backup og meta

Bệnh thiếu máu

Bệnh thiếu máu

Mặc dù có đến 1/3 dân số thế giới bị thiếu máu nhưng nhiều người vẫn không biết bệnh thiếu máu có nguy hiểm không khi cầm trên tay kết quả chẩn đoán. Để đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này, trước hết bạn cần hiểu rõ về tình trạng thiếu máu.

Qua bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giải thích chi tiết về các loại thiếu máu, nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết cũng như những biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra, các phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả cũng sẽ được nhắc đến. 

 

Tìm hiểu chung

Bệnh thiếu máu là gì?

Thiếu máu là thuật ngữ đề cập đến tình trạng lưu lượng hồng cầu của một người thấp hơn so với tiêu chuẩn thông thường. 

Bên cạnh đó, một người cũng có thể bị thiếu máu khi các tế bào hồng cầu của người đó không mang đủ hemoglobin (huyết sắc tố) thiết yếu. Đây là một loại protein giàu chất sắt, đảm nhiệm vai trò hỗ trợ hồng cầu mang oxy từ phổi đến các mô tế bào khác trong cơ thể. Thiếu hụt hemoglobin có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy yếu, dễ chóng mặt và nhức đầu. 

Bệnh thiếu máu có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ, thiếu máu là tình trạng sức khỏe cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài, bệnh có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng loạt chức năng của các cơ quan và gây tổn hại đến sức khỏe tổng thể. Chúng có thể bao gồm: 

  • Suy nhược nghiêm trọng
  • Biến chứng thai kỳ, bao gồm cả sinh non
  • Vấn đề về tim mạch
  • Thiếu máu não
  • Tử vong

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Người bị thiếu máu thường có biểu hiện gì?

Phần lớn trường hợp, thiếu máu dạng nhẹ sẽ không thể hiện triệu chứng rõ ràng. Do đó, người bệnh thường chỉ phát hiện khi tham dự buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán bệnh lý khác.

Mặc dù vậy, bạn có thể đặt ra nghi vấn về việc bản thân mắc bệnh thiếu máu nếu bắt gặp các dấu hiệu dưới đây, bao gồm: 

  • Tâm trạng gắt gỏng
  • Thường xuyên cảm thấy uể oải, mệt mỏi hoặc thậm chí là suy nhược cơ thể
  • Nhức đầu
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung hay suy nghĩ 

Khi bệnh thiếu máu tiến triển nghiêm trọng, cơ thể có khả năng bộc lộ dấu hiệu rõ ràng hơn, chẳng hạn như: 

  • Da nhợt nhạt, xanh xao
  • Móng tay giòn, dễ gãy
  • Rối loạn nhịp tim
  • Choáng váng nhẹ, đặc biệt khi bạn đột ngột chuyển từ tư thế ngồi sang đứng
  • Tức ngực
  • Khó thở hoặc dễ hụt hơi

Ngoài ra, tùy vào vấn đề bạn gặp mà triệu chứng thiếu máu ở mỗi người cũng có thể khác nhau, ví dụ như: 

  • Thiếu máu bất sản: sốt, nhiễm trùng thường xuyên, phát ban…
  • Thiếu máu do thiếu axit folic: tiêu chảy, lưỡi nhẵn bóng…
  • Thiếu máu tán huyết: vàng da, nước tiểu sẫm màu, sốt, đau bụng…
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm: sưng đau ở tứ chi, mệt mỏi, vàng da…

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh thiếu máu, hãy tham vấn chi tiết cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thiếu máu có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ phân loại tình trạng sức khỏe này thành ba nhóm chính gồm: 

1. Thiếu máu do mất máu

Xuất huyết là một trong những nguyên nhân thiếu máu phổ biến, có khả năng bắt nguồn từ: 

  • Các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, ví dụ như viêm loét hay ung thư dạ dày…
  • Tác dụng phụ từ thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs)
  • Rối loạn kinh nguyệt gây chảy máu quá nhiều
  • Biến chứng của chấn thương vật lý hoặc phẫu thuật

2. Bệnh thiếu máu do tế bào hồng cầu suy yếu hoặc suy giảm số lượng

Tủy xương là mô mềm, xốp đóng vai trò thiết yếu trong việc sản sinh tế bào máu. Một số bệnh lý ảnh hưởng đến hoạt động tủy xương có thể kể đến như:

thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm

Mặt khác, tình trạng suy yếu hoặc suy giảm tế bào hồng cầu gây thiếu máu còn có nguy cơ xuất phát từ việc cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng. Chúng có thể bao gồm: 

3. Nguyên nhân thiếu máu liên quan đến tăng phá hủy hồng cầu

Vòng đời của một tế bào hồng cầu kéo dài 120 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể “chết” trước khi hoàn thành vòng đời tự nhiên bởi nhiều yếu tố, ví dụ như:

Ai dễ bị thiếu máu?

Tình trạng thiếu máu có thể xảy ra ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, các đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người còn lại, bao gồm: 

bệnh thiếu máu ở mẹ bầu

  • Trẻ sinh non
  • Trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn 6-24 tháng 
  • Phụ nữ đang có kinh nguyệt, đang mang thai hoặc vừa sinh con
  • Người áp dụng thực đơn ăn uống không khoa học, ít vitamin và khoáng chất
  • Người bệnh liên tục sử dụng thuốc có khả năng tác động đến lớp niêm mạc dạ dày, ví dụ như ibuprofen
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh thiếu máu di truyền (hồng cầu lưỡi liềm, tan máu bẩm sinh…)
  • Người bị rối loạn chức năng đường ruột, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể
  • Người mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như AIDS, tiểu đường, bệnh thận, ung thư, viêm khớp dạng thấp, suy tim hoặc bệnh gan…

Chẩn đoán và điều trị

Cần làm xét nghiệm gì để biết mình bị thiếu máu hay không?

Hiện nay, với nền y học phát triển hiện đại, bác sĩ có nhiều thủ thuật khác nhau để chẩn đoán bệnh thiếu máu cũng như tìm kiếm nguyên nhân đứng sau. Trong đó, phổ biến nhất là:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC)
  • Xét nghiệm hồng cầu lưới
  • Định lượng sắt huyết thanh
  • Định lượng vitamin B12, axit folic và một số thành phần dưỡng chất khác trong máu
  • Sinh thiết tủy xương
  • Các xét nghiệm dùng trong chẩn đoán bệnh về tiêu hóa như loét dạ dày, polyp đại tràng lành tính, ung thư đại tràng…
  • Chụp CT, MRI để chẩn đoán thiếu máu não

Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu

Bác sĩ sẽ dựa trên dạng thiếu máu bạn gặp phải để xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp, ví dụ như: 

  • Thiếu máu bất sản: Sử dụng thuốc kê toa, truyền máu hoặc ghép tủy xương là những lựa chọn chữa trị quen thuộc.
  • Thiếu máu tán huyết tự miễn: Người bệnh có thể cần uống thuốc ức chế miễn dịch để kìm hãm tình trạng này.
  • Xuất huyết: Trong trường hợp thiếu máu do xuất huyết, phẫu thuật có thể cần thiết để chữa lành mao mạch bị tổn thương.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm: Các giải pháp điều trị hồng cầu lưỡi liềm có thể gồm sử dụng thuốc giảm đau, bổ sung axit folic, dùng kháng sinh cách quãng hoặc liệu pháp oxy. Ngoài ra, hiện nay không ít bác sĩ đề xuất hydroxyurea và voxelator để đối phó với vấn đề này. 
  • Tan máu bẩm sinh: Thông thường, tình trạng này có thể không cần điều trị nhưng nếu bệnh phát triển nghiêm trọng, bạn sẽ cần truyền máu, ghép tủy xương hoặc phẫu thuật.

Trong trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, vitamin B12 hay folate…, cải thiện thực đơn ăn uống là điều cần thiết. 

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Người mắc bệnh thiếu máu nên ăn gì?

Bị thiếu máu nên ăn gì

Bệnh thiếu máu thường rất khó phòng ngừa. Tuy nhiên, đối với trường hợp thiếu máu do thiếu dinh dưỡng, bạn có thể ngăn chặn, thậm chí là khắc phục vấn đề này bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại vitamin đa dạng cùng khoáng chất vi lượng khác nhau, ví dụ như: 

  • Sắt: có nhiều trong các loại thịt đỏ (bò, heo, cừu…), hải sản, gan động vật, rau xanh sẫm màu (cải bó xôi, súp lơ xanh…), đậu lăng, hạt bí, đậu hũ và trái cây khô.
  • Folate (axit folic): thường tìm thấy nhiều ở trái cây (đặc biệt là chuối), rau xanh sẫm màu, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Vitamin B12: sữa và các chế phẩm làm từ sữa là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B12 dồi dào. Ngoài ra, bạn còn có thể bổ sung loại vitamin này bằng cách thay đổi thực đơn với ức gà, cá hồi, nghêu, trứng, ngũ cốc nguyên hạt. 
  • Vitamin C: sự hiện diện của vitamin C giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ sắt hơn. Trái cây họ cam quýt, dưa hấu và quả mọng là những nguồn thực phẩm giàu nhóm dưỡng chất quan trọng này. 

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Anemia. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-anemia-basics#1. Ngày truy cập 08/06/2020.

What to know about anemia. https://www.medicalnewstoday.com/articles/158800. Ngày truy cập 08/06/2020.

What You Need to Know About Anemia. https://www.healthline.com/health/anemia. Ngày truy cập 08/06/2020.

Phiên bản hiện tại

10/03/2021

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngọc Vũ


Bài viết liên quan

Uống gì để tăng tiểu cầu? 9 thức uống người tiểu cầu thấp nên biết

Ai dễ bị thiếu máu?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 10/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo