backup og meta

Bị bệnh hở van tim có nguy hiểm không?

Bị bệnh hở van tim có nguy hiểm không?

“Bị hở van tim có nguy hiểm không?” là thắc mắc thường gặp bởi đây là một bệnh lý về tim khá phổ biến. Nếu bạn đang có chung câu hỏi này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu đáp án qua những thông tin trong bài viết dưới đây.

Hở van tim là gì?

Trái tim của con người có 4 van tim, ngăn cách giữa các buồng tim nhằm đưa máu lưu thông qua tim theo một chiều nhất định.

Trong một chu chuyển tim, trái tim sẽ co bóp 1 nhịp, sau đó nghỉ 1 nhịp rồi lại lặp lại để bơm máu từ tim đến các cơ quan và hồi lưu máu từ các cơ quan trở về tim. Tình trạng hở van tim xảy ra khi có ít nhất 1 trong 4 van không đóng kín sau mỗi lần tim co bóp, khiến cho máu trào ngược trở lại buồng tim trước đó vào nhịp tim nghỉ.

  • Hở van 2 lá: Máu rò rỉ trở lại vào tâm nhĩ trái qua van 2 lá mỗi khi tâm thất trái co bóp. Máu này đi nuôi cơ thể nên tim buộc phải làm việc nhiều hơn, bù lại lượng máu thiếu hụt, sau thời gian dài sẽ gây suy tim. Đây là loại bệnh hở van tim phổ biến nhất nên số người lo ngại “Hở van tim 2 lá có nguy hiểm không?“ cũng rất nhiều.
  • Hở van động mạch chủ: Máu cần đưa vào động mạch chủ để vào đại tuần hoàn bị rò rỉ một phần trở lại tâm thất trái. Hậu quả là tâm thất trái cần co bóp nhiều hơn để bù đắp, từ đó dẫn tới phì đại thành tâm thất rồi dãn buồng tim, cuối cùng là suy tim.
  • Hở van 3 lá: Máu từ tâm thất phải bị rò rỉ trở lại tâm nhĩ phải. Máu này là máu nghèo oxy, được 2 buồng tim bên phải đẩy vào động mạch phổi, đưa về phổi để thực hiện trao đổi khí. Hở van tim 3 lá có nguy hiểm không? Khi hở van 3 lá kéo dài sẽ nguy hiểm vì cả 2 buồng tim phải đều phải làm việc nhiều hơn dẫn tới bị giãn ra, gây suy tim phải.

Bệnh hở van tim có nguy hiểm không?

hở van tim có nguy hiểm không tùy vào nhiều yếu tố

Hở van tim có nguy hiểm không sẽ tùy thuộc vào những yếu tố như sau:

Thời gian phát hiện bệnh

Với bất kỳ bệnh lý nào cũng vậy, phát hiện càng sớm, khi bệnh còn nhẹ thì bệnh càng ít nghiêm trọng và dễ điều trị hơn. Hở van tim cũng không ngoại lệ.

Bạn không cần quá lo bệnh hở van tim nhẹ có nguy hiểm không. Nếu như chỉ hở ít, tình cờ phát hiện mà không gây triệu chứng, không có bệnh lý tim khác kèm theo thì bác sĩ có thể chỉ định theo dõi chứ chưa cần điều trị. 

Ngược lại, khi van tim hở nhiều gây ra các triệu chứng như đau ngực, loạn nhịp tim, khó thở hoặc có kèm các bệnh lý nền khác thì hở van tim lúc đó là nguy hiểm.

Van tim nào bị hở

Hở van tim có nguy hiểm không cũng còn tùy thuộc vào van nào bị hở. Chẳng hạn như, nếu đó là van động mạch chủ thì chỉ cần hở nhẹ cũng đã nguy hiểm bởi tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng. Hở van 2 lá cấp tính có thể dẫn tới suy tim cấp tính, chức năng tim giảm đột ngột và nhanh chóng. Tình trạng này cần được cấp cứu ngay lập tức.

Hở van tim có nguy hiểm không tùy thuộc vào người bệnh có gặp biến chứng không, đó là biến chứng nào

hở van tim có nguy hiểm không tùy vào biến chứng

Những biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân hở van tim là:

  • Suy tim sung huyết: Đây là hậu quả của việc tim cần gắng sức bơm máu để bù đắp lại phần máu bị trào ngược trở lại do hở van tim. Làm việc quá sức trong thời gian đủ dài sẽ khiến cơ tim suy yếu không hồi phục.
  • Rối loạn nhịp tim: Cần được điều trị tích cực từ sớm, nếu không thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. 
  • Tăng áp lực động mạch phổi: Là biến chứng của hở van tim 2 lá, hở van động mạch chủ. Máu bị ứ đọng tại phổi làm huyết áp trong động mạch phổi tăng lên, gây suy tim phải đi kèm.
  • Rung nhĩ: Đây cũng là một dạng rối loạn nhịp tim, rất nghiêm trọng vì nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim gây đột quỵ tăng cao. Rung nhĩ xảy ra do máu bị ứ đọng ở tâm nhĩ trái một thời gian dài, khiến buồng tim giãn ra, tim đập nhanh và hỗn loạn.
  • Cục máu đông: Khi máu bị ứ đọng tại các buồng tim thì khả năng hình thành cục máu đông cũng tăng lên. Nếu các cục máu đông này di chuyển theo dòng máu đến mạch vành có thể gây nhồi máu cơ tim, đến động mạch cảnh, động mạch não có thể gây đột quỵ. Những biến chứng này đều đe dọa tính mạng, thời gian cấp cứu chỉ tính bằng giờ.

Hở van tim có nguy hiểm không tùy thuộc vào điều trị có đáp ứng không

Mỗi người có một mức độ đáp ứng với điều trị khác nhau và bị hở van tim có nguy hiểm không cũng sẽ phụ thuộc vào yếu tố này.

Điều trị hở van tim có nhiều phương pháp khác nhau. Tùy thuộc vào việc van tim nào bị hở, hở bao nhiêu, nguyên nhân là gì, triệu chứng gặp phải, các bệnh lý mắc kèm khác và sức khỏe chung của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn cách điều trị phù hợp.

Hở van tim nhẹ và vừa thường được điều trị bằng thuốc. Trong khi đó, hở van nặng cần được phẫu thuật để sửa chữa van hoặc thay van tim.

Hở van tim có chữa được không?

Hở van tim có chữa được không?

Hở van tim có chữa được không? Thật may mắn, câu trả lời là CÓ. Như đã nói ở trên, tùy từng trường hợp mà người bệnh được chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân có tổn thương van tim nặng, biến chứng suy tim giai đoạn cuối hay có mắc kèm những bệnh lý khác, tình trạng bệnh lúc này có thể không chữa khỏi hoàn toàn được.

Như vậy, bệnh hở van tim có nguy hiểm không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thế nhưng, đây là bệnh lý có thể tiến triển và có khuynh hướng nặng dần theo thời gian nếu không được điều trị thích hợp. Vì vậy, đừng bao giờ chủ quan với tình trạng hở van tim mà nên thăm khám định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tạo lập lối sống lành mạnh mỗi ngày nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hở van tim có nguy hiểm không? Có điều trị được không? https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tim-mach/ho-van-tim-co-nguy-hiem-khong-co-dieu-tri-duoc-khong Ngày truy cập: 28/07/2024

Mitral valve regurgitation https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mitral-valve-regurgitation/symptoms-causes/syc-20350178 Ngày truy cập: 28/07/2024

Aortic valve regurgitation https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/aortic-valve-regurgitation/symptoms-causes/syc-20353129 Ngày truy cập: 28/07/2024

Mitral Valve Regurgitation https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24983-mitral-valve-regurgitation Ngày truy cập: 28/07/2024

Problem: Heart Valve Regurgitation https://www.heart.org/en/health-topics/heart-valve-problems-and-disease/heart-valve-problems-and-causes/problem-heart-valve-regurgitation Ngày truy cập: 28/07/2024

Mitral Valve Regurgitation https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/m/mitral-valve-regurgitation.html Ngày truy cập: 28/07/2024

Problem: Mitral Valve Regurgitation https://www.heart.org/en/health-topics/heart-valve-problems-and-disease/heart-valve-problems-and-causes/problem-mitral-valve-regurgitation Ngày truy cập: 28/07/2024

Phiên bản hiện tại

21/11/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Những câu hỏi thường gặp về dinh dưỡng cho người cao huyết áp

Chỉ số TC HDL là gì? Hiểu để duy trì sức khỏe tim mạch


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: Vừa xong

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo