backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Nguyên nhân gây ngứa lỗ tai là gì? Bật mí cách khắc phục hiệu quả nhất

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long · Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 27/06/2023

    Nguyên nhân gây ngứa lỗ tai là gì? Bật mí cách khắc phục hiệu quả nhất

    Ngứa lỗ tai là hiện tượng không quá hiếm gặp và ai cũng có thể mắc phải. Việc xác định được đúng nguyên nhân gây ngứa lỗ tai giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải tình trạng này. 

    Trong bài viết này đề cập đến việc trong tai bị ngứa thật sự chứ không phải chuyện “ngứa tai” khi nghe một điều gì đó “không lọt lỗ nhĩ”. Ai cũng có thể bị ngứa tai, ngứa “muốn gãi” một vài lần trong đời. Tuy nhiên, bạn khó có thể làm hết ngứa tai nếu chưa biết rõ nguyên nhân cụ thể.

    Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ngứa lỗ tai, từ nguyên nhân tại chỗ cho đến nguyên nhân toàn thân. Khi hiểu được nguyên nhân nào đang gây ngứa lỗ tai thì bản thân sẽ bớt lo lắng và có hướng xử trí phù hợp. Để “thấu hiểu”, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 8 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này ngay trong bài viết sau.

    8 nguyên nhân gây ngứa lỗ tai

    1. Lỗ tai quá khô

    Bình thường, da ống tai luôn có một độ ẩm nhất định do chất bã nhờn tiết ra bao phủ bề mặt để bảo vệ ống tai. Chất này đặc như sáp và thường được gọi là ráy tai. Ráy tai sinh lý đó sẽ “thu gom” các tế bào chết, bụi mịn, vi khuẩn… bám trên ống tai và dần dần khô đi, sau đó tự rớt ra ngoài mà không cần phải “khai quật” bởi tăm bông và móc ráy.

    Nếu bạn vệ sinh tai quá mức, làm mất hết màng ráy bảo vệ thì da ống tai sẽ bị khô đi, kích ứng gây ngứa lỗ tai và suy yếu sức đề kháng, tạo điều kiện để vi khuẩn và vi nấm tấn công. Một số người, do cơ địa, tế bào chế tiết của da ống tai hoạt động kém hiệu quả, không cung cấp đủ bã nhờn để duy trì độ ẩm, khiến tai bị khô, dễ kích ứng gây ngứa ngáy trong tai. Ở những người này, triệu chứng dễ nhận biết nhất là da vùng cửa tai hay bị bong tróc.

    Không ít người có cái “thú” lấy ráy tai, không làm không chịu được và trở thành “nghiện”. Đương nhiên là càng ráy thì tai càng khô, mà càng khô thì càng ngứa, mà càng ngứa thì càng ráy. Cái vòng luẩn quẩn đó có nguy cơ biến thành “thú đau thương” khi da ống tai bị “hành” dẫn tới tổn thương và viêm nhiễm khiến bạn bị ngứa trong tai.

    Cách khắc phục ngứa lỗ tai do quá khô

    Để xử lý tình trạng này, bạn không nên “vệ sinh” tai quá kỹ. Hãy để tai tự làm công việc của nó. Ở những người tai khô do cơ địa, nên làm ẩm da ống tai bằng dầu em bé hoặc dầu ô liu. Có thể bôi qua tăm bông nhỏ hoặc nhỏ một vài giọt ở cửa tai cho dầu lan tỏa vào trong ống tai. Điều này đôi khi cũng có thể giúp giảm ngứa trong tai. 

    2. Ngứa lỗ tai do nhiễm trùng

    Ngứa lỗ tai liên tục

    Viêm tai giữa trong đợt cảm lạnh hoặc cảm cúm do virus, sau đó có thể bội nhiễm vi khuẩn. Đôi khi, triệu chứng ngứa trong tai là do tai bị nhiễm trùng và cũng là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đang tiến triển. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám để được điều trị, tránh biến chứng thủng nhĩ, trở thành viêm mạn tính hoặc các biến chứng nội sọ nguy hiểm khác. Khi tai giữa bị viêm, màng nhĩ bị thủng, dịch viêm chảy ra ống tai có thể gây viêm ống tai và kích ứng gây ngứa lỗ tai.

    Bên cạnh đó, viêm ống tai ngoài cũng có thể xảy ra nếu nước bị đọng trong tai hoặc ráy tai tích tụ quá nhiều, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

    Cách khắc phục lỗ tai bị ngứa do nhiễm trùng

    Bạn nên tránh để nước đọng trong tai, lấy ráy tai đúng cách. Nhờ bác sĩ tư vấn nếu thấy viêm có xu hướng nặng lên. Khi đó, bác sĩ sẽ làm sạch ống tai và làm thuốc tai cho bạn. Một số loại thuốc kháng sinh nhỏ tai, kể cả kháng sinh uống được sử dụng để khống chế nhiễm trùng.

    3. Dị ứng thực phẩm

    Tình trạng dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ngứa lỗ tai. Nhiều người do cơ địa “bất dung nạp” nên phải kiêng khem đủ thứ. Các thực phẩm có nguy cơ gây dị này, bao gồm:

    • Sữa
    • Bột mì
    • Quả hạch
    • Đậu nành
    • Cá và hải sản có vỏ (tôm, cua, sò, ốc, nghêu…)
    • Các chất phụ gia, hương liệu dùng trong chế biến thực phẩm, men bia… 

    Nếu đã bị ngứa tai (ngứa lỗ tai) do dị ứng, bạn cũng có thể cảm thấy ngứa những phần còn lại trên khuôn mặt, thậm chí ngứa toàn thân và nổi mề đay. Đây là phản ứng dị ứng của toàn thân mà da ống tai chỉ là một phần rất nhỏ trong đó mà thôi.

    Một số người mắc hội chứng dị ứng miệng, thường gây ngứa quanh miệng khi ăn một số loại thực phẩm như:

    • Hạt dẻ (hạt phỉ) 
    • Hạt hạnh nhân
    • Hạt hướng dương
    • Trái cây như táo, dưa, cherry, kiwi và chuối

    Cách khắc phục tai bị ngứa do dị ứng thực phẩm

    Ở những người bị dị ứng thức ăn thì triệu chứng ngứa ngáy trên da thịt, ngứa tai chỉ là “thường thường bậc trung” thôi nếu triệu chứng ngứa chỉ dừng ở đó và người ăn thầm hứa sẽ không “tái phạm”.
    Nhưng, không ít các trường hợp, khi cơ thể phản ứng quá mức với tác nhân dị ứng, gây phù nề các tổ chức lỏng lẻo như môi, lưỡi, sàn miệng, họng, thanh quản, đe dọa bít tắc đường thở và nặng hơn nữa là sốc phản vệ gây nguy hiểm tính mạng. Những trường hợp này đòi hỏi phải được can thiệp cấp cứu y khoa khẩn cấp.

    4. Lỗ tai bị ngứa ráy tai tích tụ

    Bị ngứa lỗ tai do ráy tai tích tụ

    Như đã nói ở trên, ráy tai sinh lý có tác dụng như một “tấm khiên” bảo vệ da ống tai và “tóm” những chất bẩn để tống ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, nó bị dính lại, tích tụ thành “cái nút” ráy, nằm “chình ình” bít tắc ống tai, không cho âm thanh lọt vào, tạo môi trường nuôi cấy vi khuẩn và vi nấm, gây kích ứng ngứa ngáy, gây viêm nhiễm và ù tai nghe kém.

    Hành vi vệ sinh tai không đúng cách như dùng tăm bông, que lấy ráy không kiểm soát, sẽ vô tình đẩy dồn ráy vào sâu thay vì để nó tự di chuyển ra phía ngoài, khô đi và rớt xuống. Cần cảnh báo, cách lấy ráy tai nguy hiểm như dùng nến xông tai còn có thể gây bỏng, làm tổn thương dẫn đến chít hẹp ống tai sau này.

    Cách xử lý ráy tai tích tụ gây ngứa trong tai

    Điều quan trọng là bạn nên học cách vệ sinh tai đúng cách. Lưu ý rằng, động tác nhai, chạy nhảy, vận động sẽ làm cho ráy tai bị “lay động” mà dễ bong tróc ra hơn. Nếu ráy tai tạo thành nút, cần phải đi khám và lấy ra. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể lấy trực tiếp hoặc dùng thuốc nhỏ làm tan rã ráy và hút rửa ống tai.

    >>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bí quyết giúp bạn làm sạch tai an toàn

    5. Dùng máy trợ thính

    Một số người có da nhạy cảm dễ bị kích ứng hoặc có cơ địa dị ứng với chất liệu nhựa của máy trợ thính nên dễ bị ngứa tai khi đeo máy. Hơn nữa, nếu trong tai có nước đọng, sẽ không thoát ra được vì máy bịt kín cửa tai, cũng sẽ gây viêm ngứa cho dù không có dị ứng.

    Hướng xử lý

    Những trường hợp nút máy quá to so với ống tai, đè ép da ống tai gây viêm ngứa thì nên yêu cầu các chuyên gia điều chỉnh lại cho phù hợp.

    6. Tai bị ngứa bên trong do ứ đọng nước bẩn

    ngứa lỗ tai do ứ đọng nước bẩn

    Khi nước ứ đọng trong tai mà không thoát ra được, da ống tai bị ngấm nước sẽ suy giảm sức đề kháng tại chỗ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm. Khi viêm, da ống tai sẽ rất ngứa ngáy, khó chịu. Tình trạng ngứa lỗ tai này thường thấy ở những người ham bơi lặn và trẻ nhỏ vui chơi “quá đà” trong nước hồ ao, kênh rạch. Khi tình trạng viêm tiến triển nặng lên, ngoài triệu chứng ngứa trong tai còn xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Đau tai
  • Chảy dịch tai
  • Sưng nề quanh tai
  • Đau nhức cổ mặt và đầu
  • Sưng đau hạch cổ
  • Cảm giác tai bị đầy, nghẽn
  • Nghe kém, ù tai
  • Cách khắc phục tai bị ngứa bên trong do nước bẩn

    Để tránh tình trạng ngứa lỗ tai không mong muốn này, bạn nên có dụng cụ bịt tai khi bơi lặn, ngăn nước bẩn lọt vào tai. Không nên “ngâm” tai quá lâu trong nước, kể cả trong hồ bơi nước sạch. Sau khi “thỏa chí tang bồng” trong nước xong, phải lau khô vùng tai, tránh để nước đọng trong tai.
    Khi bị viêm ống tai, nhất là khi viêm tiến triển nặng mà các biện pháp “tự xử” tại nhà không có tác dụng thì bạn nên sử dụng “quyền được trợ giúp” từ chuyên gia y tế. Các bác sĩ có thể làm thuốc tai sau đó hướng dẫn bạn nhỏ tai bằng dung dịch thuốc kháng sinh phù hợp, có thể kèm theo uống kháng sinh và kháng viêm, giảm đau.
    Lưu ý:
    • Chỉ dùng loại thuốc nhỏ tai theo chỉ định, vì một số loại thuốc kháng sinh có thể gây độc cho ốc tai khi màng nhĩ bị thủng.
    • Nên tuân thủ liều lượng và liệu trình điều trị, tránh ngưng thuốc nửa chừng khi chưa hết viêm và cũng tránh lạm dụng quá đà thuốc kháng sinh, gây mất cân bằng hệ sinh thái khiến vi nấm “trỗi dậy” và “lên men” trong tai khiến tai bị ngứa ngáy khó chịu. 

    7. Viêm mũi dị ứng gây ngứa lỗ tai

    Viêm mũi dị ứng là một bệnh toàn thân, biểu hiện tại mũi. Nó cũng là một trong những nguyên nhân gây ngứa lỗ tai. Các bệnh lý trong tai, mũi, họng thường liên quan với nhau. Dị ứng mũi thường do tác động của môi trường, bụi nhà, phấn hoa, lông có dính nước bọt của vật nuôi… Ngoài gây ra tình trạng ngứa mũi, ngứa họng, ngứa mắt và ngứa tai, căn bệnh này còn kèm theo các dấu hiệu khác như:

    • Hắt xì từng tràng
    • Sổ mũi nước trong
    • Đau đầu âm ỉ
    • Nghẹt mũi
    • Chảy nước mắt
    • Kém tập trung
    • Uể oải

    Xử trí lỗ tai bị ngứa do viêm mũi dị ứng

    Về nguyên tắc, bạn nên tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Dùng thuốc chữa dị ứng theo toa của bác sĩ. Khi triệu chứng viêm mũi dị ứng được kiểm soát, hiện tượng ngứa trong tai cũng sẽ không còn.

    8. Do bệnh da liễu

    ngứa lỗ tai do bệnh da liễu

    Bệnh về da có thể biểu hiện ở khắp nơi trên cơ thể mà da ống tai là một trong những vùng đó. Bạn có thể gặp tình trạng tai bị ngứa nếu có các bệnh về da ở vùng lân cận. Các bệnh da liễu có thể gây ngứa lỗ tai bao gồm:

    • Viêm da
    • Bệnh chàm
    • Bệnh vảy nến

    Khi mắc các bệnh về da, có thể nhận thấy da quanh tai có những mảng bong tróc, mẩn ngứa. Bạn cần đi khám để được chẩn đoán và chữa trị đúng phương pháp.

    Cách khắc phục tai bị ngứa bên trong do bệnh da liễu

    • Bạn cần giữ vệ sinh vùng quanh tai và thực hiện việc điều trị bệnh về da một cách nghiêm túc.
    • Khi có dấu hiệu bệnh lan từ ngoài vào trong tai, bạn nên đi khám để được điều trị, tránh tổn thương lan sâu vào ống tai gây phức tạp cho việc săn sóc.
    • Tránh tự ý ngoáy ống tai ngoài bằng tăm bông mà hãy đến bác sĩ để được làm sạch một cách an toàn.

    Bị ngứa lỗ tai phải làm sao?

    Như vậy, không phải tất cả các trường hợp bị ngứa lỗ tai đều xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, và không phải tất cả các ca bị ngứa bên trong tai đều cần phải điều trị hay can thiệp y tế. Tuy nhiên, nhìn chung, nếu lỗ tai bị ngứa kèm các triệu chứng sau, hoặc ngứa tai trong một thời gian dài thì bạn nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng:

    • Có nhiều dịch chảy ra từ tai
    • Có máu chảy ra từ tai
    • Bị mất thính lực đột ngột

    Tóm lại, hầu hết các trường hợp bị ngứa lỗ tai đều không quá nguy hiểm và có thể hết nếu điều trị đúng nguyên nhân. Điều quan trọng là phải tìm ra được tác nhân gây ngứa trong tai để có biện pháp xử trí phù hợp

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

    Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 27/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo