backup og meta

Bị dị ứng có nguy hiểm không? Đừng xem thường căn bệnh này!

Bị dị ứng có nguy hiểm không? Đừng xem thường căn bệnh này!

Bệnh dị ứng là một tình trạng phổ biến và có rất nhiều dạng với rất nhiều triệu chứng khác nhau. Vậy nguyên nhân gây dị ứng là gì, bị dị ứng có nguy hiểm không, đâu là cách chữa dị ứng và phòng ngừa hiệu quả?

Trường hợp đang có những thắc mắc như trên, Hello Bacsi mời bạn tham khảo những thông tin mà chúng tôi tổng hợp được trong bài viết sau đây để hiểu rõ hơn bạn nhé!

Bệnh dị ứng là gì?

Bị dị ứng có nguy hiểm không, nguyên nhân gây dị ứng là gì? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Dị ứng là một phản ứng của hệ miễn dịch đối với một chất lạ mà thường không gây hại cho cơ thể. Những chất lạ này được gọi là chất gây dị ứng (dị nguyên), bao gồm một số loại thực phẩm, phấn hoa hoặc lông thú cưng, mạt bui… Tùy vào dị nguyên mà các phản ứng dị ứng có thể liên quan đến tình trạng viêm, hắt hơi hoặc một loạt các triệu chứng khác.

Một số dạng bệnh dị ứng gồm:

Dị ứng ở da

Dị ứng thuốc kháng sinh gây ngứa

Việc da bị dị ứng có thể là dấu hiệu của một loại dị ứng khác hoặc do tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên. Ví dụ, việc ăn phải thực phẩm gây dị ứng có thể khiến bạn ngứa ở miệng và cổ họng, kèm với phát ban da. Tuy nhiên, đối với viêm da tiếp xúc, nguyên nhân gây bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng, như sản phẩm tẩy rửa, xi măng, hóa chất, nọc độc của côn trùng – sâu bọ…

Các loại dị ứng da gồm:

  • Phát ban: Các khu vực của da bị kích ứng, đỏ, sưng và có thể đau hoặc ngứa.
  • Chàm (eczema): Các mảng da bị viêm và có thể ngứa, chảy máu.
  • Viêm da tiếp xúc: Các mảng da đỏ, ngứa xuất hiện gần như ngay lập tức sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.
  • Đau họng: Họng hoặc cổ họng bị kích thích hoặc viêm.
  • Mề đay:. Các mảng da màu đỏ, ngứa và nổi lên với các kích cỡ và hình dạng khác nhau.
  • Mắt sưng: Bạn có thể bị chảy nước mắt hoặc ngứa và nhìn mắt sưng húp.
  • Ngứa: Da bị kích ứng hay viêm.
  • Nóng rát da: Viêm da dẫn đến khó chịu và cảm giác châm chích, nóng rát trên da.

Bị dị ứng có nguy hiểm không?

Khi bị dị ứng có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia sức khỏe, hầu hết bệnh dị ứng thường không nghiêm trọng, nhưng một số tình trạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ví dụ, sốc phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng. Hầu hết trường hợp sốc phản vệ đều liên quan đến thực phẩm, nhưng bất kỳ chất gây dị ứng nào cũng có thể dẫn đến các triệu chứng:

  • Gây sưng và hẹp đường thở đột ngột
  • Tăng nhịp tim
  • Sưng lưỡi và miệng…

Người bị dị ứng thường có triệu chứng, dấu hiệu nhận biết nào?

Triệu chứng của dị ứng là gì hay biểu hiện của dị ứng là gì? Câu trả lời là tùy thuộc vào loại dị ứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh, các triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau, chẳng hạn như:

  • Dị ứng thức ăn: sưng miệng, nổi mề đay, buồn nôn, phát ban…
  • Dị ứng thời tiết: nghẹt mũi, chảy nước mũi, sưng mắt…

Vậy người bị dị ứng có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể gây sốc phản vệ với những biểu hiện như khó thở, chóng mặt và mất ý thức, thậm chí là gia tăng nguy cơ tử vong. Do đó, nếu bạn có các dấu hiệu này, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu để được chữa trị kịp thời.

Nguyên nhân gây dị ứng là gì?

Tình trạng dị ứng bắt đầu xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn một chất thường vô hại thành mối nguy hiểm. Sau đó, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể cảnh báo cho chất gây dị ứng cụ thể đó. Khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng một lần nữa, các kháng thể này có thể giải phóng một số hóa chất trong hệ miễn dịch, chẳng hạn như histamine, gây ra các triệu chứng dị ứng.

Các tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm:

  • Các chất gây dị ứng trong không khí, như phấn hoa, lông động vật, mạt bụi và nấm mốc
  • Một số thực phẩm, đặc biệt là đậu phộng, hạt cây, lúa mì, đậu nành, một số loại cá, động vật có vỏ, trứng và sữa
  • Côn trùng đốt, chẳng hạn như vết ong đốt hay vết bọ chó cắn
  • Các loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh nhóm penicillin
  • Mủ cao su, nhựa cây sơn độc hoặc các chất khác mà bạn chạm vào có thể gây ra phản ứng dị ứng da

Ngoài ra, một số yếu tố cũng làm bạn tăng nguy cơ bị dị ứng, như:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, nổi mề đay hoặc chàm
  • Trẻ em
  • Người bị hen suyễn hoặc đang mắc phải một tình trạng dị ứng khác.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh dị ứng?

xét nghiệm dị ứng da

Bị dị ứng có nguy hiểm không, làm thế nào để chẩn đoán? Theo các chuyên gia sức khỏe, để đánh giá xem bạn có bị dị ứng hay không, bác sĩ có thể:

  • Đặt câu hỏi chi tiết về các dấu hiệu và triệu chứng
  • Kiểm tra thể chất
  • Yêu cầu bạn ghi lại chi tiết về các triệu chứng và các yếu tố có thể gây ra bệnh dị ứng

Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi lại chi tiết về các loại thực phẩm bạn ăn.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn thực hiện một hoặc cả hai xét nghiệm sau. Tuy nhiên, lưu ý rằng các xét nghiệm dị ứng này có thể dương tính giả hoặc âm tính giả.

  • Xét nghiệm dị ứng da: Bác sĩ hoặc y tá sẽ khoanh vùng một khoảng nhỏ trên da của bạn và cho tiếp xúc với một lượng nhỏ protein của các chất gây dị ứng. Nếu da bị dị ứng, bạn có thể nổi mề đay tại vị trí thử nghiệm trên da.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu IgE (sIgE), thường được gọi là xét nghiệm hấp thụ dị ứng phóng xạ (RAST) hoặc xét nghiệm ImmunoCAP, đo lượng kháng thể gây dị ứng trong máu (kháng thể immunoglobulin E (IgE).

Nếu bác sĩ nghi ngờ vấn đề của bạn là do nguyên nhân khác không phải là dị ứng, họ có thể yêu các xét nghiệm khác để giúp xác định – hoặc loại trừ – các vấn đề sức khỏe khác.

Bị dị ứng phải làm sao mới hết?

Thông thường, việc điều trị tình trạng dị ứng sẽ bao gồm:

  • Tránh chất gây dị ứng: Bác sĩ sẽ giúp bạn thực hiện các bước để xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng. Đây thường là bước quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa phản ứng dị ứng và giảm triệu chứng, nhất là các triệu chứng dị ứng nặng.
  • Thuốc: Tùy thuộc vào loại dị ứng, việc dùng thuốc có thể giúp giảm phản ứng hệ miễn dịch và giảm bớt các triệu chứng. Bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc theo toa dưới dạng viên hoặc nước, thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mắt.
  • Liệu pháp miễn dịch: Đối với người bị dị ứng nặng hoặc tình trạng dị ứng không thuyên giảm hoàn toàn khi đã áp dụng các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp miễn dịch dị ứng.

Một dạng khác của liệu pháp miễn dịch là dùng thuốc ngậm dưới lưỡi cho đến khi tan để điều trị một số tình trạng dị ứng phấn hoa.

Làm thể nào để phòng ngừa bệnh dị ứng?

dị ứng mạt bụi nhà

Người bị dị ứng phải làm sao hay phòng ngừa bệnh dị ứng như thế nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, có một số cách có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh dị ứng như:

  • Tránh các dị nguyên: Ngay cả khi bạn đang điều trị các triệu chứng dị ứng, hãy cố gắng tránh các tác nhân gây bệnh. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, hãy hạn chế ra ngoài và luôn đóng cửa nếu xung quanh có nhiều hoa. Nếu bị dị ứng với mạt bụi, hãy thường xuyên hút bụi/lau dọn nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc và quần áo gọn gàng.
  • Ghi nhật ký dị ứng: Khi cố gắng xác định nguyên nhân hoặc tác nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng, bạn hãy ghi lại những hoạt động hoặc thực phẩm ăn trong ngày. Điều này có thể giúp bạn và bác sĩ xác định các yếu tố kích hoạt bệnh.

Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu hơn về bệnh dị ứng, biết các phòng tránh căn bệnh này hiệu quả.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

U.S. National Library of Medicine. Allergies. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000812.htm Ngày truy cập 15/08/2015

National Institute of Allergy and Infectious Diseases. Types of Allergic Diseases. http://www.niaid.nih.gov/topics/allergicdiseases/Pages/allergic-diseases-types.aspx Ngày truy cập 15/08/2015

Mayo Clinic. Allergies. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/allergies/basics/definition/CON-20034030?p=1 Ngày truy cập 15/08/2015

WebMD. Allergies Health Center. http://www.webmd.com/allergies/guide/allergies-treatment-care Ngày truy cập 15/08/2015

Allergies

https://www.nhs.uk/conditions/allergies/symptoms/  Ngày truy cập 05/7/2022

Phiên bản hiện tại

25/08/2023

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Anh Hoang


Bài viết liên quan

Mẹo dự phòng mày đay mùa du lịch

Dị ứng mỹ phẩm phải làm sao? Cách xử trí an toàn và phòng ngừa hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 25/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo