Thực tế, nhiều người bị đái tháo đường chỉ quan tâm đến chỉ số HbA1c, đường huyết khi đói mà ít quan tâm đến chỉ số đường huyết sau ăn, một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Nếu mức glucose máu sau ăn tăng cao kéo dài mà không có biện pháp can thiệp, người bị đái tháo đường type 2 rất dễ có nguy cơ gặp các biến chứng khôn lường. Vậy cần làm gì để chỉ số này ổn định? Mời bạn theo dõi bài viết sau của Hello Bacsi!
Tại sao việc kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn lại quan trọng?
Ở người khỏe mạnh, đường huyết tăng cao sau ăn là hiện tượng bình thường nhưng với người bị tiểu đường type 2, mức glucose máu “leo dốc phi mã” và tái diễn liên tục sẽ kích hoạt các phản ứng oxy hóa gây tổn thương thành mạch, tạo tiền đề cho các mảng xơ vữa hình thành. (1)
Việc động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn dẫn đến nguy cơ xuất hiện các tình trạng như: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Đường huyết tăng cao cũng làm tổn thương các mao mạch cung cấp máu cho não, cản trở tuần hoàn lưu thông, hệ quả là người bệnh cảm thấy khó tập trung hoặc suy nghĩ rõ ràng. (1)
Trái lại, nếu mức đường huyết giảm đột ngột, người bệnh có thể đối mặt với các triệu chứng như run rẩy, chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu, hôn mê. Do đó, để giảm tỷ lệ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, việc kiểm soát đường huyết sau ăn là điều hết sức cần thiết. (2)
Làm thế nào để biết đường huyết sau ăn không ổn định?
Để có thể theo dõi đường huyết sau ăn chính xác, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) khuyến cáo: Người bệnh nên đo đường huyết trước bữa ăn và đúng 2 giờ sau khi ăn. Bạn có thể đo đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết cá nhân hoặc tại cơ sở y tế gần nhất. (3)
Bạn nên giữ thói quen kiểm tra như vậy trong khoảng 1 tuần hoặc lâu hơn. Quan trọng nhất là ghi lại thời gian thực hiện và lượng đường trong máu. Ngoài 2 yếu tố vừa nêu, bạn hãy ghi chú về bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết sau ăn, chẳng hạn như:
- Việc dùng thuốc
- Kế hoạch tập luyện
- Khẩu phần ăn, thực phẩm đã tiêu thụ, cũng như lượng carbohydrate tiêu thụ trong mỗi bữa ăn… (4)
Vậy mức glucose máu sau ăn an toàn là bao nhiêu? Theo ADA mục tiêu chung là lượng đường huyết phải đạt dưới 180 mg/dL (10 mmol/L). Trong trường hợp kết quả thu được sau 2 giờ ăn vượt ngưỡng cho phép, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về hướng giải quyết, tuyệt đối tránh tự ý tăng liều hoặc thay đổi thuốc. (3), (5)
6 cách ổn định đường huyết sau ăn hiệu quả
Nếu phát hiện chỉ số đường huyết sau ăn vượt mức an toàn, hãy thử áp dụng ngay những lời khuyên sau:
1. Uống nhiều nước để tránh ảnh hưởng đường huyết sau ăn
Khi bị mất nước, cơ thể sẽ sản sinh một hormone gọi là vasopressin có tác dụng kích thích thận giữ nước và thúc đẩy gan phóng thích đường dự trữ vào máu. Để ngăn tình trạng này xảy ra, hãy bổ sung nhiều nước trong ngày, nhất là khi thời tiết oi bức hoặc sau khi tập luyện mệt mỏi. Hãy ưu tiên nước lọc hoặc trà thảo mộc không đường để tránh ảnh hưởng đến đường huyết. (6)
2. Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Không ít người vì sợ đường huyết sau ăn tăng vọt nên đã kiêng khem, thậm chí loại bỏ hẳn thực phẩm chứa tinh bột đường ra khỏi thực đơn. Điều này hết sức sai lầm, bởi nguyên tắc chung là một khẩu phần ăn dinh dưỡng phải luôn bao gồm đầy đủ 4 yếu tố: đường – đạm – béo – chất xơ. (6)
Nếu sợ đường huyết tăng, bạn hãy ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết (Glycemic index – GI) thấp. Nhóm này chủ yếu gồm các loại rau, củ, ngũ cốc nguyên hạt và đậu. Chúng được xem là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể, đặc biệt là chất xơ hòa tan giúp tạo cảm giác no lâu, đồng thời làm chậm quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường. (7)
Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế tiêu thụ bánh ngọt, thức uống có đường. Đồng thời hãy chia nhỏ bữa ăn hằng ngày, không ăn quá nhiều trong một bữa để giữ mức glucose máu ổn định. (6)
3. Đừng bỏ qua bữa sáng
Với vòng xoáy công việc và cuộc sống như hiện nay, không ít người bệnh đã quên mất bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và chọn cách ăn bù vào bữa trưa. Điều này rất dễ gây biến động lớn về lượng đường huyết, đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng insulin trong ngày. (8)
Trong trường hợp quá bận rộn hoặc cảm thấy mệt mỏi không thể dùng cơm, bạn có thể dùng bữa sáng bằng một ly sữa chuyên biệt dành cho người đái tháo đường. Một điều đáng quan tâm là loại sữa này được dùng thay thế cho bữa phụ hoặc bữa chính chứ không nhằm mục đích để uống thêm như nhiều người lầm tưởng.
Theo đó, người bị tiểu đường type 2 nên chọn loại sữa bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu. Đặc biệt một số ít loại trên thị trường hiện nay có hệ đường bột phóng thích chậm giúp hạn chế sự gia tăng quá mức đường huyết sau khi ăn trong 4 giờ.
4. Vận động nhẹ để kiểm soát đường huyết sau ăn
Ngoài kế hoạch tập luyện 30 phút mỗi ngày, người bị tiểu đường type 2 hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn khoảng 15 phút. Việc tăng cường hoạt động thể chất sẽ giúp giảm tưới máu đến ruột, tăng tuần hoàn đến các cơ quan, từ đó giúp quá trình hấp thụ đường vào máu diễn ra chậm hơn. Thêm vào đó, đường trong máu cũng được các cơ vận động “tiêu thụ” bớt. (7)
5. Sinh hoạt điều độ
Để ổn định chỉ số đường huyết sau ăn, bạn nên từ bỏ những thói quen xấu sau (9):
- Uống rượu, bia: Việc dùng rượu, bia trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng insulin – một vấn đề rất lớn với người bệnh tiểu đường type 2
- Ngủ ít, ngủ không sâu giấc: Nghiên cứu cho thấy, những người ngủ ít hơn 4 giờ/ngày có nguy cơ cao bị đề kháng insulin và tăng đường huyết.
6. Sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết sau ăn
Trường hợp việc luyện tập, thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng vẫn không thể ổn định đường huyết sau ăn, bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi thuốc điều trị cho bạn. Quan trọng nhất là bạn phải tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc để tránh được những tác dụng phụ không mong muốn. (10)
Mong rằng qua bài đọc trên, bạn đã hiểu hơn về đường huyết sau ăn cũng như biện pháp cân bằng chỉ số này. Hãy theo dõi thêm các bài viết mới của Hello Bacsi để cập nhật những thông tin hữu ích về đái tháo đường type 2 bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]