Mỗi vùng miền sẽ có những món ăn ngày Tết đặc trưng chứa đựng nhiều giá trị thiêng liêng, vừa hàm chứa ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện bản sắc văn hóa lâu đời.
Tết đến xuân về, nhà nhà đều tất bật chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn, đầy đủ cúng tổ tiên. Mâm cỗ cúng Tết bao giờ cũng đặc biệt với những món ăn mà ngày thường ít được ăn. Thế nhưng, ý nghĩa món ăn ngày Tết có gì khác biệt? Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu rõ các món ăn đặc trưng của từng vùng miền trong ngày Tết và ý nghĩa của chúng nhé.
Món ăn ngày Tết cổ truyền miền Bắc
Ở miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng phải có 4 bát 4 đĩa, không kể xôi, nước chấm và dưa hành, tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương. Theo truyền thống, các món đựng trên đĩa sẽ được mang ra dùng trước, còn những món bày trong bát thì dùng sau.
Thịt đông: May mắn cả năm
Thịt đông là món ăn không thể thiếu được trong mâm cơm của người miền Bắc mỗi dịp Tết cổ truyền. Sự hòa quyện của các nguyên liệu trong món thịt đông thể hiện sự hòa hợp, gắn kết, yêu thương của các thành viên trong gia đình. Không những vậy, màu sắc trong trẻo của món ăn còn mang ý nghĩa hy vọng một năm mới may mắn, thuận lợi sẽ đến với cả gia đình.
Món ăn này được chế biến từ chân giò lợn, tai heo hoặc thịt gà, khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được độ ngậy và cảm giác lành lạnh ngon miệng. Tuy nhiên, do có chứa nhiều chất béo và chất đạm nên nếu ăn nhiều, bạn sẽ dễ bị khó tiêu, tăng cân. Vì vậy, khi ăn, tốt nhất bạn nên ăn kèm với dưa hành hoặc rau xanh để giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa.
Xem thêm: Thịt đông ngày Tết ngon khó cưỡng chuẩn vị Bắc dễ làm tại nhà
Bánh chưng: Biết ơn cha ông
Nói đến món ăn ngày Tết không thể không kể đến bánh chứng. Đây được xem là “linh hồn’ của ngày Tết và là món ăn có lịch sử lâu đời trong nền ẩm thực Việt Nam. Những chiếc bánh vuông vức, được gói một cách khéo léo không chỉ tượng trưng cho mặt đất mà còn thể hiện lòng thành của con cháu đối với tổ tiên. Ở miền Bắc, cứ mỗi dịp tháng Chạp, các thành viên trong gia đình lại quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp, cùng kể cho nhau nghe những dự định tương lai và nhiều câu chuyện khác.
Xem thêm: Mách bạn cách làm bánh chưng xanh chào Tết 2022
Thịt gà: Ấm no, an khang
Thịt gà là một trong những món ăn không thể thiếu được trong mâm cỗ cúng Tết của người miền Bắc. Theo truyền thống, gà luộc thường để nguyên con. Sau khi cúng, thịt gà sẽ được chặt nhỏ, dùng chung với muối tiêu, lá chanh. Nhiều người tin rằng, gà luộc tượng trưng cho sự ấm no, an khang và mong muốn có được một năm mới đủ đầy.
Không những vậy, đây còn là món ăn rất tốt cho sức khỏe trong dịp Tết bởi trong thịt gà có chứa rất nhiều dưỡng chất như albumin, chất béo, vitamin A, B1, B2, C, E, canxi, phốt pho, sắt. Ngoài ra, hàm lượng protein và phức hợp của amino axit có trong thịt gà còn ảnh hưởng tích cực đến não bộ, làm phấn chấn tinh thần, giảm sự lo lắng, căng thẳng, giúp cải thiện huyết áp và nhịp tim.
Giò chả: Phúc lộc đầy nhà
Theo quan niệm dân gian, giò chả là món ăn ngày Tết tượng trưng cho sự phú quý, sang trọng, phúc lộc đến nhà. Vì vậy, không biết từ bao giờ, món ăn này đã được chọn để khởi đầu năm mới. Giò chả thường được ăn kèm với dưa hành, chấm nước mắm, chắc chắn đây sẽ là món ăn được nhiều người mong chờ trong những ngày Tết.
Món ăn ngày Tết cổ truyền miền Trung
Khác với miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung thường đơn giản. Các món ăn được chia vào các bát và bày biện trong mâm, thể hiện tinh thần tiết kiệm và sẻ chia. Các món ăn ngày Tết của người miền Trung thường xoay quanh các món cuốn với bánh tráng và rau. Ngoài ra, còn có các món kho mặn hoặc món hấp như tôm rim, thịt kho tàu, thịt ngâm nước mắm…
Thịt kho măng khô: Vạn sự tốt lành
Thịt kho măng khô là món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Trung. Vị măng quyện cùng vị béo của thịt làm những ai từng thử không thể nào quên được. Để chế biến, bạn ngâm nước măng khô cho mềm, xé nhỏ, thịt heo chọn loại ngon, xào săn lại và cho vào nồi kho chung với măng. Khi ăn, bạn có thể cuốn cùng với bánh tráng, rau sống và chấm với nước măng kho.
Tré: Gia đình hòa thuận
Ngày xưa, tré là món ăn chỉ dành cho các bậc vua chúa, vương giả nhưng hiện nay, món ăn này đã trở thành món ăn ngày Tết thường xuất hiện trong mâm cơm của người miền Trung. Tré được chế biến bằng tai, mũi heo, thịt ba chỉ ram vàng thái thành sợi nhỏ, kết hợp với củ riềng, tỏi, thính và lá ổi, tạo thành món ăn hấp dẫn và độc đáo trong những ngày Tết.
Món ăn ngày Tết cổ truyền miền Nam
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam được ứng dụng theo triết lý ngũ hành âm dương: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Theo đó, mỗi món ăn ngày Tết trong mâm cúng đều mang một tính chất thể hiện một trạng thái ngũ hành, giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể.
Thịt kho tàu: Sum vầy ấm cúng
Nếu ở miền Bắc có món thịt đông thì ở các gia đình Nam bộ lại có món thịt kho tàu. Với vị đậm đà, màu sắc bắt mắt, món ăn tượng trưng cho sự ấm cúng, sum vầy. Sự hòa hợp của các nguyên liệu cũng thể hiện sự yên vui, hòa thuận. Trong món ăn này, người miền Nam còn vận dụng linh hoạt nguyên lý hài hòa âm dương với trứng vịt tròn tượng trưng cho dương, khối thịt vuông tượng trưng cho âm.
Xem thêm: Cách làm thịt kho tàu: Món ăn quen thuộc của người Việt
Củ kiệu ngâm: Tiền bạc đầy nhà
Củ kiệu ngâm là món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Nam, tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa, phú quý trong năm mới.
Ngoài ra, theo nguyên lý ngũ hành, món thịt kho trứng có vị mặn ứng với hành Thủy, còn món củ kiệu ngâm có vị chua, ứng với hành Mộc. Ăn hai món này với nhau sẽ tạo nên sự hài hòa, không quá mặn, không quá ngấy, lại chẳng quá chua, đúng với nguyên tắc ngũ hành là Thủy và Mộc là hai nguyên tố bổ trợ nhau.
Xem thêm: Cách làm củ kiệu ngon ngày Tết
Khổ qua nhồi thịt: Muộn phiền tiêu tan
Canh khổ qua cũng là một món ăn dịp Tết cổ truyền đặc trưng của người miền Nam với vị ngọt đậm đà của thịt hầm cùng nước súp điểm xuyết vị đắng đặc trưng của khổ qua. Ngoài ra, ăn khổ qua nhồi thịt vào ngày đầu năm mới cũng là một cách chơi chữ của người Nam bộ với ước mong mọi khó khăn, khổ ải của năm cũ sẽ qua đi để đón chào một năm mới tốt đẹp hơn.
Hiểu hết ý nghĩa các món ăn ngày Tết, bạn sẽ có thêm động lực để cùng cả nhà đón một năm mới ấm no, khỏe mạnh và sung túc! Chúc bạn và gia đình đón Tết đoàn viên, hạnh phúc!
[embed-health-tool-bmi]