
Các bác sĩ đã nghiên cứu cách đưa thuốc trực tiếp vào động mạch gan với tốc độ không đổi để xem liệu nó có hiệu quả hơn so với phương pháp hóa trị toàn thân hay không. Kỹ thuật này được gọi là truyền động mạch gan (HAI). Nó hơi khác so với thuyên tắc ung thư gan vì cần phẫu thuật để đặt bơm tiêm dưới da bụng. Bơm được gắn vào một ống thông nối với động mạch gan. Thủ thuật đặt bơm tiêm thường được thực hiện khi bệnh nhân đã được gây mê.
Đối với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc xuyên qua da vào bể chứa của bơm, lượng thuốc này sẽ được bơm giải phóng chầm chậm và đều đặn theo thời gian vào động mạch gan.
Đối với các bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị liệu toàn thân, hầu hết thuốc được đưa vào cơ thể sẽ bị các tế bào gan khỏe mạnh phá vỡ trước khi kịp đến những phần khác của cơ thể, từ đó làm giảm đáng kể sinh khả dụng của thuốc. Trong phương pháp tiêm truyền động mạch gan, thuốc không được chuyển hóa ở gan nên lượng thuốc tác dụng trực tiếp vào khối u sẽ cao hơn, dẫn đến sinh khả dụng của thuốc cũng tăng đáng kể. Phương pháp này còn có thêm một lợi thế khác là không làm tăng thêm các tác dụng phụ. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để tiêm truyền động mạch gan bao gồm floxuridine (FUDR), cisplatin và oxaliplatin.
HAI có thể được sử dụng cho những bệnh nhân có khối u ung thư gan rất lớn không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc không thể điều trị hoàn toàn bằng phương pháp TACE (Nút mạch hóa dầu). Kỹ thuật này có thể không áp dụng được với một số bệnh nhân vì một số bệnh nhân ung thư gan có thể không chịu được phương pháp phẫu thuật chèn bơm và ống thông vào dưới bụng.
Các nghiên cứu ban đầu đã phát hiện ra rằng HAI thường có hiệu quả trong việc thu nhỏ khối u, nhưng vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu.
5. Tác dụng phụ của hóa trị ung thư gan
Các thuốc điều trị ung thư thường nhắm vào mục tiêu là các tế bào tăng sinh với tốc độ cao. Tuy nhiên, ngoài tế bào ung thư, một số tế bào khác cũng có tốc độ phân chia nhanh như tế bào tủy xương, tế bào nang lông, tế bào niêm mạc miệng và hệ tiêu hóa. Vì vậy, các tế bào này có thể bị ảnh hưởng bởi các thuốc hóa trị, từ đó dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
Tác dụng phụ của các thuốc hóa trị phụ thuộc vào loại, liều lượng thuốc đưa vào cơ thể và thời gian dùng thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp là:
- Rụng tóc
- Lở miệng
- Ăn mất ngon, chán ăn
- Buồn nôn và ói mửa
- Tiêu chảy
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng (vì số lượng bạch cầu giảm)
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do số lượng tiểu cầu trong máu thấp)
- Mệt mỏi (do số lượng hồng cầu thấp)
Những tác dụng phụ thường không kéo dài và biến mất sau khi đợt điều trị kết thúc. Thường có nhiều cách để giảm bớt các tác dụng không mong muốn này như dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc giảm bớt cảm giác buồn nôn.
Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình hóa trị, bạn nên báo với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp, bạn cần giảm liều, trì hoãn hoặc ngừng hóa trị nếu gặp các tác dụng phụ nguy hiểm.
6. Bạn nên làm gì trong quá trình hóa trị?
Trong quá trình hóa trị liệu, bạn nên đặc biệt chăm sóc đến sức khỏe của chính mình. Các bác sĩ sẽ cho bạn nhiều lời khuyên hữu ích, tuy nhiên bạn có thể thực hiện những điều sau:
Nghỉ ngơi nhiều hơn: Trong quá trình trị liệu, bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn.

Dành thời gian để làm những gì bạn thích: Việc được làm những gì yêu thích có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái và chống chọi với bệnh được tốt hơn. Trong quá trình điều trị ung thư, việc giữ cho tinh thần vui vẻ rất quan trọng.
Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Trong quá trình trị liệu, thuốc không chỉ có tác dụng lên các tế bào ung thư mà đôi khi cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, khiến lượng tế bào trong cơ thể bạn giảm sút đáng kể. Cơ thể bạn cần đủ lượng protein và calo để tái tạo các tế bào khỏe mạnh khi trị liệu. Các bệnh nhân nên ăn một chế độ nhiều rau củ quả và nên hạn chế các thức ăn nhiều chất béo.
Tập thể dục và sống ở những nơi có không khí trong lành: Tập thể dục không chỉ có thể giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi mà còn giúp kích thích vị giác của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên hỏi qua ý kiến đội ngũ y bác sĩ điều trị để đảm bảo rằng những bài tập thể dục không quá sức với mình.
Hạn chế uống rượu: Rượu có thể tương tác với các thuốc hóa trị làm giảm sinh khả dụng của các thuốc này. Do đó, bạn nên hạn chế tối đa lượng rượu bia và các thức uống có cồn.
Cẩn trọng khi uống vitamin và các thực phẩm bổ sung: Thực tế là không có loại thảo dược hay thực phẩm bổ sung nào có tác dụng thần kỳ giúp chữa khỏi ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin và các loại thực phẩm bổ sung có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng. Nếu bạn đang bổ sung vitamin và các loại thực phẩm này, hãy thông báo cho bác sĩ biết và hỏi xem liệu bạn có thể tiếp tục sử dụng hay không.
Tránh xa những người bị bệnh hoặc những nguồn lây nhiễm bệnh: Vì trong quá trình hóa trị, cơ thể bạn trở nên yếu hơn và bạn rất dễ bị lây nhiễm bệnh. Bạn nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chạm vào mặt, mũi, miệng hoặc mắt của mình. Hãy nhắc người thân và bạn bè làm điều tương tự khi bạn ở gần họ.
Tiêm phòng đầy đủ: Vì cơ thể bạn sẽ trở nên yếu ớt nên hãy chắc chắn rằng bạn tiêm phòng các bệnh đầy đủ, đặc biệt là các bệnh cúm. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về những vắc-xin cần tiêm.
Luôn nhắc nhở bản thân về mục đích trị liệu: Phương pháp hóa trị liệu thường rất khó khăn và đôi khi đau đớn. Các tốt nhất để đối mặt với các tác dụng phụ của hóa trị là nghĩ về mục đích và thành công của hóa trị.
Hóa trị liệu là một phương pháp thường được dùng để điều trị ung thư vì có thể giúp kiểm soát cả ung thư tại chỗ lẫn các khối u đã di căn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cần cân nhắc các phương pháp điều trị phù hợp khác vì hóa trị liệu đôi khi gây ra nhiều tác dụng phụ làm giảm sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra, khi đã lựa chọn điều trị ung thư bằng hóa trị liệu, hãy báo cho bác sĩ biết về những biến đổi trong cơ thể bạn vì đó có thể là những tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bạn.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!