Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV, một loại virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra. Hầu hết mọi người sẽ bị nhiễm virus HPV vào một thời điểm nào đó trong đời và không nhận ra điều đó vì hệ miễn dịch của cơ thể có thể chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch suy yếu và không còn khả năng chống lại nhiễm trùng, nó có thể khiến các tế bào cổ tử cung chuyển thành tế bào ung thư. Bạn không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ nhiễm virus HPV và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
1. Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ
Tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 65 tuổi đều nên được làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Mục đích của việc tầm soát là phát hiện những thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung (tiền ung thư) để điều trị trước khi chúng có cơ hội biến thành ung thư cổ tử cung. Các xét nghiệm sàng lọc giúp phát hiện sớm bệnh để việc điều trị có tỷ lệ thành công cao nhất.
Hai xét nghiệm sàng lọc được sử dụng rộng rãi để tầm soát ung thư cổ tử cung là xét nghiệm HPV và xét nghiệm tế bào học (còn được gọi là xét nghiệm Pap smear hoặc phết tế bào Pap).
- Xét nghiệm Pap là xét nghiệm thu thập các tế bào từ cổ tử cung của bạn. Sau đó, tiến hành kiểm tra các dấu hiệu tiền ung thư hoặc các bất thường khác nếu có.
- Xét nghiệm HPV được dùng để kiểm tra các tế bào cổ tử cung của bạn xem có bị nhiễm virus HPV hay không. Một số loại virus HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung, nhất là type 16 và 18.
Bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV kết hợp. Đây có thể là một lựa chọn tối ưu cho bạn nếu trên 30 tuổi. Cả hai xét nghiệm này đều có thể được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện. Tần suất thực hiện tầm soát bao nhiêu lần mỗi năm sẽ tùy thuộc vào tuổi tác, yếu tố nguy cơ và tình trạng sức khỏe nói chung. Hãy hỏi bác sĩ để biết bạn nên làm tầm soát bao lâu một lần.
2. Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Giảm nguy cơ nhiễm virus HPV sẽ có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Vì vậy, việc tiêm vacxin HPV (hay tiêm ngừa ung thư cổ tử cung) có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus HPV, bảo vệ bạn chống lại loại virus gây ra tới 90% các ca ung thư cổ tử cung. Tiêm vacxin HPV là biện pháp an toàn và hiệu quả giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
- Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm vacxin HPV định kỳ cho trẻ ở độ tuổi 11, 12 hoặc có thể tiêm ngay từ lúc 9 tuổi.
- Tất cả trẻ em từ 12 đến 13 tuổi đều được tiêm vacxin HPV để giúp bảo vệ chống lại tất cả các bệnh ung thư do HPV gây ra (bao gồm ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ), cũng như mụn cóc sinh dục.
- Vacxin HPV cũng được khuyến nghị cho phụ nữ từ 26 tuổi trở lên nếu họ chưa được tiêm phòng trước đó. Tốt nhất nên tiêm trước khi có quan hệ tình dục.
- Một số chị em từ 27 đến 45 tuổi chưa được tiêm phòng có thể quyết định tiêm sau khi nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ nhiễm virus HPV và những lợi ích có thể có của việc tiêm phòng. Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung ở độ tuổi này có thể mang lại ít lợi ích hơn, tuy nhiên, việc tiêm phòng vẫn được khuyến khích nếu đủ điều kiện.
Vacxin HPV được tiêm theo một liệu trình gồm 2 hoặc 3 mũi tùy thuộc vào độ tuổi. CDC khuyến nghị trẻ em bắt đầu tiêm vacxin trước 15 tuổi nên tiêm 2 liều. Đối với những người trên 15 tuổi hoặc mắc một số tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định, CDC khuyến nghị nên tiêm liệu trình 3 mũi.
Tiêm vacxin HPV ngăn ngừa nhiễm HPV mới, nhưng không điều trị được các bệnh nhiễm HPV hiện có. Đó là lý do tại sao vacxin HPV hoạt động tốt nhất khi được tiêm trước khi tiếp xúc với virus HPV.
3. Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung là quan hệ tình dục an toàn
Virus HPV lây lan thông qua quan hệ tình dục (hậu môn, miệng hoặc âm đạo) và có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Để ngừa ung thư cổ tử cung, bạn nên:
- Chung thủy một vợ một chồng: Quan hệ tình dục trước 18 tuổi và có nhiều bạn tình khiến bạn có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Vì vậy, cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung là chung thủy một vợ một chồng và giới hạn số lượng bạn tình. Số lượng bạn tình của bạn càng nhiều thì nguy cơ nhiễm HPV càng cao.
- Sử dụng bao cao su: Bao cao su có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể làm giảm nguy cơ lây truyền virus HPV. Mặc dù tác dụng của bao cao su trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng do virus HPV vẫn chưa được biết rõ nhưng việc sử dụng bao cao su có liên quan đến tỷ lệ ung thư cổ tử cung thấp hơn.
4. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Các nhà nghiên cứu tin rằng việc tiêu thụ thường xuyên một số loại thực phẩm, đặc biệt là các loại trái cây và rau củ quả bổ dưỡng, có thể tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung. Một chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, carotenoids, flavonoid và folate – tất cả đều có trong trái cây và rau quả – có thể giúp cơ thể chống lại virus HPV và cũng ngăn ngừa nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Nếu bạn thắc mắc ăn gì hay uống gì để phòng ngừa ung thư cổ tử cung thì nhiều chuyên gia khuyến nghị một chế độ ăn chủ yếu từ thực vật, bao gồm trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này chứa nhiều hợp chất có lợi có thể dễ dàng kết hợp vào bữa ăn hàng ngày.
Một số ví dụ bao gồm:
- Flavonoid: Những hợp chất hóa học này có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư. Chất này được tìm thấy trong táo, măng tây, đậu đen, bông cải xanh, cải Brussels, bắp cải, quả nam việt quất, tỏi, rau diếp, đậu lima, hành tây, đậu nành và rau bina.
- Folate: Loại vitamin B tan trong nước này đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung ở những phụ nữ nhiễm virus HPV. Thực phẩm giàu folate bao gồm bơ, đậu xanh, đậu lăng, nước cam và dâu tây.
- Carotenoids: Những nguồn vitamin A quý giá này được tìm thấy trong hầu hết các loại trái cây, rau và đậu, đặc biệt là trong các thực phẩm có màu cam như cà rốt, khoai lang, bí ngô.
5. Có một lối sống khoa học cũng là cách ngừa ung thư cổ tử cung
Một lối sống khoa học giúp bạn tăng cường sức khỏe tổng thể và làm giảm nguy cơ mắc rất nhiều bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư cổ tử cung. Cụ thể như sau:
- Không hút thuốc lá. Hút thuốc có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và các hóa chất trong thuốc lá cũng có thể gây ung thư.
- Không lạm dụng thuốc tránh thai. Có bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc tránh thai lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Giảm cân nếu thừa cân và cố gắng duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Tiêu thụ một lượng vừa phải thịt đỏ, tránh thịt chế biến sẵn và các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu.
- Duy trì hoạt động thể chất hàng ngày và nghỉ ngơi hợp lý.
- Hạn chế thực phẩm nhiều calo, đồ uống có đường, rượu bia và muối.
Ung thư cổ tử cung có khả năng phòng ngừa và chữa khỏi cao nếu được phát hiện sớm. Gần như tất cả các trường hợp đều có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm vacxin HPV và thực hiện sàng lọc định kỳ. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách lên lịch khám phụ khoa thường xuyên và quan hệ tình dục an toàn. Nếu bạn muốn biết thêm thông tin, hãy thực hiện tầm soát ngay nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tại đây nhé!
[embed-health-tool-bmi]