Bệnh dịch hạch lây qua đường nào?
Dịch hạch là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây lan. Vì vậy, trong việc phòng chống dịch hạch, việc nhận biết được bệnh dịch hạch lây qua đường nào là rất quan trọng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), dịch hạch lây truyền sang người qua những con đường sau:
Vết cắn của bọ chét (đặc biệt là loài bọ chét Xenopsylla cheopis)

Vi khuẩn dịch hạch thường được truyền qua vết cắn của bọ chét mang mầm bệnh. Chẳng hạn như có một đợt dịch hạch bùng phát và có nhiều loài gặm nhấm nhiễm bệnh chết đi. Lúc này, bọ chét ký sinh trên chúng sẽ bị đói và cần tìm kiếm nguồn máu khác. Trong đó, cả người và động vật đều có nguy cơ bị bọ chét mang mầm bệnh cắn.
Không những vậy, các loài thú cưng như chó và mèo cũng có thể mang bọ chét nhiễm mầm bệnh dịch hạch vào nhà và tạo điều kiện để chúng lây truyền sang người. Nếu bị bọ chét cắn đốt, vi khuẩn sẽ theo vết cắn vào cơ thể vật chủ mới và dẫn đến sự truyền nhiễm của dịch hạch.
Tiếp xúc với dịch lỏng hoặc mô từ động vật nhiễm bệnh
Khi bạn tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm dịch hạch hoặc tiếp xúc với dịch lỏng, mô từ chúng, vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập qua da hoặc qua vết thương do bị động vật cào, cắn (thường gặp nhất là mèo do đây là loài có thể ăn thịt chuột bị nhiễm bệnh). Những đối tượng có nguy cơ nhiễm dịch hạch qua con đường này thường là nhân viên phòng thí nghiệm nghiên cứu hay chăm sóc động vật, người có nuôi chó/mèo/thỏ, người làm công việc săn bắt/ giết mổ động vật…
Bệnh dịch hạch lây qua đường nào? Bạn cần chú ý nguy cơ truyền nhiễm qua giọt bắn
Đối với một số trường hợp nhiễm dịch hạch thể phổi, vi khuẩn gây bệnh có thể được truyền từ người sang người thông qua những giọt bắn. Điều này thường xảy ra khi người bệnh ho hoặc có tiếp xúc gần gũi với người khác.
Như vậy, khi một người nào đó hít phải giọt bắn có chứa trực khuẩn Yersinia pestis, họ có thể bị nhiễm dịch hạch thể phổi. Nhìn chung, việc truyền bệnh qua những giọt bắn là cách duy nhất mà dịch hạch có thể lây từ người sang người nhưng trường hợp này là khá hiếm.
Các giải pháp phòng ngừa dịch hạch lây lan

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Sau khi đã nhận biết được dịch hạch lây qua đường nào, bạn cần chú ý phòng ngừa qua một số giải pháp được khuyến nghị sau đây:
- Thực hành tốt công tác vệ sinh nơi ở để hạn chế sự “xâm nhập” của các loài gặm nhấm như chuột. Bạn nên bố trí nhà ở và nhà kho hợp lý, dọn dẹp, bỏ đi những gì không dùng nữa, đặc biệt là những nguồn cung cấp chỗ trú ẩn cũng như thức ăn cho loài gặm nhấm như củi gỗ, rác, thức ăn thừa…
- Bạn nên thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng. Chú ý mang găng tay nếu bạn cần sơ chế hay giết mổ động vật có nguy cơ nhiễm dịch hạch.
- Nếu phát hiện chuột chết bất thường trong khu vực sinh sống, bạn cần báo ngay với cơ sở y tế hoặc những người có trách nhiệm. Đồng thời, bạn nên hỏi thêm ý kiến từ cơ sở y tế về việc xử lý động vật chết đúng cách.
- Bạn nên lưu ý đến hang ổ của chuột tại nơi ở (nếu có) và đặt bẫy diệt chuột. Bên cạnh đó, nếu địa phương bạn có kế hoạch diệt chuột định kỳ hàng năm bằng hóa chất thì nên tuân thủ đầy đủ. Bạn cũng nên chủ động tham gia tập huấn phòng chống dịch hạch của cơ quan y tế địa phương (nếu có).
- Đối với những vùng từng có dịch hạch bùng phát hoặc có nguy cơ lây lan cao, việc phun hóa chất diệt bọ chét cũng rất cần thiết.
- Sử dụng thuốc chống bọ chét nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ tiếp xúc với bọ chét từ các loài gặm nhấm khi tham gia các hoạt động như cắm trại, đi bộ dài ngày ở nơi hoang dã (go hiking), làm việc ngoài trời…. Trong đó, các sản phẩm có chứa hoạt chất DEET có thể thoa lên da cũng như quần áo, các sản phẩm chứa permethrin có thể thoa lên quần áo. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
- Vật nuôi hoặc thú cưng được thả rông có nhiều nguy cơ tiếp xúc động vật nhiễm bệnh và mang bọ chét vào nhà. Vì vậy, bạn nên dùng thuốc trị rận, bọ chét cho chúng. Ngoài ra, nếu vật nuôi, thú cưng bị bệnh thì bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ thú y càng sớm càng tốt.
Lưu ý: Đối với bệnh nhân mắc dịch hạch thể phổi, họ sẽ cần đeo khẩu trang và cần được cách ly để không lây nhiễm cho người khác qua giọt bắn.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!