backup og meta

7 biến chứng khi không điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

7 biến chứng khi không điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có khi không cần điều trị nhưng bạn vẫn phải có biện pháp giúp kiểm soát các triệu chứng, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một rối loạn liên quan đến tế bào tiểu cầu trong máu. Hầu hết trường hợp bệnh giảm tiểu cầu ở người lớn là mạn tính, tức là bệnh sẽ kéo dài suốt đời. Số lượng tiểu cầu giảm sút gây ra nhiều triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch khác nhau. Khi lượng tiểu cầu càng thấp, khả năng xuất huyết (chảy máu) đột ngột càng cao, cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Nếu không điều trị để điều chỉnh mức tiểu cầu lại bình thường, tình trạng xuất huyết sẽ trở nên nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.

Nhiều người bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch nhẹ có thể không cần điều trị. Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh thông qua các xét nghiệm máu. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra ở người bệnh.

Bài viết sau đây sẽ đề cập đến 7 biến chứng phổ biến của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch khi không điều trị.

1. Các vết thương không ngừng chảy máu

Thông thường, tiểu cầu sẽ tham gia vào quá trình đông máu. Khi bạn không may bị thương, tiểu cầu sẽ hoạt động hết mức để máu không bị mất quá nhiều.

Tuy nhiên, khi bạn mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, số lượng tiểu cầu không có đủ để tham gia vào quá trình tạo thành cục máu đông. Kết quả, vết thương của bạn sẽ không ngừng chảy máu cho dù đã băng bó tạm thời. Khi đó, bạn phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu không thể cầm máu.

2. Thiếu máu

Chảy máu quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị thiếu máu. Mặc dù có khá nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu nhưng trong bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, chảy máu không kiểm soát là lý do chính dẫn đến thiếu máu. Máu đi vào da và các mô sâu hơn gây ra các nốt xuất huyết, vết bầm tím trên bề mặt da hoặc ổ tụ máu… Mất máu có khả năng xảy ra với cả xuất huyết nội hay ngoại. Ở phụ nữ, thiếu máu còn liên quan đến tình trạng mất máu nhiều qua chu kỳ kinh nguyệt.

3. Các vết bầm tím sẽ hạn chế bạn tham gia các hoạt động

Đối với người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, các vết bầm tím xuất hiện là do hiện tượng chảy máu không được kiểm soát chứ không liên quan đến chấn thương. Tuy nhiên, bạn nên tránh tham gia các hoạt động như chơi thể thao để phòng ngừa chấn thương gây thêm nhiều vết bầm.

bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Nếu bạn vẫn thấy các vết bầm xuất hiện trên da khi đã tránh các hoạt động có nguy cơ gây thương tích cao thì hãy đến gặp bác sĩ sớm. Đó có khả năng là dấu hiệu của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.

4. Mệt mỏi cũng cản trở các hoạt động thường ngày

Khi số lượng hồng cầu quá thấp, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi mắc phải bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu – một bệnh tự miễn mạn tính. Tình trạng mệt mỏi quá mức có thể gây khó khăn khi bạn muốn duy trì thói quen hàng ngày và cũng làm tăng nguy cơ bị chấn thương.

5. Xuất huyết nội

Chảy máu không kiểm soát được do bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể gây ảnh hưởng đến não bộ, chẳng hạn như xuất huyết não. Tình trạng này xảy ra khi lượng tiểu cầu trong máu hạ xuống rất thấp, ít hơn 20.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu. Khi nồng độ tiểu cầu chỉ còn 5.000 tế bào trên mỗi microlit máu hay thấp hơn thì cần phải cấp cứu y tế ngay lập tức. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ (National Heart, Lung and Blood Institute) thì dù có khả năng gây tử vong nhưng xuất huyết não hiếm khi xảy ra.

Chảy máu đường tiêu hóa cũng là một dạng xuất huyết nội hiếm gặp, có thể dẫn đến các biến chứng khác.

6. Nhiễm trùng nghiêm trọng

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc phải các nhiễm trùng nghiêm trọng, nhất là khi bạn đã phẫu thuật cắt bỏ lá lách. Hãy cảnh giác với những triệu chứng sớm của nhiễm trùng, bao gồm:

  • Sốt cao và run
  • Mệt mỏi đột ngột
  • Các triệu chứng giống như cúm
  • Đau đầu
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Khó thở
  • Cứng cổ

Khi thấy có những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

7. Giảm tuổi thọ do những biến chứng liên quan

Mặc dù không có cách chữa trị cho bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch nhưng không có nghĩa là bệnh sẽ gây tử vong nhanh chóng. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Huyết học Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong liên quan trực tiếp đến xuất huyết giảm tiểu cầu rất hiếm khi xảy ra.

Tiên lượng sống sau khi được chẩn đoán bệnh sẽ phụ thuộc vào kế hoạch điều trị cũng như khả năng phòng ngừa các rủi ro từ các biến chứng đe dọa đến tính mạng như xuất huyết não. Độ tuổi, tiền sử bệnh liên quan đến xuất huyết nội và sức khỏe tổng thể nói chung cũng là những yếu tố cần được đánh giá.

Nếu xuất huyết giảm tiểu cầu không đáp ứng tốt với điều trị khi mà số lượng tiểu cầu không tăng lên hơn 20.000 tế bào trên mỗi microlit máu mặc dù đã cắt bỏ lá lách và dùng nhiều liệu pháp y tế, người bệnh có nguy cơ cao bị giảm tuổi thọ do chảy máu và nhiễm trùng.

Diễn biến của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch khó có thể lường trước được. Tập trung vào các biện pháp để giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng khi không điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu là cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng bệnh. Hãy nói chuyện với bác sĩ để hiểu thêm về những lựa chọn điều trị và thay đổi lối sống hiệu quả.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bleeding complications in immune thrombocytopenia. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26637728/#:~:text=Bleeding%20manifestations%20in%20patients%20with,%C3%97%2010(9)%2FL.. Ngày truy cập 14/7/2023

Immune thrombocytopenia (ITP) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/idiopathic-thrombocytopenic-purpura/symptoms-causes/syc-20352325 Ngày truy cập 14/7/2023

Idiopathic Thrombocytopenic Purpura https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/idiopathic-thrombocytopenic-purpura Ngày truy cập 14/7/2023

Idiopathic Thrombocytopenic Purpura https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/idiopathic-thrombocytopenic-purpura Ngày truy cập 14/7/2023

Immune Thrombocytopenia https://my.clevelandclinic.org/health/articles/5726-immune-thrombocytopenia Ngày truy cập 14/7/2023

Phiên bản hiện tại

14/07/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Nguyên nhân giảm tiểu cầu khi mang thai và cách xử trí

Xuất huyết nội: Bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo