backup og meta

Tranexamic acid là gì? Cách sử dụng điều trị nám da, thâm mụn

Tranexamic acid là gì? Cách sử dụng điều trị nám da, thâm mụn

Tranexamic acid được sử dụng để điều trị nám, bao gồm cả nám da do mang thai (tăng sắc tố da do nội tiết) và PIH (tăng sắc tố da sau viêm). Thành phần này có thể an toàn sử dụng cho mọi loại da và màu da.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về Tranexamic acid – thành phần trị nám da được nhiều chị em quan tâm hiện nay!

Tranexamic acid là gì?

Tranexamic acid là một hoạt chất chăm sóc da có khả năng làm giảm tình trạng tăng sắc tố da và làm sáng các vết thâm. Không giống như các loại acid chăm sóc da khác như salicylic acid hoặc glycolic acid, tranexamic acid không phải là chất tẩy da chết. Theo tiến sĩ Debra Jaliman, một bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận tại New York, tranexamic acid là một dẫn xuất tổng hợp của axit amin lysine có công dụng làm sáng da và cải thiện sự xuất hiện của đổi màu da, nhờ tác dụng làm chậm quá trình tổng hợp melanin.

Về cơ bản, tranexamic acid hoạt động bằng cách ngăn chặn sự di chuyển từ tế bào hắc tố lên tế bào sừng trên bề mặt da, từ đó giúp làm sáng các vùng da bị sạm màu và nám da..

Cơ chế hoạt động của tranexamic acid

Các tế bào bề mặt của da phát triển lượng plasmin dư thừa để đáp ứng với việc tiếp xúc với bức xạ. Plasmin dư thừa kích hoạt các chất khác trên bề mặt da, từ đó kích thích sản xuất melanin dư thừa ở các lớp sâu hơn của da, biểu hiện thành các đốm nám hay sự thay đổi màu da.

Tranexamic acid có khả năng tương tác đặc biệt với một loại enzyme trong da được gọi là plasmin và tiền chất của nó, plasminogen. Tranexamic acid cung cấp khả năng chống viêm mạnh, từ đó ức chế sự tổng hợp tyrosinase (quá trình sản xuất sắc tố) trong tế bào hắc tố. Đồng thời, thành phần này còn ngăn chặn sự chuyển giao sắc tố từ melanocytes (tế bào sản xuất sắc tố) sang keratinocytes (tế bào tổng hợp keratin được tìm thấy ở lớp ngoài cùng của da – biểu bì). 

cơ chế hoạt động của tranexamic acid

Việc sử dụng Tranexamic acid cho da lúc này sẽ cho phép các lớp bề mặt của da khôi phục màu da tự nhiên và giúp da đều màu hơn. Tranexamic acid cũng đem lại khả năng làm dịu da và khôi phục hàng rào bảo vệ.

Tranexamic acid có tác dụng gì? 

Các yếu tố hằng ngày như tiếp xúc với tia cực tím, sử dụng thuốc kê đơn và một số phương pháp điều trị nám da chuyên nghiệp có thể kích hoạt sản sinh hắc tố melanin ở các lớp biểu bì thấp nhất của da. 

Thông thường, tia UV có thể thúc đẩy quá trình sản xuất melanin, nguyên nhân chính gây ra nám da và đốm nâu. Cụ thể hơn, tia UV sẽ kích hoạt plasmin, làm tăng hoạt động của tyrosinase và sản xuất sắc tố melanin. Lượng melanin dư thừa này tích tụ trên bề mặt da, gây hiện tượng đổi màu da rõ rệt. 

Ngoài ra, sự biểu hiện đổi màu da có thể được biểu hiện theo nhiều cách khác bao gồm: các vết thâm do mụn trứng cá và các mảng nám da cứng đầu xuất hiện trên gò má, vùng trán và môi trên. 

tranexamic acid có tác dụng gì

Một số công dụng của tranexamic acid giúp cải thiện sức khỏe làn da:

  • Có khả năng làm mờ vết đổi màu da do tiếp xúc với tia cực tím, đồng thời làm sáng da 
  • Làm mờ vết thâm sau mụn, giảm sự xuất hiện của sẹo mụn
  • Giảm tình trạng da mẩn đỏ rõ rệt
  • Làm mờ các vết nám, sạm da trong thời kỳ mang thai
  • Có thể sử dụng chung với các thành phần làm sáng da khác.

Một nghiên cứu 2019 cho thấy dung dịch tranexamic acid trị nám 5% có hiệu quả tương đương với kem hydroquinone, vốn được xem là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng’ cho tình trạng này.

Cách sử dụng tranexamic acid trong mỹ phẩm

Vì tranexamic acid có tác động khá nhẹ nhàng lên làn da, bạn có thể kết hợp hoạt chất này với các thành phần chăm sóc da khác để thúc đẩy hiệu quả dưỡng da. Một nghiên cứu 2019 cho rằng tranexamic acid là một thành phần kết hợp tuyệt vời với các hoạt chất làm sáng và phục hồi da như: Vitamin C, SPF, hyaluronic acid, retinol, Niacinamide,… Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương da và chứng tăng sắc tố da ngay từ ban đầu.

Cụ thể, sự kết hợp giữa tranexamic acid với retinol sẽ đóng vai trò như chất peel da hóa học, có tác dụng hỗ trợ điều trị nám tốt hơn khi bạn chỉ sử dụng riêng biệt tranexamic acid. Ngoài ra bạn có thể kết hợp tranexamic acid với vitamin C hoặc kojic acid giúp phát huy tối đa công dụng làm sáng da.

tranexamic acid có tác dụng gì

Để đạt hiệu quả dưỡng da tối ưu, bạn nên bổ sung hoạt chất tranexamic acid vào thói quen chăm sóc da ban ngày và ban đêm. Nếu da bạn có nhiều vết nám, thâm mụn, hãy thoa các sản phẩm chăm sóc da có chứa tranexamic acid lên toàn bộ vùng da mặt sau bước làm sạch da. Chú ý cần thoa kỹ cho những vùng da bị nám, thâm sạm, tổn thương do tác động từ tia UV để đạt hiệu quả cải thiện màu da tốt nhất. Tiếp theo sử dụng các sản phẩm tẩy da chết AHA/ BHA, hoặc serum dưỡng da (nếu cần thiết) và kết thúc bằng lớp kem dưỡng ẩm và kem chống nắng (nếu như vào ban ngày).

Tranexamic acid không phụ thuộc nhiều vào độ pH của da. Theo đó, hoạt chất này có hiệu quả khi độ pH của làn da từ 3–8 và sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất cho da khi được pha chế trong một sản phẩm có độ pH từ 5–7.

>>> Bạn có thể quan tâm: Allantoin là gì? 8 Công dụng của Allantoin trong chăm sóc da

Tác dụng phụ

Thông thường, tác dụng phụ chỉ xuất hiện khi sử dụng tranexamic acid như một phương pháp điều trị nám da bằng đường uống. 

Mặc dù thành phần này có thể tương thích với nhiều thành phần chăm sóc da khác, nhưng nó vẫn có nguy cơ gây kích ứng cho những người có làn da nhạy cảm. Vì vậy, những người sở hữu da nhạy cảm hoặc bị chàm da nên thử chấm tranexamic acid lên 1 vùng da cổ tay trước khi sử dụng để đảm bảo da không bị kích ứng hay nổi mẩn đỏ. 

thử tranexamic acid lên cổ tay

Tuy nhiên để chắc chắn thành phần này hoàn toàn phù hợp, không gây hại cho làn da, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi kết hợp thành phần này vào quy trình chăm sóc da của bạn.

Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý trong quá trình sử dụng tranexamic acid là bạn cần kết hợp với các biện pháp chống nắng thích hợp. Nếu không muốn quá trình tranexamic acid trong điều trị nám da trở nên vô ích, thì bạn đừng bỏ qua bước thoa kem chống nắng khi dùng chung với tranexamic acid.

Tần suất và nồng độ nên sử dụng

Lý tưởng nhất là các sản phẩm chứa tranexamic acid nên được thoa 2 lần/ngày, nhưng 1 số người khuyên bạn chỉ nên bắt đầu với 1 lần thoa mỗi ngày để xem phản ứng của thành phần đối với làn da bạn. Ngoài ra, dựa theo nghiên cứu 2018, để giảm rõ rệt sự thay đổi màu da, nồng độ lý tưởng của hoạt chất này mà bạn nên dùng dao động từ 2% – 5%.

Không nên sử dụng chung với?

Không dùng chung với nhiều loại acid khác nhau cùng 1 lúc vì có thể khiến làn da bị “quá tải”, làm mẩn đỏ và bong tróc da. Thay vào đó, bạn hãy kết hợp một hoặc hai sản phẩm acid bổ sung để tránh làm khô da.

Trên thực tế, tranexamic acid giúp giảm đi độ nhạy cảm của làn da đối với tác động tia UV. Tuy nhiên, bạn nên kiên nhẫn vì hiệu quả có thể mất từ 8-12 tuần để nhận thấy sự thay đổi rõ rệt cho làn da.

>>> Bạn có thể quan tâm: AHA là gì? Công dụng, cách dùng AHA cho người mới bắt đầu

Tranexamic acid là thành phần trị nám, cải thiện sắc tố da và làm đồng đều màu da được nhiều chị em bổ sung trong quy trình dưỡng da hằng ngày. Hy vọng rằng với những thông tin trên về tranexamic acid sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp trong việc chăm sóc và bảo vệ làn da của mình trước các tác nhân gây hại.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Therapeutic Effects of Topical Tranexamic Acid in Comparison with Hydroquinone in Treatment of Women with Melasma https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28748406/ Ngày truy cập: 26/1/2022

The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, August 2019, pages E73-E74 https://jcadonline.com/melasma-august-2019/ Ngày truy cập: 26/1/2022

Topical tranexamic acid as a promising treatment for melasma. https://europepmc.org/article/med/25422661 Ngày truy cập: 26/1/2022

Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, April 2020, pages 897-903 https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/jdv.16150 Ngày truy cập: 26/1/2022

New topical tranexamic acid derivative for the improvement of hyperpigmentation and inflammation in the sun-damaged skin https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/jocd.13545 Ngày truy cập: 26/1/2022

Microchemical Journal, September 2017, pages 333-342 https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0026265X17300413 Ngày truy cập: 26/1/2022

Tranexamic acid https://dermnetnz.org/topics/tranexamic-acid Ngày truy cập: 26/1/2022

Tranexamic Acid for Adults with Melasma: A Systematic Review and Meta-Analysis https://www.hindawi.com/journals/bmri/2018/1683414/ Ngày truy cập: 26/1/2022

Phiên bản hiện tại

14/02/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Azelaic Acid là gì? Thần dược trị mụn, mờ thâm ít ai biết

Hyaluronic Acid là gì? Công dụng của Hyaluronic Acid cho da


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 14/02/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo