backup og meta

Cách nhận biết dấu hiệu viêm tai ngoài và giải pháp phòng ngừa hiệu quả

Cách nhận biết dấu hiệu viêm tai ngoài và giải pháp phòng ngừa hiệu quả

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm tai rất phổ biến, nhưng việc phòng ngừa bệnh lại rất đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ các cách phòng tránh này.

Viêm tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng ở ống tai ngoài, trước màng nhĩ. Thông thường, bạn bị viêm tai ngoài do nước vẫn còn đọng lại sau khi bơi, tạo ra một môi trường ẩm ướt giúp phát triển vi khuẩn.

Ngoài ra, dùng vật cứng hoặc tăm bông không đúng cách có thể làm rách lớp lót ống tai, khiến vi khuẩn xâm nhập vào da bên trong ống tai và gây viêm. Thông thường, các thuốc nhỏ tai có thể giúp điều trị viêm tai ngoài. Điều trị kịp thời cũng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng và nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Viêm tai ngoài là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt ở những người thường xuyên bơi lội. Vậy làm sao để phòng tránh tình trạng này? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây nhé.

Phòng ngừa trước khi bơi

  • Mang nút bịt tai. Nút bịt tai sẽ giúp nước không vào tai, do đó bạn sẽ ít gặp các vấn đề ở tai hơn. Bạn nên lựa chọn nút bịt tai dùng để bơi lội vừa vặn với tai để tránh rớt khi đang bơi. Ngoài ra, việc mang nón bơi che tai cũng có thể hạn chế nước vào tai.
đeo nón bơi phòng ngừa viêm tai ngoài
Việc mang nón bơi che tai cũng có thể hạn chế nước vào tai
  • Đừng bơi trong hồ bơi dơ. Trước khi bơi, bạn nên kiểm tra nước trong hồ trong hay đục, có nhiều rác không. Nếu hồ không được thường xuyên vệ sinh, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn trong tai khi bơi tại đây. Ngoài ra, không bơi ở ao, hồ, sông suối vì nguy cơ nhiễm khuẩn và đuối nước rất cao.

Phòng ngừa sau khi bơi

  • Lắc hoặc nghiêng đầu để nước từ tai chảy ra ngoài. Bạn có thể kéo dái tai để nước dễ chảy ra hơn.
  • Lau khô tai. Bạn sử dụng khăn sạch để lau nhẹ bên ngoài tai. Bạn cũng có thể sử dụng máy sấy tóc ở chế độ mát và giữ cách tai khoảng 30cm để làm khô tai.
  • Sử dụng các thuốc nhỏ tai. Bạn mua thuốc nhỏ tai không cần kê đơn để giúp làm khô phần nước còn sót lại. Tuy nhiên, bạn không nên dùng thuốc nhỏ tai nếu bị đau tai, phẫu thuật tai hoặc rách màng nhĩ (thủng màng nhĩ).

Các biện pháp phòng chống bệnh về tai

Mặc dù nguyên nhân chính khiến bạn bị viêm tai ngoài là nhiễm vi khuẩn do bơi lội, nhưng các nguyên nhân khác vẫn gây ra tình trạng này. Vậy làm sao để phòng tránh các nguyên do này? Bạn hãy thử áp dụng các mẹo sau đây nhé.

