Bệnh tiểu đường nên ăn rau gì để ổn định đường huyết và hạn chế các biến chứng của bệnh là vấn đề rất quan trọng. Bạn hãy tham khảo gợi ý mà Hello Bacsi tổng hợp được để bổ sung các loại rau cho người tiểu đường tốt nhất nhé.
Các loại rau củ quả luôn đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, đối với người bị tiểu đường thì việc ăn rau gì sẽ phải được cân nhắc cẩn thận hơn để tránh rủi ro về sức khỏe. Đầu tiên, bạn cần ưu tiên các loại rau có thể kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu hiệu quả. Ngoài ra, bạn còn nên biết thêm một số tiêu chí chọn rau cho người tiểu đường qua bài viết sau đây.
Bệnh tiểu đường nên ăn rau gì? Tiêu chí chọn rau củ quả cho chế độ ăn của người bị tiểu đường
Người bệnh tiểu đường nên ăn rau gì và ăn bao nhiêu sẽ cần cân nhắc kĩ lưỡng hơn so với người khỏe mạnh. Tuy nhiên, tin vui là vẫn có những thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, giúp bạn kiểm soát mức đường huyết rất tốt.
Những loại thực phẩm này có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ các biến chứng của tiểu đường như bệnh tim, huyết áp cao và béo phì. Vì vậy, hãy lưu ý đến những tiêu chí chọn rau củ có lợi cho tình trạng sức khỏe của bạn mà Hello Bacsi tổng hợp sau đây.
Rau củ có chỉ số đường huyết (GI) thấp
Đối với vấn đề bệnh tiểu đường nên ăn rau gì thì câu trả lời là bạn nên ưu tiên chọn các loại rau củ có chỉ số đường huyết (GI) thấp.
Mức GI của thực phẩm nói chung và rau củ nói riêng sẽ cho bạn biết được tốc độ cơ thể hấp thụ glucose từ thực phẩm đó để tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, rau củ có mức GI càng thấp sẽ càng có lợi cho người bị tiểu đường và ngược lại, bệnh nhân nên tránh ăn những thực phẩm có mức chỉ số GI cao.
Gợi ý một số loại rau củ có chỉ số đường huyết (GI) thấp mà người tiểu đường có thể bổ sung vào chế độ ăn:
- Rau chân vịt,
- Rau cần tây,
- Bắp cải,
- Măng tây,
- Bông cải xanh,
- Bông cải trắng (súp lơ),
- Đậu xanh,
- Rau diếp,
- Cà tím,
- Ớt chuông…
Rau củ có hàm lượng nitrat cao
Mặc dù nitrat được con người sử dụng như một chất bảo quản thực phẩm nhưng sự thật thì nitrat cũng có sẵn trong rau củ. Nếu bạn ăn rau củ giàu nitrat có thể làm giảm huyết áp và giúp cơ thể cải thiện hoạt động của hệ tuần hoàn.
Tuy nhiên, lưu ý là bạn chỉ nên ăn rau củ giàu nitrat tự nhiên chứ không phải rau củ chứa nitrat do nhà sản xuất thêm vào trong quá trình trồng trọt hoặc chế biến. Người bị tiểu đường có thể chọn một số loại rau củ giàu nitrat tự nhiên phù hợp với chế độ ăn như
- Rau diếp,
- Rau cần tây,
- Rau xà lách rocket,
- Củ cải đường (hoặc nước ép củ cải đường),
- Cây đại hoàng…
Bệnh tiểu đường nên ăn rau gì? Bạn nên chọn rau củ giàu protein
Việc ăn thực phẩm hoặc rau củ giàu protein sẽ giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn và hạn chế ăn vặt giữa các bữa chính. Vì vậy, nếu bạn thắc mắc bệnh tiểu đường nên ăn rau gì thì câu trả lời là hãy bổ sung các loại rau giàu protein để không cảm thấy thường xuyên bị đói, đặc biệt là khi đang muốn giảm cân để cải thiện tình trạng bệnh.
Hàm lượng protein cần thiết cho cơ thể sẽ có sự khác nhau giữa mỗi người vì còn phải phụ thuộc vào những yếu tố như chiều cao, cân nặng, giới tính, mức độ hoạt động thể chất… Điều này đồng nghĩa rằng những người có kích thước cơ thể lớn, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người chơi thể thao… sẽ cần nhiều protein hơn so với bình thường.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết chính xác cơ thể mình cần bao nhiêu protein mỗi ngày thì hãy trao đổi thêm với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Gợi ý một số loại rau giàu protein mà bạn có thể thêm vào mỗi bữa ăn:
- Cải bó xôi,
- Măng tây,
- Cải mù tạt xanh,
- Bắp cải Brussels,
- Bông cải xanh,
- Bông cải trắng (súp lơ),
- Rau cải thìa…
- Rau củ quả giàu chất xơ
Chất xơ có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón, giảm mức cholesterol xấu và giúp bạn kiểm soát cân nặng. Vì vậy, một chế độ ăn gồm rau củ quả giàu chất xơ sẽ đem đến nhiều lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường.
Có thể kể đến một vài loại rau củ quả giàu chất xơ bạn nên bổ sung vào chế độ ăn như cà rốt, củ dền, bông cải xanh, bông atiso, bắp cải Brussels, đậu Hà Lan, trái bơ, chuối… Lưu ý là bạn chỉ nên bổ sung chất xơ từ các loại rau củ quả tự nhiên chứ không phải từ các nguồn khác, chẳng hạn như thực phẩm chức năng nhé.
Rau cho người tiểu đường cần được ăn đúng cách
Khi mắc bệnh tiểu đường hoặc đang chăm sóc người thân bị tiểu đường, bạn nên áp dụng một vài gợi ý sau đây để cơ thể người bệnh nhận được lợi ích tối đa từ việc ăn rau củ.
Bệnh tiểu đường nên ăn rau gì? Bạn nên ăn đa dạng các loại rau củ quả
Các chuyên gia khuyến nghị rằng việc ăn nhiều loại rau củ quả khác nhau là cực kỳ quan trọng. Bởi việc này sẽ giúp cơ thể được bổ sung đầy đủ các loại vitamin và cân bằng các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống của bạn.
Gợi ý là bạn có thể chú ý đến màu sắc của các loại rau củ trong mỗi bữa ăn của gia đình. Nếu những món ăn của bạn bao gồm nhiều loại rau củ với các màu sắc khác nhau thì điều này cho thấy bạn đang bổ sung rất nhiều loại vitamin cho cơ thể.
Bạn nên thêm chất béo tốt khi chế biến các món rau
Có thể bạn đã biết bệnh tiểu đường nên ăn rau gì nhưng đừng bỏ quên việc ăn làm sao để hấp thu được hết dinh dưỡng từ rau. Những loại rau có lợi cho người bệnh tiểu đường như cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn… đều chứa các vitamin A, E và K. Đây đều là những loại vitamin tan trong chất béo rồi mới được cơ thể hấp thụ.
Vì vậy, hãy chọn nguồn chất béo tốt để chế biến chúng như dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng, dầu hướng dương,…
Bạn nên ăn rau trước các thực phẩm khác trong bữa ăn
Hoạt động này sẽ giúp đường huyết của người bệnh không bị tăng cao sau khi ăn. Như vậy có thể nói, không chỉ vấn đề người bệnh tiểu đường nên ăn rau gì mới quan trọng mà ngay cả cách ăn rau cũng có ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu hệ tiêu hóa gặp vấn đề khi ăn rau
Chúng ta quan tâm rất nhiều đến vấn đề bệnh tiểu đường nên ăn rau gì nhưng thực tế vẫn có những người bệnh không thể ăn rau.
Có một số người không hợp khẩu vị với một số món rau. Giải pháp gợi ý là bạn có thể đổi nhiều cách chế biến khác nhau để món rau trở nên dễ ăn và ngon miệng hơn nhé.
Đối với một vài trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh tiểu đường ăn rau, nhất là rau quá giàu chất xơ, sẽ gặp các vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích… Nếu rơi vào tình trạng này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được tư vấn chi tiết về loại rau phù hợp với khả năng tiêu hóa của cơ thể hơn.
[embed-health-tool-bmi]