Nhiều người khi nhận chẩn đoán bệnh sỏi thận thì rất hoang mang với câu hỏi: Bị sỏi thận có nguy hiểm không? Căn bệnh này nên chữa trị như thế nào để vừa hiệu quả vừa an toàn?
Sỏi thận thường gây nên chứng đau lưng, tiểu buốt, tiểu rắt rất khó chịu. Không ít người bị sỏi thận chưa thực sự hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh này và băn khoản không biết sỏi thận có nguy hiểm không, liệu có phát triển thành biến chứng nghiêm trọng và cần điều trị ra sao để sống khỏe hơn.
Để trả lời những thắc mắc này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau đây!
Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?
Thông thường, người bệnh phát hiện bị sỏi khi có những triệu chứng kể trên hoặc vô tình phát hiện khi tiến hành khám sức khỏe định kỳ. Một điều may mắn là sỏi thận không gây ảnh hưởng kéo dài cho người bệnh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, bạn không nên bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Bị sỏi thận có phải mổ không thì tùy vào kích thước và vị trí của viên sỏi. Có người chỉ cần uống thuốc, uống nhiều nước để tống sỏi ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu sỏi quá lớn hay bị kẹt trong đường tiết niệu, gây ra biến chứng, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, nếu nhận thấy người bệnh có nguy cơ tái phát sỏi sau điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc điều trị dự phòng.
Vì vậy, bị sỏi thận có nguy hiểm không tùy thuộc vào việc bạn có phát hiện sớm và được điều trị đúng cách, kịp thời hay không. Nếu như chủ quan, bạn có thể phải gánh chịu các biến chứng của bệnh này hoặc gặp tình trạng sỏi tái phát nhiều lần.
Hậu quả của bệnh sỏi thận có thể bao gồm:
1. Tắc nghẽn đường tiết niệu
Sỏi thận để lâu có nguy hiểm không thì câu trả lời là có. Sỏi thường xuất hiện ở đài thận, bể thận nhưng chúng sẽ không đứng yên mà có thể dần di chuyển theo dòng chảy của nước tiểu. Sỏi đi vào các đường ống hẹp hơn như niệu quản, niệu đạo gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Hậu quả là nước tiểu bị ứ đọng tại thận và các vị trí khác gây nên tình trạng thận ứ nước, giãn đài thận, bể thận, niệu quản ứ nước… Đây là những nguyên nhân chính làm cho bệnh nhân thường xuyên gặp những cơn đau quặn thận dữ dội kèm theo tình trạng tiểu rắt, bí tiểu dai dẳng.
2. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Sỏi thận tồn tại lâu ngày trong cơ thể có thể trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây hại. Những vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng thận và lan sang các vị trí khác (đường tiết niệu, bàng quang). Ngoài ra, những viên sỏi kích thước lớn, có cạnh sắc nhọn khi di chuyển sẽ cọ xát gây tổn thương thận, niệu quản, gây viêm bể thận, xơ thận, teo thận… Nên nếu hỏi bệnh sỏi thận có nguy hiểm không thì phải hết sức lưu ý đến biến chứng này.
Dấu hiệu cảnh báo bạn bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu là đau bụng dưới, cảm giác nóng buốt mỗi lần đi tiểu, màu sắc nước tiểu bất thường (hồng, nâu, đỏ) kèm theo váng và mùi hôi khó chịu.
3. Suy thận cấp tính, mạn tính
Tình trạng thận bị ứ nước mức độ nặng (độ 2, độ 3) kèm theo bị nhiễm trùng sẽ hủy hoại thận dần dần, làm suy giảm chức năng thận. Khi thận suy yếu quá mức, người bệnh cần phải lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Người bị suy thận sẽ có các triệu chứng tiểu đêm nhiều lần, nước tiểu có bọt và có lẫn máu, sưng phù chân tay, thay đổi vị giác…
4. Sỏi thận có nguy hiểm không khi làm tăng nguy cơ vỡ thận?
Vỡ thận là một biến chứng sỏi thận rất hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thực tế, vách thận rất mỏng nên nếu tình trạng ứ nước kéo dài kèm theo sưng viêm, phù nề sẽ làm tăng áp lực thận quá mức gây vỡ thận đột ngột. Người bị vỡ thận cần mổ cấp cứu ngay lập tức.
Khi nào cần mổ và mổ sỏi thận có nguy hiểm không?
Nếu thường xuyên phải chịu những cơn đau hay những bất tiện, khó chịu do sỏi thận gây ra, người bệnh thường có xu hướng mổ nhằm “trục xuất” sỏi ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt. Thực tế, không phải tất cả các trường hợp bị sỏi thận đều cần phải phẫu thuật mới có thể loại bỏ sỏi.
Nếu sỏi có kích thước nhỏ, nằm ở những vị trí thuận lợi thì dùng thuốc hoặc uống nhiều nước để đào thải sỏi ra ngoài qua nước tiểu. Tán/ mổ sỏi thận chỉ là giải pháp khi không thể lựa chọn các cách điều trị không xâm lấn, trong các trường hợp như:
- Sỏi thận kích thước lớn hơn 20mm, không đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa, không thể đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
- Sỏi thận chỉ 10mm nhưng gây biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường tiết niệu, viêm đường tiết niệu, thận ứ nước (từ độ 2 trở lên).
- Sỏi thận gây đau đớn dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày.
Tán hay mổ sỏi thận là kỹ thuật hiện đại nhưng vẫn có những rủi ro nhất định. Khoảng 5–9% người bệnh gặp rủi ro sau mổ như tổn thương thận – niệu quản, sót vụn sỏi trong thận, niệu quản, rối loạn chức năng tiết niệu (tiểu són, tiểu không tự chủ), nhiễm trùng đường tiết niệu và nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng. Thực tế có rất nhiều trường hợp phải tán sỏi 2–3 lần mới hết, nhưng không có nghĩa là sỏi không tái phát lại, nhất là với những người có nguy cơ cao.
Do đó, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân điều trị sỏi thận bằng thuốc và uống nhiều nước nếu sỏi nhỏ để đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh không phải phẫu thuật gây tốn kém.
Qua bài viết trên, chắc bạn đã hiểu thêm và biết được sỏi thận có nguy hiểm không. Bạn đừng quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan khi được chẩn đoán có sỏi thận. Hãy tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị từ bác sĩ nhé.
Bạn có thể quan tâm: Đi tìm câu trả lời cho việc sỏi thận nên ăn gì.