  • Đừng đưa vật cứng vào tai. Nghe có vẻ quen nhưng nhiều người thường quên và vô tình đưa những vật cứng, như tăm bông, kẹp tóc, viết, bút chì, ngón tay, khăn giấy… vào ống tai. Điều này không chỉ làm rách lớp da mỏng trong tai mà còn làm tăng khả năng nhiễm trùng, gây viêm tai ngoài.
  • Không nên lấy ráy tai thường xuyên. Bạn có biết ráy tai đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đôi tai khỏi nhiễm trùng? Vì vậy, khi cố gắng lấy nó ra, bạn sẽ vô tình làm tăng nguy cơ mắc viêm tai ngoài. Hơn thế nữa, lấy ráy tai không đúng cách có thể làm nó đẩy sâu vào trong tai hơn. Việc ráy tai quá nhiều hoặc quá ít có thể khiến bạn gặp vấn đề ở tai. Nếu nghĩ rằng bạn thực sự có quá nhiều ráy tai, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra phương pháp lấy ráy tai an toàn nhé.
tăm bông gây viêm tai ngoài
Lấy ráy tai không đúng cách có thể làm nó đẩy sâu vào trong tai hơn
  • Hạn chế sử dụng tai nghe. Tai nghe, đặc biệt là loại nhét vào lỗ tai, đôi khi có thể làm trầy xước da, dẫn đến nhiễm trùng.
hạn chế sử dụng tai nghe phòng viêm tai ngoài
Tai nghe có thể làm trầy xước da, dẫn đến nhiễm trùng
  • Vệ sinh máy trợ thính sạch sẽ. Giống như tai nghe, máy trợ thính có thể cọ vào ống tai và dẫn đến viêm tai ngoài. Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên tháo máy trợ thính trước khi đi ngủ và thường xuyên vệ sinh máy sạch sẽ.
  • Đặt bông gòn vào tai trước khi sử dụng keo xịt tóc, thuốc nhuộm hoặc các sản phẩm khác. Một số người bị viêm tai ngoài do hóa chất trong mỹ phẩm gây kích ứng da.

Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn bị tiểu đường hoặc các vấn đề miễn dịch (như HIV). Bạn có thể có nhiều khả năng bị viêm tai ngoài và các biến chứng nghiêm trọng. Bạn cũng cần hỏi bác sĩ các cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và đến khám ngay khi bị đau tai.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu chẳng may bị viêm tai ngoài, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để tìm ra cách điều trị thích hợp. Thực tế, các triệu chứng viêm tai ngoài ban đầu thường nhẹ, nhưng sẽ nặng dần nếu không được điều trị.

Các triệu chứng viêm tai ngoài nhẹ gồm:

  • Ngứa trong ống tai
  • Phần trong tai hơi đỏ
  • Hơi khó chịu nhẹ ở tai. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn khi bạn kéo dái tai.
  • Chảy dịch trong suốt và không mùi từ tai

Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn của viêm tai ngoài như:

  • Ngứa tai dữ dội hơn
  • Cơn đau tai ngày càng tăng
  • Tai đỏ nhiều hơn
  • Dịch chảy quá nhiều từ tai
  • Cảm giác đầy bên trong tai và tắc nghẽn một phần ống tai do sưng và dịch
  • Giảm thính lực

Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có các dấu hiệu sau:

  • Cơn đau dữ dội có thể lan ra mặt, cổ hoặc một bên đầu
  • Hoàn thành tắc nghẽn ống tai khiến bạn không nghe rõ
  • Đỏ hoặc sưng tai ngoài
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Sốt

Hy vọng những thông tin hữu ích trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc phòng ngừa viêm tai ngoài. Các biện pháp này không khó thực hiện, vì vậy đừng chần chờ gì mà không thử ngay từ bây giờ nhé.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Swimming’s ear. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/swimmers-ear/symptoms-causes/syc-20351682. Ngày truy cập 24/10/2019

Swimmer’s ear. https://www.webmd.com/cold-and-flu/ear-infection/understanding-swimmer-ear-prevention#1. Ngày truy cập 24/10/2019

Swimmer’s ear. https://www.verywellhealth.com/can-i-prevent-swimmers-ear-1192235. Ngày truy cập 24/10/2019

Swimming and Ear Infections

https://www.cdc.gov/healthywater/swimming/swimmers/rwi/ear-infections.html Truy cập ngày 08/07/2021

Swimmer’s ear (otitis externa)

https://www.healthdirect.gov.au/swimmers-ear Truy cập ngày 08/07/2021

Phiên bản hiện tại

08/07/2021

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 Mẹo hay giúp đẩy nước khỏi tai nhanh chóng

Viêm tai giữa ở trẻ em: Nguyên nhân và biện pháp điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 08/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo