Đau cứng khớp ngón tay khiến người bệnh gặp khó khăn trong hoạt động cầm nắm, cản trở những sinh hoạt thường ngày; gây đau nhức, khó chịu dẫn đến mất ăn mất ngủ, cơ thể suy nhược. Vậy, đau các khớp ngón tay là bệnh gì, làm sao để điều trị hiệu quả?
Mời bạn cùng Hello Bacsi cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết ngay sau đây.
Đau các khớp ngón tay là bệnh gì?
Đau cứng khớp ngón tay có thể do những nguyên nhân sau đây:
- Viêm khớp ngón tay: Thoái hóa khớp là một trong những dạng viêm khớp ngón tay phổ biến nhất, vô căn hoặc xảy ra sau một chấn thương. Vị trí thoái hóa khớp thường ở gốc của ngón tay cái, khớp trên cùng gần đầu ngón tay nhất hoặc khớp giữa của ngón tay. Bệnh gây sưng, đau các khớp ngón tay, khớp cứng lại, khó cầm nắm. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Ngoài ra, viêm khớp ngón tay còn có các dạng khác như gút, viêm đa khớp dạng thấp, viêm xương khớp.
- Thiếu hụt canxi: Khi lượng canxi trong cơ thể bị thiếu hụt nghiêm trọng sẽ dễ dẫn đến tình trạng loãng xương. Lúc này, phần xương khớp ở ngón tay kém chắc khỏe, tạo thành các gai xương, dẫn đến tình trạng tê cứng, đau khớp ngón tay. Thiếu canxi còn khiến cơ bắp co quắp, làm triệu chứng đau nặng hơn.
- Loạn dưỡng cơ: Bệnh di truyền khiến cho các sợi cơ bị tổn thương, xương khớp cũng suy yếu dần và dẫn đến tình trạng đau các khớp ngón tay. Bệnh thường gặp phải ở người trung niên và cao tuổi, phụ nữ phổ biến hơn đàn ông.
- Hội chứng ống cổ tay: Đây là căn bệnh thường gặp ở nhân viên văn phòng, những người phải thao tác liên tục với bàn phím và chuột điều khiển máy vi tính trong thời gian dài. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh đi qua ống cổ tay bị chèn ép do ống cổ tay hẹp, ảnh hưởng tới ngón tay cái và ba ngón tay giữa. Triệu chứng gồm đau tê ngón tay, sưng ngón tay, khó cầm nắm đồ vật do khớp ngón tay bị cứng lại.
- Hội chứng viêm bao gân De Quervain: là chứng sưng viêm, đau ở các gân dọc theo bên ngón cái của cổ tay do hoạt động quá mức. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như đau khớp cổ tay, cẳng tay và đau các khớp ngón tay cái. Bệnh phổ biến ở các bà nội trợ, những người thường nấu ăn, làm vườn, dọn dẹp,…
- Các bệnh lý khác: Đau các khớp ngón tay cũng có thể là do một số các bệnh lý nguy hiểm hơn gây ra như bệnh đa xơ cứng, khối u, nhiễm trùng.
- Chấn thương: Những chấn thương ở bàn tay xảy ra do té ngã, gặp tai nạn khi chơi thể thao hoặc tai nạn lao động dễ khiến cho gãy xương ngón tay, trật khớp ngón tay, rách cơ, bong gân khiến cho phần sụn khớp bị tổn thương và dẫn đến đau các khớp ngón tay.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Triệu chứng đau cứng khớp ngón tay cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của xương khớp.
Dấu hiệu đầu tiên thường gặp là cảm giác đau từ nhẹ cho đến nặng tại khớp hay các khớp ngón tay bị ảnh hưởng. Cơn đau nghiêm trọng hơn khi cử động như co duỗi ngón tay, cầm nắm các đồ vật,… Bên cạnh đó, một số người phát triển thêm các triệu chứng khác như:
- Tê ngứa, đau nhức, sưng tấy, nóng đỏ ở các đầu ngón tay, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi mới ngủ dậy
- Khớp cứng, giảm tính linh hoạt, khó cử động và cầm nắm bằng các ngón tay
- Gập ngón tay bị đau
- Ngón tay bị gập góc bất thường.
Một số trường hợp đau các khớp ngón tay có thể tự khỏi bằng việc nghỉ ngơi và điều trị ngay tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ thăm khám khi cơn đau kéo dài và không cải thiện theo thời gian.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ:
- Các khớp ngón tay bị nứt, gãy, hay trật khớp.
- Cảm giác tê nhức ngón tay lan ra đến bàn tay, cổ tay hay cánh tay.
- Khớp ngón tay sưng đỏ hoặc thay đổi màu da.
- Xuất hiện cục u đau ở khớp ngón tay.
- Ngón tay bị biến dạng.
Các bước chẩn đoán đau khớp ngón tay
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng mà bạn đang gặp phải, đồng thời kiểm tra tình trạng các ngón tay. Ngoài ra, bạn có thể cần tiến hành làm các xét nghiệm như sau:
- Chụp X-Quang
- Chụp CT-Scan
- Chụp MRI
- Chọc hút dịch khớp
Phương pháp điều trị đau các khớp ngón tay
Đau các khớp ngón tay do chấn thương nhẹ thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Hãy thử một số biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Tránh hẳn hoặc hạn chế các hoạt động gây đau cứng khớp ngón tay.
- Tháo nhẫn nếu thấy ngón tay đeo nhẫn sưng.
- Nghỉ ngơi để các khớp ngón tay có thể lành lại.
- Chườm đá và nâng cao ngón tay.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen.
- Hạn chế bẻ ngón tay, cầm nắm vật nặng.
Tuy nhiên, không nên xem thường và bỏ qua tình trạng đau các khớp ngón tay bởi nó rất có thể là dấu hiệu của các bệnh lý cơ xương khớp nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, người bệnh có thể sẽ gặp phải các biến chứng như teo cơ, biến dạng khớp, liệt các ngón tay,…
Do đó, thấy triệu chứng đau nhức ngón tay ảnh hưởng tới sinh hoạt hoặc ngày càng tăng nặng, nghi ngờ do bệnh xương khớp thì hãy thăm khám càng sớm càng tốt.
Một số cách chữa đau các khớp ngón tay như sau:
- Thuốc men: Thuốc giảm đau kháng viêm giúp giảm các triệu chứng đau khớp ngón tay và cải thiện chức năng vận động của khớp; dùng khi bệnh nhẹ
- Phẫu thuật: Trong trường hợp bệnh nghiêm trọng và việc dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét đến phẫu thuật để giúp bệnh nhân lấy lại khả năng vận động khớp ở các ngón tay.
- Vật lý trị liệu: Tập vật lý trị liệu, nhất là các trường hợp viêm khớp ngón tay, để giúp giảm sưng đau, phục hồi tổn thương và tái tạo lại lớp sụn khớp và xương dưới sụn, góp phần làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, thực hiện các bài tập này cũng giúp cải thiện khả năng vận động và tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp ngón tay.
- Quan tâm đến chế độ ăn uống: Bổ sung các loại thực phẩm nhiều đạm, ít mỡ và tăng cường các vitamin trong rau củ, thực phẩm giàu canxi để giúp tăng cường sức khỏe xương khớp và giảm sưng viêm hiệu quả.
- Chữa đau khớp ngón tay bằng thuốc nam: Dùng một nắm ngải cứu giã nát với một ít muối, sao nóng rồi bỏ vào túi vài để chườm ngón tay trong ít nhất 7 ngày hoặc dùng gừng ngâm rượu trắng trong 30 ngày để xoa bóp.
- Biện pháp hỗ trợ khác: mang nẹp ngón tay vào ban đêm, chườm nóng để làm dịu cơn đau, chườm đá để giảm sưng khớp.
Phòng ngừa đau nhức khớp ngón tay
Bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để làm giảm đau các khớp ngón tay:
- Mang bao tay hay các dụng cụ bảo vệ bàn tay
- Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động gây áp lực lên các khớp ngón tay.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
- Kiểm soát đường huyết
- Bỏ hút thuốc lá.
[embed-health-tool-bmi]