Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Căng thẳng có gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 21/07/2021

    Căng thẳng có gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu không?
    Quảng cáo

    Khi bị căng thẳng (stress), bạn sẽ có những biểu hiện về tâm lý, cảm xúc bất thường gây nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. Tình trạng căng thẳng kéo dài còn gây ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).

    Đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiết niệu (hay viêm đường tiết niệu) là tình trạng các vi sinh vật gây bệnh tấn công bất kỳ cấu trúc nào của đường tiết niệu. Các vi sinh vật gây bệnh thường gặp như vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Trong đó, phần lớn tình trạng đường tiểu bị nhiễm trùng là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) từ hệ tiêu hóa gây ra.

    Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiểu còn có khả năng phát sinh bởi một số yếu tố nguy cơ như:

    • Quan hệ tình dục quá nhiều
    • Thói quen vệ sinh cá nhân kém
    • Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường
    • Gặp khó khăn trong việc đào thải hoàn toàn nước tiểu trong bàng quang
    • Đặt ống thông tiểu
    • Sỏi thận
    • Lạm dụng phương pháp tránh thai
    • Phụ nữ mãn kinh

    Mặc dù, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy căng thẳng stress gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng căng thẳng có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Đồng thời, căng thẳng stress cũng có thể khiến một số triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu trở nên nghiêm trọng hơn.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn thông tin về căng thẳng stress có hại đến người bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu như thế nào.

    Ảnh hưởng của căng thẳng stress đến việc phát triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

    Ảnh hưởng của căng thẳng stress đến việc phát triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

    Tình trạng căng thẳng stress kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó tránh khỏi sự xâm nhập của các loại vi sinh vật gây bệnh. Nguyên nhân là do khi căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại hormone gọi là cortisol. Hàm lượng cortisol tăng cao trong thời gian dài sẽ khiến hệ thống miễn dịch giảm khả năng tạo ra kháng thể khỏe mạnh chống lại tình trạng viêm và nhiễm trùng.

    Căng thẳng và sức khỏe đường tiết niệu có sự tương tác hai chiều. Căng thẳng có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng. Mặt khác, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cũng ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, gây căng thẳng thần kinh, trầm cảm và lo âu. Trong một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng những người mắc các bệnh về đường tiết niệu phải chịu mức độ căng thẳng tâm lý cao hơn bình thường. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.

    Căng thẳng stress ảnh hưởng đến các triệu chứng bệnh về đường tiết niệu như thế nào?

    Triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở mỗi người có thể khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như bộ phận bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số triệu chứng chung thường gặp bao gồm:

    • Có cảm giác buồn tiểu rõ và xảy ra với tần suất cao bất thường
    • Nước tiểu đục, sẫm màu và có mùi hôi
    • Cảm thấy đau rát khi tiểu
    • Đau thắt lưng và đau bụng
    • Sốt

    Lo lắng và căng thẳng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn một số triệu chứng đường tiết niệu dưới khác, ngay cả khi bạn không bị nhiễm trùng. Trong một nghiên cứu năm 2015, những người mắc chứng bàng quang hoạt động quá mức (OAB) – một tình trạng khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn, có mức độ căng thẳng cao hơn đáng kể so với những người không bị tình trạng này. Bên cạnh đó, khi mức độ căng thẳng tăng lên, người bệnh có thể cảm thấy cấp bách mỗi khi đi tiểu, thậm chí xuất hiện các triệu chứng bệnh viêm bàng quang kẽ.

    Hơn nữa, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu khác vào năm 2019 liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên có các triệu chứng đường tiết niệu dưới không do nhiễm trùng. Tại đây, họ phát hiện ra rằng khoảng 20% người bệnh ​​có mức độ căng thẳng cao hơn đáng kể so với những người không có triệu chứng. Sự căng thẳng khiến các triệu chứng đường tiết niệu trở nên nghiêm trọng hơn.

    Thay đổi lối sống để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

    thiền giúp giảm căng thẳng và cải thiện triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

    Một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu như:

    • Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên, tuyệt đối không nhịn tiểu
    • Tránh dùng bia, rượu hay thức uống chứa nhiều caffeine có khả năng kích thích bàng quang
    • Dùng khăn sạch để lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh
    • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ
    • Tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm bồn
    • Tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh có mùi thơm dễ gây kích ứng vùng kín
    • Tránh dùng nước hoa lên bộ phận sinh dục
    • Ưu tiên chọn đồ lót làm bằng vải cotton thoáng mát
    • Vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ tình dục
    • Kiểm soát căng thẳng để tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tham gia các hoạt động thể chất, thiền, tập yoga, suy nghĩ tích cực,…

    Tuy căng thẳng stress không gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng nó có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và các bệnh khác. Căng thẳng cũng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở đường tiết niệu ngay cả khi bạn không bị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, khi có những biểu hiện như căng thẳng, mất ngủ, rối loạn cảm xúc,… bạn cần phải thay đổi lối sống, sinh hoạt và sắp xếp công việc hợp lý. Thậm chí, bạn nên cân nhắc đến việc gặp chuyên gia tâm lý để có biện pháp can thiệp kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 21/07/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo