backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp để kiểm soát hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 21/07/2022

    Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp để kiểm soát hiệu quả

    Huyết áp có thể thay đổi đáng kể trong ngày và không phải là dấu hiệu bệnh lý. Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp sẽ bao gồm các yếu tố có thể kiểm soát được và các yếu tố không thể kiểm soát. 

    Muốn ổn định huyết áp thì mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn các yếu tố tác động để biết được tại sao huyết áp lại tăng hay giảm bất thường nhé!

    Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp có thể kiểm soát

    1. Cân nặng

    cân nặng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

    Bạn càng nặng cân (thừa cân, béo phì) thì tim càng cần phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho các mô trong cơ thể để duy trì hoạt động. Khi khối lượng máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên, thì áp lực bên trong động mạch cũng tăng theo. 

    Theo thời gian, tình trạng này có thể gây căng thẳng cho tim và mạch máu, từ đó góp làm tăng huyết áp. Bạn hoàn toàn có thể giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý – một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp – bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất hàng ngày.

    2. Chế độ ăn uống

    Chế độ ăn uống là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp hàng đầu mà bạn nên quan tâm. Chế độ ăn quá nhiều muối (natri) và quá ít kali sẽ khiến bạn có nguy cơ bị cao huyết áp.

    Ăn quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể khiến cơ thể giữ nước và cũng khiến các động mạch co lại. Cả hai yếu tố đều làm tăng huyết áp. Hầu hết natri chúng ta ăn đều đến từ loại thực phẩm chế biến sẵn.

    Bạn có thể quan tâm: Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp? Tác hại của việc ăn mặn

    Bên cạnh đó, ăn quá ít kali, một khoáng chất mà cơ thể bạn cần để hoạt động bình thường, cũng có thể làm tăng huyết áp. Kali giúp cân bằng lượng natri trong tế bào và làm cho các tế bào cơ trơn trong động mạch giãn ra, từ đó giúp làm giảm huyết áp. Nếu bạn không có đủ kali trong chế độ ăn uống, hoặc mất quá nhiều kali do mất nước hoặc các tình trạng sức khỏe khác, natri có thể tích tụ trong máu và làm ảnh hưởng đến huyết áp.

    Ngoài ra, hàm lượng vitamin B-12, folate và sắt thấp có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu (thiếu máu), dẫn đến huyết áp thấp. Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng vitamin D có thể ảnh hưởng đến một loại enzym do thận sản xuất ra có ảnh hưởng đến huyết áp.

    chế độ ăn uống là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

    3. Mức độ hoạt động thể chất là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

    Hoạt động thể chất thường xuyên làm tăng lưu lượng máu qua tất cả các động mạch của cơ thể, dẫn đến giải phóng các hormone và cytokine tự nhiên giúp thư giãn các mạch máu, hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý và làm giảm huyết áp.

    Những người không hoạt động thể chất thường xuyên có xu hướng có nhịp tim nhanh hơn. Nhịp tim ảnh hưởng thế nào đến huyết áp hay tim đập nhanh có ảnh hưởng đến huyết áp không? Nhịp tim càng nhanh, tim sẽ càng phải làm việc nhiều hơn với mỗi lần co bóp và lực tác động lên động mạch càng mạnh. Ít hoạt động thể chất cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và ảnh hưởng đến huyết áp.

    4. Một số loại thuốc

    Một số loại thuốc có thể làm cho huyết áp và nhịp tim tăng lên bằng cách làm co thắt các động mạch, chẳng hạn như: 

    • Thuốc tránh thai 
    • Thuốc cảm 
    • Thuốc thông mũi 
    • Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen

    Một số loại thuốc khác có thể gây ra huyết áp thấp, bao gồm:

    • Thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như furosemide và hydrochlorothiazide
    • Thuốc chẹn alpha, chẳng hạn như prazosin
    • Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như atenolol và propranolol
    • Thuốc điều trị bệnh Parkinson, chẳng hạn như pramipexole hoặc những thuốc có chứa levodopa
    • Một số loại thuốc chống trầm cảm ba vòng, bao gồm doxepin và imipramine
    • Thuốc điều trị rối loạn cương dương, bao gồm sildenafil hoặc tadalafil, đặc biệt khi dùng chung với thuốc tim nitroglycerin.

    Bạn có thể quan tâm: Thuốc điều trị cao huyết áp và các tác dụng phụ thường gặp

    5. Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp: Thuốc lá

    Hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến huyết áp

    Hút thuốc lá có ảnh hưởng đến huyết áp không? Hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Đồng thời, hóa chất trong thuốc lá có thể làm hỏng niêm mạc của thành động mạch, khiến động mạch bị thu hẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến tim và mạch máu. Chất hóa học nicotine có chứa trong thuốc lá có thể kích thích cơ thể tăng tiết adrenaline. Đây là hormon gây tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim và làm tăng huyết áp.

    Bạn có thể quan tâm: Uống rượu, bia và hút thuốc có làm tăng huyết áp?

    6. Uống nhiều rượu bia và cà phê

    Đối với người trưởng thành, uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày có thể làm tăng huyết áp, bởi rượu kích hoạt hệ thống thần kinh adrenergic, gây co thắt mạch máu, đồng thời tăng lưu lượng máu và nhịp tim. Theo thời gian, uống nhiều rượu bia có thể gây hại cho tim. Uống nhiều hơn một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hơn hai ly mỗi ngày đối với nam giới là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp mà bạn cần biết để kiểm soát.

    Uống cà phê có ảnh hưởng đến huyết áp không? Uống nhiều hơn 4 tách cà phê mỗi ngày có thể làm tăng huyết áp bởi cà phê chứa caffeine. Caffeine có thể làm tăng huyết áp tạm thời, ngay cả khi bạn không bị huyết áp cao. Một số nhà nghiên cứu tin rằng caffeine có thể ngăn chặn một loại hormone giúp giữ cho động mạch giãn nở. Những người khác nghĩ rằng caffeine khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều adrenaline, khiến huyết áp tăng lên.

    Bạn có thể quan tâm: Tụt huyết áp nên uống gì? 6 loại thức uống dễ làm tại nhà

    tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

    7. Thức khuya, căng thẳng

    Thiếu ngủ hay thức khuya có ảnh hưởng đến huyết áp và gây căng thẳng thần kinh. Chất lượng giấc ngủ kém, thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm trong vài tuần có thể góp phần làm tăng huyết áp. Ngoài ra, mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. Bởi căng thẳng sẽ kích thích cơ thể tiết ra những hormon gây tăng huyết áp, bao gồm: hormon adrenalin, hormon tuyến giáp, hormon tuyến thượng thận,…

    Thức khuya và căng thẳng có thể khiến bạn có những thói quen xấu như ăn nhiều hơn, hút thuốc lá hoặc uống nhiều rượu, dẫn đến làm trầm trọng thêm vấn đề về huyết áp. Hãy duy trì thói quen sinh hoạt tốt như ngủ đủ giấc, nghỉ hợp hợp lý, áp dụng các kỹ thuật thư giãn và thiền định để giúp ổn định huyết áp hiệu quả.

    8. Bệnh mãn tính

    Bệnh mãn tính cũng có thể là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp, chẳng hạn như:

    • Chứng ngưng thở khi ngủ
    • Bệnh thận
    • Tiểu đường
    • Khối u tuyến thượng thận
    • Các vấn đề về tuyến giáp
    • Một số khiếm khuyết bẩm sinh trong mạch máu
    • Bệnh tim, chẳng hạn như nhịp tim chậm, bệnh van tim, đau tim hay suy tim
    • Bệnh Parkinson.

    Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp không thể kiểm soát

    Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp mà bạn không thể kiểm soát, bao gồm:

    • Thai kỳ. Những thay đổi trong cơ thể khi mang thai khiến các mạch máu giãn nở nhanh chóng. Những thay đổi này có thể làm giảm hoặc tăng huyết áp. Huyết áp thường trở lại mức trước khi mang thai sau khi sinh.
    • Tuổi tác: Huyết áp có thể thay đổi tăng hoặc giảm khi bạn càng lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi.
    • Giới tính: Trong độ tuổi dưới 64 tuổi, huyết áp cao phổ biến hơn ở nam giới. Phụ nữ có nhiều khả năng bị cao huyết áp sau 65 tuổi.
    • Tiền sử bệnh gia đình. Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn có tiền sử từng gặp vấn đề về huyết áp thì bạn cũng có nhiều khả năng mắc phải vấn đề tương tự.

    Ngoài ra, bạn có thể nhận thấy huyết áp của bản thân cũng có thể thay đổi vào các thời điểm khác nhau trong ngày hoặc khi nhiệt độ ngoài trời quá lạnh hoặc quá nóng. Khí hậu nóng làm giãn mạch máu và gây hạ huyết áp. Vậy, thời tiết có ảnh hưởng đến huyết áp không? Câu trả lời là có. Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến huyết áp bao gồm: khí hậu, nhiệt độ và thời gian trong ngày. Huyết áp thường thấp nhất vào ban đêm và tăng mạnh khi thức dậy vào buổi sáng.

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ về các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp. Từ đó, bạn có thể thực hiện các bước để kiểm soát huyết áp và giữ cho huyết áp ở mức ổn định. Khi đo huyết áp thì cần phải đo nhiều lần vào các thời điểm khác nhau trong ngày, kèm theo đánh giá các triệu chứng gặp phải để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Việc huyết áp thay đổi tăng giảm trong ngày có thể là điều hoàn toàn bình thường và không phải là dấu hiệu bệnh lý.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 21/07/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo