- Phát ban tại vị trí ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể
- Sưng quanh mí mắt.
Khi được điều trị, các triệu chứng này thường mờ dần, nhưng các vấn đề về tim, đường ruột và các biến chứng nghiêm trọng khác đôi khi có thể phát triển. Bệnh Chagas có nguy cơ gây tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
May mắn thay, nghiên cứu cho thấy, hiện nay, loài bọ xít hút máu người Triatoma rubrofasciata đến từ châu Á không chứa ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas. Tuy nhiên, chúng mang các ký sinh trùng khác như Trypanosoma lewisi và Trypanosoma conorhini.
Người bị bọ xít hút máu cắn hiếm khi tiến triển bệnh tim hoặc đột tử. Tuy nhiên, nếu bạn sinh sống hoặc làm việc ở nơi có nhiều bọ xít hút máu người, hãy tìm cách phòng ngừa để tránh gặp phải những vấn đề không mong muốn.
Khi bị bọ xít hút máu cắn phải làm sao?
Nếu chẳng may bị bọ xít hút máu người cắn, bạn chỉ cần rửa vùng bị cắn bằng xà phòng sát khuẩn và nước. Nếu vết cắn gây ngứa hoặc khó chịu, bạn có thể chườm đá.
“Khi bị bọ xít bắn vào da bôi thuốc gì?” cũng là một thắc mắc thường gặp. Nếu chườm đá không giúp bạn giảm ngứa và khó chịu, hãy thử bôi thuốc kháng histamin hoặc kem thoa steroid. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể dùng thuốc kháng histamin không kê đơn.
Ngoài ra, nếu bị bọ xít hút máu người cắn và có các triệu chứng sau, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín:
- Bạn cảm thấy như bị cúm kèm theo sốt, buồn nôn hoặc mệt mỏi.
- Mí mắt của bạn bị sưng.
- Vết cắn có vẻ bị nhiễm trùng (đỏ, đau và sưng).
Nếu bạn đột nhiên khó thở, cảm thấy chóng mặt hoặc nôn mửa, bạn có thể bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí là sốc phản vệ. Trường hợp này cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Phòng ngừa bọ xít hút máu người
Việc phòng ngừa bọ xít hút máu người nói riêng và côn trùng cắn nói chung là điều cần thiết để tránh gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể áp dụng:
- Bịt kín các vết nứt, lỗ hổng và khoảng trống trên tường, trên giường gỗ, tủ gỗ hay bất kỳ vị trí nào khác trong nhà để ngăn bọ xít ẩn nấp tại những vị trí này.
- Đảm bảo không có khoảng trống bên dưới/ trên cánh cửa. Nếu bạn có thể nhìn thấy ánh sáng từ bên ngoài qua khe cửa, hãy mua thanh chặn khe cửa để ngăn bọ xít và các loài côn trùng khác xâm nhập.
- Thường xuyên dọn sạch nhà kho, sân vườn để bọ xít và các loài côn trùng khác không có nơi lẩn trốn.
- Vệ sinh nhà cửa mỗi ngày. Vệ sinh giường nệm, giặt giũ chăn, drap, gối… định kỳ mỗi tuần.
- Lắp lưới hoặc rèm chống côn trùng nếu khu vực sinh sống của bạn thường xuyên xuất hiện bọ xít hút máu.
- Nếu có thể, hãy tắt đèn ngoài trời ở gần nhà bạn vào ban đêm để không thu hút côn trùng.
- Nếu bạn nuôi chó mèo, hãy tắm rửa sạch sẽ cho thú cưng và thường xuyên vệ sinh khu vực ăn, ngủ của chúng.
- Khi ngủ, nên sử dụng mùng đã được xử lý qua thuốc diệt côn trùng.
- Nếu phải đi đến nơi có nhiều bọ xít hút máu, bạn nên mặc quần áo bảo hộ, bôi thuốc chống côn trùng lên vùng da hở.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về loài bọ xít hút máu người. Điều quan trọng là phải phòng ngừa sự xâm nhập của bọ xít tại môi trường sống và làm việc để tránh bị bọ xít cắn.
[embed-health-tool-bmr]