backup og meta

U tuyến nước bọt mang tai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị hiệu quả

U tuyến nước bọt mang tai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị hiệu quả

U tuyến nước bọt mang tai là sự tăng sinh bất thường của các tế bào trong tuyến mang tai, dần dần tạo nên khối u.

Vậy, u tuyến nước bọt mang tai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị u tuyến mang tai ra sao? U tuyến nước bọt mang tai có nguy hiểm không? Tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có câu trả lời.

U tuyến nước bọt mang tai là gì?

Bạn đang thắc mắc u tuyến mang tai là gì? Hãy để Hello Bacsi giải đáp giúp bạn.

Nước bọt hay còn gọi là nước miếng, được tiết ra từ các tế bào niêm dịch và thanh dịch của tuyến nước bọt để bảo vệ môi trường miệng họng, giúp làm mềm và tiêu hóa thức ăn ở giai đoạn khởi đầu. Có 3 cặp tuyến nước bọt chính ở 2 bên mặt đó là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Ngoài ra còn rất nhiều tuyến nước phụ, nhỏ, nằm rải rác ở vùng môi, lưỡi, má. Các tuyến phụ cùng tuyến dưới lưỡi và một phần tuyến dưới hàm tiết ra dịch nhầy có nhiệm vụ làm ẩm và bôi trơn.

Tuyến mang tai và một phần tuyến dưới hàm tiết ra thanh dịch giúp tiêu hóa thức ăn. U có thể hình thành ở bất cứ vùng tuyến nào và được gọi chung là bệnh u tuyến nước bọt, trong đó, u tuyến nước bọt mang tai là phổ biến nhất.

Vậy, u tuyến nước bọt mang tai có nguy hiểm không? Đa phần các khối u tuyến nước bọt đều lành tính, tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan vì vẫn có một tỷ lệ nhỏ biến thành u ác tính.

Nguyên nhân gây ra u tuyến nước bọt mang tai

Tuyến nước bọt mang tai nằm ngay phía trước dưới lỗ tai, ở cả 2 bên của mặt. Nó là tuyến lớn nhất, “chủ lực” nhất để tiết ra nước bọt dạng thanh dịch, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.

Khi các tế bào ở trong tuyến tăng sinh một cách bất thường sẽ tạo thành khối u. Hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bị u tuyến nước bọt mang tai. Các nghiên cứu về di truyền vẫn đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân gây nên sự xuất hiện của “cái cục” phiền hà đó. Một nguyên nhân nghi vấn “hình như có khả năng” đó là do… hút thuốc. Trong một số trường hợp ác tính, người ta thấy ung thư da có thể di căn vào tuyến mang tai. 

Triệu chứng nhận biết tuyến mang tai có khối u

u tuyến nước bọt mang tai

Thông thường, khi bị u tuyến mang tai sẽ có những triệu chứng để bạn nhận biết như:

  • Sưng ở mặt vùng mang tai hoặc góc hàm, nhìn như bị “đắp” thêm, đầy lên nhưng không gây tấy đỏ và đau đớn. Vùng sưng có thể phát triển nhanh chậm, to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào bản chất của u. Sưng chậm là dấu hiệu của khối u lành tính trong khi sưng nhanh có nhiều nguy cơ là báo hiệu khối u ác tính.
  • Các triệu chứng u tuyến nước bọt mang tai khác bao gồm cảm giác tê, rát hoặc kim châm ở mặt. Tệ hơn một chút là tình trạng cơ mặt bên đó bị yếu, khó cử động do dây thần kinh mặt bị “xâm phạm”. Vì dây thần kinh mặt chạy xuyên qua tuyến, chia tuyến thành 2 thùy, thùy nông và thùy sâu. Nên, khi dây thần kinh mặt “có vấn đề” thì đó là dấu hiệu báo động về nguy cơ ác tính của khối u. Đến đây, chắc rằng bạn đã biết u tuyến mang tai có nguy hiểm không.

Phương pháp chẩn đoán

Khi tuyến nước bọt lớn hơn bình thường, chủ yếu là ở tuyến mang tai, được xem là nhiều khả năng có khối u. Mặc dù đó có thể là khối u lành tính nhưng bạn vẫn cần đi khám và xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác. Các phương pháp kiểm tra u tuyến nước bọt mang tai bao gồm:

  • Thăm khám: Trước tiên, bác sĩ sẽ quan sát chỗ sưng, nhận định những biến đổi của da trên bề mặt, coi sự cử động của các cơ mặt bên đó. Sờ nắn để tìm khối u tại chỗ và xung quanh vùng cổ mặt, nhận định về độ lớn, giới hạn và độ di động của khối u đó.
  • Chụp X-quang: Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định bạn chụp X-quang vùng tuyến nước bọt để tìm hình ảnh khối u một cách tương đối rõ ràng.
  • Siêu âm, chụp CT hoặc MRI để đánh giá chính xác về kích thước khối u, sự xâm lấn và di căn đến các hạch bạch huyết ở vùng cổ. Nếu hình ảnh gợi ý cho thấy có sự di căn thì nguy cơ cao đó là khối u ác tính.
  • Sinh thiết: Bác sĩ dùng kim nhỏ hoặc kim lõi để chọc vào khối u, hút lấy mẫu tế bào và chất dịch trong đó để làm giải phẫu bệnh nhằm xác định chắc chắn bản chất của khối u là loại gì, lành hay ác.

Điều trị u tuyến nước bọt mang tai

điều trị u tuyến nước bọt mang tai

U tuyến mang tai có nên mổ không là thắc mắc của nhiều người. Phương pháp điều trị u tuyến nước bọt mang tai là phẫu thuật để loại bỏ khối u. Nếu là khối u ác tính thì bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị bổ sung như xạ trịhóa trị.

Các dạng phẫu thuật để loại bỏ khối u bao gồm:

  • Cắt bỏ một phần tuyến có khối u: Đối với hầu hết các khối u nhỏ ở tuyến mang tai, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối u và một số mô tuyến mang tai lành dính xung quanh.
  • Cắt bỏ toàn bộ tuyến nước bọt mang tai: Nếu là khối u lớn hơn, ảnh hưởng đến các phần sâu hơn thì bác sĩ phải làm một phẫu thuật lớn hơn để loại bỏ toàn bộ tuyến nước bọt mang tai.
  • Phẫu thuật điều trị ung thư: Nếu được xác định là ung thư, bệnh nhân sẽ cần một cuộc “đại phẫu”, phức tạp hơn và triệt để hơn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ toàn phần tuyến có u và những tổ chức bị xâm lấn ở xung quanh, nạo vét những hạch bị di căn. Do mức độ “tàn phá” của nó nên rất nhiều chức năng ở vùng mặt bị ảnh hưởng. Cho nên, để cải thiện khả năng nhai, nuốt, thở, nói và cử động cơ mặt, bác sĩ thường tiến hành ghép da, mô, xương hoặc chuyển tiếp dây thần kinh từ bộ phận khác tới để “lấp vào chỗ trống” cho những phần đã bị loại bỏ và khôi phục lại phần nào cử động của các cơ mặt.

Có biến chứng sau phẫu thuật tuyến mang tai không? Sau phẫu thuật u tuyến mang tai, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ quyết định sử dụng xạ trị, hóa trị nếu ung thư đã xâm lấn nhiều và di căn xa.

Hầu hết trường hợp u tuyến nước bọt mang tai thường lành tính và không phát triển thành ung thư. Do đó, chỉ cần phẫu thuật để loại bỏ khối u là ổn, mặt mũi lại “đẹp như xưa”. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan vì vẫn có trường hợp khối u là ung thư, cho nên, khi bỗng dưng phát hiện ra gương mặt mình nó hơi bị… “là lạ” ở “chỗ đó” thì cần đi khám sớm để tránh những rủi ro đáng tiếc.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Salivary gland tumors

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/parotid-tumor/cdc-20388269

Truy cập ngày 03/08/2021

Salivary Gland Tumor

https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/salivary-gland-tumor Truy cập ngày 03/08/2021

Benign Salivary Gland Tumors

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK564295/ Truy cập ngày 03/08/2021

Salivary Gland Disease and Tumors

https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/s/salivary-gland-disease-and-tumors.html Truy cập ngày 03/08/2021

Salivary gland tumors

https://radiopaedia.org/articles/salivary-gland-tumours Truy cập ngày 03/08/2021

Phiên bản hiện tại

19/10/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Cắt bỏ tuyến dưới hàm

Viêm tuyến nước bọt


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 19/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo