Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh ung thư vòm họng sẽ giúp bạn dễ dàng điều trị, thậm chí có thể phục hồi bệnh gần như hoàn toàn.
Vậy ung thư vòm họng là gì và làm cách nào để điều trị hiệu quả? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
Tìm hiểu chung
Bệnh ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là những khối u ác tính xuất hiện và phát triển ở vùng hầu họng, thanh quản hoặc amidan. Cổ họng của bạn là một ống cơ bắt đầu từ vùng sau mũi và kết thúc ở phần cổ họng. Ung thư vòm họng thường xuất hiện tại các tế bào mỏng, phẳng nằm bên trong cổ họng.
Bệnh ung thư vòm họng ban đầu có biểu hiện khá giống với triệu chứng của các bệnh hô hấp thông thường. Vì vậy, khi phát hiện, bệnh thường đã ở giai đoạn muộn và tiến triển nhanh.
Bệnh ung thư vòm họng chiếm tỷ lệ khoảng 12% ở Việt Nam, một con số khá cao so với các bệnh ung thư khác. Trong đó, có tới 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối.
Các giai đoạn của bệnh ung thư vòm họng
Những giai đoạn cơ bản của ung thư vòm họng bao gồm:
Giai đoạn 0
Giai đoạn 0 hay còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Giai đoạn này cho thấy các tế bào bất thường trong niêm mạc họng có khả năng tiến triển trở thành tế bào ung thư.
Giai đoạn I
Đây là giai đoạn sớm của bệnh ung thư vòm họng. Khối u phát triển không quá 2cm và chưa xuất hiện ở các hạch bạch huyết.
Giai đoạn II
Giai đoạn này cho thấy khối u lớn hơn 2cm nhưng không quá 4cm, đồng thời cũng chưa xuất hiện ở hạch bạch huyết.
Giai đoạn III
Ung thư vòm họng giai đoạn này đặc trưng với khối u lớn hơn 4cm hoặc đã di căn đến hạch bạch huyết ở cùng một bên cổ. Kích thước hạch thường nhỏ hơn 3cm.
Giai đoạn IV
Giai đoạn IV là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh. Khối u có kích thước bất kỳ, đồng thời đã di căn sang các khu vực khác:
- Mô gần đó: chẳng hạn như cổ, khí quản, tuyến giáp, thực quản, hàm, miệng hoặc các vị trí khác.
- Hạch bạch huyết: có kích thước lớn hơn 3cm ở cùng một bên cổ hoặc phía đối diện với khối u.
- Bộ phận của cơ thể ngoài cổ họng: chẳng hạn như ở phổi.
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối cũng có thể là ung thư tái phát (xuất hiện trở lại sau khi điều trị). Ung thư có khả năng quay trở lại khu vực phát triển ban đầu, trong các hạch bạch huyết hoặc ở một phần khác của cơ thể. Ung thư vòm họng giai đoạn III và IV có nhiều nguy cơ tái phát sau khi điều trị hơn so với ung thư vòm họng giai đoạn đầu.
Triệu chứng
Những dấu hiệu của bệnh ung thư vòm họng
Các dấu hiệu của ung thư vòm họng có thể thay đổi khác nhau tùy theo vị trí khối u. Triệu chứng chung phổ biến của ung thư vòm họng có thể bao gồm:
- Đau rát họng: Triệu chứng đau hoặc khó chịu ở cổ họng không cải thiện là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư vòm họng.
- Nghẹt mũi: Dấu hiệu ung thư vòm họng ban đầu thường là các cơn nghẹt mũi xảy ra từng đợt kèm tiết nhầy, chảy máu. Điều này là do các khối u bắt đầu hình thành trong vòm họng.
- Ho có đờm: Người bệnh ung thư vòm họng thường xuất hiện các triệu chứng ho khạc ra đờm dính máu, khàn tiếng. Các cơn ho thường xuất hiện nhiều về đêm.
- Thay đổi giọng nói: Ung thư vòm họng có thể ảnh hưởng đến giọng nói của bạn, khiến giọng nhỏ hơn, khàn hoặc âm thanh giống như bị cảm lạnh. Bạn có thể gặp khó khăn khi cố phát âm một số từ nhất định.
- Khó nuốt: Ung thư vòm họng có thể gây đau hoặc cảm giác nóng rát khi nhai và nuốt thức ăn. Đôi lúc, bạn còn cảm thấy như thức ăn bị dính lại trong cổ họng.
- Nổi hạch ở cổ: Đây là một dấu hiệu phổ biến của ung thư vòm họng, cũng như các bệnh ung thư đầu và cổ khác. Bạn có thể cảm thấy có khối u ở cổ do hạch bạch huyết phát triển gây sưng một hoặc nhiều hạch ở cổ. Các khối u này nếu tự xuất hiện và biến mất thì thường đây không phải là khối u ung thư.
- Sụt cân bất thường: Giảm cân bất thường là triệu chứng phổ biến của nhiều loại ung thư khác nhau. Ung thư vòm họng có thể khiến bạn bị đau khi ăn và gây khó nuốt, điều này cũng có thể là nguyên nhân gây sụt cân.
Dấu hiệu của ung thư vòm họng xuất hiện nặng nhất ở giai đoạn IV, do người bệnh thường nhầm lẫn với chứng viêm họng thông thường nên phát hiện muộn.
Các triệu chứng ung thư vòm họng khác có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Đau, ù tai
- Ho tăng dần
- Giảm thính lực
- Chảy máu cam
- Khó khăn khi mở miệng hoặc sử dụng lưỡi
- Xuất hiện những mảng trắng trên lưỡi hoặc niêm mạc miệng không biến mất
Trong một số trường hợp, tình trạng ung thư vòm họng hiện tại có thể đe dọa tính mạng. Do đó, bạn hãy tìm đến bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải các triệu chứng:
- Ho ra máu
- Sụt cân nghiêm trọng
- Nôn ra máu hoặc chất đen giống như bã cà phê
- Vấn đề về hô hấp như khó thở, thở nặng nhọc, thở khò khè, ngừng thở hoặc nghẹt thở
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng
Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, bạn có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư do một số yếu tố tác động dưới đây:
- Nhiễm virus EBV hoặc HPV
- Uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư vòm họng
- Do tuổi tác (càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao)
- Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, chất độc hại, hóa chất
- Ăn nhiều thực phẩm muối như trứng muối, cá muối, dưa muối
- Do giới tính (nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới với tỷ lệ là 3/1)
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán bệnh ung thư vòm họng
Để chẩn đoán bước đầu, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải và tiền sử bệnh. Nếu bạn gặp các triệu chứng như đau họng, khàn giọng và ho dai dẳng không cải thiện, bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện các xét nghiệm nhằm chẩn đoán ung thư vòm họng.
Khi xét nghiệm ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp. Nội soi thanh quản giúp bác sĩ nhìn rõ hơn vùng cổ họng để chẩn đoán chính xác bệnh. Nếu xét nghiệm này cho thấy có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) từ cổ họng và kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào ung thư hay không. Bác sĩ cũng đề nghị thực hiện một trong các loại sinh thiết sau đây:
- Sinh thiết thông thường: Bác sĩ thực hiện một vết mổ để lấy mẫu mô. Loại sinh thiết này được thực hiện trong phòng mổ dưới tác dụng của thuốc gây mê toàn thân.
- Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): Đối với dạng sinh thiết này, bác sĩ dùng một cây kim mỏng đâm trực tiếp qua da để lấy mẫu nhỏ các tế bào, dịch khối u hoặc cơ quan dưới da.
- Sinh thiết nội soi: Cách này giúp loại bỏ một mẫu mô bằng máy nội soi, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, dài qua miệng, mũi hoặc thông qua vết mổ.
Bác sĩ có thể sử dụng một loạt các xét nghiệm để đánh giá giai đoạn ung thư vòm họng. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Xét nghiệm hình ảnh này tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong vùng cổ, giúp bác sĩ tìm kiếm các khối u và có thể xác định liệu ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.
- Chụp positron cắt lớp: Hay còn gọi là chụp PET, được thực hiện bằng cách tiêm một loại thuốc nhuộm phóng xạ vào máu. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện quá trình quét để tạo ra hình ảnh của các khu vực phóng xạ trong cơ thể. Loại xét nghiệm hình ảnh này thường được sử dụng trong trường hợp ung thư tiến triển.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Thử nghiệm hình ảnh này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của mô mềm và các cơ quan cơ thể. Điều này giúp xác định kích thước của khối u, mức độ di căn đến các khu vực khác nhau, chẳng hạn như các hạch bạch huyết và phổi.
- Chụp X-quang ngực: Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng ung thư đã lan đến phổi, bạn sẽ cần chụp X-quang ngực để kiểm tra các dấu hiệu bất thường.
Cách điều trị ung thư vòm họng
Vậy ung thư vòm họng có chữa được không? Ở giai đoạn đầu, ung thư vòm họng có thể được điều trị bằng xạ trị đơn thuần. Tuy nhiên, ở các giai đoạn tiến triển, người bệnh cần phối hợp nhiều phương pháp, bao gồm cả xạ trị, hóa trị và thậm chí là phẫu thuật.
Phương pháp điều trị y tế
Phương pháp điều trị bệnh ung thư vòm họng có thể bao gồm:
- Phẫu thuật: Nếu khối u nhỏ, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u. Phẫu thuật này được thực hiện trong bệnh viện, tùy trường hợp mà được cân nhắc sử dụng thuốc gây tê hoặc gây mê.
- Xạ trị: Sau khi loại bỏ khối u, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị. Đây là phương pháp sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính còn sót lại sau khi phẫu thuật.
- Hóa trị: Trong trường hợp khối u lớn, đã di căn đến các hạch bạch huyết và các cơ quan hoặc mô khác, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện hóa trị, cũng như xạ trị. Hóa trị là phương pháp dùng thuốc để giết chết và làm chậm sự phát triển của các tế bào ác tính.
- Liệu pháp điều trị trúng đích: Phương pháp này sử dụng các loại thuốc để ngăn chặn sự phát triển và di căn của tế bào ung thư, bằng cách can thiệp vào các thành phần cụ thể chịu trách nhiệm cho sự phát triển của khối u.
Nếu phát hiện sớm dấu hiệu của ung thư vòm họng, người bệnh sẽ có tiên lượng điều trị tốt. Ung thư vòm họng sẽ có tỷ lệ chữa khỏi thấp một khi các tế bào ác tính đã lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể tiếp tục điều trị để kéo dài cuộc sống và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Cách cải thiện tình trạng ung thư vòm họng
Trong quá trình điều trị bệnh ung thư, bạn nên giữ bình tĩnh và sống với tinh thần lạc quan. Ngoài ra, bạn cũng nên giữ thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Dưới đây là những thói quen sống lành mạnh bạn nên thực hiện tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh của mình.
- Kiêng hoàn toàn các chất kích thích: Bạn nên kiêng hoàn toàn thuốc lá, rượu bia và các đồ uống có cồn, có gas.
- Không ăn thức ăn mặn: Bạn không nên ăn thức ăn mặn, thức ăn có nhiều muối như thịt muối, cá muối, thức ăn lên men như dưa muối, cà muối.
- Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh: Bạn nên hạn chế đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể làm ảnh hưởng đến vòm họng.
- Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Phòng ngừa
Những biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng
Bạn nên thực hiện các phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng:
- Bỏ thuốc lá: Bạn có thể sử dụng các sản phẩm thay thế nicotine để cai hút thuốc hoặc nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp giúp hỗ trợ bỏ thuốc.
- Giảm lượng rượu: Đàn ông nên tiêu thụ không quá 2 ly rượu mỗi ngày và phụ nữ không quá 1 ly rượu mỗi ngày.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau và thịt nạc. Đồng thời giảm lượng chất béo, natri tiêu thụ và tập thể dục để giảm mỡ thừa. Bạn nên tham gia hoạt động thể chất ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần.
- Giảm nguy cơ nhiễm HPV: Virus HPV có nguy cơ gây ung thư vòm họng. Để bảo vệ bản thân, bạn hãy quan hệ tình dục an toàn, đồng thời trao đổi với bác sĩ về việc tiêm vaccine HPV.
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về ung thư vòm họng là gì cũng như các dấu hiệu của ung thư vòm họng. Bạn hãy đến bác sĩ để chẩn đoán bệnh và điều trị ung thư vòm họng càng sớm càng tốt nhé!
[embed-health-tool-bmi]