Tác dụng của mù tạt (wasabi) không chỉ giúp bạn giảm đau nhức cơ thể, hỗ trợ điều trị viêm da mà còn hỗ trợ ngăn ngừa ung thư và tiểu đường. Trong y học dân gian, mù tạt cũng được coi là một thành phần chống độc, phát huy tác dụng chữa bệnh đối với hệ thần kinh và duy trì sức khỏe của tim mạch.
Mù tạt là gì? Mù tạt (wasabi) là một loại thực vật họ cải thuộc chi Brassica, tương tự như bông cải xanh và bắp cải với nguồn gốc xuất xứ từ các khu vực ôn đới của châu Âu. Mù tạt có 3 loại chủ yếu là mù tạt trắng, mù tạt đen và mù tạt nâu với những phần được sử dụng chủ yếu là cuống hoa non, lá và hạt. Mù tạt trắng (còn được gọi là mù tạt vàng) có hương vị nhẹ. Mù tạt đen phổ biến với hương vị mạnh mẽ trong khi mù tạt nâu thường mang đến hương vị cay nồng.
Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia USDA, hạt mù tạt có thể mang đến cho bạn nhiều lợi ích sức khỏe nhờ chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, phốt pho và kali cùng với nguồn folate và vitamin A. Tương tự, rau mù tạt hoặc lá của cây mù tạt cũng có chứa kali, canxi, magie, phốt pho. Chúng cũng có chứa một lượng chất xơ lành mạnh và giàu vitamin A, K, C cũng như folate (vitamin B9).
Bạn hãy cùng tìm hiểu tác dụng của mù tạt (wasabi) dưới đây để hiểu hơn về lợi ích sức khỏe của loại thực vật này nhé.
1. Tác dụng của mù tạt giúp bạn chống ung thư
Hạt của cây mù tạt có chứa một lượng lớn dưỡng chất thực vật lành mạnh tên là glucosinolate giúp ngừa các bệnh ung thư như ung thư bàng quang, ung thư ruột già và ung thư cổ tử cung.
Các nghiên cứu khác nhau đã cho thấy các thành phần trong mù tạt có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư và giúp chống lại sự hình thành của các tế bào ung thư ác tính. Các đặc tính hóa học của hạt cũng giúp khôi phục mức glutathione và kích thích cảm ứng chết rụng tế bào (apoptosis) mà không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh bình thường.
2. Mù tạt giúp giảm triệu chứng của bệnh vẩy nến
Tác dụng của mù tạt (wasabi) có thể hỗ trợ bạn điều trị bệnh vẩy nến, một rối loạn tự miễn viêm mãn tính.
Theo nghiên cứu từ trang NCBI, hạt mù tạt có tác dụng như một chất chống viêm và là một phần của phương pháp điều trị bệnh vẩy nến trong tương lai. Những hạt mù tạt có thể kích thích hoạt động của các enzyme giúp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến là superoxide effutase, glutathione peroxidase và catalase.
3. Mù tạt giúp bạn giảm viêm da tiếp xúc
Hạt mù tạt có thể hỗ trợ bạn điều trị tình trạng viêm da tiếp xúc. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy tác dụng của mù tạt trong việc chữa lành các mô và giảm sưng tai nên cũng có ý nghĩa tích cực giúp giảm đau ở người.
4. Mù tạt giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
Dầu mù tạt là một trong những loại dầu lành mạnh mà bạn có thể lựa chọn. Các nghiên cứu được thực hiện trên những người nghi ngờ bị đau tim cho thấy mù tạt giúp họ giảm tỷ lệ rối loạn nhịp tim, giảm tình trạng dày thất và đau ngực nhờ vào thành phần axit béo omega-3 có trong mù tạt.
5. Mù tạt giúp giảm chứng rối loạn hô hấp
Trong y học dân gian, hạt mù tạt đã được đánh giá cao về tác dụng chữa lành các vấn đề về cảm lạnh và viêm xoang. Đây được xem là một loại thuốc trị nghẹt mũi, làm thông thoáng khí quản, làm dịu chứng ho nặng và làm sạch chất nhầy trong đường dẫn khí.
Bạn có thể sử dụng mù tạt như một phương pháp chữa bệnh tại nhà bằng cách dùng hạt mù tạt ngâm chân để giải phóng sự tắc nghẽn trong các cơ quan hô hấp. Bạn cũng có thể súc miệng với trà mù tạt để làm dịu cơn đau họng.
Trong y học cổ đại, hạt mù tạt cũng có hiệu quả trong việc điều trị viêm phế quản mạn tính. Nếu bị tình trạng này, bạn hãy nhanh chóng massage ngực với dầu mù tạt. Cách massage ngực này sẽ giúp bạn thúc đẩy việc thở dễ dàng qua việc làm tiêu đờm. Thuốc đắp hoặc miếng dán làm từ hạt mù tạt cũng được sử dụng từ thời xa xưa để giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm phế quản và kích thích lưu thông máu trong cơ thể.
6. Tác dụng của mù tạt giúp làm giảm đau
Miếng dán hoặc thuốc đắp được làm từ hạt mù tạt cũng giúp bạn giảm đau và giảm co thắt do có chất gây xung huyết da.
Mặc dù tác dụng của mù tạt có thể giúp bạn giảm đau nhưng mù tạt có thể làm nóng da của bạn và gây rộp da nếu bôi trực tiếp lên da. Vì thế, bạn nên sử dụng một tấm vải lanh để đặt giữa da và miếng dán nhằm tránh phỏng rộp.
7. Tác dụng của mù tạc giúp chống ngộ độc
Trong y học dân gian, người ta cho rằng hạt mù tạt (wasabi) có đặc tính gây nôn và chống lại tác động của chất độc đối với cơ thể. Thuốc sắc được làm từ hạt mù tạt cũng giúp làm sạch cơ thể của bạn, đặc biệt là trong trường hợp ngộ độc rượu hay ngộ độc ma túy.
8. Hạt mù tạt giúp bạn chăm sóc da và tóc
Mù tạt được xem như là một thành phần hữu ích trong việc hỗ trợ bạn làm đẹp. Bạn hãy đun sôi một ít lá từ cây lá móng đã được tán thành bột với dầu mù tạt rồi lọc qua vải sạch và đựng vào lọ kín. Mỗi ngày bạn hãy lấy một ít hỗn hợp để massage da đầu giúp kích thích tóc mọc nhanh và khỏe hơn. Bạn cũng có thể rang hạt mù tạt với dầu mè hoặc dầu dừa, sau đó bôi hỗn hợp này lên mụn để làm giảm mụn và giúp làn da sáng lên.
9. Mù tạt giúp làm giảm bệnh nấm biểu bì
Đặc tính chống vi khuẩn của hạt mù tạt đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc chữa lành các tổn thương ngoài da do bệnh nấm biểu bì. Khi bị nấm biểu bì, bạn hãy rửa sạch da bằng nước ấm rồi thoa một hỗn hợp bột mù tạt trên da để làm dịu các triệu chứng liên quan đến bệnh nấm biểu bì.
10. Tác dụng của mù tạt đối với hệ thần kinh
Trong y học dân gian, cây mù tạt được coi là có tính chất truyền nhiệt cao nên có lợi cho những bệnh nhân bị tổn thương về hệ thần kinh. Nó cũng giúp kích thích quá trình chữa bệnh bằng cách kích thích các xung động và có tác dụng tiếp thêm sinh lực cho các dây thần kinh.
11. Mù tạt giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường
Lá mù tạt khá hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng hạt mù tạt có lợi trong việc giảm thiệt hại do căng thẳng oxy hóa liên quan đến bệnh tiểu đường gây ra.
Một nghiên cứu khác đã kiểm tra việc sử dụng dầu mù tạt và thấy rằng nó giúp làm giảm protein glycosylated và glucose trong máu. Mù tạt cũng giúp giảm quá trình peroxy hóa lipid và kích thích chuyển hóa glucose giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
12. Tác dụng của mù tạt giúp giảm cholesterol
Lá của cây mù tạt khá hữu ích trong việc giúp làm giảm cholesterol. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực vật họ cải, đặc biệt là lá mù tạt, có thể liên kết axit mật trong ống tiêu hóa, tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể đào thải các axit này ra khỏi cơ thể. Các axit mật thường chứa cholesterol, vì vậy quá trình này sẽ giúp giảm mức cholesterol trong cơ thể.
Bạn hãy hấp lá mù tạt với một ít thì là, muối và hạt tiêu để có công dụng đào thải cholesterol tốt hơn so với việc ăn thực phẩm thô.
13. Mù tạt làm giảm các triệu chứng mãn kinh
Rau mù tạt đã được chứng minh là hữu ích đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Magie cùng với canxi có trong mù tạt sẽ hỗ trợ xương của bạn chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương do mãn kinh. Mù tạt giúp bạn bù lại hàm lượng magiê thấp trong xương khi bạn có chế độ ăn uống hợp lý để giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Mặc dù tác dụng của mù tạt là có lợi cho sức khỏe nhưng bạn cần lưu ý sử dụng mù tạt đúng cách. Mù tạt có xu hướng làm nóng da, vì vậy bạn hãy luôn cẩn thận khi đắp mù tạt trên da. Hạt và lá mù tạt chưa chín cũng có chứa goitrogen, một chất có thể làm thay đổi chức năng của tuyến giáp và khiến bạn dễ bị bướu cổ. Vì thế, bạn hãy luôn nấu chín lá và hạt mù tạt để trung hòa các thành phần này. Mặc khác, oxalate có trong mù tạt có thể làm cản trở hấp thụ canxi nên những người bị sỏi thận nên hạn chế tiêu thụ mù tạt quá mức.
Tác dụng của mù tạt đối với sức khỏe có thể rất tốt. Tuy nhiên, bạn nên biết cách lựa chọn mù tạt khi đi mua sắm để có được thực phẩm tươi ngon và an toàn vệ sinh. Đối với lá và rau mù tạt, bạn hãy mua loại không có đốm nâu hay bị héo. Sau đó bạn ngâm rau bằng nước ấm trong vài phút để loại bỏ cát và bụi bẩn rồi rửa lại rau dưới vòi nước chảy. Bạn cũng nên chọn loại hạt mù tạt hữu cơ và lưu trữ trong lọ kín, ít ánh sáng và mát mẻ để sản phẩm giữ được hương vị lâu dài nhé.
Hoa Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]