backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Thay van tim

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/10/2023

Thay van tim

Thay van tim là quy trình thay thế van tim tự nhiên đã hư hỏng nặng bằng một van nhân tạo hay van được hiến tặng khác. Bác sĩ có thể thực hiện bằng cách mổ mở hoặc mổ ít xâm lấn hơn tùy từng trường hợp.

Tim hoạt động cùng với 4 van là van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Các lá van này đóng mở nhịp nhàng theo chu chuyển tim và giúp máu lưu thông theo chu trình nhất định. Do nhiều nguyên nhân, một hoặc nhiều van tim, đôi khi kèm theo bộ máy dưới van, có thể mất đi khả năng đàn hồi, thay đổi cấu trúc dẫn đến bệnh van tim; hoặc các khiếm khuyết bẩm sinh về mặt giải phẫu khiến chúng không hoạt động được bình thường. Lúc này, van tim cần được sửa chữa hay thay thế để duy trì được chức năng tương tự bình thường.

Chi phí phẫu thuật

Thay van tim hết bao nhiêu tiền?

Chi phí thay van tim sẽ không giống nhau giữa từng người. Tùy thuộc vào tuổi tác, lối sống, nghề nghiệp, nguy cơ chảy máu và đông máu liên quan thuốc chống đông máu, khả năng can thiệp lại bằng phẫu thuật hoặc can thiệp qua da, quyết định của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn chọn loại van phù hợp. Loại van (được đề cập ở phần dưới bài viết này) là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc thay van tim hết bao nhiêu tiền.

Ngoài ra, những yếu tố khác xung quanh việc thay van tim cũng ảnh hưởng đến chi phí. Bao gồm:

  • Bạn có bảo hiểm y tế hay không, loại bảo hiểm, số năm đã đóng, mức đóng,…
  • Nơi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật
  • Thời gian nằm viện, chi phí giường bệnh
  • Tiền thuốc
  • Chi phí tái khám
  • Chi phí ăn uống, đi lại,…

Để biết rõ nhất thay van tim hết bao nhiêu tiền, bạn nên chọn đơn vị y tế uy tín, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực phẫu thuật tim mạch ở khu vực bạn sinh sống, tới khám và nhận tư vấn cụ thể. Hiện nay, các bệnh viện đều rất cởi mở. Họ sẽ tiến hành kiểm tra để biết tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, tư vấn hướng điều trị và chi phí rõ ràng. Sau đó, quyết định là ở bạn.

Tiên lượng

Thay van tim sống được bao lâu?

Hiện cũng không có con số cụ thể cho tuổi thọ sau thay van tim. Bởi vì, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Tuổi tác người bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể, có bệnh lý nào mắc kèm
  • Đáp ứng với điều trị và tuân thủ điều trị sau phẫu thuật
  • Tầng nguy cơ trước khi phẫu thuật cao hay thấp…

Một nghiên cứu của Andreas Martinsson và cộng sự đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2021 cho thấy: Có 7.123 (85,1%) bệnh nhân có nguy cơ trước phẫu thuật thấp, 942 (11,3%) bệnh nhân có nguy cơ trung bình và 288 (3,5%) bệnh nhân có nguy cơ cao. Thời gian sống sót trung bình là 10,9 năm ở nguy cơ thấp, 7,3 năm ở nguy cơ trung bình và 5,8 năm ở bệnh nhân nguy cơ cao. Trong nhóm nguy cơ thấp, thời gian sống sót trung bình dao động từ 16,2 năm ở những bệnh nhân từ 60-64 tuổi và 6,1 năm ở những bệnh nhân ≥85 tuổi.

Tìm hiểu chung về phẫu thuật

Thay van tim là gì?

Thay van tim là phẫu thuật được tiến hành khi van tim có bất thường nặng nề mà không thể chỉnh sửa được.

Quá trình thay van tim bao gồm việc loại bỏ van và bộ máy dưới van tự nhiên đã hư hỏng và thay thế bằng một van tim khác. Van tim thay thế sẽ được khâu theo đường vòng vào vị trí của van tim tự nhiên. Đòng thời, van thay thế cần đảm bảo sự tương thích sinh học, tức là người bệnh cần được đảm bảo van tim mới này không bị hệ miễn dịch từ chối, đào thải.

Van động mạch chủ và van hai lá là các van tim thường được phẫu thuật thay van tim. Các trường hợp cần thay van động mạch phổi và van ba lá ở người trưởng thành hiếm gặp hơn.

Khi nào cần thay van tim?

Bệnh lý van tim thường được chia thành 2 dạng cơ bản là hẹp van và hở van. Phẫu thuật thay van tim có thể được thực hiện khi một hoặc nhiều van tim có những bất thường này ở mức nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim.

Nếu van tim bị tổn thương hoặc có vấn đề mà không điều trị, bạn có thể gặp những vấn đề như:

  • Khó thở khi đi lại hay cả khi nghỉ, khi nằm đầu thấp
  • Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức
  • Ho khan
  • Phù chân
  • Đau tức hạ sườn phải
  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Đau thắt ngực
  • Tim đập nhanh, loạn nhịp
  • Suy tim
  • Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi thay van tim

Thay van tim có nhiều phương pháp, có thể phẫu thuật truyền thống bằng cách mở lồng ngực để thay thế van, phẫu thuật bằng nội soi ít xâm lấn hơn hoặc thay van bằng can thiệp nội mạch (qua da). Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm khác nhau và phù hợp cho những trường hợp khác nhau.

Van tim dùng để thay thế bao gồm 3 loại:

Van nhân tạo cơ học

Thay van tim cơ học

Van cơ học được làm bằng kim loại hoặc carbon với thiết kế chuyên biệt để hoạt động giống như van tim tự nhiên. Loại van này thường được cơ thể dung nạp tốt và giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Độ bền của van cơ học có thể lên đến 30 năm hoặc lâu hơn. Ngoài ra, giá thành cũng rẻ hơn so với van sinh học.

Tuy vậy, nhược điểm khi dùng loại van này là người bệnh phải uống thuốc chống đông máu suốt đời. Sử dụng thuốc chống đông (như warfarin) giúp ngăn ngừa việc hình thành cục máu đông trên van tim thay thế, gây kẹt van hay dẫn đến các cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Người bệnh sau khi thay van tim nhân tạo cơ học có thể nghe thấy âm thanh lách tách phát ra, nhất là khi ở trong phòng kín, yên tĩnh. Đó là âm thanh khi các lá van đóng mở theo chu chuyển tim tương tự như hoạt động của van tim tự nhiên.

Van nhân tạo sinh học

Van sinh học được làm từ mô của các loài động vật như bò hoặc lợn đã qua quá trình xử lý phù hợp. Van sinh học vẫn có một số bộ phận nhân tạo đi kèm để hỗ trợ van hoạt động và giúp đặt van dễ dàng hơn.

Nhờ có nguồn gốc tự nhiên nên người bệnh sau khi thay van tim sinh học sẽ không phải dùng thuốc chống đông máu cả đời, mà chỉ uống khoảng 3 tháng sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, nhược điểm của thay van tim sinh học là mô van bị thoái hóa dần theo thời gian, thường là 8 – 15 năm và người bệnh sẽ cần phẫu thuật thay van mới. Mức độ thoái hóa van tùy thuộc vào độ tuổi và áp lực dòng máu tác động lên van. Người bệnh càng trẻ thì van càng thoái hóa nhanh.

Thay van tim gồm những loại nào

Van tim đồng loài

Van tim đồng loài là van tim từ một người hiến tặng đã mất, được bảo quản đông lạnh trong điều kiện vô trùng. Thay van tim đồng loài thường gặp nhất là thay van động mạch chủ ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi, đặc biệt khi gốc động mạch chủ có vấn đề hay bị nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc).

Đây là loại van sinh học đặc biệt vì không có vật liệu nhân tạo. Ưu điểm là độ kháng khuẩn cao, tuổi thọ kém hơn van cơ học nhưng dài hơn van sinh học và người bệnh không cần dùng thuốc chống đông cả đời.

Dù vậy, số lượng van tim được hiến tặng rất hiếm và kích thước van cũng không đa dạng. Bên cạnh đó, kỹ thuật cấy ghép van phức tạp hơn nhiều so với hai loại van trên nên cần đến đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng bệnh viện có cơ sở vật chất tốt, phòng phẫu thuật chuyên biệt.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn loại van thay thế nào còn dựa trên mong muốn của người bệnh. Ở người trẻ tuổi, các vấn đề cần cân nhắc bao gồm sự bất tiện và nguy cơ chảy máu khi phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời nếu dùng van cơ học hoặc khả năng phải phẫu thuật thay van lại sau một thời gian nêu chọn van sinh học. Ngược lại, với người bệnh trên 60 tuổi, thay van tim sinh học có thể sẽ hợp lý hơn do khả năng tuân thủ dùng thuốc kháng đông hạn chế hơn và van tim có khả năng tồn tại đủ trong khoảng thời gian sống còn lại của họ.

Tuy nhiên, ở đối tượng là phụ nữ trẻ tuổi, van tim sinh học thường được chọn lựa trước tiên để họ thực hiện được thiên chức làm mẹ của mình, sau đó có thể phẫu thuật lần hai để thay van tim cơ học khi van sinh học không còn đảm bảo chức năng.

Các biến chứng và tác dụng phụ sau khi thay van tim

Các phẫu thuật liên quan đến van tim đều có thể có những biến chứng, rủi ro bao gồm:

  • Chảy máu
  • Đau tim
  • Nhiễm trùng, viêm nội tâm mạc
  • Viêm phổi
  • Viêm tụy
  • Rối loạn chức năng van tim ảnh hưởng đến van được thay thế
  • Rối loạn nhịp tim
  • Đột quỵ
  • Tử vong

Người bệnh có khi gặp phải những rủi ro khác tùy vào tình trạng bệnh. Chính vì thế, trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ luôn giải thích những vấn đề có thể xảy ra trong và sau khi mổ.

Bạn có thể tham khảo thêm: Thay van tim sống được bao lâu? Các yếu tố tác động và những biến chứng thường gặp.

Quy trình

Chuẩn bị trước khi thay van tim

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ và nhân viên y tế sẽ giải thích các quy trình cần thiết và những việc cần chuẩn bị cho bệnh nhân cũng như người chăm sóc.

Bạn nên thông báo hoặc trao đổi với bác sĩ các vấn đề liên quan đến:

  • Việc sử dụng các thuốc điều trị khác
  • Tiền sử dị ứng thuốc (nếu có)
  • Thời điểm nên ngừng ăn, uống trước khi phẫu thuật
  • Quần áo và đồ dùng cá nhân nào được phép hoặc không được phép mang theo

Vị trí thực hiện vết mổ có thể cần được cạo sạch lông và khử trùng để phòng ngừa nhiễm trùng. Nhân viên y tế sẽ giúp bạn làm điều này.

Bạn cũng cần tháo bỏ trang sức, kính mắt, kính áp tròng, răng giả hay móng giả.

Quá trình thay van tim diễn ra như thế nào?

Quy trình thay van tim

Bạn sẽ được gây mê toàn thân trong suốt quá trình thay van tim. Tim được bơm dung dịch ức chế co bóp tạm thời và hệ thống tim phổi nhân tạo sẽ được lắp vào các gốc đại động mạch để đảm bảo chức năng hệ tuần hoàn tự nhiên, giữ cho máu di chuyển khắp cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật.

Tùy thuộc vào phương pháp được thực hiện mà bác sĩ sẽ tiến hành theo quy trình tương ứng. Phẫu thuật truyền thống cần mở lồng ngực sẽ bắt đầu bằng vết rạch ở ngực qua xương ức. Nếu bạn được phẫu thuật nội soi, vết rạch sẽ nhỏ hơn nhiều và các dụng cụ được đưa vào qua ống thông để thực hiện việc thay van tim.

Trường hợp thay van bằng can thiệp nội mạch qua da, vết rạch sẽ được thực hiện ở đùi. Sau đó, ống thông (catheter) được đưa vào động mạch bẹn rồi đi đến tim để có thể thay thế van tim. Vết rạch cũng có thể được thực hiện ở ngực, tiếp cận qua da, dưới xương đòn và trực tiếp đến động mạch chủ. Phương pháp này không cần dùng đến máy tim phổi nhân tạo và ít xâm lấn hơn nhưng không áp dụng được cho tất cả bệnh nhân.

Điều gì xảy ra sau khi thay van tim

Sau khi phẫu thuật thay van tim, người bệnh thường được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) một ngày hoặc hơn tùy vào tình trạng sức khỏe. Bạn sẽ được truyền dịch và thuốc qua tĩnh mạch. Một số ống có thể được gắn vào người bạn, như ống dẫn nước tiểu từ bàng quang, ống dẫn lưu dịch và máu tồn đọng từ lồng ngực. Mặt nạ thở hoặc ống thở oxy cũng được sử dụng.

Khi tình trạng đã ổn định hơn, bạn sẽ được đưa về phòng bệnh thường để chăm sóc. Các nhân viên y tế vẫn tiếp tục theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng ở vết mổ và các chỉ số cần thiết khác. Bạn cũng được cung cấp thuốc giảm đau để uống sau khi phẫu thuật.

Nhân viên y tế cũng hướng dẫn những việc bạn có thể làm như tập đi bộ thường xuyên để tăng khả năng vận động, cách ho và thực hiện các bài tập thở để phục hồi.

Nếu không có vấn đề gì, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn và người nhà những điều cần theo dõi trong quá trình hồi phục, như các dấu hiệu nhiễm trùng ở vết mổ, cách chăm sóc vết mổ, cách dùng thuốc, kiểm soát cơn đau và tác dụng phụ khác sau phẫu thuật.

Phục hồi

Phục hồi sau khi thay van tim

Các phương pháp thay van tim ít xâm lấn sẽ có thời gian nằm viện ngắn hơn cũng như phục hồi nhanh hơn mổ mở. Sau khi phẫu thuật mở lồng ngực, bạn có thể cần nằm viện từ 5-7 ngày. Khi về đến nhà, bạn cũng cần có người chăm sóc trong vòng 7-10 ngày tiếp đó. Để xương ức lành hẳn, bạn sẽ mất từ 6-12 tuần. Trong thời gian đó, hãy tránh nâng vật nặng hay thực hiện các việc gây áp lực lên vùng ngực.

Bác sĩ cũng dặn dò khi nào bạn có thể hoạt động bình thường trở lại và khuyến khích thay đổi lối sống lành mạnh hơn sau này. Ngoài ra, bạn có thể cần dùng một số loại thuốc sau khi phẫu thuật, hãy tuân thủ theo đúng chỉ định.

Đừng quên các cuộc hẹn tái khám định kỳ với bác sĩ. Bạn sẽ cần thực hiện vài xét nghiệm để đánh giá và theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi thay van tim.

Bên cạnh sự phục hồi về thể chất, bạn cũng cần chăm sóc cho sức khỏe tinh thần của mình. Sau khi phẫu thuật, các cảm giác lo lắng, phiền muộn hay trầm cảm có thể xuất hiện. Hãy chia sẻ với người thân, bạn bè hay tìm đến cộng đồng những người từng trải qua phẫu thuật thay van tim để cảm thấy đồng cảm hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/10/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo