backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ung thư bàng quang có chữa được không và phương pháp điều trị hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    Ung thư bàng quang có chữa được không và phương pháp điều trị hiệu quả?

    Ung thư bàng quang gây tiểu khó, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu máu và nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Khi đã di căn, bệnh còn ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể, khiến người bệnh dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy mà khi nhận được kết quả chẩn đoán mắc bệnh, điều đầu tiên bệnh nhân nghĩ tới là “Ung thư bàng quang có chữa được không? Liệu bản thân mình còn sống được bao lâu nữa?’

    Hãy cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải cho vấn đề này, cũng như hiểu thêm về những phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

    Ung thư bàng quang có chữa được không?

    Dù ung thư bàng quang ở giai đoạn nào thì vẫn có cách điều trị để giúp cải thiện bệnh. Tuy nhiên, việc có chữa khỏi được không phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh, mức độ tiến triển cũng như sức khỏe chung của bệnh nhân. 

    Ung thư bàng quang giai đoạn đầu, khi khối u chưa phát triển ra khỏi phạm vi bàng quang có thể chữa khỏi được, sau đó bệnh nhân cần phải được theo dõi chặt chẽ. Ung thư tại niêm mạc với kích thước nhỏ, phát triển chậm dễ điều trị triệt để hơn; còn u bề mặt nhưng lan trên diện rộng thì nguy cơ tái phát cao, dễ tiến triển vào các lớp cơ sâu của thành bàng quang.

    Hầu hết mọi trường hợp ung thư bàng quang di căn đều khó điều trị hoàn toàn. Đến giai đoạn cuối, mục tiêu điều trị chỉ nhằm cải thiện triệu chứng, làm chậm sự di căn của ung thư và giúp bệnh nhân sống lâu hơn.

    Phát hiện càng muộn, tỷ lệ và tiên lượng sống của bệnh nhân càng ít đi. Dưới đây là tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư bàng quang sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh lần đầu:

    • Giai đoạn 0 (Khối u trên bề mặt niêm mạc, khu trú tại chỗ): 96%
    • Giai đoạn 1 (Ung thư lan rộng trên bề mặt bàng quang nhưng chưa ăn sâu xuống lớp cơ): 69%
    • Giai đoạn 2 (U xâm lấn vào cơ) và giai đoạn 3 (U lan ra các hạch bạch huyết hay bộ phận sinh dục): 37%
    • Giai đoạn 4 (Ung thư bàng quang di căn xa): 6%

    Những con số này là kết quả thống kê của Viện Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ trong 6 năm. Tuy nhiên, việc ung thư bàng quang có chữa được không, tuổi thọ của người bệnh thế nào vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và trên thực tế bệnh nhân vẫn có hi vọng điều trị khả quan nhờ vào sự phát triển của y học hiện nay. Theo đó, có đến 45% bệnh nhân có thể sống được trên 10 năm kể từ khi chẩn đoán nhờ tích cực chữa trị. 

    Ung thư bàng quang có chữa được không theo từng giai đoạn

    Phác đồ điều trị ung thư bàng quang ở từng giai đoạn

    Hầu hết mọi người khi phát hiện u bàng quang lần đầu đều được chỉ định cắt bỏ u nang trên bề mặt bàng quang bằng phương pháp nội soi với hai mục đích: giúp lấy mẫu chẩn đoán xem u lành hay ác tính và bước đầu loại bỏ khối u. 

    Nếu u lành tính, bệnh nhân chỉ cần theo dõi định kỳ trong 3 – 6 tháng sau đó. Tuy nhiên, trong trường hợp là khối u ung thư thì phải tiến hành điều trị thêm. Cụ thể như sau:

    Giai đoạn 0 – khối u còn nằm trong bàng quang

    Nếu ung thư phát triển chậm và chỉ khu trú tại một chỗ, sau 2 – 3 tuần nội soi cắt u, bệnh nhân được bơm hóa chất chống tái phát khối u vào trong bàng quang, mỗi tuần một lần liên tục trong 6 – 8 tuần.

    Trong trường hợp khối u tăng trưởng nhanh, ung thư lan rộng trên niêm mạc bàng quang, khả năng tái phát sẽ cao hơn. Vì vậy, các bác sĩ thường tiến hành cắt nội soi lần hai đồng thời hóa trị liệu tại chỗ nhằm giữ cho các tế bào ung thư không tấn công vào lớp cơ bàng quang. 

    Sau khi điều trị, bệnh nhân cần nội soi lại 3 tháng một lần trong tối thiểu vài năm nhằm kiểm tra xem ung thư bàng quang có chữa được không, liệu có tái phát hay xuất hiện khối u mới không. 

    Ở giai đoạn 1, ung thư bàng quang có chữa được không và cách điều trị?

    Đây là giai đoạn ung thư đã tiến vào lớp mô liên kết của thành bàng quang nhưng chưa tới lớp cơ. Phương pháp điều trị đầu tiên lúc này vẫn là nội soi cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, dù đã nội soi cắt bỏ khối u xong, tỷ lệ tái phát và tiến triển về sau vẫn rất lớn. Nếu cần thiết phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang. Sau đó bác sĩ có thể tái tạo lại một bàng quang mới từ ruột non của chính bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật, xạ trị (thường kết hợp với hóa trị) có thể được lựa chọn để điều trị nhưng cơ hội chữa khỏi thường không cao.

    Ở giai đoạn 1 ung thư bàng quang có chữa được không?

    Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 2

    Ở thời điểm này, ung thư tấn công vào cơ sâu trong thành bàng quang nên phương án chữa trị hàng đầu là: 

    • Khi tế bào ung thư xâm lấn vào cơ, cắt bỏ toàn bộ bàng quang được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Các hạch bạch huyết gần bàng quang cũng thường được loại bỏ. Phương pháp này có thể được chỉ định sau hóa trị hoặc là phương pháp điều trị duy nhất nếu bệnh nhân không đủ sức khỏe để truyền hóa chất.
    • Hóa trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật cắt bỏ bàng quang nhằm thu nhỏ khối u, giúp tăng hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định hóa trị sau phẫu thuật nếu tế bào ung thư được tìm thấy trong hạch bạch huyết gần đó (chỉ trường hợp chưa hóa trị trước phẫu thuật)
    • Nếu khối u đã tấn công tới hạch bạch huyết, xạ trị cũng có thể được chỉ định sau phẫu thuật.

    Đối với những bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe không thể phẫu thuật được, có thể xem xét nội soi cắt bỏ khối u nhiều lần, sau đó xạ trị và hóa trị. Sau khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên và cẩn thận. 

    Ung thư bàng quang giai đoạn 3 có chữa được không và cách điều trị?

    Ở giai đoạn 3, khối u đã lan ra ngoài bàng quang, tới các hạch bạch huyết, mô và cơ quan lân cận nhưng chưa di căn đến các bộ phận xa hơn trong cơ thể. Lúc này, nếu hỏi “Ung thư bàng quang có chữa được không?” thì câu trả lời là không thể khỏi hoàn toàn được.

    Nội soi cắt bỏ khối u bề mặt bây giờ chỉ còn ý nghĩa chẩn đoán. Phương pháp tiêu chuẩn là hóa trị để thu nhỏ kích thước khối u, sau đó cắt toàn bộ bàng quang và bộ phận bị ảnh hưởng (túi tinh, tuyến tiền liệt ở nam giới; buồng trứng, tử cung ở nữ) và kết hợp nạo vét hạch bạch huyết.

    Nhiều trường hợp hóa trị hiệu quả, hoặc bệnh nhân có khối u nhỏ và đơn lẻ thì chỉ cần nội soi lần 2 cắt khối u thay vì phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang. Hóa trị cũng tiêu diệt những tế bào ung thư đã di căn đến vị trí khác trên cơ thể, giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Tuy nhiên nếu thấy hóa trị không trì hoãn được sự phát triển của khối u thì phải quyết định phẫu thuật ngay.

    Bên cạnh đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần hóa trị hoặc xạ trị để đảm bảo tiêu diệt hết các tế bào ung thư còn sót lại.

    Với bệnh nhân không phẫu thuật được do vấn đề sức khỏe, ngoài nội soi, hóa trị, xạ trị còn có lựa chọn khác như liệu pháp nội khoa hoặc liệu pháp miễn dịch. Trong liệu pháp miễn dịch, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc (BCG, chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch) để giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.

    Ở giai đoạn 3, ung thư bàng quang có chữa được không

    Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối

    Khi khối u đã di căn tới các bộ phận xa, rất khó để loại bỏ bệnh hoàn toàn. 

    Ở giai đoạn này, hóa trị (có hoặc không kèm xạ trị) là lựa chọn đầu tay. Sau khi điều trị, tình trạng khối u sẽ được kiểm tra lại. Nếu khối u được kiểm soát hoặc có dấu hiệu biến mất, bác sĩ có thể tăng cường xạ trị ở bàng quang hoặc phẫu thuật. Nếu còn dấu hiệu ung thư cần kết hợp đồng thời xạ trị cùng hóa trị hoặc dùng liệu pháp miễn dịch.

    Với những người không chịu được hóa chất và không thể phẫu thuật thì bác sĩ có thể áp dụng xạ trị hoặc thuốc miễn dịch. Bên cạnh đó, cần dẫn lưu nước tiểu để giảm tắc nghẽn đường tiểu và ngăn ngừa nguy cơ làm tổn thương thận.

    Nhìn chung, việc ung thư bàng quang có chữa được không phụ thuộc vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Bên cạnh đó, thể trạng và tinh thần của người bệnh cũng hỗ trợ rất lớn cho điều trị. Bạn hãy thăm khám sớm ngay khi thấy cơ thể khác thường, lưu ý ăn uống cẩn thận, tránh hoàn toàn hút thuốc lá hay ngửi khói thuốc và giữ tâm lý vững vàng để tăng cơ hội khỏi bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo