backup og meta

Bệnh dịch hạch là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bệnh dịch hạch là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Dịch hạch là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể dẫn đến những biểu hiện cấp tính và người bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được kịp thời điều trị.

Việc hiểu về bệnh dịch hạch giúp phòng ngừa và điều trị kịp thời khi mắc bệnh. Hãy cùng Hello Bacsi khám phá những thông tin về căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh dịch hạch là gì?

Bệnh dịch hạch là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis gây ra. Yersinia pestis lưu hành trong quần thể các loài gặm nhấm nhỏ (chuột), được tìm thấy phổ biến nhất ở các vùng nông thôn và bán nông thôn của Châu Phi, Châu Á và Hoa Kỳ. Vi khuẩn dịch hạch này được truyền sang người do vết cắn của bọ chét đã ký sinh trên các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh, hoặc do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh.

Được biết đến với cái tên “Cái chết Đen’ trong thời trung cổ, ngày nay, bệnh dịch hạch xảy ra với ít hơn 5.000 người bệnh/năm trên toàn thế giới. Dịch hạch có thể gây chết người nếu không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh. Dạng bệnh dịch hạch phổ biến nhất (thể hạch) có thể khiến các hạch bạch huyết sưng và mềm ở bẹn, nách hoặc cổ. Dạng bệnh hiếm nhất và nguy hiểm nhất là dạng ảnh hưởng đến phổi, có thể lây từ người này sang người khác.

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh dịch hạch là gì?

Dịch hạch được chia thành 3 loại chính – thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết và thể phổi Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh dịch hạch khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh:

  • Đối với bệnh dịch hạch thể hạch: Đây là loại bệnh phổ biến nhất, đặc trưng bởi các hạch bạch huyết sưng to. Nổi hạch thường phát triển trong tuần đầu tiên sau khi bị nhiễm bệnh ở các vị trí như bẹn, nách, cổ. Hạch có kích thước bằng quả trứng gà, chạm vào thấy mềm và ấm. Bệnh dịch hạch thể hạch còn làm cho amidan, adenoids, lá lách và tuyến ức bị viêm. Các triệu chứng khác bao gồm sốt và ớn lạnh đột ngột, nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu và đau nhức cơ.
  • Đối với bệnh dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết: Đây là loại bệnh xảy ra khi vi khuẩn dịch hạch sinh sôi và phát triển trong máu. Các triệu chứng thường gặp là sốt, ớn lạnh, sức khỏe suy yếu, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, chảy máu miệng, chảy máu mũi, chảy máu trực tràng, chảy máu dưới da, sốc, mô chết dần và hóa đen (hoại tử) ở tứ chi, nhất là các ngón tay, ngón chân và mũi.
  • Đối với bệnh dịch hạch thể phổi: Bệnh dịch hạch thể phổi xảy ra khi khuẩn xâm nhập vào phổi và gây viêm phổi. Đây là loại bệnh ít phổ biến nhất nhưng nguy hiểm nhất, nghiêm trọng nhất, thậm chí có thể là tác nhân gây khủng bố sinh học, vì bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua các giọt bắn. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi nhiễm trùng, bao gồm ho, có đờm lẫn máu, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, sốt cao, đau đầu và suy nhược, tức ngực. Bệnh dịch hạch thể phổi tiến triển nhanh chóng và có thể gây suy hô hấp và sốc trong vòng 2 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Người bệnh cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong vòng 1 ngày sau khi các dấu hiệu và triệu chứng lần đầu tiên xuất hiện, nếu không sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng được liệt kê ở trên và sống trong khu vực nơi bệnh dịch xảy ra. Việc điều trị bằng thuốc để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong có thể cần thiết tùy thuộc cơ địa mỗi người và tình trạng bệnh. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án chữa bệnh thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh dịch hạch và con đường lây lan

Bệnh dịch hạch do vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis xâm nhập vào cơ thể người bằng nhiều cách khác nhau:

  • Đường máu: Vi khuẩn Yersinia Pestis xâm nhập vào cơ thể người qua vết đốt của bọ chét, rận từng ký sinh trên động vật bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như chuột, sóc, thỏ, chó prairie, sóc chuột…
  • Đường da, niêm mạc: Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể khi những vùng da bị tổn thương, vết thương hở, niêm mạc hầu họng, kết mạc mắt… tiếp xúc trực tiếp với máu của động vật bị nhiễm bệnh. Chó và mèo nhà có thể bị nhiễm bệnh dịch hạch từ vết cắn của bọ chét hoặc do ăn các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh.
  • Đường hô hấp: Vi khuẩn Yersinia Pestis có thể xâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng đến phổi bằng các giọt nước bọt nhỏ bắn ra từ đường hô hấp (khi ho, hắt hơi) của người bị bệnh động vật nhiễm bệnh.

Nguy cơ mắc bệnh

Bệnh dịch hạch có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Những yếu tố nào tăng nguy cơ mắc bệnh dịch hạch là:

  • Địa lý: Bệnh dịch hạch thường bùng phát ở các vùng nông thôn và ngoại ô nơi có dân đông, vệ sinh kém và nhiều loài gặm nhấm.
  • Nghề nghiệp: Bác sĩ thú y và trợ lý của bác sĩ thú y có nguy cơ cao mắc bệnh do tiếp xúc với mèo và chó đã bị nhiễm bệnh dịch hạch. Ngoài ra, những người làm việc trong khu vực có nhiều động vật nhiễm bệnh;
  • Sở thích: cắm trại, săn bắn hoặc đi bộ trong khu vực có động vật nhiễm bệnh sinh sống có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Chẩn đoán và điều trị bệnh 

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán dịch hạch bằng những thông tin thu thập thông qua xét nghiệm vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis trong các mẫu lấy từ hạch, máu và phổi.

Bạn cần phải nhập viện để điều trị bệnh dịch hạch và uống thuốc kháng sinh mạnh chẳng hạn như:

Phòng ngừa bệnh dịch hạch

Không có loại vắc xin hiệu quả nào để phòng ngừa bệnh dịch hạch, nhưng các nhà khoa học đang nghiên cứu để phát triển một loại vắc xin có công dụng này. Thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nếu bạn có nguy cơ hoặc đã tiếp xúc với bệnh dịch hạch. Hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau nếu bạn sống hoặc làm việc ở các khu vực có dịch hạch bùng phát:

  • Không để các loài gặm nhấm vào nhà: Loại bỏ các khu vực tiềm ẩn có thể làm tổ, chẳng hạn như đống đồ cũ, đá, củi, rác và không để thức ăn vật nuôi trong khu vực mà các loài gặm nhấm có thể dễ dàng đột nhập.
  • Vệ sinh vật nuôi thường xuyên để tránh bọ chét: Hỏi bác sĩ thú y xem sản phẩm kiểm soát bọ chét nào là phù hợp với thú cưng của bạn.
  • Mang găng tay: Khi tiếp xúc các loài động vật có khả năng bị nhiễm dịch hạch, hãy đeo găng tay để ngăn ngừa vi khuẩn lây qua người.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng: Giám sát chặt chẽ trẻ em và vật nuôi khi ở khu vực có nhiều loài gặm nhấm. Sử dụng thuốc chống côn trùng ở những khu vực này.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Plague. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/plague/home/ovc-20196753. Ngày truy cập 06/10/2016.

Plague. http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs267/en/. Ngày truy cập 06/10/2016.

Plague. https://medlineplus.gov/plague.html.  Ngày truy cập 06/10/2016.

Bubonic Plague https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21590-bubonic-plague Ngày truy cập: 30/09/2022

Plague https://www.cdc.gov/plague/index.html Ngày truy cập: 30/09/2022

Phiên bản hiện tại

30/09/2022

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Bọ chét cắn có nguy hiểm không? Cách trị bọ chét cắn đơn giản, hiệu quả

Sưng hạch bạch huyết: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 30/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo